Liên Xô đã cho Việt Nam những gì?
05:29 27.12.2022
© Sputnik
Alexei Syunnerberg
Tất cả các bài viết
Một trăm năm trước, vào ngày 30 tháng 12 năm 1922, Liên Xô tuyên bố thành lập. Sau 69 năm, ngày 26 tháng 12 năm 1991, nước này chính thức không còn tồn tại. Ngay ngày hôm sau, 27 tháng 12, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận Liên bang Nga là nước thừa kế hợp pháp của Liên Xô.
Trong bối cảnh những thành công kinh tế hiện nay của Việt Nam, thật hữu ích khi nhớ lại những gì Liên Xô đã cung cấp cho nước cộng hòa này trong 42 năm cuối của lịch sử Liên bang, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Xô-Việt vào tháng 1 năm 1950, một trong những chuyên gia lớn nhất của Nga về Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin nói.
42 năm hết mình giúp đỡ
“Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Liên Xô: đầu tư tăng cường năng lực quốc phòng, xây dựng và vận hành các cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước. Việc giúp đỡ là không hoàn lại. Sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, toàn bộ viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam vì mục đích quân sự và một phần xây dựng kinh tế đều được tuyên bố miễn phí. Và sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 2000, lãnh đạo Liên bang Nga đã quyết định chỉnh sửa lại các khoản vay còn lại của Việt Nam từ thời Liên Xô. Phần lớn 70% khoản viện trợ này đã được xóa bỏ. Việt Nam chỉ phải trả 30% số nợ công Liên Xô còn lại. Đây là thông lệ chưa từng có trong việc hỗ trợ cho một quốc gia khác” - ông Vladimir Mazyrin nói.
Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô. Áp phích có nội dung "Dù cách xa nhau ngàn trùng nhưng trái tim chúng ta lại rất gần nhau!".
© Ảnh
Giáo sư Mazyrin đưa ra so sánh như thế này.
“Cho đến nay, tất cả các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 400 tỷ USD, và Việt Nam sẽ phải hoàn trả lại tất cả số tiền này. Viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam tính bằng đồng tiền tương đương không hề thấp hơn nhưng không tạo gánh nặng cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Ngày nay, gánh nợ của Việt Nam - chủ yếu với các nước hàng đầu phương Tây - rất nặng nề, các chuyên gia quốc tế thừa nhận Việt Nam đang nợ nước ngoài rất cao, sát bờ vực nguy hiểm - trên 60% GDP”.
Viện trợ cho tương lai
“Đặc điểm quan trọng thứ hai của sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam là tính chất chiến lược lâu dài. Sự hỗ trợ này được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch nhà nước, việc xây dựng được thực hiện với kế hoạch sử dụng lâu dài. Ví dụ như nhà máy thủy điện Hòa Bình. Trong nhiều năm, đó là nhà máy điện lớn nhất Đông Nam Á, giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường và hiện vẫn hoạt động rất tốt. Đồng thời, khác với các nước phương Tây, Liên Xô không tìm cách ràng buộc Việt Nam bằng sự giúp đỡ của mình” - chuyên gia Nga nói.
Trên công trường xây dựng tổ hợp thủy điện Hoà Bình trên sông Đà
© Sputnik / Sergey Subbotin
/ Chuyển đến kho ảnh
Giáo sư Mazyrin dẫn ví dụ về tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ để so sánh. “Khi bước chân vào ngành cà phê ở Việt Nam Nestle đã gần như thâu tóm hoàn toàn việc chế biến hạt cà phê, tạo đồn điền của riêng mình hoặc mua với giá rẻ tất cả sản phẩm từ nông dân. Các nhà máy của tập đoàn này được xây dựng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam và Nga, chế biến các sản phẩm từ hạt cà phê Việt Nam dưới thương hiệu Nestle nhưng không hề nhắc đến xuất xứ Việt Nam. Hầu như tất cả giá trị gia tăng của những hoạt động này đều qua mặt Việt Nam.
“Liên Xô không bao giờ làm như thế. Trong suốt lịch sử hợp tác với Việt Nam, nước này chỉ tạo ra 3 liên doanh lớn hiện vẫn hoạt động thành công cho đến nay. Đó là dầu khí Vietsovpetro, khác với các nước khác, được tạo ra trên cơ sở bình đẳng (hiện tỉ lệ ăn chia là 51 trên 49), và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ như nhau. Sau khi bắt đầu khai thác công nghiệp vào năm 1986, liên doanh này đã mang lại cho ngân sách cả Việt Nam lẫn Liên Xô trung bình 500 triệu USD/năm. Liên doanh thứ hai, Trung tâm nhiệt đới Nga-Việt là ví dụ điển hình về nghiên cứu hiệu quả trong lĩnh vực sinh thái, bảo vệ sức khỏe, y học, loại bỏ hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam và sự thích ứng của các thiết bị quân sự hiện đại với điều kiện nhiệt đới. Liên doanh thứ ba là Visoruteks trồng cây cao su và sản xuất cao su tự nhiên” - ông Vladimir Mazyrin cho biết thêm.
Đóng góp của Liên Xô vào sự phát triển của Việt Nam là cơ sở cho thành công hiện tại
Đặc điểm quan trọng thứ ba của sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam là tính chất toàn diện của nó. Trên thế giới, ngoài Liên Xô, không nước nào làm được điều này. Liên Xô đã góp phần phát triển công nghiệp, nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Liên Xô đã giúp khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông bị phá hủy sau chiến tranh, xây dựng lại cầu đường. Với sự tham gia của Liên Xô, lĩnh vực xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trung học và đại học của Việt Nam đã được phát triển rất nhiều. Hơn nữa, Liên Xô đầu tư cả về vật chất lẫn con người.
Đào tạo sĩ quan phi công Việt Nam tại Liên Xô
© Sputnik / Valeriy Shustov
/ Chuyển đến kho ảnh
Các trường đại học của Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hàng chục nghìn chuyên gia trình độ cao, kể cả quân nhân, hàng nghìn phó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Hơn 120.000 công nhân tay nghề cao của Việt Nam đã được đào tạo tại các nhà máy công nghiệp ở Liên Xô.
“Tất cả những điều này cộng lại đã đặt nền móng và điều kiện quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế, khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Nếu không có nguồn nhân lực được đào tạo dưới thời Liên Xô, nếu không có toàn bộ cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng, công nghiệp nặng được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, Việt Nam sẽ không thể sử dụng thành công những lợi ích của nền kinh tế thị trường hiện đại như ngày nay” - Giáo sư Vladimir Mazyrin nhấn mạnh khi kết thúc cuộc phỏng vấn.
Bookmarks