Như Lão Tử đã từng nói:
Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa,
Trí huệ xuất, hữu đại nguỵ,
Lục thân bất hòa, hữu hiếu từ,
Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.
Khi đại đạo đã tiêu trầm thì người ta mới nói về nhân nghĩa. Khi đại đạo vẫn còn lưu hành thì chẳng có ai cần đến điều nhân nghĩa. Khi mọi người đang tu đạo, ai cũng biết rõ là không nên làm cho người khác sinh khởi phiền não. Mọi người đều biết phải tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, thế nên không cần phải nói về nhân nghĩa nữa.
Khi con người đều thông minh trên mức trung bình một tí, thì chẳng có ai trong đó có thể lừa gạt người khác. Chỉ khi nào có người thông minh xuất hiện và nhận thấy rằng những người chung quanh mình sao quá ngu mê. Do sự so sánh như vậy, họ liền quyết định làm trò lừa dối các người kia, ngoại trừ những người thông minh như họ ra, chẳng có ai nhận biết được chuyện đó. Thế nên khi có kẻ thông minh xuất hiện, thì có sự xảo trá hư nguỵ. Nếu họ thực hành đạo ngũ luân, năm đạo lý tôn trọng lẫn nhau giữa:
1. Vua và quần thần.
2. Cha và con.
3. Vợ và chồng.
4. Anh và em.
5. Bằng hữu,
Chẳng có ai đả động tới chuyện cha hiền con hiếu. Nhưng khi cha không hiền, con phải tỏ ra có hiếu hơn; thì đây là lúc chữ hiếu được nói tới. Hoặc nếu khi con bất hiếu, thì cha phải càng hiền từ hơn. Do vậy, ‘khi lục thân bất hòa, thì mới cần người con có hiếu.”
Làm sao có thể biết được ai là trung thần trong thời kỳ đất nước yên bình? Ai là người phản nghịch? Khi đất nước yên bình những kẻ trung thàn không bao giờ mang áp phích cổ động với dòng chữ “trung thần,” cũng không ai chụp vào mình cái mũ phản quốc. Nhưng khi quốc gia bị xáo trộn, lòng trung thành trong mỗi vị trung thần tự nổi dậy. Đó là lý do tại sao người thời nay đánh giá rất cao Nhạc Phi 岳飛. Vì khi đất nước bị xâm lăng, ông dám đương đầu chống trả.
Đạo lý trong đoạn kinh nầy cũng giống như điều của Lão Tử muốn nói. Nếu chỉ có một yếu tố, thì sẽ không có gì trở nên hỗn trược. Nhất chân pháp giới, hoặc Như Lai tạng, hoặc hư không–không bao giờ sinh khởi thành hỗn trược. Nhưng vì chúng kết hợp với nhau và hình thành một khối, nên hư vọng sanh khởi. Điều nầy chứng minh rằng trong mọi pháp, đều có cái chân cái nguỵ, cái giả cái thật.
Thế nên, ngay cả trong Như Lai tạng, cũng có cái hư vọng phát sinh từ cái chân thật. Cũng tương tự như vậy, trong thân thể con người vốn là vật hữu hình, thể rắn; nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có một cái bóng. Trong pháp ẩn dụ, cái bóng biểu tượng cho hư vọng sinh khởi từ cái chân thật; cái bóng biểu tượng cho vô minh. Từ vô minh mà các vấn đề khác phát sinh. Và ở đây, cái hư vọng phát sinh từ lớp thứ ba, được gọi là phiền não trược.
https://kinhduong.com/?p=649
Bookmarks