Thưa bạn cuoi-chu, khi nghiên cứu ngôi mộ này, chúng tôi cũng rất quan tâm đến trang phục. Khi bài báo đầu tiên của Phạm Ngọc Dương đưa tin có quần áo để lại hiện trường, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu. Nhưng rất tiếc quần áo đó đã mất màu và mục nát (do bị ngâm duới bùn nước 2 tháng sau khi bị đưa lên từ hầm mộ).
Chúng tôi có trong tay rất nhiều tài liệu về trang phục Việt Nam và cả Trung Quốc qua các đời để nghiên cứu và đối chứng. Những khi cần hỏi về một chi tiết nào, chúng tôi đều có gặp gỡ hoặc trao đổi điện thoại với Họa sĩ Trịnh Quang Vũ - một người bạn rất thân của gia đình chúng tôi.
Tôi và anh Dienbatn nghiên cứu cái ngôi mộ này chỉ vì thấy xót xa khi một di sản bị xâm phạm và khai quật không theo một nguyên tắc khảo cổ cần tôn trọng. Không một cơ quan nào khuyến khích hay tạo điều kiện cho việc nghiên cứu. Việc công bố cũng chỉ ở Thegioivohinh, và là cung cấp miễn phí, để sẻ chia với bạn bè và các thành viên.
Một số nhà báolấy lại thông tin ở đây để đăng tải cũng không hề xin phép, không trả nhuận bút, vì họ cho rằng đưa lên báo như vậy là vinh dự cho chúng tôi và chúng tôi càng được nhiều người biết đến và càng nổi tiếng (?).
Thôi thì đây là một cuộc chơi của kẻ sĩ. Mà phẩm chất cao nhất của kẻ sỹ là tinh thần tự nhiệm (tự gánh vác lấy trách nhiệm).
Cuộc nghiên cứu này hiện nay đang hé mở những thông tin mới mẻ và đầy lý thú. Những gì chúng tôi đang có, đang dần tiết lộ về thân thế của cả xác ướp trong mộ cổ bị đào bới, lẫn cả ngài Tổng Thái Giám Nguyễn Đức Nhuận.
Mong các bạn đón đọc.