THÁI LAN, VÙNG ĐẤT CỦA NHỮNG LOẠI BÙA CHÚ

Cuối năm 2013, cựu xạ thủ nổi tiếng Thái Lan là Jakkrit Panichapatikum (từng vô địch Đông Nam Á, đại diện Thái Lan thi đấu ở Thế vận hội 2012 môn bắn súng) bị hai người đàn ông cưỡi xe máy bắn chết. Gia đình cho biết Jakkrit rất thích sưu tầm bùa hộ mạng và theo cảnh sát, lý do dẫn đến án mạng có thể là Jakkrit đã tranh chấp một lá bùa hộ mạng với ai đó và bị bắn.

Ở Thái Lan, nếu chịu khó để ý du khách sẽ thấy bùa chú xuất hiện khắp nơi. Trên xe taxi, xe bus, ngoài những vòng hoa cúng Phật còn để đủ loại bùa (đựng trong những hộp nhựa nhỏ) cầu may mắn, an toàn. Ngay cả những công ty lớn vốn rất kỹ về hình ảnh thương hiệu, logo thường được chùi rửa sạch bóng, thế nhưng trên nhiều logo công ty ở Thái, bùa được dán chằng chịt.


Có 4 dạng bùa ở Thái.

Dạng thứ nhất là bùa hộ mệnh làm từ những viên đá lạ được tìm thấy trong tự nhiên (khruang-rang).

Dạng thứ hai là những bức tượng thần, Phật nhỏ để bảo vệ người, gia đình hoặc chứng giám lời thề (phra-khruang).

Dạng thứ ba, khruang-pluk-sek, là những hình xăm, câu chú bằng tiếng Pali (tiếng Phạn). Hình thức này mạnh mẽ hơn bùa hộ mệnh.

Cuối cùng là những loại rễ cây được dùng để ếm tà thuật (wan-ya).
Đa số sử dụng bùa chú để mong làm ăn thuận lợi, thăng tiến trong công việc, bảo vệ bản thân trước những âm hồn, tăng cường khả năng tình dục... Tuy nhiên, cũng có một số người dùng bùa chú để hại người.


MỘT SỐ LOẠI BÙA CHÚ CỤ THỂ


Những bài phép ma thuật từ Phật giáo Nam Tông

Người Thái hầu hết đều theo đạo Phật và tôn sùng nó với một niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Trải khắp đất nước, nơi đâu cũng có chùa chiền và và mỗi nhà dù giàu hay nghèo đều có chỗ thờ phụng riêng. Nếu đã từng du lịch Thái Lan, hẳn du khách sẽ không ngạc nhiên với trang thờ luôn nghi ngút nhang khói và ngoài sân lại có một bệ thờ riêng phục vụ cho việc cúng bái.

Như vậy có thể biết rằng người Thái có một vị trí riêng cho các vấn đề tâm linh và theo đó là những bài phép ma thuật "cha truyền con nối" danh bất hư truyền, tiếng đồn vang xa ra tầm quốc tế.

Vật phẩm phong thủy

Bắt đầu đơn giản chỉ là những sợi chỉ đỏ được đích thân nhà sư trụ trì của một ngôi chùa nào đó cột vào tay khách rồi đọc một lời chú bằng tiếng Thái bí hiểm, vậy là từ một sợi chỉ đỏ vô danh nay đã thành sợi chỉ may mắn có thể kêu gọi tài lộc, xua đuổi ma quỷ và đắc cầu đắc lợi. Với phương thức này, những vật phẩm phong thủy muôn hình vạn trạng đã dần được hình thành.Câu chuyện về một ngôi chùa nào đó, có vị sư nào đó trì chú rất linh nghiệm hấp dẫn những người trong giới kinh doanh đến xin lộc, những vật phẩm này không có mức giá cố định nhưng chắc chắn thùng công đức sẽ ngập tràn tiền với giá trị gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị thực của đồ vật đó.



Những vật phẩm phong thủy Thái Lan đang hot hiện nay được rao bán trên khắp các trang mạng xã hội có thể kể qua như chỉ đỏ kim vàng, mặt dây chuyền lưỡi hái chiêu tài lộc, mặt Phật 4 mặt dát vàng, bùa vàng sên chữ phép… được các tay buôn hàng vào chùa xin với số lượng lớn về rao bán lại với lời chào mời hấp dẫn cứ mua là sẽ tiền vô như nước.

Tựu chung, những món vật phẩm phong thủy trên có thể vô thưởng vô phạt không gây hại tới ai miễn người thỉnh tin tưởng để có một sự bình an cho tâm hồn, nhưng cũng có những vật phẩm khi nhắc đến sẽ gây hoang mang cùng sự sợ hãi cực điểm vì chúng chính là những thực thể sống bị áp chế từ kiếp này qua kiếp khác gây hậu quả khôn lường.

Bùa Mẹ Ngoắc vẫy khách

Nổi tiếng trong truyền thuyết các vị thần Thái Lan, nàng Ngoắc hay còn gọi Mẹ Ngoắc với tên đầy đủ là Nang Kwat – nữ thần tài lộc đang là top bùa phép bán chạy nhất.



Hình tượng Nang Kwat thực ra được du nhập từ Ấn Độ thông qua các nhà buôn đến để giao thương văn hóa. Nang Kwat được xây dựng trên hình tượng một người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp ngồi với tư thế quỳ truyền thống của cung nữ Thái, phục trang truyền thống với mão vàng trên đầu và cổ quấn tràng hoa, tay trái vẫy nhẹ và tay phải cầm túi vàng đặt hờ trên đùi.

Tương truyền nàng Kwat sinh ra trong một gia đình giàu có nhiều đời làm nghề buôn bán. Khi nàng sinh ra mọi công việc kinh doanh của gia đình đạt đến hồi cực thịnh, cha mẹ nàng để ý nếu để nàng ngồi trước cửa hàng sẽ bán hết hàng rất nhanh nên trong mỗi chuyến đi buôn xa đều mang nàng theo và rất cưng chiều nàng.



Trong một chuyến đi buôn, nàng được nghe giảng đạo Phật và từ đó một lòng hướng Phật và tu tại gia cùng với làm nhiều điều thiện như cúng dường, xây chùa, làm phước và ảnh hưởng đến cả cha mẹ nàng nên cả nhà làm từ thiện rất nhiều. Nang Kwat nổi tiếng kéo theo nhiều người đến nhà xin nàng ban cho sự may mắn, tình duyên, tài lộc và đều được như ý nguyện. Khi Nang Kwat mất đi, người dân tôn sùng nàng tình nguyện góp vàng đúc tượng nàng để thờ cúng và từ đó nàng trở thành Nữ Thần Tài Lộc của người dân Thái.

Rất nhiều bạn trẻ kinh doanh đã không ngại đường xa đến Thái để thỉnh Nang Kwat về phò trợ cho việc làm ăn của mình. Người nhiều tiền thì thỉnh tượng vàng, tượng đồng… người ít tiền thì xin bùa xin phép nàng để may mắn hơn. Có thể nói Nang Kwat tuy chỉ là một tín ngưỡng nhưng lại đóng góp cho nền kinh tế Thái Lan một số tiền không nhỏ.

Cứ như vậy người thỉnh Nang Kwat có thể mua tượng, mua bùa ở đâu đó rồi vào chùa bỏ tiền công đức và nhờ sư thầy trì chú vào vật phẩm cho may mắn rồi đem về thờ hoặc bán lại cho đối tác, bằng cách này hay cách khác thì hàng ngàn thậm chí hàng triệu bản thể Nang Kwat đã có mặt khắp thế giới. Đây là thể loại chiêu tài lành mạnh chưa làm hại ai mặc dù hiệu quả vẫn còn là một sự huyền bí.

Kumathong


Kumanthong trong tiếng Thái Lan có nghĩa: Kuman là tiếng Thái Cổ ám chỉ "em bé, trẻ nít, con nít còn sơ sinh, còn nhỏ tuổi", "Thong" - nghĩa là "Vàng". Kumanthong là “Em Bé Vàng". Kumanthong được người Thái tin là có thể làm được rất nhiều việc từ giúp đỡ người "nuôi", "thờ" mình làm ăn thành đạt, "hút tiền" đến cho chủ nhân, bảo vệ gia tài... Đáng kể nhất, loại bùa này có thể giúp phá phách các đối thủ trong làm ăn, buôn bán như gây bệnh, gặp nạn... Quyền năng thực sự của Kumanthong vẫn chưa được kiểm định.



Các nhà sư sẽ lấy thi hài của trẻ sơ sinh và sử dụng xương hoặc lông, tóc của chúng để tạo thành các mẫu bùa hộ mệnh. Đối với những em bé chưa sinh (có nghĩa là mất trong bụng mẹ) sẽ được đưa vào hình tượng em bé đang nằm và mút núm vú giả (nhìn trông rất dễ thương), những đứa bé ở độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi, hình dáng thông thường là đứng hoặc ngồi và người sở hữu cũng có thể thấy chúng mang theo một số vũ khí như cung tên hoặc giáo mác (tùy hình dạng).

Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm việc “chế tạo” và sử dụng Kumanthong, song những đồn thổi truyền tai nhau về quyền năng siêu phàm khiến cho nó vẫn luôn là một thứ hàng chợ đen đắt giá. Và ở những bệnh viện Thái, thai nhi sinh non liên tục bị đánh cắp. Mộ các bà mẹ đang mang thai cũng thường xuyên bị ăn trộm.

ĐI CHỢ BÙA
Không có con số thống kê chính thức nhưng theo Reuters, hằng năm đất nước có gần 70.000.000 dân này chi cho việc thỉnh phép, mua bán bùa chú hơn 20 tỉ Baht (khoảng 640.000.000 USD). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi tại Bangkok có hẳn một khu chợ chuyên bán bùa chú tên là Tha Prachan. Đó là một cái chợ vỉa hè nằm trên đường Prachan ngay sát Hoàng cung. Chợ mở suốt tuần từ sáng đến chiều, lúc nào cũng đông nghẹt người. Ngoài dân địa phương, đây cũng là một điểm thu hút rất đông du khách từ Á tới Âu, Mỹ.



Bùa thượng vàng hạ cám đều bán ở đây. Từ những cái bùa cầu an nhỏ xíu 10 - 20 Baht cho đến vuốt gấu, răng cọp, ngà voi, những loại bùa “độc” để “bách chiến bách thắng” trong tình trường, thương trường giá lên đến cả vài triệu Baht.

Không thể phủ nhận Thái Lan là một vùng đất sản sinh các loại bủa ngải huyền bí, đó cũng là văn hóa đặc trưng của Thái Lan. Nếu du khách về nét văn hóa đặc sắc này thì hãy đặt cho mình một tour Thái Lan để khám phá nhé!