Những điều đặc biệt của ngày Giỗ Tổ và lý giải hiện tượng kiệu bay
"Theo tôi biết thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này có ngày Quốc giỗ" – nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.
Tháng 3 Âm lịch, tháng cuối cùng của mùa xuân, của mùa lễ hội, cũng là tháng cả nước hướng về ngày Quốc giỗ. Một lần nữa, nhà báo Hoàng Anh Sướng lại có cuộc trò chuyện với nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh để giải mã những điều lý thú trong Giỗ Tổ nói riêng và lễ hội nói chung.
Việt Nam - Nước duy nhất có ngày Quốc giỗ?
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà, nhắc đến lễ hội, chúng ta không thể không nhắc đến lễ hội đền Hùng, Giỗ Tổ Hùng Vương – ngày Giỗ Tổ chung lớn nhất, linh thiêng nhất của toàn thể người dân đất Việt…
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Theo tôi biết thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này có ngày Quốc giỗ. Rất nhiều dân tộc, trải qua chiều dài lịch sử vô vàn thành tựu, thậm chí được ca ngợi là trung tâm văn hóa của nhân loại, cũng không có ngày này.
Một dân tộc trọng Đạo, kính Trời, kính Đất, biết trân trọng cội nguồn mới có một ngày lễ, ngày giỗ chung - Giỗ Tổ Hùng Vương như thế. Thật tự hào lắm thay!
"Cốt Rồng hạt ngọc là Cha
Cốt Tiên bầu sữa chính là Mẹ yêu"
Tiền nhân viết những vần thơ trên để muốn nói với hậu sinh rằng: chúng ta là con Hồng, cháu Lạc, là con Rồng, cháu Tiên. Cha Lạc Long Quân kết duyên với Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con là sự hòa quyện giữa Thần và Tiên, dù là huyền tích hay sử tích thì cũng thật cao quý.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Vậy thì lễ hội chính là nghi thức để chúng ta tri ân tiên tổ và tự hào dân tộc, thưa bà?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Đúng. Và những nguồn năng lượng tinh túy của trời đất hội tụ đến xứ sở này trong lễ hội. Cho nên, trong lễ hội đền Hùng và tất cả các lễ hội ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam bao giờ cũng có hai phần:
Phần thứ nhất là tế Thiên Địa - Trời Đất. Tế những người đã có công khai thiên lập quốc. Chúng ta không chỉ tri ân những con người bằng xương bằng thịt, mà chúng ta lồng vào đó để tri ân Mẹ Thiên Nhiên.
Phần thứ hai là phần Hội để nói lên con dân Việt Nam dù ai đi ngược về xuôi, vất vả lắm, gian truân lắm, nhiều việc lắm nhưng chúng ta vẫn dành một thời khắc vô cùng linh thiêng để nhìn về cội nguồn, nhìn về quá khứ mà tưởng nhớ các đấng liệt tổ liệt tông đã dày công vun đắp cho chúng ta có giang sơn, gấm vóc được như hôm nay. Phần Hội còn biểu hiện một nét văn hóa đặc sắc mà tạo hóa ban cho dân tộc Việt Nam, đó là nền văn minh lúa nước.
Đã có người hỏi tôi: Với địa chính trị của Việt Nam thì lộc Trời ban cho đất nước chúng ta là gì? Tôi trả lời rằng: Lộc Mẹ thiên nhiên ban cho chúng ta chính là lộc nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Cứ nhìn vào hình đồ thì thấy, chúng ta có hơn 3.200km bờ biển. Đó là mặt tiền của ngôi nhà. Chúng ta có biết bao núi rừng. Rừng thì tàng khí, núi thì tàng thần. Có biết bao sản vật cỏ cây, hoa, lá, muông thú đang trưởng dưỡng cho con người Việt Nam sinh sôi, phát triển để xây dựng đất nước, để bảo vệ đất nước.
Việt Nam có tục thờ Vua Thần Nông, một vị Thần ở cõi trời chủ về nền nông nghiệp, ban cho con người một thứ báu vật "có thực mới vực được đạo". Đây là bản sắc, là đặc thù của cảnh giới mà chúng ta gọi là trái đất, nhà Phật gọi là cõi Ta Bà.
Chúng ta còn có tục thờ cả thần núi, thần rừng. Người Việt cổ đã biết trân trọng các vị thần. Họ chính là các nguồn năng lượng cao, thấp, sáng, tối khác nhau. Mỗi vị giống như một luồng hào quang, một nguồn năng lượng tích cực để giúp cho vạn vật và con người sinh sôi phát triển.
Trong hội còn thể hiện tất cả những trò chơi dân gian. Những nghi thức ấy đều nói lên con người chúng ta đã biết đón nhận tất cả các mối quan hệ giữa định luật của càn khôn và quy luật của vũ trụ. Ví dụ tiếng trống đồng, tiếng cồng, tiếng chiêng… chính là ngôn ngữ vũ trụ. Khi lễ hội bắt đầu, tất cả những thanh âm ấy rung ngân lên như muốn nói với người Mẹ thiên nhiên rằng: "Mẹ ơi! Chúng con ở đây. Ngày hôm nay chúng con dành một thời khắc để tri ân, để tưởng nhớ và để thực hành những gì mà mẹ đã ban trao".
Rồi trong hội có những trò chơi dân gian để làm cho con người khỏe về thể chất, tỏa sáng về mặt tinh thần. Trong lễ hội chúng ta còn có rất nhiều các cuộc thi như thi nấu ăn, làm bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng, bánh dày đã đại diện cho đỉnh cao của nền văn minh lúa nước.
Hạt lúa sơ khai, Mẹ thiên nhiên ban trao, tổ tiên chúng ta đón nhận, chúng ta đã biết biến hóa cái hạt gạo ấy, cái hạt ngọc ấy thành muôn vàn các sản phẩm mà mỗi địa phương được thụ hưởng một thứ.
Đằng sau lễ hội còn có một giá trị, theo tôi vô cùng nhân văn, đó là, để cho con người xích lại gần nhau, sẻ chia những thành công và sớt chia gian khó. Và từ lễ hội đền Hùng, cái chuẩn mẫu này nó lan tỏa đến tất thảy lễ hội ở các làng xã trên đất nước Việt Nam.
Có thể nói, tất cả những gì hiện hữu chúng ta được chứng kiến chính là những giá trị cốt lõi mà tổ tiên ta đã đúc rút, đã thể chế hóa để nó đi vào lòng người. Vì thế, mỗi khi đặt chân đến đất Tổ Hùng Vương, tôi mong tất cả chúng ta đều ý thức rằng: chúng ta đang đặt vào dấu chân của các bậc tiền nhân, của các Đức Vua Hùng, của những người đã dày công vun đắp để giang sơn ta, để đất nước ta được như hôm nay.
Tế lễ để làm gì?
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Bà đã nói rất rõ về ý nghĩa của lễ hội, nhưng tôi và nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu thấu nghi thức quan trọng nhất là tế lễ...
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Trong di tích đền Hùng, người xưa đã tổ chức hệ thống điện thờ, theo tôi, đúng lẽ của Trời Đất.
Đền Hạ hàm nghĩa là thờ Đức Âu Cơ. Quan hệ của vũ trụ là quan hệ Mẫu hệ. Vậy Mẹ thiên nhiên, Mẹ Âu Cơ phải chăng là một? Người đã hạ sinh ra một trăm người con, một trăm họ tộc Việt. Có người ở lại với mẹ, có người theo cha. Có người ở lại cố quốc, có người ra đi để học, để hỏi ở khắp năm châu, bốn biển, mang những tinh hoa về cho giang sơn đất nước nhỏ bé này. Song dù người đi hay người ở lại vẫn đều là một nhà.
Đền Trung là nơi các vua Hùng đàm luận, đàm đạo việc giữ nước, chế ngự thiên nhiên, xây dựng quốc gia với các bậc Lạc hầu, Lạc tướng. Đó là nơi nghị sự để tất cả mọi người vì dân, vì nước, vì đồng bào mà chăm lo cho giang sơn đất nước này.
Đền Thượng là nơi tế Trời Đất, cung kính Mẹ thiên nhiên. Vì không phải chỉ có con người mà từ cỏ cây, hoa lá, muông thú, vạn vật ở hành tinh này đều được Mẹ thiên nhiên sinh sôi, trường dưỡng, phát sinh phát triển để làm cho giang sơn gấm vóc tốt đẹp hơn.
Vậy ý nghĩa cao quý thứ nhất là tế càn khôn, vũ trụ, thiên địa, trời đất. Phải chăng Mẹ thiên nhiên không của riêng ai, không riêng của một quốc gia nào? Và từ cổ xưa người Việt Nam đã làm được việc này? Phải chăng các cụ đã thấu tỏ quy luật khách quan, đang chi phối vào vạn vật, muôn loài và con người.
Ý nghĩa cao quý thứ hai của việc tế lễ là xin cho mưa thuận, gió hòa, xin cho tứ pháp: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện, âm dương cân đối, khí chất điều hòa. Đấy là tâm nguyện, là sở nguyện trong đạo làm người được xuyên suốt 4000 năm nay.
Ý nghĩa cao quý thứ 3 mới là tế lễ các vị thủy tổ đã khai thiên lập quốc. Rừng vốn thiêng, nước vốn độc. Để có rừng xanh như hôm nay, để có nguồn nước trong lành, để có giang sơn gấm vóc, tổ tiên ta đã phải khai phá, phải làm không biết bao nhiêu công việc để non nước được như vậy.
Cho nên theo tôi, cái tế lễ ấy nó hòa quyện hai trục: nhân sinh quan là trục hoành, vũ trụ quan là trục tung. Để nó đạt đến một điểm thống nhất, để nó đi về cái đích đó là nhất nguyên.
Vậy thì người Việt cổ trí tuệ lắm, thông minh lắm. Các cụ đã nhìn thấu tỏ ngũ kinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) bốn phương và tâm ở giữa để chúng ta dạy con dạy cháu đi về nhất nguyên. Có nghĩa là sống hòa thuận với thiên nhiên, sống hòa thuận với cỏ cây, hoa lá, vạn vật và sống hòa thuận với con người trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ.
Cho nên Lễ bao giờ cũng vậy. Trước khi vào lễ đó là rước. Chúng ta phải rước các bậc hiền nhân thủy tổ đã hiển Phật, hiển Thần, hiển Tiên, hiển Thánh mà chúng ta quen gọi đó là nguyên khí quốc gia để lên một đỉnh núi cao nhất. Phải chăng đó là phúc huyệt, quý huyệt?
Chúng ta xây đền Thượng để làm lễ bái tế thiên địa, trời đất và chúng ta tế Tổ để con người dầu bận trăm công ngàn việc nhưng trong dương vẫn có những thời khắc chúng ta được hòa quyện vào đường âm. Theo tôi, đấy là giá trị rất tinh túy của người Việt cổ và cái quý là chúng ta đã giữ gìn từ triều đại này sang triều đại khác.
"Không có vị thần tiên nào giúp con nấu cát thành cơm"
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Rước kiệu là một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội làng xã. Thường có 2 lễ rước kiệu. Lễ rước kiệu lúc khai mở hội và lễ rước kiệu khi khép lại hội. Khi thực hiện nghi thức ấy, người ta thường rước tượng Thần hoặc Thần vị từ nơi thờ tự như ở miếu đến nơi tế lễ là đình. Bà vui lòng cho biết, lễ rước kiệu ấy có ý nghĩa gì?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Điều trước tiên tôi muốn nói rằng, tất cả các vị Đức Thánh thành hoàng làng là các bậc phúc thần. Họ là những con người bằng xương bằng thịt nhưng đã hiến dâng cả thân, cả tâm, cả công sức cho công việc dựng và giữ nước.
Khi các ngài hóa, tiếng thơm lưu truyền muôn thuở, được dân phong. Họ cũng có thể là những người đã dạy chúng ta làm lúa nước, làm nghề gốm sứ, nghề đúc, các nghề thủ công để chúng ta có nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống. Cái công đức ấy trường tồn. Chúng ta phải thể hiện tấm lòng của hậu sinh, đó là đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn", đó là đạo hiếu: "Không thầy đố mày làm nên".
Các vương triều ngày xưa đã thấu hiểu lòng dân, đều có sắc phong, ngọc phả, ghi công đức của các vị ấy để lưu truyền muôn thuở. Nhiều vị trở thành "Tối đẳng phúc linh thần" để cho các làng bản hương khói quanh năm.
Trở lại nghi thức rước kiệu trong lễ hội. Đây là nghi thức có một nội dung vô cùng quan trọng. Theo quan niệm, các vị thần của đường âm cũng được phân chia địa giới. Mỗi vị chăm sóc, trông nom, phù trợ, hộ trì cho làng bản, cho cái nghề ấy không thất truyền. Rước ngài để ngài đi xem giang sơn của ngài, đất nước của ngài, công đức của ngài, nghề của ngài dạy, đạo lý ngài trao truyền cho các thế hệ sau con cháu giữ đến đâu? Liệu thế hệ sau có hơn thế hệ trước không?
Trong rước kiệu có các phù giá. Họ là những nam thanh, nữ tú, con nhà tử tế, ngoan ngoãn mới được làng quê tuyển vào làm phù giá cho Thánh. Điều đó có nghĩa ông Thánh là báu vật của quốc gia thì tất cả những người đi khâm trực nhà ngài phải ngoan, phải hiền. Quý vật được rước thì phù giá phải là quý nhân nó mới tương đồng những nguồn năng lượng mà các ngài đã để và góp phần cho trang sử Việt Nam tỏa sáng.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Chúng ta đang nói về nghi thức rước kiệu trong lễ hội. Có một hiện tượng tâm linh đặc biệt đã xảy tại một số lễ hội ở làng xã. Đó là hiện tượng kiệu bay. Tôi đã từng xem khá nhiều các clip, bài viết miêu tả chi tiết về hiện tượng này. Cả đoàn rước kiệu đang bước đi rất chậm rãi, bỗng nhiên họ chạy như bay xuống cánh đồng, xuống ao, xuống sông rồi chiếc kiệu quay tít. Họ chạy như nhanh như vậy mà kiệu vẫn vững chãi và bản thân những người rước kiệu cũng không loạng choạng, vấp ngã gì. Tại làng Xuân Đỉnh quê hương của bà cũng đã xảy ra hiện tượng như vậy. Là một nhà văn hóa tâm linh, bà lý giải gì về hiện tượng này?
Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Với góc độ của một người làm tâm linh, tôi có thể khẳng định, kiệu bay không phải do tập mà đấy là những giây khắc cộng hưởng năng lượng sinh học vũ trụ. Giống như ngồi đồng Thánh thôi, hoặc như Saman giáo trên thế giới.
Khi chiêng trống nổi lên, hương nến dâng lên, tất cả những người đi hội đều tâm tưởng một ý niệm mình đang đi lễ Thánh. Điều đó tạo ra những nguồn năng lượng tâm hòa tâm, tuệ hòa tuệ ngút trời. Và sự cộng hưởng ắt đến. Hồn thiêng sông núi là những nguồn năng lượng tích cực hội tụ. Hồn thiêng ấy ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, và khi được cung thỉnh, được hướng đến, thì tất cả các nguồn năng lượng ấy hội tụ thành một dòng trường lực sức mạnh hội tụ mà trong vật lý gọi là lực hấp dẫn. Nó chính là lực hút, lực đẩy để cho tất cả các giai kiệu, những người phù giá bắt đầu quay. Nếu là tập, kiệu sẽ không bay được một cách ảo diệu như thế.
Con người có hệ thần kinh vô cùng nhạy cảm. Những người phù giá là những nam thanh nữ tú, là những người thành tâm, nhiệt huyết, biết trân quý nguồn cội cho nên những trường năng lượng ấy dội vào và cộng hưởng, dẫn đến hiện tượng kiệu bay. Vì thế, thông qua kiệu bay, chúng ta có thể thấy sức mạnh của sự đồng tâm, của nguyên khí hội tụ, hiện hữu. Mẹ thiên nhiên vốn chứa đựng vô cùng vô tận các nguồn năng lượng cao quý mà trong tín ngưỡng, tôn giáo vẫn gọi là thiện thần. Hiểu thấu lễ hội sẽ giúp cho chúng ta trân trọng thiên nhiên, đừng mê nữa, đừng lạc nữa, đừng sợ nữa, hãy sống hòa thuận với nhau và với thiên nhiên.
Có không ít người nhạo báng, phỉ báng vì họ không hiểu, không tin. Điều đó cũng không sao vì lẽ đời là vậy. Người thượng căn, người trung căn mới nhìn xa trông rộng còn những người hạ căn thì cái gì nhìn thấy, sờ thấy, mó được, hưởng được họ mới tin. Đáng tiếc thay!
Và những người hạ căn ấy 30 năm, 40 năm, 50 năm, 70 năm, 80 năm chưa biết chắp tay để tạ ơn Mẹ thiên nhiên đã cho con không khí để con hít thở hàng ngày, đã cho con nước uống để con sống, đã cho con sức khỏe và trí tuệ, để con làm ra hạt gạo, ra đồng tiền. Tầm mắt họ chỉ thấy miếng cơm, manh áo, ngôi nhà, phương tiện đi lại... Họ chỉ nhìn được hữu hình, còn tất thảy những giá trị vô hình, dù họ có tâm nhưng lại chưa đủ tầm để nhìn thấu.
Cho nên, những người có tâm sáng và hiểu chuyện, khi nhìn kiệu bay thì thấy trân trọng, biết ơn. Chỉ có những người mê mờ mới chắp tay xin bề trên cho con tài, cho con lộc, xin cho con khỏe, xin cho con con đỗ vào đại học, xin quyền năng, xin nhiều thứ…
Tôi xin thưa: nếu chúng ta lắng tâm để nghe các bậc phúc thần, hồn thiêng của non nước nói thì các Ngài sẽ nói với bách gia trăm họ: "Hãy tin Nhân Quả. Nhân đâu mà con đòi hái quả. Con hãy học bài số 1 nhân quả đi con. Không có một vị thần tiên nào có thể giúp con mang cát nấu thành cơm. Chỉ có gạo mới nấu ra một nồi cơm thơm, cơm dẻo".
Cho nên nhân quả là quy luật của tạo hóa mà khi có lòng tin chúng ta sẽ lật từng trang sách để tin những quy luật lớn đang chi phối đến loài người chúng ta. Theo tôi, đấy là một giá trị cao quý. Và trong cuộc đàm đạo ngắn ngủi hôm nay, tôi không thể nói rộng hơn nữa nhưng tôi khẳng định, đây là một hiện tượng tâm linh chân chính. Các vị đã về trời, đã thành các lực lượng siêu nhiên nhưng muốn dẫn dắt, bắc cầu để cho hậu sinh chúng ta viết đức tin chân chính trong tâm khảm. Và khi ấy, chắc chắn người đó sẽ khai được tâm thiện, nhận diện được tâm ác, người đó chắc chắn sẽ thành người tử tế.
(Còn nữa)
Bookmarks