Chuyện ông 'dở hơi' có gần 2.000 đứa con


10 năm với những giấc ngủ vội, nhiều đêm thao thức, không ngủ và những tháng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp “cà tàng, ông lão 80 tuổi ấy đã giúp cho hàng nghìn trẻ em khuyết tật của tỉnh Hà Tây (cũ) có việc làm và tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.

Ông là Hà Xuân Định, thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Định vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đôi mắt lanh lẹ sau cặp kính.

10 năm gắn bó với chiếc xe đạp cũ cùng chiếc túi vải đã bạc màu bởi nắng, mưa, hầu như ngày nào ông cũng rong ruổi trên các tuyến đường về các huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) để tìm gặp và vận động các em khuyết tật về học nghề tại Hợp tác xã Sơn khảm (thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).




Ngày nào ông Định cũng rong ruổi trên các tuyến đường về các huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) để “tuyển sinh”..

Thấy ông tuổi đã cao, lại đi làm cái việc “không ai khiến”, người thì gọi ông là “ông tiên giữa đời thường”, “sứ giả của lòng nhân ái”, người lại bảo ông “dở hơi”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”… Những lúc ấy, ông chỉ cười xòa, nói rằng: “Các con tôi đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Còn nhiều số phận bất hạnh kia đang rất cần sự giúp đỡ của chúng ta”.

Còn các em học nghề tại đây, tự lúc nào đã gọi ông bằng tiếng “cha” rất đỗi thân thương. Chỉ cho chúng tôi xem tấm ảnh cô con gái nuôi đầu, ông kể cho chúng tôi nghe lý do vì sao gần 10 năm nay ông tự nguyện làm công việc này.

Năm 2002, trong một lần đạp xe về huyện Thanh Oai thăm gia đình một người quen, trên đường đi, ông ghé vào một quán để uống nước. Tại đây, ông đã gặp một cô bé bị liệt đôi chân, tên Phạm Thị Út.

Ngồi trên chiếc xe lăn, cô bé đã khóc và tâm sự với ông: “Cháu khổ lắm ông ạ. Cháu bị tật thế này, chỉ biết ăn bám bố mẹ thôi. Nhà cháu có 4 anh,chị em, vất vả lắm ông ạ. Cháu muốn làm việc nhưng không chỗ nào họ nhận một người như cháu cả…”.

Về nhà, hình ảnh cô bé ấy khiến ông trằn trọc suốt mấy đêm. Sau đó, ông đã nghĩ đến việc giới thiệu em cho các cơ sở dạy nghề. Thế rồi, ông tìm đến HTX Sơn Khảm (thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Và từ đó, ông trở thành người cha, kết nối những trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn lại vối nhau và đưa chúng về HTX Sơn khảm để học nghề.

Giờ đây, chị Út đã trở thành bà chủ của một cơ sở sơn khảm có tiếng tại thị trấn Kim Bài (Thanh Oai – Hà Nội). “Tôi biết ơn cha Định lắm. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ có cha đã thương yêu, giúp đỡ. Cũng nhờ cha mà tôi có một gia đình thứ hai, có những người anh, chị, em cùng chung hoàn cảnh”, chị Nguyễn Thị Út chia sẻ.

Nhìn những đứa trẻ đang say sưa làm việc, ông Định cho biết: “Mỗi khóa học có khoảng 150 cháu. Mỗi đứa một số phận, một hoàn cảnh éo le khác nhau. Đứa thì câm, điếc, đứa lại mồ côi, đứa thì chân, tay yếu, trí tuệ chậm phát triển… Chỉ sau một năm học nghề, các cháu đều có thể làm việc và nuôi sống được bản thân, giúp đỡ gia đình mình”.

Cũng nhờ có cha Định mà em Nguyễn Văn Phánh, thôn Bài Lễ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã được học nghề. Hiện, em đã mở một cơ sở sản xuất sơn khảm tại TP Hồ Chí Minh, đã xây được nhà cho bố mẹ và hàng tháng vẫn gửi tiền ra cho các em đi học.


Trăm ngàn khó khăn

Qua hơn 10 khóa học, đến nay, ông Định đã có tới gần 2000 người con – 2000 số phận kém may mắn đã có việc làm và tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống. Để có được như ngày hôm nay, người cha ấy đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Khó khăn nhất với ông, không phải ở những chuyến đạp xe dài mấy chục cây số mà là làm sao vận động được các em, làm sao để gia đình các em tin tưởng, gửi gắm con cái họ cho ông. Có nhiều trường hợp, ông phải đi đi, về về đến mấy lượt mới đưa được các cháu về cơ sở học nghề. Có gia đình khi thấy ông quay lại lần thứ hai, liền đuổi ông ra khỏi nhà.

“Có những khi tôi xa nhà đến cả tháng trời. Tôi đã phải ăn, ngủ ở nhà dân, đi hết xã này lại sang thôn kia, giải thích cho người dân bằng hiểu, bằng tin mới chịu về. Ban đầu, vợ và các con tôi cũng phản đối ghê lắm. Các con sợ tôi tuổi đã cao, đạp xe xa như vậy ảnh hưởng tới sức khỏe mà lại không an toàn”, ông Định chia sẻ.

Làm việc không lương, thậm chí, nhiều khi thấy thương các em, ông còn bỏ tiền túi ra để cho các em mua đôi dép hay bộ quần áo mới. Có lần, ông bỏ cả tiền triệu ra để thuê ô tô, chở hơn 50 em từ Phú Thọ về HTX Sơn khảm.

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX Sơn Khảm cho biết: “Ông Định thương bọn nhỏ lắm. Đưa các em về cơ sở học nghề, hiểu được tâm lý “bất thường” của các em nên ông ấy thường xuyên gần gũi, động viên, khuyên các em phải biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống”

“Tiền mất, tật mang”, năm 2008, giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, khi đang đạp xe trên đường về xã Khai Thái (Phú Xuyên), ông đã bị một tốp học sinh đi ẩu xô ngã và phải nằm viện hơn 20 ngày.

Sau lần ấy, gia đình ông khuyên ông nên ở nhà nghỉ ngơi, công việc ấy giao cho người khác làm, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo : “Trời còn cho tôi khỏe mạnh lắm. Khi nào đôi chân tôi còn đạp nổi xe thì khi ấy tôi còn đi, còn muốn làm việc thiện giúp người”.

Không chỉ có mặt trên khắp các nẻo đường tới các huyện của Hà Nội, sắp tới, ông Định sẽ rong ruổi trên chiếc xe đạp về huyện Kim Bảng và Duy Tiên (Hà Nam) để “tuyển sinh”.


Theo Quân đội Nhân dân Online