LỊCH SỬ VIẾT VỀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
CÔNG CHÚA HỒNG NHAN BẠC PHẬN
Công chúa Lê Ngọc Hân sinh ngày 22/05/1770 ( nhằm 24 tháng 4 năm Canh Dần), là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786) tên húy là Lê Duy Diêu, mẹ là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (1753-1823), người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh. Công chúa Ngọc Hân được triều đình yêu mến gọi là Chúa Tiên, vì tài sắc vẹn toàn.
Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, phù vua Lê, được vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân đang ở độ tuổi 16. Ngọc Hân vào Phú Xuân sống hạnh phúc bên chồng.
Cuối năm 1788 quân Thanh sang xâm lược, chiếm thành Thăng Long, Nguyễn Huệ chuẩn bị tiến quân ra Bắc, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu, đã trở về Phú Xuân.
Ngọc Hân hạ sinh con gái đầu lòng là công chúa Ngọc Bảo ngày 04/06/1790 (vào giờ Hợi ngày 20 tháng 4 năm Canh Tuất), sau đó là hoàng tử Nguyễn Quang Đức ngày 27/02/1791 (vào giờ Mão ngày 14 tháng Giêng năm Tân Hợi). Hạnh phúc còn đang nồng ấm thì năm 1792 vua Quang Trung băng hà đột ngột, Ngọc Hân chịu cảnh góa bụa ở tuổi 22. Hai bài văn Tế vua Quang Trung và Ai tư vãn do Ngọc Hân viết đã nói lên nỗi đau đứt ruột xé lòng của Bà, muốn chết theo chồng, nhưng thấy cảnh các con mới 1 - 2 tuổi trước linh sàng vua Quang Trung mà Bà tạm sống để nuôi con, chỉ sống thể xác thôi:
Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai
U ơ ra trước hường đài
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này
Vậy nên nấn ná đôi khi
Hình tuy còn ở phách thì đã theo…
Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con.
HUYỀN THOẠI VỀ CÔNG CHÚA NGỌC HÂN
Xuất thân từ một công chúa nhà Lê, Ngọc Hân Công chúa được vua Lê gả cho Nguyễn Huệ năm 1786 và sau đó được tấn phong Bắc cung Hoàng hậu của triều đại vua Quang Trung vào năm 1788. Nhưng Ngọc Hân Công chúa đã gặp sự trái ngang của lịch sử thời bấy giờ.
Sau khi vua cha Lê Hiển Tông mất năm 1786, truyền ngôi cho Lê Chiêu Thống cũng là anh em cùng cha khác mẹ của Ngọc Hân. Nhà Lê đang suy tàn, chúa Trịnh nắm quyền đàng ngoài từ Thuận Hóa ra Bắc, chúa Nguyễn cai quản ở đàng trong từ Thuận Hóa vào Nam, các bên thường xuyên phân tranh với nhau.
Năm 1788 vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế để đánh dẹp chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thống nhất nước nhà, thì chính vua Lê Chiêu Thống đã cầu viện nhà Thanh sang để đánh Quang Trung khôi phục nhà Lê. Dòng tộc nhà Lê đã có lúc đòi ly khai Ngọc Hân công chúa ra khỏi dòng họ.
Các hoàng tử và phái bộ nhà Tây Sơn đi sứ sang nhà Thanh. Ảnh Wikipedia
Ngọc Hân đã tiến cử em gái khác mẹ của mình là công chúa Lê Ngọc Bình cho Nguyễn Quang Toản, là vua Cảnh Thịnh nối nghiệp vua Quang Trung. Nhưng khi nhà Tây Sơn suy tàn, vua Gia Long khôi phục ngai vàng về cho nhà Nguyễn, thì Ngọc Hân và các con của vua Quang Trung lại trở thành phe phản nghịch của nhà Nguyễn và bị phục thù trong suốt 150 nhà Nguyễn tại vị.
Thiên hương quốc sắc lại đa tài
Sánh với anh hùng dễ mấy ai
Công chúa nhà Lê thời mạt vận
Nữ hoàng triều Nguyễn thuở hùng oai
Truân chuyên nào biết đời hoa thắm
Phiêu bạt đâu ngờ kiếp lá bay
Danh tiếng một thời trang tiết liệt
Sử xanh truyền tụng mấy ai hay!
(Vương Sinh)
Chính vì lý do thay đổi ngôi vị nhiều lần như vậy, nên tài liệu lịch sử ghi chép về Công chúa Ngọc Hân và nhà Tây Sơn đã bị tiêu hủy, hoặc bị nhà Nguyễn sửa chữa thành sai lạc, còn dân gian vì sợ bị trả thù mà không dám kể sự thật. Từ đó đã phát sinh ra nhiều huyền thoại về cuộc đời công chúa Ngọc Hân, nửa thực nửa hư, mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu chưa biết chính xác câu trả lời.
GIẢ THUYẾT VỀ CUỐI ĐỜI NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
Như chúng ta đã biết, có khá nhiều truyền thuyết cũng như nghi vấn nói về lúc chung cuộc của Ngọc Hân Công Chúa. Mặc dù có nhiều tư liệu đưa ra kết luận rõ ràng, tuy nhiên nếu sắp xếp lại thì vẫn còn có những chỗ uẩn khúc. Những tư liệu sau đây dựa trên một diễn đàn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu đã bàn luận sâu sắc về vấn đề này.
A- Giả thuyết thứ nhất: Ngọc Hân công chúa và hai con phải chạy trốn sau khi Phú Xuân thất thủ.
Thuyết này đưa ra bởi Ngô Tất Tố trong cuốn Thi Văn Bình Chú và Phan Trần Chúc trong cuốn Triều Tây Sơn nói về việc công chúa Ngọc Hân và hai con chạy vào Quảng Nam.
Hoàng Cơ Thụy trong cuốn Việt Sử Khảo Luận viết năm 1802 khi Nguyễn Ánh ra đánh Phú Xuân, thì bà Ngọc Hân và hai con (khoảng 15 và 13 tuổi) trốn xuống Quảng Nam, sau bị bắt; bà Ngọc Hân bị ép uống thuốc độc chết, hai con bị thắt cổ.
Tác giả Hồ Ngọc Châm trong bài Công Chúa Đông Đô, Hoàng Hậu Phú Xuân, Nàng là ai? trong Giai Phẩm Tây Sơn Mậu Dần 1998 viết rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, công chúa Lê Ngọc Hân đem hai con chạy trốn vào Quảng nam, sống trà trộn trong dân chúng được một thời gian, cuối cùng bị phát hiện, bị bắt đưa về Phú Xuân và bị xử án tam ban triều điển (tự chết). Nhiều truyền thuyết khác thì nói rằng công chúa Lê Ngọc Hân đem các con chạy trốn vào quê chồng ở Bình Định, rồi cũng bị bắt và cũng bị xử cực hình như đã nói ở trên.
Trong những thập niên 60, 70 có những câu chuyện về công chúa Lê Ngọc Hân đã mang các con chạy trốn vào tận Ðồng Nai Gia định, nhờ đó mà tránh được tai mắt nhà Nguyễn.
Tác giả Nguyễn An Phong trong bài Hãy trả lại trong sáng cho Ngọc hân Công Chúa có đưa ra tư liệu: Trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú Xuân đã ghi lại như sau: "Nhà vua Nguyễn Ánh bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị Quang Trung. Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Ngọc Hân, em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Ngọc Hân thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương". Như vậy ta thấy rằng khi Barizy đến tận nhà giam để kiểm nhận và xem mặt tất cả các hoàng tử, công chúa quan lại và gia đình của các quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú Xuân có rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có mặt Hoàng hậu Ngọc Hân.
Trong quyển Lịch sử chiến tranh Việt Nam của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: Ba giờ chiều ngày 3 tháng 5 năm 1801, ghe thuyền quân Nguyễn vào bến Phú Xuân, Quang Toản vội vã mang vàng bạc, bỏ cả sắc ấn nhà Thanh lại để chạy cốt thoát lấy thân cùng với em là Thái tể Quang Thiệu, Thái sư Quang Khanh cùng đại Tư mã Tứ, Đô đốc Trù. Ở lại hàng có Nội hầu Lê Văn Lợi, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ cùng các Phụng nghi, Thị lang bên văn, Đô đốc, Đô tư bên võ. Barizy đi thăm người bị bắt thấy có mặt mẹ Trần Quang Diệu, em vợ ông, vợ Vũ Văn Dũng với các con Ngọc Hân mà ông không tiếc lời khen ngợi vẻ mặt ưa nhìn cùng thái độ cứng cỏi của họ (đây là Quang Cương, Quang Tự, Quang Diệu).
Từ những tài liệu này, ta có thể xác định là hai con của Ngọc Hân đã không thoát, bị bắt năm 1801, và bị giết năm 1802 khi còn quá trẻ. Ngọc Hân công chúa ở đâu lúc này? Bà đã chết hay còn sống?
Bộ sách chính sử Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn viết về sự kiện năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh như sau: Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho Nguyễn Huệ, sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai, con gái cũng chết non cả.
Từ những dẫn chứng trên, truyền thuyết về việc Ngọc Hân Công Chúa dẫn hai con đi trốn sau khi Phú Xuân thất thủ năm 1801 là không có cơ sở rõ ràng.
B- Giả thuyết thứ hai: Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, công chúa Ngọc Hân do nhan sắc kiều-diễm, bà đã thành một bà phi của vua Gia Long.
Tác giả Phạm Việt Thường trong bài Số kiếp ly kỳ của Ngọc Hân công chúa (Les caprices du génie du mariage ou l’extraordinaire destinée de la Pricesses Ngọc Hân), đăng trong Đô thành hiếu cổ (“Bulletin des Amis du Vieux Huế”) 1941, nói là vua Gia Long gặp Ngọc Hân Công Chúa tại kinh thành Phú Xuân năm 1801, và nhà vua đã lấy bà làm phi, dù có lời can ngăn của Lê Văn Duyệt.
Tác giả Hồ Ngọc Châm trong bài Công chúa Đông Đô, hoàng hậu Phú Xuân, nàng là ai? viết như sau: Trên dưới hai trăm năm nay, trong dân gian thường truyền tụng câu ca dao, ngụ ý Ngọc Hân công chúa:
Số đâu có số lạ lùng
Con vua mà lấy hai đời chồng vua
Trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế 1997, dịch từ bản chữ Hán, cũng ghi rằng: vua Gia Long có 4 người con với bà Lê Đức Phi:
+ công chúa Ngọc Ngôn (1803-1855)
+ công chúa Ngọc Khuê (1807-1827)
+ thái tử Quân (1809-1829)
+ thái tử Cự (1810- 1849)
Như đã trình bày ở trên, giả thuyết này nói bà Đức Phi họ Lê chính là Ngọc Hân Công Chúa. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu nói đây là một bà công chúa khác, tên là Lê Ngọc Bình, em củng cha khác mẹ của Lê Ngọc Hân, là hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh. Bà đã không kịp chạy theo vua Cảnh Thịnh khi Phú Xuân (Huế) thất thủ năm 1801, vua Gia Long đã lấy bà làm phi.
C- Giả thuyết thứ ba: Ngọc Hân công chúa qua đời năm 1799, dưới triều Cảnh Thịnh, khi triều Tây Sơn chưa sụp đổ.
Một câu hỏi được đặt ra là Ngọc Hân Công Chúa ở đâu khi vua Gia Long đánh Phú Xuân năm 1801? Trong trích dẫn ở phần trước đã nói về việc các quan văn võ nhà Tây Sơn ra hàng, việc viên sĩ quan người Pháp là Barizy đi thăm các thân quyến nhà Tây Sơn, ông ta đã không đề cập gì đến Ngọc Hân Công Chúa, dù nói rất rõ về con của bà. Vậy năm 1801, bà đã không có mặt tại thành Phú Xuân. Rồi năm 1802, bà cũng không có tên trong những người bị bắt khi Thăng Long thất thủ.
Tác giả Hoàng Thúc Trâm cho rằng Ngọc Hân Công Chúa đã qua đời năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh khi nhà Tây Sơn chưa sụp đổ.
Nhà sử học Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Tân Biên cũng căn cứ vào 5 bài điếu văn của Phan Huy Ích trong Dụ Am Văn Tập và nhiều sử sách khác, cho rằng Ngọc Hân mất vào năm Kỷ Mùi 1799. Ngày 11 năm Kỷ Mùi 1799 triều đình nhà Tây Sơn làm lễ truy tôn bà là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Võ Hoàng Hậu. Năm bài điếu văn do danh nho Phan Huy Ích đã thảo cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản), cho các công chúa con vua Quang Trung, cho bà Nguyễn Thị Huyền thân mẫu bà Ngọc Hân, cho họ hàng tôn thất nhà Lê và cho bà con bên ngoại trong lễ tế bà Ngọc Hân.
Quách Giao trong sách Nhà Tây Sơn ghi: được tin Qui Nhơn thất thủ, Cảnh Thịnh định thân chinh, nhưng gặp tang Ngọc Hân, nên tạm hoãn, truyền Nguyễn Văn Giáp vào giữ sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi và Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng ra giữ Quảng Nam năm Kỷ Mùi 1799.
PGS Chu Quang Trứ trong bài Danh nhân Lê Ngọc Hân viết như sau: bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (tức ngày 04/12/1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi.
Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am Văn Tập.
Năm bài điếu văn trong Dụ Am Văn Tập của Phan Huy Ích là một sử liệu rõ ràng, chứng minh Ngọc Hân Công Chúa qua đời năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, tức là Bà mất 2 năm trước khi xảy ra binh biến Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Nhiều nhà nghiên cứu ngày nay dường như chấp nhận với sự kiện này.
CÔNG CHÚA NGỌC HÂN VÀ NHỮNG GÌ CÒN LẠI
PGS Chu Quang Trứ trong bài kỷ niệm 200 năm mất của Ngọc Hân công chúa đã viết: Theo tộc phả họ Nguyễn Đình ở Ninh Hiệp quê ngoại của Ngọc Hân công chúa, nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đầu thế kỷ thứ 18 cụ Nguyễn Đình Giai ở Phù Ninh (làng Nành) được triều đình nhà Lê phong là Vũ huân tướng công, Đô đốc phủ. Cụ có 18 người con, con gái trưởng là bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân công chúa.
Phần Biệt lục của tộc phả Nguyễn Đình còn ghi thêm: Bà Nguyễn Thị Huyền thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, năm 1804 thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân, ngày 03/05/1804 (nhằm 24 tháng 3 năm Giáp Tý) xuống thuyền vượt biển, ngày 28/06/1804 về đến bến Ái Mộ (Gia lâm, Hà Nội), ngày 11/07/1804 đưa về bản dinh Thiết lâm của bà Nguyễn Thị Huyền, ngày 16/07/1804 đưa về làng, giờ Ngọ an táng hài cốt bà Ngọc hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành.
Sử Đại Nam Thực Lục ghi năm 1842: Khoảng năm đầu Gia Long, đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích.
Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai, đã ký hậu 50 mẫu ruộng tốt với làng và chuyển dinh Thiết Lâm làm đền thờ. Năm 1823 bà Huyền mất, thọ 70 tuổi, dinh Thiết Lâm thờ bà và mẹ con Ngọc Hân. Theo tộc phả họ Nguyễn Đình và truyền thuyết địa phương, thì vào khoảng thời gian đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị, có người trong làng tố giác việc thờ cúng này, vua Thiệu Trị đã cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông, chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức.
Sử Đại Nam Thực Lục xác nhận: "Việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy". Nơi đổ hài cốt của Bà, sau dân chúng lập Đền Ghềnh thờ Bà.
Đền Ghềnh nay thuộc phường Bồ Ðề, quận Long Biên
Từ năm 1842 dinh Thiết Lâm bị phá, nền dinh bỏ hoang thành đất công của làng, nhưng dân vẫn gọi là "Vườn Dinh" và dựng lên đây "Miếu Cô Hồn" kín đáo thờ Ngọc Hân. Mãi gần trăm năm sau, đến năm 1937 họ Nguyễn Đình đổi đất với làng lấy lại một phần nền dinh Thiết Lâm và lập lại đền thờ bà Nguyễn Thị Huyền cùng với Ngọc Hân. Đồng thời, tại Bãi Cây Đại, sửa lại mộ bà Nguyễn Thị Huyền, dân làng đắp nấm mộ tượng trưng của mẹ con Ngọc Hân, tương truyền là chính tại chỗ mà năm 1842 bị Thiệu Trị quật phá.
Mộ Ngọc Hân Công Chúa hiện ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội
Như vậy, tại Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội) trong khi Gia Long vừa lật đổ triều Tây Sơn, hành quyết man rợ vua tôi Cảnh Thịnh, ra sức truy lùng hành tích Tây Sơn, thì nhân dân đã đón nhận hài cốt mẹ con Ngọc Hân về, xây lăng mộ, dựng đền thờ.
Từ năm 1842 không được thờ chính thức thì nhân dân bí mật thờ mẹ con Ngọc Hân dưới dạng "Miếu Cô Hồn". Và từ năm 1937 Ngọc Hân cùng với mẹ và hai con lại được thờ trong một nhà thờ của họ Nguyễn Đình. Trước sau vẫn ở trên một khu đất cũ là nền dinh Thiết Lâm của bà Nguyễn Thị Huyền.
Bookmarks