- Để thành tựu lòng tin (tín căn, tín lực) đức Phật có dạy chúng ta bằng nhiều phương tiện, nhưng chung quy vẫn là suy xét, và thực tập; nằm trong 37 phẩm trợ đạo, tức là lòng tin cũng phải được tu tập, được thành tựu, chứ không phải nói trên miệng rằng tôi tin Tam-Bảo lắm, thật ra chưa hẳn đâu, vì lòng tin ấy chưa có sở duyên, chưa có chân đứng.

Phật dạy có một con đường mà ở đó thiện nam tử nào thực hành theo sẽ tự kiểm chứng được Như Lai nói không hư vọng, nói lời chân thật. Do đó nếu vị nào chỉ vì tín ngưỡng, vì ép buộc, vì nghe đồn, vì truyền thống, vì lòng tham mong cầu, mà đến với đạo Phật như cưỡi ngựa xem hoa, không có nhiệt tâm khao khát bến bờ giải thoát thì chắc chắn sẽ không có tìm hiểu, suy nghiệm, thực tập lời Phật dạy. Vì vậy các căn cạn cợt (năm căn), rất dễ mất lòng tin nơi Tam-Bảo nếu điều họ mong mỏi về tâm linh không được đáp ứng, lại rất dễ bị tà đạo gạt gẫm, dụ dỗ đi sai đường.

Ví dụ: Phật nói tham ái là nguyên nhân đau khổ. Nghe thì đa số đều chấp nhận, nhưng chưa tin đâu, bởi vì tin thì họ sẽ tinh tấn cắt ái. Đằng này thường là như gió thoảng qua tai, như biết lửa nóng ai lại chạm tay vào! Chỉ những ai thực tập Giới-hạnh rồi Chánh-quán (Chánh niệm) về đề mục ấy, thì sẽ thấy sâu hơn, sâu tới đâu vị ấy ly tham cắt ái tới đó, vì sao? Vì vị ấy có tịnh tín, tin tưởng, tự chứng, biết-như-thật lời đức Phật nói là đúng. Tín căn, tấn, niệm, định, tuệ cùng sanh khởi.

===> Do đó, để tin Nhân-quả, thấy-như-thật bản chất các pháp cần một nỗ lực rất lớn, bắt đầu bằng cách TRANG BỊ GIÁO LÝ CƠ BẢN và THỰC HÀNH SỐNG CHÁNH NIỆM. Chứ còn mà ngồi đọc sách, nghe giảng... mà không thực hành thì chỉ quanh quẩn ở cái trí văn mà không thể hiểu rõ bằng trí tư và thành tựu bằng trí tu. Nên đôi khi nói là Phật-tử, tôi tin Phật các kiểu... nhưng niềm tin sẽ... CHẬP CHỜN lắm lắm.