1.3. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI
Nghi hình của tương tác có/không của tinh thần, động/tịnh của vật chất và lý/dục của con người là Bát Quái Đồ. Thế tương tác của Thiên Địa âm dương có phần sinh và phần thành.
Vòng trong là sinh: Thiên nhất sinh Thủy, Địa nhị sinh Hỏa, Thiên tam sinh Mộc, Địa tứ sinh Kim. Vòng ngoài là thành: Thiên sinh nhất khiến Địa thành lục, Địa sinh nhị khiến Thiên thành thất, Thiên sinh tam khiến Địa thành bát, Địa sinh tứ khiến Thiên thành cửu.
Thiên sinh Địa ứng sinh. Không có Địa sinh Thiên ứng sinh. Mỗi cái sinh đều được theo bằng một cái thành. Thiên sinh thì Địa thành, Địa ứng sinh thì Thiên thành. Sinh 1,3 do Thiên và thành 7,9 trong cõi tinh thần (Thiên) là nhờ Địa. Sinh 2,4 do Địa và thành 6,8 trong cõi vật chất (Địa) là nhờ Thiên. Thiên giúp Địa thành cái của Địa. Địa giúp Thiên thành cái của Thiên.
Thiên Địa cũng là Lưỡng Nghi tính trong bản thân con người. Nếu muốn lập Địa thì Thiên cho 1,3 để hình thành 6,8. Nếu muốn lập Thiên thì Địa cho 2,4 để hình thành 7,9. Muốn thành 6,8 thì 1,3 (tinh thần) phải cạn kiệt, muốn thành 7,9 thì 2,4 (vật thể) phải bị hi sinh. Như cái hạt cũ bị hủy đi để hình thành cây mới. Nhưng làm sao để cây mới nảy sinh ấy cho ra nhiều hạt mới ngay trong một kiếp sống, khỏi phải nhiều lần luân hồi?
Cái đạo lý chịu thành thịnh suy hủy để tiến hóa qua thời gian ấy là cái cách học Đời để biết cảnh sáng trưa chiều tối. Cái đạo lý đại hòa mà đại hóa trong tâm thức của trung cung Thái Cực không bị điều kiện hóa là cái Đạo trực cảm với mọi nơi mọi lúc. Do đó mà sự biết, sự hành luôn là chơn thật và tuyệt đối. Đấng ngự tại trung cung Thái Cực có cái thấy biết tuyệt đối ấy đã đành, các con cái của Ngài dù chưa có khả năng siêu việt cũng được quyền tuyệt đối hành biến theo tâm chơn thật của mình nữa.
Lẽ sinh thành qua thời gian hay trực cảm liên không gian ấy vẫn trùng điệp nối nhau mà tạo nên mọi thứ. Vòng tròn Thái Cực nhỏ giữa phần bên trái của hình 4 ghi nhận dấu tích của một Bát Quái Đồ nguyên sơ hơn mà ngôi Thiên Địa từng được tạo ra như tại hình 5. Và ngay giữa tương tác Bát Quái và Ngũ Hành ở hình 5 lại vẫn có dấu vết của một Thái Cực tinh vi và nguyên sơ hơn nữa làm tâm cho mọi sự vận hành. Điều này hàm ý rằng nguồn sống Tiên Thiên vẫn có trong mọi đơn vị sống, dù đó là một sự sống nhỏ nhít yếu ớt thô sơ, vẫn có trọn đủ các nguồn sinh của Thái Cực mới. Không phải ý nói một trời đất khác, chỉ nói như một Thái Dương Hệ mới trong một Thiên Hà hay một Thiên Hà mới trong một Thiên Hệ vậy.
Tiên Thiên Khí 1,2,3,4 do Thiên Địa vi chủ lập năng lực cho Hậu Thiên Khí 6,7,8,9. Hậu Thiên Khí do Nam Nữ vi chủ để nối tiếp công trình tạo hóa lập lại trời Càn đất Khôn, tượng Lưỡng Nghi Thiên Địa của một ngôi Thái Cực mới.
Không thể nghiên cứu vạn vật hay vạn linh mà bỏ qua lực Tiên Thiên. Nếu khéo sử dụng được lực này, ta có thể cải thiện được mọi thứ.
Nay không thể chỉ chọn trục 8,3,4, 9 (Khôn Chấn Đoài Càn) vì con đường tuyệt dục như vậy là bỏ hẳn Nữ Phái và trời đất tạo ra không có sinh khí hữu dụng cho vạn linh đang tồn tại.
Cũng không thể chỉ chọn trục 6,1,2,7 (Cấn Khảm Ly Tốn) vì tuy có tạo được sinh sắc cho tâm lý và thể chất nam nữ nhưng không tạo được tinh thần nhất quán và thánh đức tự nhiên (Đạo Càn của Thiên, Đạo Khôn của Địa) cho mình.
Bookmarks