VUA QUANG TRUNG VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
TIỂU SỬ CỦA VUA QUANG TRUNG
Vua Quang Trung tên thật là Hồ Thơm, sinh năm Quý Dậu 1753 tại Tây Sơn, phủ Quy Ninh, xứ Bình Định. Dòng dõi ông vốn họ Hồ ở phủ Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, Ông là con của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Gia đình đi khai hoang ở ấp Tây Sơn, xứ Bình Định. Vua Quang Trung có tất cả 7 anh em, gồm 4 gái 3 trai. Ông là con út, anh kế là Hồ Lữ, và anh cả là Hồ Nhạc. Thuở trẻ ba anh em theo học nghề văn, nghiệp võ với ông giáo Hiến.
Những năm 1770 trở đi, ông cùng hai anh bắt đầu phất cờ khởi nghĩa từ ấp Tây Sơn, Bình Định, dưới sự cố vấn của thầy giáo Hiến. Theo lời khuyên của thầy, các anh em đổi họ Hồ ra họ Nguyễn thành Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ đánh thắng đội quân chúa Nguyễn ở Bình Thuận và thừa thắng kéo quân vào Gia Định. Nguyễn Nhạc xưng ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Lữ làm “Tiết Chế Đông Định Vương”, phong Nguyễn Huệ làm “Tiết Chế Bắc Bình Vương”.
Năm 1783, Nguyễn Huệ vào Nam đánh chúa Nguyễn Ánh, phải bỏ Gia Định chạy ra Phú Quốc. Nguyễn Huệ lại đem quân vây đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh phải chạy ra Côn Đảo, có lúc phải trốn đến trú ẩn núi Cấm, An Giang, rồi chạy sang Xiêm cầu viện. Nhưng Nguyễn Huệ đem quân đánh một trận lớn tại Rạch Gầm gần Mỹ Tho, tiêu diệt hàng chục ngàn quân Xiêm.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh với danh nghĩa Phò Lê Diệt Trịnh. Vua Lê Hiển Tông bấy giờ đã phong Nguyễn Huệ chức Nguyên Súy Uy Quốc Công và gả Ngọc Hân Công Chúa.
Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, đưa 30 vạn quân Thanh vào xâm chiếm nước ta, do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Nguyễn Huệ tế trời đất tại núi Bàn (Ba Tầng) ở Phú Xuân và lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi kéo 10 vạn quân ra Bắc. Với chiến thuật thần tốc, vua Quang Trung đã tiêu diệt toàn bộ 30 vạn quân Thanh và kéo quân vào Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Vua Càn Long nhà Thanh chánh thức phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
Năm 1792, vua Quang Trung ngọa bệnh bất ngờ, chỉ một thời gian ngắn rồi băng hà, nhằm ngày 16/09/1792 bỏ dở giấc mộng lớn của mình. Ông mất tại điện Dương Xuân và được bí mật quàn ở đó. Điện Dương Xuân biến thành lăng Đan Dương và ông được truy phong miếu hiệu Thái Võ Hoàng Đế.
Vua Quang Trung là một thiên tài về quân sự, thông minh lỗi lạc, mưu lược, biết người biết ta, là vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng, dũng mãnh, quyết đoán. Suốt 21 năm chinh Nam, dẹp Bắc, ông chưa từng bị một vết thương trên người. Vua Quang Trung đã để lại một ấn tượng kinh hoàng và khâm phục đối với địch thủ của ông. Các sử gia triều Nguyễn cũng đã viết: “Nguyễn Huệ là em của Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo kiệt, thiện chiến ai cũng phải sợ”. Cho đến một cung nhân nhà Lê cũng nhận định: “Nguyễn Huệ là một anh hùng hảo thủ, hung tợn và giỏi cầm quân. Cách ông ta cầm quân vào Nam ra Bắc thật là xuất quỷ, nhập thần không ai có thể dò biết được. Ông ta bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết một con lợn. Không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của ông ta, ai cũng mất hồn vía, sợ hơn sấm sét” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
GIA TỘC VUA QUANG TRUNG
Vua Quang Trung có hai ngôi hoàng hậu:
- Bà Phạm Thị.
- Bà Ngọc Hân Công Chúa.
Ngoài ra ông còn có một số hoàng phi khác.
Vua Quang Trung có tất cả 17 người con, gồm 11 trai, 6 gái:
1. Phạm Hoàng hậu: có 3 trai, 2 gái.
Nguyễn Quang Toản (sau nối ngôi tức Cảnh Thịnh)
Nguyễn Quang Thiệu
Nguyễn Quang Bảng
2. Ngọc Hân Công Chúa: có 1 trai, 1 gái.
Nguyễn Thị Ngọc Bảo
Nguyễn Quang Đức
3. Ngoài ra còn một số người con với các thứ phi:
Nguyễn Quang Thùy
Nguyễn Quang Cương
Nguyễn Quang Tự
Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Duy
Ngày 16/09/1792 vua Quang Trung bất ngờ ngã bệnh và mất. Quang Toản lên ngôi niên hiệu Cảnh Thịnh, vì còn nhỏ nên mọi việc triều chính đều do Thái Sư Quốc Cựu Bùi Đắc Tuyên cầm nắm. Do Thái Sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền thống đoạt, khiến cho triều đình Tây Sơn chia rẽ, quan tướng giết nhau đi đến suy sụp. Vụ tranh chấp trong nội bộ nhà Tây Sơn cũng là nguyên nhân làm cho triều đại suy vong. Nguyễn Ánh nhân cơ hội này khởi binh tấn công, chiếm kinh thành, phục thù mối hận, thế là máu nhuộm hoàng thành.
MÁU THẮM NHUỘM KINH KỲ
Năm 1801 chiếm xong thành Phú Xuân, tất cả những người con của Quang Trung đều bị hành quyết dã man, riêng chỉ có Tiết Chế Khang Quốc Công Nguyễn Quang Thùy đã tự ải (thắt cổ) chết trước khi bị bắt, không để kẻ thù hành hình nhục nhã.
Tất cả họ hàng thân tộc của Quang Trung và các quan thần như bà Bùi Thị Xuân, quan Thiếu phó Trần Quang Diệu và tất cả những ai có liên quan đến Quang Trung đều bị sát hại một cách vô cùng dã man, bằng những hình thức hết sức khủng khiếp như cho voi dày, ngựa xé, tùng xẻo để chết không được toàn thây.
Lăng mộ tổ tiên của anh em nhà Tây Sơn trở thành tuyệt mộ. Hài cốt vua Quang Trung ở lăng Đan Dương, của Nguyễn Nhạc, của Phạm Hoàng Hậu… đều bị quật lên, nghiền nát và trộn với thuốc súng mà bắn. Xương sọ thì bỏ vào 3 cái vò mà giam vào ngục thất và cho quân sĩ đái vào. Ba cái vò đó mãi đến năm 1885 mới bị đánh cắp nhân vụ khởi nghĩa bất thành của vua Hàm Nghi ở Huế.
Sách Kim Cổ Kỳ Quan ghi lại cảnh đau buồn này:
Máu hoàng cung nhuộm hồng thây cửu tộc
Xương hoàng triều trắng xóa cả bể Đông
Oan oan tương báo chất chồng
Nay ta, mai chúng biết đời nào xong
Khói lửa ngất trời ngùn ngụt cháy
Thù sâu vạn kiếp máu loang hồng
Cứ ngỡ trời Nam muôn thuở hận
Hồi chuông tỉnh mộng thất hương nồng
(thất: Thất Sơn - hương: Bửu Sơn Kỳ Hương)
Các cung điện, dinh phủ cũng bị san bằng, đến bây giờ người ta không biết phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, phủ Tập Tường, Phủ Cam nằm ở đâu? Gần đây qua công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân và sự phát hiện của ông Nguyễn Hữu Oánh, chúng ta mới biết được lăng Đan Dương của vua Quang Trung nằm ở gò Bình An, cố đô Huế. Điện Trường Lạc ở cánh đồng Bầu Vá.
Riêng Công chúa Ngọc Hân, theo tư liệu Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự (chưa rõ tác giả) đăng trên tạp chí Nam Phong số 103 có chép rằng :
“Dòng dõi Tây Sơn không còn sót một ai, Ngọc Hân Công Chúa là con của vua Lê được khỏi nạn. Năm ấy đã 32 tuổi mà nhan sắc vẫn còn đẹp chưa hề suy giảm. Vua Gia Long để yên bà ở Dịch Đình ở cạnh cung điện, cho người hầu hạ. Bầy tôi có người can gián vua, cho rằng “Công Chúa là của thừa của Tây Sơn”, vua bảo “ Đất đai nhân dân ngày nay, không một thứ gì là không phải của thừa Tây Sơn sao, có gì phải ngại?“.
Ca dao có câu rằng:
Gái đâu có gái lạ lùng
Con vua mà lấy hai chồng làm vua
Sau vua Gia Long cho công chúa về quê mẹ, thuộc tỉnh Bắc Ninh, cho đến ngày bà mất. Theo quyển Đỉnh Tập Quốc Sử di biên, bà Ngọc Hân mất năm 1804 tại quê mẹ. Tuy nhiên căn cứ vào 5 bài tế của Phan Huy Ích, tế Bắc Cung Hoàng Hậu (Ngọc Hân Công Chúa), một số nhà sử học lại xác định bà mất năm Kỷ Mùi 1799.
Chúng ta nên nhớ rằng sử sách của nhà Tây Sơn đều bị hủy diệt, nên những ghi chép lịch sử được biết ngày nay đều theo chính sử của nhà Nguyễn… Nếu ông Nguyễn Văn Thới không để lại quyển Kim Cổ Kỳ Quan thì dẫu có đến mấy ngàn năm nữa cũng sẽ chẳng ai biết có một bí mật sau đây. Trang 284 Kim Cổ Kỳ Quan có đoạn:
Thương trung quân thương lén thương thầm
Vàng rơi khoa kiếm ngọc trầm khó mua.
Khuyên bà già bớt tranh đua
Ngọc vàng dấu cất, bán mua lâm thời.
Trần Tử Minh đèn sách tiếng đời
Trá hôn Ngọc Thị đỡ thời quốc gia
Xưa người ta, nay cũng người ta
Có đâu họa thể dối ma khuấy đời
Tượng tranh Nga có Phật trời
Tượng tranh Trần Thị thương đời thảo ngay.
Chẳng suy xưa, sao chẳng xét nay
Nhứt nhơn cư hiểm vạn Tây nan tìm
Các nghiên cứu giải như sau:
- Trần Tử Minh, thay chữ Tử thành chữ Thị ta có tên là Trần Thị Minh hoặc Trần Thị Ngọc Minh.
- Vàng rơi khó kiếm ngọc trầm khó mua: là ám chỉ bà Ngọc Hân giấu mặt.
- Nga tức Kiều Nguyệt Nga trong chuyện Lục Vân Tiên, ôm tượng Vân Tiên gieo mình xuống sông tự tử, giữ trọn trinh tiết để cho nàng hầu thay thế nàng đi cống vua Phiên.
Nội dung của đoạn thơ trên đã ẩn ý rằng: Ngọc Hân Công Chúa vì thủ tiết với chồng (Quang Trung) đã nhờ một người cung nữ vừa là em nuôi, rất giống mình, tên là Trần Thị Minh hay Trần Thị Ngọc Minh thay bà để trá hôn, chiều lòng vua Gia Long.
Do vậy mà có thơ đề Khóc Ngọc Hân như sau:
Gia Long ! Ơi hỡi ! Gia Long
Tham chi “tí đó” để hòng phá trinh
Chữ trinh ! Ơi hỡi ! Chữ trinh
Thờ chồng vạn dặm nhục hình nào than !
Ngọc Hân ! Ơi hỡi ! Ngọc Hân
Một thân làm vợ, hai thân mẹ hiền
Cánh chim ! Ơi hỡi ! Cánh chim
Nhất nhơn cư hiểm vạn Tây khó tìm
Vừa trốn khỏi sự trả thù của vua Gia Long vừa tìm cách cứu hai con, hiện đang bị giam giữ, hoàn cảnh của Ngọc Hân không cho phép bà tự tử như Kiều Nguyệt Nga để bảo toàn trinh tiết được vì hai con bà. Lúc đó bà đã ẩn mặt, hủy hoại nhan sắc để trở thành người bình thường. Sau đó bà đã được đưa trốn về quê mẹ là làng Phù Ninh, giả chết, lập mộ giả ở đó, rồi bí mật cùng hai con trốn vào Nam. Sự kiện ra Bắc vào Nam đó đã thể hiện qua câu trang 95 sách Kim Cổ Kỳ Quan:
Cao bay xa chạy đầu vào trôn ra
Câu chuyện về thân thế Phật Thầy Tây An và Ngọc Hân Công Chúa rất nhiều huyền thoại, và chúng ta không quên nhắc đến sự sắp đặt mọi chuyện là do công của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), kể cả việc lập mộ giả trước khi vua Quang Trung mất… Đến ngày nay quả thật ông xứng đáng là “thánh nhân” thứ hai sau Trạng Trình. Chúng ta thấy công trình sắp đặt quy mô, của lòng Người và ý Trời, cần phải tiếp tục nghiên cứu chưa thể nói hết được…
Bookmarks