kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Những linh hồn lang thang

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Những linh hồn lang thang

    Những linh hồn lang thang

    Trên các đỉnh núi vừa tắt ánh vàng của hoàng hôn là bóng tối đã trùm khắp thung lũng như đổ hắc ín vậy. Tôi vội vàng thúc ngựa. Bất ngờ, phía trước tôi xuất hiện một đốm lửa nhỏ. "Cái gì vậy? Có thể, đó chỉ là cảm giác thế thôi. Nhưng không, có ai đó cầm chiếc đèn to đang đứng trong thung lũng và chiếu sáng đường cho tôi đi...[...]

    Nhà văn A. Vêlkanôp hồi tưởng lại một câu chuyện như sau:

    - Chuyện ấy xảy ra đã lâu. Nội chiến vừa kết thúc. Khi đó tôi đang tại ngũ trong Hồng quân và đi cắt cỏ trên thảo nguyên Kastanxkaia gần thành phố Gidăc cho đơn vị mình. Chỗ đó cách thành phố Xamarkan độ một trăm hay hai trăm km gì đó về phía đông bên triền núi bắc của dãy Thiên sơn. Vào mùa đông, chúng tôi làm công việc của mình thật yên ổn, nhưng đến mùa xuân thì tình hình trở nên đáng lo ngại; đây đó chúng tôi thấy xác các cán bộ Xô Viết bị giết chết, thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc tiến công của bọn phỉ.

    Một lần, vào buổi tối tôi phải đi ngựa một mình về bản Kastan. Ở vùng núi tối đến rất nhanh. Trên các đỉnh núi vừa tắt ánh vàng của hoàng hôn là bóng tối đã trùm khắp thung lũng như đổ hắc ín vậy. Tôi vội vàng thúc ngựa. Bất ngờ, phía trước tôi xuất hiện một đốm lửa nhỏ. "Cái gì vậy? Có thể, đó chỉ là cảm giác thế thôi. Nhưng không, có ai đó cầm chiếc đèn to đang đứng trong thung lũng và chiếu sáng đường cho tôi đi. Căn cứ theo độ cao chỗ cây đèn thì người cầm đèn đang đi ngựa.

    Bỏ khẩu súng trường trên vai xuống, tôi tiến lên độ ba chục bước và quát to: "Ai đấy? Ai?"

    Không một tiếng trả lời.

    Vì sao người ấy lại im lặng? Nếu đấy là phỉ thì hẳn đã bắn ngay, nếu không phải phỉ thì tại sao người đó không đáp lại? Hay ma quỷ gì chăng?

    Tôi thúc ngựa, nhưng rồi lại ghìm cương ngay: bên phải tôi lại xuất hiện thêm một chiếc đèn nữa. Phải thừa nhận là tôi đã chờn chợn. Đêm tối, lại ở giữa thảo nguyên hoang vắng …

    Nhưng bỗng tôi nhớ đến con ngựa của mình. Tôi sực nhớ ra và nổi cáu: làm sao tôi lại có thể quên được bộ máy phát hiện nguy hiểm rất đáng tin cậy là đôi tai của người bạn bốn chân này cơ chứ! Thị giác, thính giác và khứu giác của ngựa tinh xảo hơn ở người rất nhiều. Đôi tai cảnh giác của con vật là một điều nhắc nhở rất nghiêm chỉnh: gần đó có người. Tôi liếc nhìn con ngựa và thở dài nhẹ nhõm: ngựa đứng bình tĩnh.

    - Tiến!

    Thật lạ lùng! Những ánh lửa liền lao theo tôi và trôi trong không trung. Tôi đi nước kiệu, rồi chuyển sang phi nước đại - những ánh lửa cứ bám riết lấy tôi. Tới thung lũng gần đó, có thêm ngọn lửa thứ ba nhập vào nhập vào hai ngọn lửa trước, sau đó con số đó tăng lên năm. Thật là lý thú. Dường như những ngọn lửa đùa rỡn với tôi, chúng vượt lên trước, cắt ngang đường, nhảy múa. Tôi ghìm ngựa lại thì chúng cũng dừng lại! Tôi giật ngựa phi nhanh thì chúng cũng lao vút đi. Đến chỗ rẽ vào bản Kastan, những ngọn lửa tắt đi như tan vào không khí …

    Xưa kia, những người mê tín đã gắn hiện tượng bí ẩn (mới thoạt nhìn) này của tự nhiên với những "linh hồn lang thang" của người chết. Như ta thấy, chiến sĩ hồng quân đó đâu phải là người nhát gan. Song những ngọn lửa đó có thể làm cho những ai tin vào "thế giới bên kia" phải kinh hoàng.

    Khi tôi còn học phổ thông, tôi đã có dịp làm quen với những "linh hồn lang thang" đó. Cha tôi là một người rất say mê với các câu chuyện bí ẩn khác nhau. Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa đông ông đã đọc cho tôi và lũ bạn tôi một câu chuyện … Nội dung câu chuyện như sau.

    Vào mùa hè năm 1879 có một học sinh trung học sống ở tỉnh Tsernigôp. Nơi đó ẩm ướt và có nhiều đầm lầy. Cách không xa một trang viên, bên bìa khu rừng rậm là nghĩa địa làng. Vào tiết xuân, con sông nhỏ chảy cạnh đó dâng nước lên làm ngập cả những ngôi mộ cũ. Một lần, sau cả ngày mưa dầm dề, trăng lên thật đẹp vào buổi đêm. Ngoài sân rất ẩm thấp vì mưa. Ngồi trên thềm nhà, mọi người ngắm cảnh đêm trăng rồi bắt đầu kể về những bóng ma trong ngôi nhà cũ xưa bên trang viên làng xóm, về những người đã chết nay dường như đêm đêm chui ra khỏi mộ. Một số người ngây thơ tin ngay những điều bịa đặt ấy, số khác thì cho là có sự ngộ nhận nào đó về tất cả những bóng ma và điều kỳ lạ ấy.

    - Thế nào, anh bạn trẻ, - ông chủ nhà quay sang nói với anh học sinh trung học, - sau khi nghe hết cái mà anh gọi là nhảm nhí ấy, anh có dám đi ra nghĩa địa không?

    Chủ nhà cho rằng thể nào anh chàng học trò cũng từ chối ngay nhưng anh ta lại đồng ý đi.

    Anh chàng học sinh ra cổng và đi theo hướng nghĩa địa. Anh ta đi đến rừng thật mau mắn và bình tĩnh, nhưng khi phải xắn quần lội qua đầm lầy thì chỉ thiếu chút nữa là anh ta quay trở lại. Anh liều mình lội qua những mô đất nhấp nhô đến nghĩa địa và đã muốn quay trở lại, nhưng bỗng dưng cách anh ta độ ba mét hiện ra hình hài trong suốt của một sinh vật gì đó dài ngoẵng. Hình hài đó dang rộng hai tay và đứng nguyên tại chỗ. Chàng thanh niên thấy ớn lạnh trong người. Run rẩy vì sợ hãi, anh ta cẩn thận đi men theo các mô đất mà không dám ngoảnh lại sau. "May ra, - anh ta nghĩ thầm, - nó sẽ biến đi …" Ở giữa đám lầy có một hòn đảo nhỏ trên mọc một cây bạch dương còn tươi non. Đến đấy, anh chàng học sinh không kìm được nữa bèn ngoái lại. Thật kinh hoàng khi anh thấy cách độ năm mét vẫn chính bóng ma ghê sợ ấy. Nó còn vẫy tay nữa chứ! Chàng thanh niên không còn tự chủ được nữa. Làn gió nhẹ thoảng qua, bóng ma run rẩy rồi lại lặng đi. Anh chàng học sinh đứng chôn chân tại chỗ. Đôi chân giờ đây không còn vững theo ý muốn của anh ta nữa …

    Đi qua hết đầm lầy thế nào anh ta không nhớ nữa. Khi chạm chân lên nền đất cứng, anh chàng ngoái lại phía sau: bóng ma vẫn lẽo đẽo bám theo. Thế là anh chẳng còn hồn vía gì nữa, anh ta vùng chạy bán sống bán chết.

    … Cha tôi ngừng đọc, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt tươi cười và hỏi:

    - Thế nào, có sợ không? Sau đây các cháu còn dám đi đến nghĩa địa như thế nữa không?

    Chúng tôi im lặng bối rối.

    Cha tôi cười rồi bảo:

    - Ái chà! Các cháu tin rồi à?… Ồ, những nguyên nhân của hiện tượng ấy đơn giản lắm…

    Rồi ông giải thích cho chúng tôi điều đó xảy ra như thế nào.

    Ai cũng biết, các vật thể khác nhau bốc cháy ở những nhiệt độ khác nhau. Và còn có những chất tự bốc cháy. Thuộc về số những chất đó là hợp chất hoá học phôtpho và hiđrô, tức là hiđrô phôtphorơ, một loại khí có mùi cá trơn. Khi thoát ra ngoài không khí, nó bùng cháy với ngọn lửa sáng.

    Ở đầm lầy, cũng như ở nghĩa địa, nhưng nơi ẩm thấp, loại khí này được tạo ra trong quá trình thối rữa thực vật và cơ thể động vật. Điều đó giải thích vì sao có thể thấy hiện tượng đó ở những nơi như vậy: ngọn lửa nhỏ nhợt nhạt mà người mê tín gọi là tâm hồn "bất an" của những người chết lúc thì tắt đi, lúc thì bùng cháy ở những chỗ khác nhau, lúc run rẩy đung đưa. Hiđrô phôtphorơ thoát ra khỏi lòng đất liền tự bốc cháy và sáng lên trong không khí. Hiện tượng bí ẩn của tự nhiên thật đơn giản và đương nhiên, một khi chúng ta đã biết được nguồn gốc của nó.

    (Trích - “Bên cạnh điều bí ẩn”).
    Last edited by Dâu Tây; 09-04-2008 at 02:34 PM.

  2. #2

    Mặc định Bóng ma của Sa hoàng Ivan

    Liệu có cây thập tự sáng trên bầu trời không? Liệu đó có phải là điều bịa đặt của nhà văn không? Không, trong thực tế hoàn toàn có một hiện tượng tự nhiên như vậy, và tất nhiên nó làm khiếp đảm những người mê tín. Trong quá khứ, nó đã từng được coi là điềm báo trước ghê gớm về những sự kiện bi thảm như chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch ...

    Nhà văn V. Kôxtưlep trong cuốn tiểu thuyết của ông “Ivan Hoàng đế” kể về điều đó như sau:

    “... Sa hoàng Ivan đưa bàn tay run rẩy kéo tấm màn che ra. Ông ta ngước đôi mắt hoảng loạn lên trời.

    Khuôn mặt Sa hoàng méo xệch đi vi kinh hoàng; trên trời, ở những tầng cao tối thẫm đã ngưng lại điểm trời hình thập ác...

    Tay chống gậy, Sa hoàng bước ra tam bậc cấp đỏ để quan sát cái hình ảnh lạ lùng mà hoàng hậu vừa bảo cho ông biết.

    Ông ta im lặng nhìn mãi lên bầu trời dày đặc những chòm sao sáng và dõi theo cây thập tự bí ẩn mờ ảo hiện ra trên bầu trời sâu thẳm. Và bỗng nhiên, người lảo đảo vì yếu mệt... ông ta thầm thì:

    - Đó là điểm báo cái chết của ta. Nó kia rồi ...

    Liệu có cây thập tự sáng trên bầu trời không? Liệu đó có phải là điều bịa đặt của nhà văn không ?

    Không, trong thực tế hoàn toàn có một hiện tượng tự nhiên như vậy, và tất nhiên nó làm khiếp đảm những người mê tín. Trong quá khứ, nó đã từng được coi là điểm báo trước ghê gớm về những sự kiện bi thảm như chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch ...

    “Thượng đế tức giận chúng ta, những kẻ có tội lỗi, - những người sùng đạo nói và sợ sệt nhìn lên cây thập tự trên trời (đôi khi người ta coi đó là thanh gươm có chuôi cầm), - rồi sẽ có tai họa lớn đây”.

    Thế mà trên thế giới đã có biết bao cuộc chiến tranh liên miên, bệnh tật tàn nhẫn đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng mà không gì cứu thoát nổi, mùa màng cứ thất bát triền miên. Và tất cả những điều đó ngày càng củng cố trong dân chúng niềm tin rằng những cây thập tự hay những thanh gươm trên trời là những dấu hiệu của “cơn thịnh nộ của thượng đế”.

    Ánh sáng mặt trời hay ánh sáng mặt trăng tạo nên biết bao nhiêu là “điềm trời” khác thường. Trong khoa học, chúng chỉ có một tên gọi là “quầng”.

    Không dễ gì mà tìm được trong số các hiện tượng khí quyển một sự kiện nào khác có thể làm kinh hoàng tổ tiên chúng ta như quầng. Những người “chứng kiến” đã nghĩ ra những câu chuyện huyền tưởng về hiện tượng lạ lùng này của tự nhiên và thêm các ức đoán của mình vào điều đã nhìn thấy. Sửng sốt trước những điều kỳ dị khó hiểu, các nhà viết sử, thường hơn cả lại là chính các tu sĩ đôi khi “ nhìn thấy” trên trời cao những cái chẳng hề có bao giờ.

    “Ở ba Lan vào năm 1463, - một trong số các nhà viết sử này viết, - suốt hai giờ liền người ta trông thấy hình ảnh chúa Kitô bị đóng đinh câu rút với thanh gươm hướng từ tây xuống nam. Chẳng bao lâu sau, những tai họa kinh khủng đã giáng xuống đất nước này. Vào năm 1489, khắp nước Ba Lan ai ai cũng thấy những thanh gươm đẫm máu và các thứ vũ khí khác. Đi kèm theo những điềm báo ghê gớm đó là những trận mưa lớn, hạn hán, nạn đói và bệnh thương hàn”

    Những nhà viết sử còn biết rằng, đôi khi trên trời xuất hiện đến vài mặt trời. Sự việc này được thể hiện trong văn học cổ. “Các chiến binh Nga La Tư chiến đấu thật dũng cảm, - tác giả của “Thiên anh hùng ca về đạo quân Igor” kể, - và khan (thủ lĩnh (N D) của quân Pôlôvet như một con sói xám chạy tháo thân sang bên kia con sông rộng lớn. Tinh binh Nga La Tư tiến theo đánh đuổi quân xâm lược ngoại tộc ra khỏi đất nước Nga. Nhưng trời bỗng tối sầm lại. Những đám mây đen vần vụ trên trời, và bốn mặt trời tỏa chiếu trên đất Nga”. “ Rồi sẽ có họa lớn đây”. - những chiến binh Nga La Tư nói khi nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ ấy. Và chẳng bao lâu sau, những mũi tên độc của bọn Pôlôvet đã tới tấp bay từ sông Đông và từ biển nam tới.

    Những chiến binh Nga La Tư thật can trường, nhưng bọn Pôlôvet đã bao vây chặt cánh đồng mênh mông. Quân Nga rút lại, và hoàng tử Xêverxki Igor Xviatôxlavich bị khan Pôlôvet bắt làm tù binh ...”

    Một nhà viết sử vô danh đã chứng thực: “Vào năm 7293 (tức là năm 1785 - V. M.), tại thành phố Iarôxlap lừng danh xuất hiện điềm báo: suốt từ sáng sớm đến tận trưa, trên trời có một vòng tròn với ba mặt trời, đến trưa lại thấy có thêm vòng tròn thứ hai, trên đó có cây thánh giá với vương miện, và một mặt trời nữa vẻ u tối, còn dưới vòng tròn lớn là một cái gì đó nom tựa như cầu vồng...”

    Ba và bốn mặt trời trên bầu trời. Những cây thánh giá và vương miện. Những vòng cung và những thanh gươm sáng chói... Thật là những cảnh tượng lạ lùng! Có vẻ như chẳng có chút gì sự thật trong mọi chuyện đó cả. Nhưng sau đây là mô tả một quầng phức tạp do các nhà khí tượng học G. Bezva và V. Vêrina quan sát thấy ngày 21 tháng hai năm 1964. Vào buổi chiều, ở một số vùng thuộc nước cộng hòa Mônđavia người ta có thể nhìn thấy cảnh tượng sau: mặt trời nằm ở tâm hai vòng tròn cỡ 22 và 46 độ (tức là người quan sát thấy bán kính của hai vòng tròn cỡ 22 và 46 độ). Trên vòng tròn nhỏ ở cả hai bên mặt trời có hai vệt sáng màu đỏ kích thước bằng mặt trời. Xung quanh chúng còn có hai vòng tròn cỡ 22 độ nữa. Ngoài ra, còn ba mặt trời giả nằm trên vòng tròn lớn (cả thảy có sáu mặt trời trên bầu trời!) Kề với nó ở bên trên là một cung cỡ 46 độ.

    Rõ là ta phải đồng ý: hiện tượng như thế có xảy ra thật.

    Vậy khoa học - nhà viết sử nghiêm túc, không thiên vị và chính xác hơn nhiều - sẽ nói gì đây với chúng ta về những hiện tượng như thế?

    Người ta quy định phân loại quầng theo độ phức tạp chúng. Nếu quan sát thấy từ một đến ba dạng, tức là hai mặt trời giả và quầng - vòng tròn cỡ 22 độ hoặc các bộ phận của vòng tròn đó có dạng hai cung bên phải và bên trái mặt trời, thì đó là quầng đơn giản. Kết hợp bốn, năm dạng hoặc nhiều hơn thì đó là quầng phức tạp.

    Có lẽ ai cũng từng nhìn thấy quầng đơn giản. Các bạn hãy nhớ lại, vào một ngày mùa đông lạnh giá, khi mặt trời bị che phủ bởi một tấm màn mây mỏng, cả ở hai phía bên mặt trời đều xuất hiện hai vết sáng.

    Đôi khi trên mặt trời xuất hiện vết thứ ba. Thường thường, dạng quầng như thế không làm cho những người mê tín lo ngại gì. Song lịch sử còn lưu lại cho chúng ta một sự kiện thú vị: sau khi Napôlêông I thoái vị, ở Pháp người ta quan sát thấy trên mặt trời xuất hiện một vệt sáng tựa như chiếc mũ hình tam giác của hoàng đế, và nhiều người coi đó là dấu hiệu hoàng đế sẽ trở về từ nơi đày ải ở đảo Xanh Hêlen...

    Có lẽ, nhà bác học T. Lôvitx ở Pêtecbua đã được chứng kiến và mô tả một quầng phức tạp nhất. Vào một ngày hè năm 1970, ông đã phác họa lại một bức tranh mở ra trước mắt ông. Xung quanh mặt trời rực sáng hai vòng tròn ngũ sắc: một to, một nhỏ; tiếp giáp với chúng ở bên trên và bên dưới là những nửa vòng tròn sáng chói nom giống như những chiếc sừng rộng. Một dải trắng song song với đường chân trời đã cắt ngang mặt trời và những vòng tròn ngũ sắc nhỏ có những mặt trời giả lấp lóa; các mặt hướng về mặt trời có màu đỏ, còn ở các phía đối diện là những cái đuôi sáng kéo dài. Cả ở phía đối diện với mặt trời cũng thấy ba vết như vậy trên dải trắng. Vết thứ sáu tỏa sáng thật rực rỡ trên vòng tròn ngũ sắc nhỏ ở bên trên mặt trời. Tất cả những cái đó trên nền trời suốt gần năm tiếng đồng hồ.

    Tiện đây, chúng ta nhận thấy là sự xuất hiện những quầng sáng hay quầng phức tạp thường báo trước sự thay đổi thời tiết đột ngột vào những ngày sắp tới (trời trở ấm vào mùa lạnh và trở lạnh vào mùa nóng) và báo trước rằng trời sẽ nhiều mây.

    Nhưng những bức tranh trong không trung ấy sẽ xuất hiện ra sao?

    (Trích- “Bên cạnh điều bí ẩn”).

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •