47. Năm cấu trúc này tạo thành một hình chữ thập bên trong bindu lớn hơn.

48. Giống như quá trình chuyển tiếp của thực tại tối hậu, trước tiên các vị thần an bình xuất hiện, tiếp theo là các vị thần phẫn nộ.

49. Điều này tương tự như việc thực hành giai đoạn phát sinh, trong đó bạn nhìn thấy mọi thứ với linh kiến thanh tịnh. Ba linh kiến đầu tương đương giai đoạn phát sinh, còn linh kiến cuối cùng, hay thứ tư, về sự diệt tận vào thực tại tối hậu tương đương giai đoạn thành tựu.

50. Ví dụ, nếu bạn tập trung chú ý vào một tảng đá, mặc dù nó có thể trông giống như một vật thể vật chất bình thường, nó sẽ bắt đầu di chuyển vào tạo ra tiếng động. Khi đạt đến trạng thái này, bạn sẽ có thể phục vụ chúng sinh chỉ bằng cách hướng sự chú ý của bạn đến họ. Bạn không cần phải gõ cửa nhà mọi người và hỏi: “Bạn có cần thức ăn hay quần áo không?” Bạn chỉ cần nhìn chăm chú, vậy là đủ.

51. Bao gồm các dấu hiệu của bindu, thân phật, vân vân.

52. Các hình tướng không trở nên hoàn toàn không hiện hữu, vì nếu như vậy thì các phẩm chất của đức phật sẽ không tồn tại. Hơn nữa, theo quan điểm của một người đã giác ngộ, toàn thể luân hồi đã trở nên không tồn tại, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là toàn thể chúng sinh khác đã đồng thời đạt được cùng một trạng thái giác ngộ. Thay vào đó, nó có nghĩa là đối với người này, toàn bộ luân hồi đã biến mất.

53. Đến thời điểm này, bạn vẫn chưa đạt đến phật quả, nhưng bạn đã gần đạt đến. Một mức độ nhỏ của sự che lấp nhận thức vẫn còn trước khi bạn đạt đến tỉnh thức trọn vẹn.
Hơn nữa, xét về ba linh kiến đầu tiên, linh kiến nhận thức trực tiếp về thực tại tối hậu, tương tự như samadhi của chân như trong giai đoạn phát sinh. Linh kiến thứ hai, kinh nghiệm thiền định tiến bộ, tương tự như samadhi của hình thái toàn thể. Linh kiến thứ ba, tính giác thành tựu, tương tự như đạt đến đỉnh cao của giai đoạn phát sinh, bản thân nó tương ứng với samadhi nhân quả, trong đó, ví dụ, bạn quán tưởng Kim cương tát đỏa, Quan Âm, hay Văn Thù. Thứ tư, linh kiến về sự diệt tận vào thực tại tối hậu, tương tự như giai đoạn thành tựu.

54. Điều này có nghĩa là bạn chỉ nhìn thấy thoáng qua thực tại căn bản, rồi nó biến mất, giống như một cái vẫy tay.

55. Đây là âm thanh của pháp thân, âm thanh của thực tại tối hậu.

56. Thân cái bình trẻ trung.
Tính giác của Phổ Hiền thuộc về bản tính như đai dương của các thân và trí tuệ bản nguyên, có sáu phẩm chất: (1) tâm thức sáng tỏ bên ngoài được thu rút vào trong chính nó, và nền tảng vĩ đại nguyên thủy sáng ngời bên trong, không gian tuyệt đối, xuất hiện với chính nó. (2) nó siêu việt nền tảng, (3) nó phân biệt, (4) nó được giải thoát hướng thượng, (5) nó chẳng phát sinh từ cái gì, (6) nó an trú tại nơi của chính nó. Trạng thái giác ngộ này được ví như một chiếc bình, vì là bindu duy nhất, nó bao gồm toàn thể luân hồi và niết bàn, trong khi siêu việt ba thời. Nó được gọi là “trẻ trung” vì nó không bị lão hóa hay thoái hóa, và được gọi là “thân” vì nó tập hợp tất cả các thân, ngữ, tâm, phẩm tính và hoạt động giác ngộ của toàn bộ chư phật.

57. Trong tiếng Tây Tạng, thuật ngữ jug pa chúng tôi dịch là “hóa hiện”, theo nghĩa đen có nghĩa là “đi vào”. Nhưng trong bối cảnh này, jug pa dường như ám chỉ hành động đi vào cõi hóa sinh mà không thông qua tử cung.

58. Trong các văn bản về giai đoạn thành tựu, chẳng hạn như mật điển Kalachakra, có những mô tả cụ thể về tám mươi bốn ngàn loại ý nghĩ phiền não khác nhau có liên quan đến tám mươi bốn ngàn khí vi tế.

59. Vào lúc này, thân, lời, hơi thở, tính giác của bạn bắt đầu hợp nhất thành một. Bạn vẫn chưa đắc được thân cầu vồng, tuy nhiên một sự hợp nhất đang diễn ra. Ba sự tĩnh lặng trong các uẩn của bạn, đặc biệt là thân, hơi thở và tâm trí của bạn là rất quan trọng trong quá trình này.

60. Đây là một yaksa (tiếng Tây Tạng) có thân người với đầu thú. Một đứa trẻ kimbhanda (Tạng) là (một yaksa) nổi tiếng vì có giọng nói du dương.

61. Đây là khoảng không giữa bạn và phông nền bầu trời. Nó cũng có nghĩa là cơ thể bạn đang xuất hiện nhưng không có thực chất.

62. Đây là bốn tự do trong bối cảnh bốn tự tin. Chúng liên quan đến tự do khỏi hy vọng và sợ hãi đối với giác ngộ và luân hồi.

63. Siêng năng (brtson grus) . Theo nghĩa đen, thuật ngữ Tây Tạng grus nghĩa là “siêng năng nhiệt thành”, vì brtson có nghĩa là “siêng năng” và grus nghĩa là giống nhau, nhưng với hàm ý là “hoan hỷ với thiện hạnh” (dge ba la spro ba). Do đó, trong ngữ cảnh này, “siêng năng” ngụ ý sự nỗ lực, đi kèm cảm giác hân hoan với thiện hạnh.
64. Điều này nghĩa là bạn sẽ an trú trong phật quả.

65. Một thảo luận về cách những cá nhân có năng lực thấp kém có thể đạt được giải thoát trong trung ấm bằng cách đi thẳng đến một cõi phật có thể được tìm thấy trong Giải Thoát Tự Nhiên: Giáo lý của Liên Hoa Sinh về Sáu Bardo của Liên Hoa Sinh, với bình luận của Gyatrul Rinpoche. B.Alan Wallace dịch (Bốtn: Wisdom Publication, 1998, 2008).

66. Trong truyền thống Đại Toàn Thiện, người ta nói rằng một người có thượng đẳng căn cơ có thể đạt giác ngộ ngay trong kiếp này. Nhưng việc này chỉ có thể xảy ra nhờ vào kỷ luật và thực hành rất nghiêm ngặt. Đừng thờ ơ với việc thực hành, nghĩ rằng: “Ồ, những người khác đã làm được, vậy thì tôi đoán là tôi cũng có thể làm được.” Thay vào đó, bạn phải tuân theo kỷ luận tương tự như kỷ luật của những người đã giải thoát trước đây. Ở Mỹ, cha mẹ không rèn kỷ luật cho con cái, vì bản thân họ vô kỷ luật. Về cơ bản, họ nuôi dạy con cái như nuôi chó, mèo, hoặc chim, nhưng không có con chó, mèo hay chim nào từng đạt được giải thoát.

67. Nói chung, với các thực hành Đại Toàn Thiện, điều quan trọng là bắt đầu bằng nhiều thời khóa ngắn trong ngày. Khi đã quen dần với thực hành, bạn có thể tăng thời lượng của mỗi khóa, dẫn đến có ít thời khóa hơn, cho đến khi cuối cùng bạn có thể có một khóa mỗi ngày, hoặc mỗi tuần.

Đối với thực hành thực tế, đầu tiên vào buổi sáng, làm sạch hệ thống của bạn bằng chín lần trục xuất khí còn sót lại của bạn, và khi bước vào thực hành chính của mình, bạn có thể một lần nữa thực hiện chín lần trục xuất. Sau đó, đọc những lời nguyện mở đầu, tiếp tục với guru yoga, trì tụng mật chú, nhận bốn quán đỉnh, và quán tưởng tâm trí đạo sư hòa nhập với tâm trí của bạn. Lúc đó, bạn có thể bị rơi vào trạng thái vô ký, vì vậy, với tính sáng tỏ, hãy cố gắng hết mức để dấn thân vào thực hành trekcho. Sau đó, bạn có thể ăn sáng. Sau bữa sáng, đọc lại những bài nguyện mở đầu rồi thực hành thogal. Khi đó mặt trời sẽ mọc đằng đông, vì vậy hãy quay mặt về phía tây trong khi thực hành bằng ba tư thế. Khi đã hoàn thành, bạn có thể hồi hướng công đức, hoặc bạn có thể dành thời gian để hướng tâm tỉnh giác vào chính nó, quán sát bản tính của tâm.

Hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất trong tất cả những điều này là động lực của bạn. Có những động lực thiện, bất thiện và trung tính, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải mang một động cơ thiện, rất tích cực vào việc thực hành này. Đừng quên vô số những việc bất thiện mà bạn đã làm trong quá khứ. Và đừng quên rằng khuynh hướng tự nhiên của bạn là luôn che đậy chúng. Trong thực hành này, bạn không được che giấu chúng. Thay vào đó, bạn phải quét sạch chúng và phát triển động lực trong sáng nhất có thể.

68. Có nhiều cách khác nhau để niêm phong các hình tướng. Đầu tiên, về thực hành giai đoạn phát sinh, có ba niêm phong: (1) niêm phong tất cả các hình tướng như là thân phật, (2) niêm phong mọi âm thanh như lời phật, (3) niêm phong mọi sự kiện tinh thần như sự hiển bày của pháp thân. Thứ hai, về thực hành giai đoạn thành tựu, có nhiều kỹ thuật. Ví dụ, trong hệ thống Kalachakra có giai đoạn thành tựu mà việc thực hành gồm sáu giai đoạn.

Trong thực hành giai đoạn phát sinh, có một loạt các thực hành để niêm phong các hình tướng bằng những dấu hiệu. Ví dụ, khi bạn quán tưởng một mandala, cung điện, các vị thần và các âm tiết đều là các dấu hiệu. Nhưng bạn phải hiểu là không có hình tướng nào trong số này là thực chất. Mặc dù người ta nói rằng một thứ gì đó thấm nhuần các dấu hiệu, điều đó không có nghĩa rằng chúng là các thực thể vật chất. Thay vào đó, bạn phải quán tưởng tất cả hình ảnh này như có bản chất trống rỗng và sáng ngời. Vào cuối phần thực hành, hãy hòa tan các dấu hiệu này trở lại vào tính không, vào tịnh quang nền tảng. Lúc đó, bạn bước vào phương thức thực hành không có dấu hiệu. Điều quan trọng cần ghi nhớ là đối với tất cả các loại mandala, cho dù là an bình hay phẫn nộ, chúng cũng chẳng là gì khác ngoài bản tính của pháp thân. Vì vậy khi bạn thực hành không có dấu hiệu, không có gì để nắm bắt.

Trong bối cảnh của ba thân, các dấu hiệu khác nhau trong các mandala tan biến thành tính không. Ví dụ, trong thực hành giai đoạn phát sinh, bạn quán tưởng các mandala tan biến vào cung điện, cung điện tan biến vào các vị thần ngoại vi, chư thần ngoại vi tan biến vào vị thần trung tâm, thần trung tâm tan biến vào hiện thể tâm thức nguyên thủy, hiện thể tâm thức nguyên thủy tan biến vào hiện thể tam muội, và hiện thể tam muội, chẳng hạn chữ HUM, tan biến vào bindu. Lúc đó, tâm trí bạn chỉ đơn giản tan biến vào tịnh quang nền tảng trong sự xác tín, giống như đứa trẻ được đoàn tụ với mẹ. Nhưng điều quan trọng bạn cần nhớ là mẹ và con chưa bao giờ xa cách. Khi xem xét phép ẩn dụ này, chúng ta dễ nghĩ rằng mẹ thì xinh đẹp còn con thì xấu xí, như thể họ là hai thực thể khác nhau. Nhưng họ không khác nhau, họ luôn giống nhau.

Giai đoạn thực hành không có dấu hiệu này nhằm mục đích xác định tịnh quang nền tảng, vốn thanh tịnh bản nguyên. Chính từ nền tảng thanh tịnh bản nguyên này mà các dấu hiệu phát sinh; do vậy, những hình tướng này không kém thanh tịnh hơn nền tảng mà từ đó chúng phát sinh.

69. Thật ra, đây là vị trí dưới rốn một khoảng bằng bốn ngón tay.

70. Âm tiết HAM hầu như luôn có màu trắng.

71. Gốc rễ thứ ba là mục kết luận của toàn bộ thực hành được trình bày ở đây, với hai gốc rễ đầu tiên là thực hành sơ bộ và thực hành chính.

72. Quán đỉnh thứ tư là quán đỉnh ngôn từ quý giá.

73. Hãy chú ý kỹ đến tư thế, ánh mắt, vân vân, nào phù hợp với bạn nhất, rồi áp dụng vào việc thực hành. Đây là điều Dudjom Rinpoche muốn nói khi thực hành theo khuynh hướng riêng của bạn. Việc này không có nghĩa là bạn nên làm những gì dễ nhất đối với bạn, mà là bạn nên làm những gì mang lại kết quả tốt nhất.

74. Chúng tôi dịch gcig car ba là “người phi thường” vì theo nghĩa đen nó là “cá nhân đồng thời”, ngụ ý rằng khi một cá nhân như vậy nghe giáo lý, người đó đồng thời đạt được giác ngộ.

75. Đây là những lời nguyện chung cho tất cả các thừa, cũng như lời nguyện riêng cho thừa cụ thể mà bạn đang thực hành.

76. Điều này tương ứng với quán đỉnh bình.

77. Điều này tương ứng với các quán đỉnh thứ hai và thứ ba, quán đỉnh bí mật và trí tuệ. Trong giai đoạn thực hành này, hãy xem mọi hoạt động của bạn như là sự sáng chói của bốn lạc, đặc biệt là lạc bẩm sinh của tâm thức nguyên thủy.

78. Biến thức ăn và đồ uống của bạn thành một lễ vật dâng lên mandala bên trong. Ở một số thực hành phức tạp hơn, khi bạn đang ăn, hãy hình dung các động tác tay của bạn như là sự thể hiện các thủ ấn của ngũ bộ phật.

79. Điều này nghĩa là bạn duy trì thở cái bình trong suốt cả ngày.

80. “Nội nhiệt” là thực hành tummo.

81. Đây không phải là cảm giác “tôi quý bạn” thông thường. Mà là cảm giác từ bi sâu sắc với chúng sinh, đến mức nước mắt trào ra trong bạn. Khi thấy chúng sinh hành động do vô minh, điều này sẽ không khó hiểu. Nếu chính đức Phật đến dắt tay họ, họ vẫn sẽ lang thang đi nơi khác. Vì vậy, hãy mang vào trong tâm trí nỗi đau khổ của lục đạo luân hồi, và mang lại bi tâm không thể chịu đựng đối với toàn thể chúng sinh.

82. Phạn: guru, ishtadeva, dakini. Tạng: bla ma, yidam, mkha gro.

83. Tất cả thực hành này để liên hệ với đạo sư bằng lòng ngưỡng mộ và tôn sùng chỉ đơn giản là vì lợi ích của riêng bạn. Mục đích của chúng không phải là để giúp người thầy. Về chủ đề này, sẽ hữu ích khi xem các văn bản như Năm mươi vần thơ về Guru Yoga của Mã Minh.

84. Yoga về thân tướng chỉ đơn giản là thực hành giai đoạn phát sinh.

85. Sau khi hoàn tất thực hành tummo, bạn đã bước vào giai đoạn thực hành Đại Toàn Thiện, bạn gắn kết với các thực hành rất mãnh liệt như thế này. Bạn có tu luyện phần này vào ban đêm, khi căn phòng của bạn tối đen kịt, hoặc trong khóa ẩn tu, nơi bạn nhốt mình trong hang động, hoặc trong phòng từ một đến hai tuần.

86. Đây là vị phối ngẫu sau này.

87. Câu này ám chỉ người phụ nữ thuộc gia đình hoa sen.

88. Câu này ám chỉ đến các nghi lễ Chod.

89. Trẻ nhỏ không nhìn xung quanh và nghĩ rằng: “À, bức thangka này đẹp hơn bức thanka kia.” Chúng chỉ nhìn mọi thứ với đôi mắt mở to, không có bất kỳ phán xét hay đánh giá nào.

90. Người điên không có tầm nhìn xa; họ không đoán định. Họ chỉ phản ứng với những thứ ngay trước mặt họ.

91. Một ví dụ hoàn hảo về một người như vậy là Guru Rinpoche. Ngài đã đi khắp Ấn Độ và Tây Tạng, gắn liền với vô số hoạt động, chẳng hạn như giảng dạy giáo pháp.

(Hết Sách)