III. TAM GIÁO HIỆP NHỨT
Khắp hoàn cầu, không nước nào là không có một nền tôn giáo, mà tôn giáo nào cũng trải qua một cái lịch sử vẻ vang, trong đấy lại tương truyền lắm chuyện huyền bí, phép tắc lạ thường. Song những việc mầu nhiệm ấy, một phần là có thiệt, phần nhiều tự tay người trong đạo vẽ viên ra, chủ ý là để nâng cao giá trị đạo mình.
Lược luận về Tam Giáo phát tích ở Trung Nguyên (nước Tàu) tác giả sở dĩ do theo chơn lý mà giải bày ý tưởng, về việc sâu xa huyền bí, xin để riêng ra.
***
Nước Tàu vẫn có ba mối Ðạo lớn là: Lão Giáo, Thích Giáo, Khổng Giáo gọi là Tam Giáo. (*1)
Lão Giáo là Ðạo của Ðức Lão Tử truyền ra. Ngài sanh nhằm đời nhà Châu, lối 604 năm (*2) trước Chúa Giê-giu giáng thế.
Khổng Giáo là Ðạo Nho của Ðức Khổng Tử lập thành. Ngài cũng sanh nhằm đời nhà Châu, lối 551 năm (3*) trước Chúa Giê-giu giáng thế.
Cũng trong đời nhà Châu, Ðức Thích Ca (Thích Già) lại giáng sanh bên Ấn Ðộ lối 560 năm trước Chúa Giê-giu giáng thế. Ngài lập thành Ðạo Phật. Sau lần lần Ðạo Phật truyền sang Trung Quốc mà đặng thạnh hành là kể từ khi ông Trần Huyền Trang sang Ấn Ðộ thỉnh kinh Tam Tạng đem về nước mình (629 năm sau Chúa Giê-giu giáng thế).
Sách truyền rằng có một lần Ðức Khổng Tử yết kiến Ðức Lão Tử, khi trở về nói với chư môn đệ rằng: "Chim thì bay, cá thì lội, thú thì chạy. Mà chim bay có thể bắn, cá lội có thể câu, thú chạy có thể giăng lưới, duy có con rồng biến hóa theo mây gió thì ta không biết làm sao mà bắt đặng. Lão Tử tức là con rồng vậy".
Ðó đủ chứng rằng Ðức Lão Tử và Ðức Khổng Tử xưa kia chẳng hề nghịch lẫn nhau, mà Khổng Tử lại còn khen phục Lão Tử nữa. Sau ra Khổng Giáo và Lão Giáo có chỗ xung đột lẫn nhau là chỉ tại nơi môn đồ hai bên vì câu "Các thị kỳ đạo" (*4) mà ra nông nỗi.
Ðức Khổng Tử dạy về Nhơn Ðạo, lấy nhơn luân xã hội làm gốc. Tôn chỉ Ðạo Khổng là lo chung cho xã hội vậy.
Ðức Lão Tử thì dạy về Tiên Ðạo, chuyên chú về phương pháp hư vô huyền bí, để cầu cho linh hồn đặng thảnh thơi an tịnh. Tôn chỉ Ðạo Lão là lo phần hồn cho cá nhân vậy. Ðạo Lão vẫn là cao thâm huyền bí, nên ít người hiểu thấu. Vả lại, trong kinh sách Ðạo Lão, nhứt là trong “Ðạo Ðức Kinh" lý luận đều là lời nói bóng dáng, chỗ giấu chỗ bày, làm cho nhiều người chẳng những học sái hiểu lầm, mà lại còn canh cải vẽ viên ra nhiều thế, thành ra một mối đạo rất cao thượng ẩn vi phải hóa ra một lối dị đoan thậm là hoang đàng vô lối.
Nay thử đem Khổng Giáo và Lão Giáo dung hòa lại để bổ khuyết cho nhau, thì hạp lẽ lắm. Ta nên vừa lo Nhơn Ðạo (Ðạo Khổng) vừa lo Tiên Ðạo (Ðạo Lão) một lượt. Vả Ðạo Khổng cần phải động, còn Ðạo Lão là Ðạo cần phải tịnh. Phàm con người ở đời, hễ có động, tất phải có tịnh, ấy là luật quân bình (loi du rythme). Như ban ngày hoạt động lao thần mệt xác, ban đêm cần phải nghỉ ngơi để tịnh dưỡng tinh thần cùng bồi bổ sức lực lại mới đặng. Khi phải bôn xu theo đường sinh kế, ta cần phải lấy cang thường luân lý mà cư xử với đời, lấy lòng đạo đức mà đối đãi với nhơn quần xã hội cho tròn nghĩa vụ làm người. Ấy là giữ theo Nhơn Ðạo vậy.
Ngoài giờ làm lụng, trong cơn nhàn, khoảng vắng, ta phải biết di dưỡng tinh thần, cho tâm hồn được thảnh thơi mát mẻ, đoạn cả điều tư lự, không cho một điểm trần diêu động đến thanh tâm, thì tinh thần mới được yên tịnh mà tiếp lấy thanh khí Tiên Thiên, tẩm tưới cho linh hồn ngày một được thêm nhẹ nhàng trong sạch, rồi đem cái tình cảm hóa của ta để ứng hiệp với Trời Ðất. Ấy là giữ theo Tiên Ðạo vậy. Thế thì Nhơn Ðạo (Ðạo Khổng) và Tiên Ðạo (Ðạo Lão) cần phải nối nhau để bổ khuyết cho nhau mới thuận theo luật quân bình thiên nhiên đặng.
Bây giờ ta thử xem coi Ðạo Lão và Ðạo Phật có chỗ điều hòa nhau được chăng? Lúc Ðạo Phật mới bắt đầu phổ thông qua Trung Quốc, thì nhà Phật cũng nương theo Ðạo Lão mà truyền bá tôn chỉ đạo mình. Cũng nhờ tư tưởng và triết lý Ðạo Phật và Ðạo Lão có nhiều chỗ phù hạp nhau lắm, nên các nhà truyền Ðạo Phật mới mượn những danh từ của Ðạo Lão để diễn giải tư tưởng mới của đạo mình. Nhờ vậy Ðạo Phật mới được người Tàu hoan nghinh mà sự phổ thông cũng khỏi gặp lắm điều trắc trở. Thế thì Ðạo Lão và Ðạo Phật đã điều hòa nhau từ khi Ðạo Phật mới bắt đầu truyền sang Trung Quốc vậy. Cứ theo mấy cớ bày giãi trước đây, thì Tam Giáo hiệp nhứt là lẽ phải vậy. Ðó là một lẽ. Còn một lẽ thứ hai như vầy:
Theo lẽ tuần hườn, việc chi cũng có đầu, có giữa rồi mới tới khúc đuôi là chỗ cuối cùng. Ðến chỗ cuối cùng rồi, tất phải trở lại đầu, gọi là qui nguyên. Ðại Ðạo mở ra đều do theo ngươn hội, mỗi ngươn hội đều có Tam Giáo cả.
Như Thượng ngươn nhằm Tý hội, thì có Nhứt Kỳ Phổ Ðộ. Nhơn Ðạo thì có Bàn Cổ mở mang, Tiên Ðạo có Hồng Quân Lão Tổ lập thành, Phật Ðạo có Nhiên Ðăng truyền giáo.
Qua Trung ngươn nhằm Sửu hội, thì có Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Lập Nhơn Ðạo có Khổng Tử, Tiên Ðạo có Lão Tử, Phật Ðạo có Thích Ca.
Nay đến kỳ Hạ ngươn nhằm Dần hội, nên Ðức Thượng Ðế lựa năm Bính Dần, dùng huyền diệu cơ bút lập thành Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Vì Hạ ngươn là ngươn chót, ngươn cuối cùng, nên Ðại Ðạo phải qui nguyên theo lẽ tuần hườn. Vì vậy mới có cái chủ nghĩa Tam Giáo qui nhứt. Tam Giáo bằng không qui nhứt, thì thế nào qui nguyên cho đặng? Ðó là lẽ thứ hai.
Vả, nước Nam ta chịu ảnh hưởng Tam Giáo rất lâu đời, mối chánh truyền đã biến đổi.
Cho nên mục đích Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là cốt để qui Tam Giáo hiệp nhứt, sửa đổi tôn chỉ lại cho quang minh chánh đại, cho thích hạp thời nghi, rồi gióng trống "Lôi Âm" rung chuông "Bạch Ngọc", thức tỉnh nhơn sanh khử ám hồi minh mà theo đường đạo đức.
Từ đây nước Nam ta mới có một nền Chánh giáo rất long trọng mà tự chúng ta nhờ Ðức Thượng Ðế dìu dắt lập thành. Ấy là một điều đại hạnh phúc cho nòi giống Việt Nam ta, lại cũng là một điều đại vinh diệu xưa nay ta chưa từng thấy vậy. Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ sẵn lòng hoan nghinh cả tín đồ trong các giáo, đánh đổ cái quan niệm "Các thị kỳ đạo" rồi dùng một mối "Tín ngưỡng độc nhứt" mà buộc nhau cho ngày một khắng khít, để cùng nhau chung thờ một Thần Chơn lý mà thôi.
Ấy ai là người mộ đạo tu hành, xin bỏ dạ hiềm nghi, dứt lòng đố kỵ, hãy đồng tâm hiệp lực, sớt nhọc chia lo để hoằng hóa mối Ðạo Trời, thả chiếc thuyền từ vớt muôn triệu sanh linh đương nổi chìm trong khổ hải. Ấy là công quả rất lớn lao trong thời kỳ khai đạo lần ba nầy vậy.
______________________________________
(*1) Xin luận về Tam Giáo về Nhị Kỳ Phổ Ðộ mà thôi. Còn Nhứt Kỳ Phổ Ðộ thì lâu đời lắm, xin miễn luận.
(*2)&(*3) Do theo các nhà bác học Âu Châu khảo cứu.
(*4) Ai cũng lấy Ðạo mình làm phải, làm chánh.
Bookmarks