II. ÐẠO THỜ TRỜI
Thử hỏi: "Ai sanh ra ta đây?”. Rồi hỏi luôn: "Ai sanh ra Ðấng mà đã sanh ra ta?". Cứ truy nguyên như vậy cho đến ông ngươn tổ của loài người, tức là Ðấng tạo hóa ra muôn loại. Ðấng Tạo Hóa ấy phải vô thỉ, vô chung, toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng mới sanh ra đặng muôn loại, làm cha chung của chúng sanh. Người Annam ta gọi là Ông Trời, người Tàu gọi là Thượng Ðế, người Pháp gọi là Dieu. Người Ấn Ðộ gọi là Brahma, người Hébreux gọi là Jéhovah, v.v… Tuy mỗi nước xưng tụng danh hiệu Ðức Chí Tôn theo tiếng nước mình, chớ tựu trung cái tư tưởng cũng chỉ về có một Ðấng Chúa Tể mà thôi. Ðã rằng Ðấng Tạo Hóa sanh ra muôn loại, thì con người ai lại chẳng tôn trọng cái hồng ân vô cực ấy? Ðã rằng Ðấng Tạo Hóa là bực toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng, thì con người ai mà chẳng khủng khiếp cái hồng oai vô thượng ấy? Có tôn trọng cái hồng ân của Ngài, có khủng khiếp cái hồng oai của Ngài, lòng người mới phát hiện ra cái quan niệm sùng bái thờ phượng Ngài vậy.
Toàn cả thế gian, tự cổ chí kim, từ dân tộc dã man dĩ chí dân tộc văn minh, nhơn loại bao giờ cũng chú trọng về Ðạo thờ Trời, nhưng cách thức thờ phượng cùng lễ nghi tế tự, sở dĩ khác nhau là vì nước nào do theo phong tục nước nấy. Bên Âu Mỹ, ai cũng được thong thả thờ Trời, chớ không phải như nước Tàu và nước Nam ta khi xưa, chỉ có nhà vua mới đặng đứng ra tế Trời (Tế Giao) mà thôi, vì ý tưởng rằng chính mình bực Thiên tử mới xứng đáng thay mặt cho cả thần dân mà dưng lễ tế ấy, cho rằng thần dân là bực thấp hèn không phép đường đột ra mà tế Trời, e khi có thất lễ đi chăng, cho nên nhơn dân dẫu rằng có lòng tôn trọng sùng bái đến đâu đi nữa, cũng không thể tỏ ra bề ngoài, mỗi năm chỉ đợi đến ngày mồng tám tháng Giêng, đặt ra trước nhà một bàn vọng Thiên gọi là hả hơi chút ít. Cái quan niệm thờ Trời đã sai lầm như thế làm cho đạo tâm con người một ngày một mòn mỏi. Ai ai cũng biết rằng Ðức Thượng Ðế là Chúa Tể cả Càn Khôn Thế Giái, khi ốm đau tai nạn thường hay cầu khẩn nơi Ngài, nhưng đối với Ngài người Nam ta chỉ có cái chủ nghĩa "Kính trọng mà không thờ phượng". Ngặt vì tánh tình người mình vẫn chú trọng về lối tôn sùng, mà bởi không phép thờ Trời, nên mới sanh ra cái chủ nghĩa “Ða Thần", rồi tha hồ ai muốn tôn trọng vì Thần Thánh nào tùy ý. Trong việc tế lễ đã chẳng có pháp mục qui điều gì cả, mà lòng mê tín cho đến đỗi thờ phượng Tà thần Tinh quái. Nhơn đó mà sản xuất ra nào là Tả đạo Bàng môn, dị đoan, tà thuyết.
Cuối kỳ Hạ ngươn nầy, Ðạo Trời rộng mở ra tại Nam phương cho mọi người có lòng tín ngưỡng đều được thong thả phượng thờ Ðức Thượng Ðế nơi nhà, thế thì lòng ngưỡng vọng của chúng ta đối với Ðạo Trời từ đây mới mãn nguyện, rồi sự mê tín xưa nay của phần nhiều trong bực hạ lưu nước ta sẽ bắt đầu lần lần tiêu diệt.
Thoảng như có người sẽ hỏi: "Tạo Hóa là Ðấng toàn tri, toàn năng, hóa sanh muôn loại, bông hoa, cây trái, vật nào lại không phải của Ngài tạo ra, như vậy cần chi mình phải dùng những vật của Ngài tạo ra mà cúng dâng lại cho Ngài?".
Xin đáp: “Ðấng Tạo Hóa sanh ra ta lại ban cho ta một điểm linh hồn thông sáng, nhờ đó mà ta đứng vào địa vị tối linh hơn muôn loại. Vậy ta phải biết ơn Ðấng Tạo Hóa. Cũng bởi muốn tỏ dấu biết ơn ấy, ta mới thờ phượng Ngài, mà đặt ra hễ thờ phượng thì phải dụng hương đăng trà quả theo lễ nghi tế tự nước nhà vậy thôi, chớ Ngài đâu phải dùng đến".
Hoặc giả kẻ ấy gạn hỏi nữa như vầy: "Tôi tưởng lại Ngài là bực tối cao, tối trọng, đại từ, đại bi, cần chi cho chúng ta biết ơn? Mà dầu cho chúng ta không biết ơn đi nữa, lòng đại từ đại bi của Ngài cũng không bao giờ chấp nhứt".
Xin đáp: “Phải, Ðấng Tạo Hóa là bực tối cao, tối trọng cần chi cho ta biết ơn, lại lòng đại từ, đại bi của Ngài vẫn không hề chấp nhứt kẻ không biết ơn Ngài, thậm chí Ngài cũng không chấp đến kẻ không tin có Ngài nữa. Song bổn phận chúng ta đặt ra hễ có mang ơn thì phải biết ơn mới là phải đạo. Cúng kiếng thờ phượng Ngài, mến yêu tin tưởng Ngài, ấy là tỏ dấu biết ơn Ngài trong muôn một. Ví dụ như kẻ kia có thọ ơn nặng của một người giàu sang, quyền quới. Kẻ ấy lại nói rằng: "Người ơn của tôi tiền của có, quyền tước có, tuy tôi thọ ơn nặng của người, chớ không cần chi tôi phải trả ơn, vì người có cần chi đến tôi đâu?”. Lời luận lảm nhảm như vậy, tưởng không cần thất công cãi lẽ.
Hoặc giả kẻ ấy lại còn hỏi thêm rằng: "Dầu mình biết ơn Ðấng Tạo Hóa, tưởng lại một tấm lòng kỉnh thành tin tưởng là đủ, vì Ngài là Ðấng tối linh, tâm mình vừa động, Ngài đã hiểu biết rồi, vị tất phải bày ra lễ nghi tế tự là cuộc phô trương bề ngoài?".
Xin đáp: “Ở nhầm thời đợi ồn ào náo nhiệt nầy, nhiều việc làm cho đạo tâm ta mau xao lãng: nào là nỗi sớm lo, chiều liệu trong đường sinh kế, nào là cuộc bi thương hoạn lạc, mỗi mỗi làm cho ta xa lần mối đạo. Cho nên cần phải có phương chi để nhắc nhở và bó buộc lòng ta cho khỏi thất đạo (*1). Cái phương pháp ấy, tức là việc cúng kiếng, phượng thờ Ðấng Tạo Hóa vậy. Vả lại, việc cúng thờ cần phải hiệp đông người và phô trương ra một cách chí thành, chí kỉnh, có pháp mục oai nghiêm mới ra vẻ tôn giáo. Ấy chẳng những là một phương pháp nhắc nhở lòng ta đừng lãng xao đường đạo và nuôi nấng đức tin cho những người cùng chung một mối tư tưởng, mà lại cũng là một cách khôi phục lòng người ngoại cuộc. Kìa một Thánh Thất đương khi hành lễ, cả bổn đạo đồng quì lại trước Thiên bàn, miệng đương thành kỉnh niệm kinh, tinh thần đương lúc nương theo mùi hương ngào ngạt mà bay thấu Linh Tiêu. Ðối với tấm lòng chí thành, chí kỉnh của nhiều người hiệp lại, dầu cho ai là kẻ trước muốn chê bai phỉ báng, mà đã vào nơi một cái hoàn cảnh oai nghiêm êm tịnh như vậy rồi, tưởng lại tấm lòng khi ngạo cũng phải xiêu xiêu giảm xuống".
Ngày nào cái quan niệm thờ Trời khắp cả hoàn cầu đều được đồng nhứt thể, nghĩa là ngày nào cả thiên hạ hiểu rằng tuy tiếng đặt ra để xưng tụng Ðấng Tạo Hóa mỗi nước mỗi khác, chớ kỳ trung cũng chú ý thờ phượng Ðấng Chúa Tể cả Càn Khôn, Thế Giái, thì ngày ấy cái chủ nghĩa tín giáo sẽ được thống nhứt (unité des croyances) rồi các sắc nhơn dân, hễ nuôi nấng một lòng tín ngưỡng, thì mới biết hòa hiệp nhau, tương thân, tương ái, chung một Tỉ Tổ tức là chung một Cha, nước nầy nhơn đó mà liên hiệp với nước kia, người xứ kia nhơn đó mà đoàn thể với người xứ nọ, làm cho năm châu chung chợ, bốn biển một nhà, hết phân biệt màu da sắc tóc, bỏ nghi kỵ lẫn nhau, thôi xâu xé lẫn nhau, rồi đời mới được thái bình, trăm họ mới được núp mát dưới bóng cờ bác ái.
Chúng ta nên hằng bữa thắp hương cầu nguyện cho mau đến ngày hạnh phước ấy, cho cái chủ nghĩa "Tín giáo thống nhứt" đặng mau kết quả. Mà muốn cho cái chủ nghĩa cao thượng ấy kết quả đặng, duy có Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là cơ quan vận động. Lẽ ấy cũng do Thiên ý, chớ chúng ta là kẻ phàm phu tục tử khó mong vọng cầu đến việc lớn lao tày đình như vậy. Tiên Nho có câu: "Nhứt ẩm nhứt trác sự giai tiền định". Một việc ăn, một việc uống là việc rất nhỏ mọn mà còn có định trước thay, hà huống Ðạo Trời mới phổ thông vừa đặng bốn năm mà số người tín ngưỡng kể đến hằng triệu. Xét đó thì biết rằng nếu không phải Thiên ý thì nhơn lực không bao giờ làm đặng.
Vốn từ trước Thánh giáo bị vào tay phàm mà hóa ra phàm giáo, người trong mỗi đạo chỉ biết tôn trọng vị Giáo chủ của mình mà thôi, vì vậy mà đạo nầy nghịch lẫn đạo kia, nhơn đó mà gây ra lắm cuộc công kích xung đột lẫn nhau về đường tôn giáo.
Ngày nay Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ra đời là để giải cái nạn tôn giáo ấy. Tôn chỉ cốt để lo truyền bá cho dân gian biết rằng các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều phải tôn sùng chung có một vì Chúa Tể. Ngài là Ðấng cầm quyền qui các Ðạo gom về một mối, để dìu dắt cả sanh linh thoát đọa tam đồ, khỏi vòng luân hồi quả báo mà trở về nguyên bổn, không một ai dưới thế nầy được gọi mình là Giáo chủ. Hội Thánh (le Sacerdoce) lập ra là sở dĩ buộc cho có chánh thể tôn ti để giữ gìn trật tự mà phổ thông mối Ðạo. Hội Thánh không phải toàn là người Nam Việt, chẳng luận người nước nào, ai nhiều đạo đức, quyết chí tu hành đều được gấm ghé vào hàng Chức Sắc (*2). Tưởng chắc trong vài năm sau đây, trong Hội Thánh sẽ hòa hiệp dân lành các nước rồi xúm nhau chung lo nền đạo, phổ thông chủ nghĩa "Bác ái" khắp cả toàn cầu.
Nhơn loại biết thương lẫn nhau, biết nhìn nhau là con một cha, ngoài ra cái chủ nghĩa tối cao tối thượng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, vị tất còn biết trông cậy vào đâu cho đặng?
________________________________Ðạo Trời mừng gặp mở lần ba,
Có Ðạo như con ở một nhà.
Trăm họ cùng chung lòng tín ngưỡng,
Ngậm cơm vỗ bụng hưởng an hòa.
(*1) Ðối với người đạo tâm mạnh mẽ, thì không cần phải nhắc nhở, song đó là phần ít.
(*2) Hiện nay trong hàng Chức Sắc đã có người ngoại quốc rồi: Langsa, Trung Huê, Cao Man.
Bookmarks