Tết: Chùa có thể đi trước trong việc phục hồi y phục truyền thống dân tộc?




Y phục truyền thống dân tộc được nói đến ở đây là áo dài khăn đóng dành cho nam giới, mà trước đây, ở miền Nam, gọi là quốc phục.



Áo dài khăn đóng dành cho nam giới, ngoài vẻ trang nghiêm như áo tràng lam, còn đậm đà bản sắc dân tộc và thể hiện sự trang trọng đặc biệt trong ngày lễ Tết

Áo dài khăn đóng nam giới trước năm 1975 được giới Phật tử sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết.

Trên pháp tòa chùa Xá Lợi, trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, thường thấy các vị cư sĩ mặc áo dài khăn đóng, thường là màu xanh dương, đăng đàn thuyết pháp, hành lễ.

Mãi tới gần đây, một số cư sĩ cao niên hội viên Hội Phật học Nam Việt cũ vẫn mặc áo dài khăn đóng trong các khóa lễ Phật đản, phong thái rất uy nghi, trang trọng.

Điều đáng tiếc là ngày nay, tại TP.HCM chiếc áo dài khăn đóng dành cho nam giới hầu như không còn được thấy nữa, kể cả ở các cụ ông cao tuổi và trong ngày Tết.

Dịp Hội nghị Apec được tổ chức tại Hà Nội, chúng ta vui mừng được thấy các nhà lãnh đạo quốc tế dự họp mặc áo dài truyền thống Việt Nam dành cho nam giới (nhưng không đội khăn đóng).

Tuy đó là một dấu ấn phục hồi y phục truyền thống dân tộc dành cho nam giới, thế nhưng, đó chỉ là một điểm nhấn hình thức. Việc phục hồi đã không mở rộng ở cấp độ rộng rãi hơn, ngoại trừ một số lễ nghi đặc biệt như Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).

Nhưng điều lạ, là xem hình ảnh các chùa Việt ở Mỹ, Canada, lại có thể thấy hình ảnh người cư sĩ mặc quốc phục đi chùa lễ Phật, kể cả mặc khi di chuyển ngoài đường, lái xe hơi, điều hầu như không thể đối với áo tràng lam.

Thế thì, tại sao giới cư sĩ Phật giáo Việt Nam trong nước lại không thể đi đầu trong việc phục hồi áo dài khăn đóng truyền thống của dân tộc, trước hết là ở các cụ ông cao tuổi và những bé trai ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

Áo dài khăn đóng dành cho nam giới, ngoài vẻ trang nghiêm như áo tràng lam, còn đậm đà bản sắc dân tộc và thể hiện sự trang trọng đặc biệt trong ngày lễ Tết.

Một điểm thuận lợi nữa là, như đã nói, nếu như áo tràng lam thường chỉ mặc trong chùa, thì áo dài khăn đóng có thể mặc đi lại trên đường phố.

Tuy nhiên, việc phục hồi vẫn còn khó khăn. Nếu không đẩy nhanh được tiến độ, áo dài khăn đóng nam giới, y phục cổ truyền ngày lễ của dân tộc dần dần chỉ còn trên mặt báo, các chương trình video… mà thôi.

Việc đẩy mạnh phục hồi dạng y phục truyền thống dân tộc này có thể bắt đầu từ việc lễ chùa ngày Tết.

Các vị cư sĩ nam giới giữ nhiệm vụ tri khách ngày Tết có thể mặc áo dài khăn đóng trước hết ở chùa.

Áo dài khăn đóng nam giới đánh dấu sự khác biệt của ngày Tết, ngày lễ trong chùa so với ngày thường và đó là một nét nhấn cho sự gắn bó giữa Phật giáo Việt Nam và truyền thống dân tộc.

Nếu tiến trình phục hồi thuận lợi, từ các ngôi chùa, ngôi đình, áo dài khăn đóng trở nên quen mắt hơn, xuất hiện nhiều hơn sẽ là một bước tiến trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

MINH THẠNH

---

Bác Minh Thạnh có những đề nghị về truyền thống, khi trước là cây nêu tết, không biết có bao nhiêu người hưởng ứng. Bây giờ là quốc phục, tức là áo dài khăn đóng, khăn xếp. Dĩ nhiên đối với phái nữ, áo dài là quốc phục chắc không ai chối cải. Nhưng áo dài khăn đóng với nam giới, lại còn phải bàn, mà không biết bàn với ai đây. Ai có trách nhiệm về việc này? - Quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, quốc thiều, quốc huy, rồi vừa rồi mới nghe đến quốc hoa, đã bình chọn. Tại sao bình chọn quốc hoa mà không bàn đến quốc phục?

Ở Sài Gòn, trước bảy lăm, vì quen với cải lương Hồ Quảng, rồi Hát Bội, Hát Bộ hay Hát Tuồng, toàn áo mão xênh xang, tuồng xưa, từ truyện Tàu, thỉnh thoảng cũng có tuồng Việt, rất hiếm, vua quan thì cũng áo mão, không biết theo truyền thống hay cứ tùy hỉ. Sau bảy lăm, được xem nhiều tuồng tích Việt hơn, nhất là những đoàn ở Hà Nội, nhưng sau thấy toàn áo dài khăn đóng, vua cũng áo dài khăn đóng, quan văn cũng áo dài khăn đóng, quan võ cũng áo dài khăn xếp chỉ thêm đai lưng. Thấy hơi tẻ nhạt, chán ngắt, vì quen với áo mũ ngày nào, màu sắc lộng lẫy. Bây giờ thấy lại có chút gì truyền thống của Việt Nam. Đùng một cái phim Đường Đến Thăng Long toàn áo mũ, và phim cũng được dàn dựng quay bên Tàu, không biết có phải cởi mở, đổi mới hay ý gì khác không?

Có lần đọc bài báo thấy một nhà ngoại giao kể chuyện trình quốc thư, một số quốc gia đòi hỏi người trình quốc thư phải mặc quốc phục, mà quy định quốc quyền Việt Nam chưa cho phép áo dài khăn đóng, nên phải mướn bộ đồ có hai cái đuôi lòng thòng, lại không sai quy định (!) để trình quốc thư, lạ nhĩ lại có những nước nào rắc rối thế? Trong khi Việt Nam, phim từng chiếu cảnh áo dài khăn xếp bị cho là phong kiến (Định mang áo dài khăn xếp mà làm cách mạng à?)

Vậy thì nhiệt tình của Bác Minh Thạnh chắc phải phải chờ đến quốc quyền thì quốc phục mới có cơ thành quy chế, nhờ người có quyền thể nghiệm trước trong những lễ hội, phải thế không?