CHƯƠNG III: Các vị đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An
3- Ông Bùi Văn Tây (1802 1890)
Theo mộ bia và bài vị hiện giờ còn thấy tại làng Thới Sơn (Quận Tịnh Biên Châu đốc) thì Ông Đình Tây chính danh là Bùi Văn Tây sanh năm Nhâm Tuất (1802), nhằm niên hiệu Gia Long nguyên niên.
Sinh quán Ông ở nơi nào chưa tìm được người biết rõ. Có người nói Ông gốc ở Nhơn Hòa, có kẻ lại cho Ông ở Năng Gù (hai nơi đều thuộc tỉnh Châu Đốc). Nếu căn cứ theo lời của người rể Ông là Hồ văn Hạnh (tục gọi năm Hạnh) năm nay 86 tuổi, thì Ông khi xưa có một người chú ruột ở tại Năng Gù. Như vậy, thuyết ở Năng Gù có phần đúng hơn.
Vì theo ở làm con nuôi của người bác là ông Bùi Thiền Tăng Chủ, và được ông nầy giao cho coi sóc ngôi đình Xuân Sơn, cho nên người đời quen gọi là Ông Đình chứ không phải chữ lót là Đình hay Ông còn có giữ chức Hương Đình như nhiều người đã tưởng.
Ông có hai đời vợ Bà trước (không viết tên) sanh được có một trai tên là Bùi văn Vẹt (ở Năng Gù và đã chết). Khi vợ trước mất, Ông cưới Bà sau tên là Trần thị Của ở làng Thới Sơn. Bà sau sanh hạ được một trai ba gái Trưởng là Bùi văn Sửu, rồi thứ đến Bùi thị Lỹ, Bùi thị Cơ, Bùi thị Nhẫn, đều có chồng con quanh vùng Thới Sơn.
Ông dáng người mạnh mẽ, không cao lắm, có bề ngang, gương mặt tròn, mà trắng, lúc tuổi già thì râu tốt, mặt trổ đồi mồi và lưng hơi còm.
Hồi nhỏ Ông có học chữ nho, lớn lên thì chuyên nghề ruộng rẫy. Thích ăn trầu, tánh ôn hòa nhưng quả cảm, không ưa những điều tà vậy.
Ông quy y với Đức Phật Thầy hồi năm nào không ai rõ được nhưng khi Ngài lập trại ruộng ở Thới Sơn, người ta thấy có Ông đến ở đó cùng với ông Tăng Chủ và ông Phạm văn Lăng rồi.
A. Chữa bịnh giúp đời
Là môn sinh của Đức Phật Thầy, Ông cũng như các vị đại đệ tử khác, biết phát phù trị bịnh và lại còn có tài đặt biệt về cách cắt nẻ nữa. Ông cắt bằng miểng chén bể, băm xuống rất sâu, và bất luận bịnh gì cũng trị được. Nhiều bịnh tà quái đem đến, Ông chỉ cắt cho một người rồi mấy người khác xem thấy phải khiếp sợ, trốn về mà hết bịnh.
B. Việc bắt sấu thần
Nói đến tiểu sử ông Đình mà không kể qua việc Ông vâng lịnh Đức Phật Thầy đi bắt sấu thần, tưởng là một điều khuyết điểm lớn.
Theo như nhiều người ở vùng Láng Linh đã nghe biết và kể lại thì Đức Phật Thầy một đêm kia thình lình kêu Ông Đình đến mà bảo rằng: « Hiện giờ ở dưới Láng có người sanh sản mà không ai tiếp giúp, vậy Ông mau tới đó mà cứu hộ người ta ».
Vâng lịnh Thầy, Ông Đình bôn ba tìm riết đến nơi thì quả thật, có một người đàn bà đang chuyển bụng rên la trong một cái lều con giữ đồng, trong lúc chồng con không thấy một ai ở nhà hết.
Ông Đình lớp nào lo chặt lau làm gường, đốn đưng dừng vách để gấp rút giúp cho người đàn bà kia kịp có chỗ nơi sanh đẻ.
Trời rạng đông, người chồng mới về đến. Anh ta hay vợ đã sanh rồi và may nhờ có người đến kịp giúp đỡ thì chi xiết vui mừng, bèn lạy tạ ơn Ông Đình và kể rõ đầu đuôi rằng y tên là Xinh, vì nghèo quá nên phải đi bắt rùa, bắt rắn để bán kiếm tiền mà độ hồ khẩu.
Thoắt trông trong giỏ của Xinh, thấy có một con sầu con mình mẫy đỏ hết xem rất đẹp, Ông Đình liền tỏ ý muốn mua con sấu ấy về nuôi chơi, Xinh vì cảm ơn rất hậu nên không bán, xin hiến đứt cho Ông Đình.
Khi trở về, Ông Đình thuật lại công việc đi làm phước xong và đem khoe con sấi với Đức Phật Thầy một cách sung sướng.
Xem qua con sấu, Đức Phật Thầy biết vật ấy là sấu thần, Ngài bảo Ông Đình hãy đem mà giết đi, nếu để thì sau nầy nó sẽ gây tai hại cho trần gian vô kể.
Ông Đình nghe vậy cũng có lòng lo, song xem đi xem lại thấy sấu đẹp quá nên không đánh giết, bén lén Thầy, đem giầu sấu vào một nơi, cột dây nơi chưn chắc chắn rồi nuôi dưỡng cẩn thận.
Được ba năm săn sóc như vậy, con sấu trở nên to lớn. Bỗng một hôm đứt dây bò đi mất. Ông Đình chẳng dám giấu Đức Phật Thầy, nên đem đầu đuôi mà bạch lại cho Ngài rõ. Nghe xong Đức Phật Thầy than thở vô cùng, Ngài mới cấp cho Ông Đình một lưỡi câu, một sợi dây, một lưỡi mua và hai cây lao, dặn hãy giữ gìn phòng khi trừ con sấu ấy. Hiện giờ những vật ấy còn để tại nhà ông Năm Hạnh (rể thứ tư của Ông Đình). Lưỡi câu dài một tấc bốn phân rưỡi (đo bề ngay), ngạnh bén và dài năm phân ba ly. Lưỡi mun thì bị mẻ một góc ở đít, bề dài tấc sáu phần, có lỗ ở hậu như cây đục tông để tra cán. Hai mũi lao nhọn và dài mỗi mũi năm tấc. Tất cả đều rèn bằng sắt. Còn sợi dây thì se tơ, đầu đũa ăn, bề dài hồi trước 16 thước, nhưng bây giờ đã đứt và mất di nhiều.
Trải một thời gian, gặp mùa nước nổi, sấu ấy có trườn lên ở vùng Láng Linh, rượt bắt người vật làm cho dân chúng quanh đây đều kinh khủng. Người ta đến báo với Ông Đình. Nhưng cứ mỗi lần Ông mang bửu bối đến thì sấu ấy mất tăm, không tìm đâu được.
Thấy sấu sợ uy Ông Đình như vậy, cho nên hễ cứ mỗi lần nó trườn lên toan làm dữ, thì dân chúng hè nhau vừa chạy vừa hô lên:
- Bớ Ông Đình ơi ! ông Năm chèo dậy.
Mà lạ thay ! Hễ nghe được bấy nhiêu lời kêu gọi thì sấu lại lặn mắt, chừng như nó hết sức ghê sợ pháp thuật của Ông Đình. Người đời quen gọi « ông năm chèo » là ý nói sấu ấy có năm giò, nhưng hỏi ra hầu hết các bậc phụ lão ở vùng Thái Sơn và Láng Linh thì chỉ nói có ba chèo mà thôi. Bởi xưa kia Ông Đình cột dây vào chưn sấu chặt quá cho nên lâu ngày dây ấy siết lần, rồi đến sau đứt hẳn đi một chân, nên sấu mới thoát được. Vậy ba chèo hay năm chèo, thuyết nào đúng hơn ?
Đã nhiều phen tới lui như thế mà không lần nào gặp được sấu thần. Lần chót, Ông Đình lưu? Láng Linh chờ đợi ngót nửa tháng mà sấu vẫn bặt tăm, Ông bèn kêu nói giữa thanh không rằng:
- Nếu sấu thần nhà ngươi chưa tới số thì từ nay hãy yên lặng, đừng nổi lên phá hại óm làng nữa. Còn như mạng ngươi đã hết thì nên sớm chịu lịnh Trời đừng để ta phải lâu ngày nhọc công chờ đợi !
Thế rồi từ ấy trở đi, sấu không còn trườn lên nhiễu hại lương dân nữa.
Có người nói khi Đức Cố Quản bại trận tại vùng Bảy Thưa, nhằm mùa nước nổi, quân Pháp sau lưng bắn phá rất gấp mà trước mặt thì đế sậy đặc dày, ghe chống đi không được. Lúc ấy sấu thần bỗng nhiên nổi lên đi trước, rẽ đường rạp sậy cho truyền của Ngài dò theo, nhờ vậy mà Ngài và binh sĩ trận ấy thoát thân mới kịp.
Sấu thần hiện giờ ở đâu, và bổn phận ông Đình còn phải làm gì đối với sầu ấy nữa chăng, đại đa số quần chúng đang đánh một con dấu hỏi to tướng về vấn đề nầy.
C. Lúc trở về già
Để cho tiện việc ở ăn của gia quyến, ông Đình có tạo riêng một nếp nhà tranh gần đình Xuân Sơn (kế chỗ mộ phần của ông ngày nay) cách xa trại ruộng Thới Sơn độ tám trăm thước.
Lúc tuổi già, ông giao lại công việc ruộng rẫy cho các con coi sóc để chuyên lo tu luyện và cứu độ người đời. Khi Pháp đến đánh chiếm tỉnh An Giang, ông đã ngoài sáu mươi tuổi, lòng tuy nhiều phen sôi nổi vì cái nghĩa tấc đất ngọn rau, nhưng xét lại sức mòn hơi tàn, nên ông đành ôm hận mà gởi hồn vào mấy đoạn Kim Cang, mấy thiên sách mọt.
Ngày 23 tháng 2 năm Canh Dần (1890), ông đang mạnh, bỗng ăn uống không được trong bốn năm ngày rồi tịch, thọ được 88 tuổi. Có người nói Ông tịch ở ngoài sân, trong khi đang săn sóc mấy dây trầu. Trước khi tịch, ông có dặn người nhà chỉ trải một chiếc đệm trên tấm ván rồi để linh thể ông gói lại mà chôn, chứ không được tẩn liệm vào quan quách chi hết. Hiện nay mộ phần của ông còn tại làng Thới Sơn, có dựng bia và khắc những chữ:
Đại Nam quốc An Giang tỉnh, Tịnh Biên phủ, Quy Đức tổng, Thới Sơn thôn.
Nguyên Bùi, húy Tây, hưởng thượng thọ bát thập bát tuế, Canh Dần niên, nhị ngoạt, nhị thập tam nhựt nhi chung.
Bên cạnh có mộ của Bà (bà sau), và gần đó có mộ của ông Bùi Thiền Tăng Chủ. Khách thập phương mỗi khi đến viếng vùng Thất Sơn và chùa Thới Sơn, thường không quên đến viếng mộ của ông.
Bookmarks