Giồng đất này hầu như đã bị đào phá lung tung, ĐHC chọn một nơi còn hoang vu, chưa từng bị đào vì dân ở đây nói xương người nhiều nên họ không dám động tới. Chỗ này âm khí tràn ngập nên phải cúng lễ cẩn thận, sau đó vừa đúng ngọ là bắt đầu cắm cọc đào . Vừa đào xuống khoảng vài tấc thì đã gặp xương người, xương này vừa nhìn thì đã biết cổ xưa lắm rồi…, đào xuống tiếp tục thì thấy có rất nhiều đồ gốm cổ, chính là khu mộ của người Sa Hùynh. Một khu mộ cực lớn, người Sa Hùynh chôn người chết vào những chiếc chum sành to, người chết được xếp lại theo tư thế giống như bào thai nằm trong bụng mẹ vậy. Đào theo hai đường dọc và ngang mỗi bên được chừng hơn năm cái mộ chum như vậy, thì bắt đầu cho khóet sâu vào trong chum. Xương người còn rất đầy đủ, đến một cái chum còn nguyên một cái sọ người, hai hốc mắt trong sọ bỗng nhiên lóe lên ánh đỏ rực….Sáng sợ quá vùng bật dậy bỏ chạy, Người Bạn và “anh Năm” lật đật chạy theo, ra tới bìa giồng mới bắt kịp được Sáng. Y quá sợ rồi nên không dám làm nữa, buộc phải cho Sáng ra một góc ngồi. Ánh sáng mặt trời chiếu vào hốc mắt của sọ người gặp hai viên đá phát quang nên mới rực lên như vậy. Trong lúc mọi người cùng người bạn tập trung vào mộ chum chính giữa tìm mấy viên đá thì ĐHC để ý đến chiếc mộ chum nằm ngoài bìa, nó to hơn bình thường một chút, nắp đậy vẫn còn nguyên….xem ra đây mới đúng là chiếc mộ chum cần tìm. ĐHC cạy nắp ra, dùng một con dao nhỏ khoét từ từ, cho tay vào sâu bên trong lần theo các khúc xương thì gặp một vật lạnh ngắt ; tấm linh phù đeo trên cổ của người Sa Hùynh đây rồi….mấy chục năm nay hầu như chưa ai tìm được. ĐHC lấy ngón tay cái kẹp lấy, che nó trong lòng bàn tay rồi thản nhiên đứng dậy, bỏ gọn vào túi áo mà tim còn đập thình thịch.
Đến xế chiều thì đào được 9 viên ngọc đỏ và 3 cái vòng đeo tay trong cái mộ chum mà ĐHC lấy được tấm linh phù. Bộ xương người trong mộ còn nguyên, rất thanh mảnh, răng, tóc cũng còn đầy đủ, chắc là của một người đàn bà. Có thể là Hoàng Hậu hoặc Công Chúa gì đó vì đồ tùy táng chôn theo toàn là đồ trân quý. Ví như 3 chiếc vòng đeo tay, bề ngang to phải hơn 2 phân, một chiếc màu xanh, có thể là đá cẩm thạch, nặng trìu trịu, hai chiếc còn lại một vàng một đỏ bằng thủy tinh cực đẹp. Những viên ngọc đỏ màu huyết dụ, trong veo, mỗi viên ước chừng đầu ngón tay út. Một số cục đá hình dạng kỳ lạ, hoa văn lộng lẫy, giống như đá mã não hay gân gà gì đó, sáng lấp lánh, chắc là đồ trấn yểm được chôn theo... Sau khi lấp đất chôn lại, cúng tế thêm một lần nữa, thì bắt đầu rút về. Sáng bây giờ trở nên câm lặng, không nói được gì nữa, cặp mắt lờ đờ, anh ta xui xẻo bị trúng tà khí dưới mộ bốc lên nên thành ra như vậy. Đành phải cho Sáng nằm trên thuyền, theo kinh nghiệm chừng vài ngày thì Sáng sẽ khỏi. Trên đường đi Ba Đen cũng đâm ra lầm lỳ, chỉ có “anh Năm” là vẫn ung dung chèo ghe miệt mài. Về đến nơi thì trời cũng vừa sập tối.
Chiều hôm sau “anh Ba” nấu một nồi cháo hào và làm một con gà, kêu Nhi qua mời ĐHC. Trên đường đi, Nhi nói “sáng nay em thấy anh cho chuyển đồ xuống ghe anh Phương, bộ mai anh về sớm?” – Nhi hạ giọng nói nhỏ “du kích xã họ bàn tính lúc anh ra sông là họ sẽ chặn xét ghe đó” – “họ lấy lý do gì để xét” – “họ xét ghe lấy hết đồ quý rồi anh Nghi sẽ đến nói là xét lầm thôi, lúc đó thì huề cả làng” – Thì ra là vậy, thảo nào thấy Nghi rất ung dung, anh ta làm như không biết chuyện gì xảy ra cả. ĐHC hỏi “sao họ lại biết có đồ gì” – Nhi thì thầm “thì Ba Đen chứ ai” –Ba Đen quá cùng quẫn nên làm bất cứ chuyện gì miễn là có tiền.- Nhi nói tiếp “anh Ba biết Ba Đen như vậy nên cũng dùng y xem chừng anh Nghi luôn…em cho anh biết, Phương cụt cũng là đệ tử của anh Ba đó, ảnh sắm ghe, đưa tiền cho anh Phương buôn hàng, chứ cỡ “Phương cụt” thì làm gì có tiền”. Thì ra, nếu ĐHC có thoát khỏi tay Nghi thì cũng khó mà thoát khỏi thiên la địa võng mà “anh Ba” đã giăng sẵn.
Ngồi trên bộ ván ngựa khổng lồ, ngoài ĐHC, còn có một người lạ mặt mà “anh Ba” giới thiệu là “đồng môn huynh đệ”. Người này mắt nhỏ mà râu dài, nhìn bề ngoài cũng biết là thầy pháp. Chỉ nội một mình “anh Ba” thôi đối phó cũng đủ mệt rồi, có thêm người này nữa thì phen này ĐHC chắc là hết đường về. Tới lúc này mới có dịp nhìn kỹ cái bàn thờ của “anh Ba”. Cái bàn thờ đúng là bằng gỗ mun, chạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo, cẩn ốc xà cừ bảy màu lấp lánh. Cái lư hương không chạm rồng phượng như những lư hương bình thường mà lại chạm hình rắn thần có ba đầu. Phía trên là tượng Phật nhưng lại có con mãng xà năm đầu che phủ bên trên, hai bên cũng có tả hữu Hộ pháp….