Thư mẹ gửi: "Con gái à, lần đầu tiên ra mắt nhà bạn trai đừng bao giờ rửa bát"
Người thực sự thích con sẽ không từ chối con chỉ vì con không biết nấu ăn hay con không chịu rửa bát. Còn nếu họ đã không thích con thì con có chăm hơn cũng vô dụng. Không chỉ là việc rửa bát, nếu đó là việc con không thích làm, con vẫn có thể dũng cảm mà từ chối.
Con gái thân yêu,
Đầu tiên, mẹ rất vui khi con có thể tìm được một người yêu thương con và con có thể thoải mái mà chia sẻ mọi buồn vui giận hờn với người ấy. Thời gian thật nhanh, mẹ già đi từng ngày. Chẳng biết được khi nào sẽ rời xa con nên mẹ luôn mong con gái của mẹ có thể tìm được một người đối xử với con thật tốt, quan tâm chăm sóc con thật tốt.
Tháng trước, con đưa thằng bé về nhà mình ăn tối, bố mẹ đều không phản đối gì cả. Bố mẹ cảm nhận được sự chân thành, lễ độ từ người yêu của con. Từ những gì bố mẹ quan sát được, bố mẹ nghĩ cậu ấy thực sự yêu con, muốn cưới con về làm vợ.
Ngày mai, con sẽ ra mắt nhà người yêu . Con hồi hộp hỏi mẹ cả đống câu hỏi: “Mẹ, lần đầu tiên đến nhà trai thì phải lưu ý những gì?”/ “Con có cần tỏ vẻ con rất chăm chỉ, tháo vát không?”/ “Lần đầu tiên đến nhà bố con làm khách, mẹ có giành rửa bát không mẹ?”…
Nhìn vẻ mặt háo hức xen lẫn chút căng thẳng của con, con gái à, nói thật mẹ bỗng thấy buồn nhiều hơn là vui. Con gái à, cuối cùng con cũng tìm được người mình thích. Mẹ rất mừng cho con, nhưng khi nghĩ đến đứa con mẹ yêu thương bao bọc bao nhiêu năm bắt đầu phải nóng vội, sẵn sàng giấu đi những tính xấu của mình chỉ để lấy lòng nhà người khác, lòng mẹ có chút xót xa.
Con hỏi mẹ năm đó đến nhà bố con ăn cơm có giành rửa bát không à? Câu trả lời là: Có.
Mẹ vẫn nhớ lúc đó, bà ngoại của con cũng giống như bao bà mẹ trên đời đã dặn đi dặn lại mẹ rằng, trong lần đầu tiên tới nhà đối phương thì phải tỏ ra tháo vát, đảm đang, phải tinh ý, phải giành việc mà làm. Và mẹ cũng giống hầu hết các cô gái đang háo hức muốn được khẳng định chính mình, lần đầu tiên đến nhà bố con, mẹ đã lao vào phụ bếp, nấu ăn, rửa bát, phải nói là cực kì chăm chỉ. Sau hôm đó, rất nhiều họ hàng, người lớn tuổi trong gia đình bố con đều khen mẹ: “Con bé nết na thật”.
Lúc còn trẻ, mẹ rất vui vì lời khen này. Nhưng rất nhiều năm sau đó, khi bố con không buồn đoái hoài gì đến việc nhà mà mặc nhiên nó là nhiệm vụ của mẹ, mẹ mới nhận ra lời khen ấy đã trở thành một chiếc cùm vô hình.
Con hỏi mẹ “Có cần tranh phần rửa bát không?”, hôm nay mẹ không muốn đưa ra một đáp án khẳng định cho con nữa. Bởi vì khi giao tiếp với bề trên, lịch sự ngoan ngoãn là việc nên làm, nhưng có rửa bát hay không lại là chuyện chẳng liên quan. Điều mẹ muốn nói là: Con gái à, lần đầu tiên ra mắt nhà bạn trai con thực sự không cần quá cẩn thận, và cũng đừng chiều theo đối phương nhiều quá.
Người thực sự thích con sẽ không từ chối con chỉ vì con không biết nấu ăn hay con không chịu rửa bát. Còn nếu họ đã không thích con thì con có chăm hơn cũng vô dụng. Không chỉ là việc rửa bát, nếu đó là việc con không thích làm, con vẫn có thể dũng cảm mà từ chối.
01
"Con gái à, con không cần phải đáp ứng kỳ vọng của bất kỳ ai.”
Con gái à, để mẹ kể cho con nghe một câu chuyện. Ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có hai anh em trai. Người anh rất hào phóng, tốt bụng. Dân làng ai cần giúp đỡ gì, anh ta chẳng bao giờ chối từ. Lâu dần, mọi người cũng quen, có việc gì cần đều đến tìm anh ta. Trong khi đó người em thì ngược lại, ham ăn lười làm. Ai nhờ vả anh ta cũng từ chối hết. Vì vậy mọi người cũng hình thành suy nghĩ có chuyện cũng không trông cậy gì được vào người em.
Có một lần khoan giếng ở đầu làng, người anh có việc không đến được nên nhờ người em qua giúp. Tối đó, sau khi bận việc xong xuôi, trên đường về nhà người anh vô tình nghe thấy mấy người hàng xóm đang tán chuyện trong sân.
“Cậu hai trông thế mà tốt bụng nhỉ, làm việc cũng chăm chỉ, cả trưa không uống một ngụm nước”.
“Bà xem cậu cả lười ghê luôn. Đúng là tới lúc quan trọng vẫn chỉ nhờ được cậu hai thôi”.
Người anh không hiểu, vì sao bản thân lần nào cũng giúp nhưng chỉ không giúp một lần đã trở thành lười biếng trong mắt người khác. Trong khi người em chỉ đi một lần lại bỗng được xem là chăm chỉ trong mắt mọi người.
Con gái à, đây cũng chính là điều mẹ muốn nói với con. Nếu ngay từ ban đầu, con đã để người khác đặt kỳ vọng quá cao lên người mình, một khi con làm không tốt họ sẽ bắt đầu đổ lỗi cho con. Dù rõ ràng con không thể lần nào cũng như lần nào đáp ứng được hết sự mong đợi của họ.
Bản tính con người là vậy, con nhượng bộ họ một lần nghĩa là sau này, con sẽ còn phải nhượng bộ lần hai, lần ba… Rửa bát một lần tất nhiên không sao. Điều mẹ lo lắng là nếu lần đầu tiên ra mắt con đã tỏ ra quá siêng năng cần cù. Bởi lẽ rất có thể sau khi cưới nhau rồi, còn sẽ phải bận bịu siêng năng cả đời, không có ngày nào được nhàn rỗi.
Trong một gia đình không thể chỉ có một người duy nhất chăm chỉ. Cuộc sống là của hai người, việc nhà cũng cần do hai người làm, có vậy thì hạnh phúc mới bền lâu, cuộc sống chia cắt hai người, việc nhà phải hai người làm thì mới mong bền lâu.
Nếu lúc đầu người ta không đặt kỳ vọng quá cao ở con thì sau này, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ở nhà của họ. Đừng lo rằng họ sẽ nghĩ con không chăm chỉ, vì lần đầu gặp mặt, con vẫn là khách và họ nên đối xử tốt với con. Con sẵn sàng đề nghị phụ rửa bát, đó là do con được dạy dỗ tốt. Còn nếu con không rửa, điều đó cũng chẳng vi phạm pháp luật hay quy định nào.
02
“Con gái, mình phải đứng cho thẳng, chứ đừng cúi đầu”
Con gái à, mẹ biết rằng con rất yêu cậu ấy và muốn được gia đình cậu ấy công nhận. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng không được hạ thấp chính mình. Dù con yêu cậu ấy đến mấy, cũng đừng bất chấp làm mọi thứ để lấy lòng gia đình người ta.
Có người từng nói: “Những người biết thưởng thức bạn sẽ luôn đánh giá cao sự kiêu hãnh của bạn, chứ không phải việc bạn giả vờ khiêm tốn hay dễ mến”.
Trong mắt mẹ, con rất xinh xắn, giỏi giang, đáng để mọi người yêu quý. Những người thích con nhất định có thể nhìn thấy những ưu điểm này của con và trân trọng chúng từ tận trái tim. Bởi thế nên con không cần phải lấy lòng bất cứ ai, kể cả là người con yêu và gia đình cậu ấy. Lần đầu ra mắt, con chỉ cần giữ thái độ đúng mực, không quá khiêm nhường cũng không quá hống hách là đủ.
Con không cần phải vội vàng rửa bát để lấy lòng họ. Vì khi con cố lấy lòng người ta, người ta sẽ tự đề cao mình và sẽ xem nhẹ con. Như vậy, cuộc sống của con ở nhà chồng sau này sẽ rất khó khăn. Bố mẹ chỉ có mình con, bố mẹ đã cưng chiều con từ khi con còn là một đứa trẻ. Ở nhà mình, con chẳng mấy khi phải làm việc nhà nên mẹ cũng không muốn lấy chồng rồi con phải khổ.
Nếu ai đó nói với con rằng khi con gái lấy chồng rồi thì phải sinh con, làm việc nhà… Con đừng tin nhé. Hiện tại đã khác ngày xưa, những tư tưởng như vậy lạc hậu lắm rồi. Các con kết hôn vì các con yêu nhau và muốn dành quãng thời gian còn lại của cuộc đời bên nhau, chỉ vậy thôi. Sau tất cả, con không hạ thấp chính mình, con và người ấy là bình đẳng, không ai cần lấy lòng ai cả.
Con còn nhớ anh bạn trai cũ gần nhất của con không?
Mẹ vẫn luôn không đồng ý cho hai đứa lấy nhau, không phải bởi vì tính cách cậu ấy không tốt mà vì điều kiện của nhà họ và nhà mình quá khác nhau. Thằng bé là con nhà giàu, nhà mình thì hết sức bình thường. Mẹ sợ sau khi cưới con sẽ không có chỗ dựa, suốt ngày phải chiều lòng họ, hôn nhân kiểu vậy thì mệt lắm.
Con gái à, mẹ hy vọng con sẽ luôn ghi nhớ một câu: Đừng cố gắng làm hài lòng bất cứ ai, cho dù đó là người thích con hay người ghét con, điều đó là không cần thiết, con chỉ cần là chính mình thôi.
03
"Con gái à, những người dù đã cố vẫn không thể hòa hợp được thì đừng gượng ép”
Đây là lần đầu tiên con đến nhà cậu ấy và gặp bố mẹ cậu ấy, con hãy nhớ lịch sự và đừng quá xuề xòa. Bất kể cuộc hôn nhân của con có thể thành công hay không, sự giáo dưỡng của con cũng không thể bị mất đi.
Con có thể đề nghị giúp rửa bát một cách thích hợp, nhưng nếu họ thực sự để con rửa bát, con phải suy nghĩ rõ ràng, liệu tương lai sống trong gia đình nhà chồng như thế có thực sự ổn không? Con được gả vào nhà họ không phải để làm bảo mẫu. Nếu các thành viên trong gia đình ấy đều có chung suy nghĩ ấy, con còn chưa vào cửa đã bắt con làm hết việc này đến việc khác, vậy có lẽ con và họ thực sự không hợp nhau.
Ai cũng nói mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bao đời nay vẫn khó, nhưng thực chất đây là vấn đề của 3 người. Nếu nhà trai bắt con rửa bát, người yêu con lại không ngăn cản thì nghe mẹ đi, cuộc hôn nhân này sẽ không có kết quả đâu. Gặp một anh chàng thuộc tuýp “con trai cưng của mẹ” như vậy, lấy nhau rồi con nhất định sẽ phải chịu khổ. Đàn ông như vậy cần đề phòng mới được.
Yêu nhau là một chuyện nhất thời, nhưng hôn nhân lại là chuyện cả đời. Mọi hạnh phúc và nỗi đau đều có dấu hiệu từ trước, và những vấn đề nhỏ gặp phải bây giờ sẽ trở thành mâu thuẫn lớn theo thời gian.
Đừng trách mẹ sao dông dài thế, bởi vì mẹ là người từng trải. Dì con ngày xưa ly hôn cũng chỉ vì người nhà chú con quá vô lý. Dì con vừa một mình chăm con vừa phải đi làm. Rảnh một cái lại phải tới hỏi thăm gia đình nhà chồng, thế mà họ chẳng những không biết ơn lại còn buông lời đàm tiếu về dì con. Chú con lúc nào cũng bắt dì con nhịn, hai người vì thế mà cãi nhau không biết bao nhiêu lần.
Trước khi ly hôn, dì của con thường gọi cho mẹ để chia sẻ. Mẹ cảm thấy dì con rất khổ nên mẹ sợ con cũng lặp phải những sai lầm tương tự.
Con gái à, nếu ngay từ đầu gia đình cậu ấy đã khiến con khó chịu thì đừng cố miễn cưỡng.
Mẹ chưa bao giờ giục con lấy chồng. Mẹ thà rằng con lấy chồng muộn một chút còn hơn lấy chồng mà không hạnh phúc. Đối với bố mẹ, hạnh phúc của con mới là điều quan trọng nhất, nên cứ tìm cho cẩn thận, suy xét cho chu toàn.
Cuối cùng, mẹ rất vui khi con chuẩn bị đi ra mắt nhà người ta. Mẹ mong rằng con đã gặp được một người đàn ông và một gia đình đáng tin cậy, như thế bố mẹ mới bớt lo lắng. Nhưng dù ngoài kia con phải chịu bao nhiêu thiệt thòi thì cũng đừng quên, gia đình mãi là bến đỗ của con. Chuyện gì con cũng có thể nói với bố mẹ, vì bố mẹ mãi mãi yêu con.
Mẹ của con.
Ảnh: Tổng hợp
Bookmarks