Cha giàu bậc nhất Việt Nam, con trai sống đời cơ cực

Tác Giả : Khang Thiên
Thứ Hai, 30 Tháng 8 Năm 2010 12:05

Nổi tiếng giàu có bậc nhất Việt Nam và cũng khét tiếng ăn chơi đến mức những trò ngông đã đi vào câu ca

"nghe tin Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu", ông Trần Trinh Huy (còn có tên là Ba Huy, Công tử Bạc Liêu) là 1 trong những người giàu có bậc nhất ở Việt Nam những năm 1930 thế kỉ trước.

Thế nhưng "ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời", những ngày giữa năm 2010 này, người dân ở Bạc Liêu thấy ông Trần Trinh Đức, con trai của người từng giàu nhất Việt Nam đưa vợ con về quê sau hàng chục năm lang bạt khắp nơi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trở về quê, con trai Công tử Bạc Liêu ở nhờ trong 1 căn nhà tạm, đang tính đậu xe trước cửa dinh thự cũ của cha làm nghề xe ôm kiếm miếng ăn qua ngày.

Giàu sang lụi tàn
Tôi gặp con trai Công tử Bạc Liêu trong khuôn viên của dinh thự công tử Bạc Liêu xưa (hiện nay là Nhà hàng Công tử Bạc Liêu) một sáng cuối tháng 7.

Gợi lại những câu chuyện về dòng họ Trần nổi tiếng giàu sang ăn chơi, coi tiền như nước của cha ông ngày xưa, ông Đức thẫn thờ: "Thôi đừng gợi lại làm gì cậu ạ. Đó là những kỷ niệm buồn".

Hiện tại, gia đình ông đang rất túng quẫn và chỉ biết hy vọng, trông đợi vào sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các nhà hảo tâm.

Ông Đức cho biết, cha ông có đến 4 bà vợ chính thức. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hai là vợ thứ 2, trước ông Đức bà còn sinh được 2 người con là Trần Thị Thảo và Trần Trinh Nhơn. Đáng lý ông còn một người em song sinh, nhưng do ca sinh khó, mẹ ông đã qua đời cùng với người em trai chưa chào đời.

Cha ông còn nhiều người con khác với nhiều người vợ, nhưng hiện nay tất cả đều sống tứ tán, người ở nước ngoài, người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Người vợ sau cùng của cha ông là bà Bùi Thị Ba có 4 người con có tên sắp vần lại sẽ ra 1 câu rất ngộ nghĩnh: "Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ". Bà vợ cuối này của Công tử Bạc Liêu mới mất vào ngày 21.7.2010 tại Vũng Tàu, thọ 72 tuổi.

Do quê quán, gia tộc và tài sản gia đình phần lớn ở Bạc Liêu, nên cha ông thường đưa ông về thăm. Ông Đức cũng có thời gian 4 năm được cha gửi về sống tại chính dinh thự này, từ năm 7 tuổi đến năm 11 tuổi. Còn ở Sài Gòn, ông sống cùng cha tại biệt thự số 117 Nguyễn Du, về sau chuyển qua ở biệt thự trên đường Nhất Linh (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp).

Ông Đức nhớ rõ chuyện cha mình từng có máy bay riêng nhưng không rõ mua vào thời điểm nào. Thông thường, những khi cha cho về quê hay đi chơi, anh em ông thường được tài xế riêng đưa đón trên chiếc Ford - Mercury, loại xe vốn dành riêng cho giới thượng lưu trên thế giới thời đó.

Ông Đức cho biết, không biết có phải ảnh hưởng tính phong lưu của cha hay không mà tính của ông cũng rất ham vui. "Thời ấy, không chỗ vui chơi nào ở Sài Gòn mà tôi không biết đến. Ngày nào tôi cũng đi nhảy đầm thâu đêm suốt sáng", ông Đức nhớ lại.

Năm 1973 Công tử Bạc Liêu qua đời. Đại gia đình ông bắt đầu gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Các anh em trong nhà bán căn nhà ở đường Nhất Linh và chia mỗi người một phần. Riêng ông thì chuyển về ở nhờ nhà vợ tại đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3), sinh sống bằng nghề buôn bán vặt.

Con gái điên, nợ ngập đầu, cả nhà trốn nợ

Sau khi được kế thừa một phần tài sản của cha, cuộc sống gia đình ông Đức cũng rất khá giả, có thời gian ông còn mở cả nhà hàng. Nhưng rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc và mắc nợ.

Tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt "đội nón ra đi" nhưng vẫn không đủ trả hết các khoản nợ do cô con gái rượu của ông vay mượn. Cộng thêm việc bị lừa tình, lừa tiền, cô con gái của ông bỗng đâm ra ngớ ngẩn và mắc bệnh tâm thần phân liệt phải chạy thuốc thang mỗi ngày. Năm 1998, ông dắt díu vợ con chạy sang tận Campuchia để lánh nợ.

Ở nơi đất khách quê người, ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng lâu nhất là bán giày da cũ. "Mỗi ngày tôi thu mua giày cũ về tân trang lại bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh), ban đầu còn tạm được nhưng về sau không thể sống nổi, một phần do vật giá leo thang và bán ế ẩm, một phần do nhớ quê da diết nên phải kéo nhau về lại Sài Gòn". Thời gian ông bươn chải tại Campuchia tính ra cũng được 2 năm.

Về lại Sài Gòn, không chốn nương thân, không đồng vốn buôn bán, cùng đường nên ông quay ra hành nghề chạy xe ôm. Ông thường đứng đón khách ngay tại ngã tư đường Pasteur - Điện Biên Phủ. Ở tuổi lục tuần, nhưng ông lại là lao động chính nuôi 3 miệng ăn với thu nhập bấp bênh từ nghề chạy xe ôm. Ông Đức ngao ngán: "Ngoài tiền điện nước, tiền ăn còn thêm tiền thuốc thang. Chuyện tiền nong thiếu trước hụt sau là chuyện xảy ra từng bữa".

Ông còn người con trai cũng không nghề nghiệp ổn định nhưng ở trọ riêng. Ông Đức bảo: "Giờ chạy xe của tôi từ 5h sáng đến 12h trưa, rồi từ 3h chiều đến tận 12h khuya. Mải chạy ăn không có cả thời gian thăm con, dù biết nó trọ cũng đâu gần đây".

Khi hỏi về những người anh em cùng cha với ông, ông Đức lắc đầu: "Cũng không rõ nữa vì mỗi người mỗi nơi". Ông cho biết anh em của ông thuộc nhiều dòng mẹ nên cũng không được thuận hòa lắm, còn đến giỗ cha thì mỗi người cúng riêng.

Con trai người giàu không có nơi giỗ cha
Ông Đức ngậm ngùi: "Trong bao năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, lúc nào tôi cũng đau đáu trong lòng muốn có 1 nơi thờ tự ông bà cha mẹ ngay trên chính quê hương mình.

Nhưng do cuộc sống quá nghèo khó nên mơ ước chẳng thành hiện thực. Có lẽ con người khi càng lớn tuổi thì càng muốn gần gũi quê hương".

Tháng 12.2009, trong 1 lần chạy xe ôm chở khách, người khách tình cờ biết được ông Đức chính là hậu duệ của Công tử Bạc Liêu.

Nghe tâm sự của ông Đức, người khách này hướng dẫn nếu thực sự tha thiết thì ông có thể làm đơn gửi chính quyền tỉnh Bạc Liêu xin cấp nhà. Được người này hướng dẫn, chỉ sau đó vài ngày ông Đức bắt xe đò về quê, nộp đơn trình bày nguyện vọng.

Nói đến việc cấp nhà, ông Đức lại lặng buồn. Mặc dù gia đình ông đã chuyển về Bạc Liêu được gần 1 tháng nhưng hiện tại vẫn chưa có chỗ ở ổn định. Hiện tại gia đình 3 người của ông phải ở tạm một căn nhà nhỏ do Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu cho mượn. Còn chuyện lô đất 300m2 và ngôi nhà ba gian dành làm nơi thờ tự trong khu địa ốc như lời cơ quan chức năng Bạc Liêu và Công ty địa ốc hứa thì vẫn chưa biết khi nào ông được nhận.

Trả lời Đời sống & Pháp luật về vấn đề vì sao chưa thực hiện lời hứa với ông Đức, ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu xác nhận công ty có nhã ý tặng một lô "đất vàng" trong khu du lịch Hồ Nam tại thị xã Bạc Liêu.

Hiện phía công ty địa ốc và Hội nhà báo tỉnh Bạc Liêu vẫn đang vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp để mua ngôi nhà ba gian trị giá trên 200 triệu đồng làm nơi thờ tự dòng họ Trần, kết hợp với việc quảng bá để làm du lịch.

"Dự tính thì đã có nhưng việc thực hiện đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do nhiều nguyên nhân khác nhau", ông Luận nói.

Dự định về tương lai và cuộc sống của gia đình trong những ngày sắp tới, ông Đức cho biết có lẽ sẽ lại hành nghề chạy xe ôm ngay trước khách sạn công tử Bạc Liêu để kiếm tiền xoay sở trong khi chờ được cấp nhà.

"Nếu được cho nhà như lời mọi người đã hứa, tôi sẽ mở một quán cà phê để phục vụ cho những khách đến tham quan kể lại câu chuyện về một dòng họ danh gia vọng tộc từng lẫy lừng nay đã lụi tàn như thế nào", ông Đức nói.
=0=
Ngôi nhà tọa lạc tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) rất nổi tiếng với cái tên nhà "Công tử Bạc Liêu" - nay là khách sạn -một địa chỉ mà bất cứ du khách nào khi đặt chân về Bạc Liêu cũng muốn tìm đến tham quan hoặc nghỉ lại một đêm cho biết.
Đã từ lâu, trong dân gian vẫn truyền miệng câu thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” để chỉ lối sống phong lưu, phóng túng của những cậu ấm, cô chiêu xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đại điền chủ giàu có ở vùng đất Nam Bộ dưới thời thực dân, phong kiến. Nhân vật tiêu biểu của danh xưng này chính là Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy), sinh năm 1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, mất năm 1974 tại Sài Gòn.

Thời Pháp thuộc, vùng đất thuộc địa Nam Kỳ do ổn định từ sớm nên việc chế độ thực dân phân chia lại ruộng đất đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp.

Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện mình. Trong số đó có công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy bởi chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và mức độ ăn chơi. Cha của Huy là ông Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch) thời đó đã là chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn nhà ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt...

Ngôi nhà "Công tử Bạc Liêu" được xây dựng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế. Nhà có hai tầng, tầng dưới có hai phoìng ngủ, hai đại sảnh. Chính giữa là cầu thang lên lầu trên gồm ba phòng ngủ, hai đại sảnh. Phòng ở hướng đông bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, đối diện là phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua, căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó. Năm 2003, Công ty Du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà nhằm đưa vào kinh doanh văn hóa, du lịch. Chị Võ Kim Cương — Giám đốc Khách sạn "Công tử Bạc Liêu" cho biết: từ ngày đưa vào hoạt động, khách sạn này luôn đạt công suất gần 80%. Riêng căn phòng của Công tử Bạc Liêu (phòng 101) muốn thuê phải đặt trước từ 7-10 ngày, vì phòng này lúc nào cũng có khách, phần đông là Việt kiều.

Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử mà vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều, nhưng với những gì còn sót lại và được bảo quản như hiện nay cũng đủ nói lên được sự giàu có của gia đình ông Hội đồng Trạch lúc bấy giờ.

Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Kim Cương cho biết, tương lai, một khách sạn mới được xây xong, nhà của Công tử Bạc Liêu sẽ không còn là khách sạn. Lúc đó ngôi nhà này sẽ là một di tích lịch sử - văn hóa mang tính đặc thù của Bạc Liêu để khách tham quan hiểu về cung cách tiêu xài của các công tử nhà giàu thời xưa ở Nam Bộ.

Dưới đây là một số hình ảnh nhà Công tử Bạc Liêu:

Nhà ông hội đồng Trạch - nay là Khách sạn công tử Bạc Liêu


Nhà ông hội đồng Trạch - nay là Khách sạn công tử Bạc Liêu


Chân dung minh họa Công tử Bạc Liêu trong cuốn sách Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại

Chân dung con trai Công tử Bạc Liêu - ông Trần Trinh Đức.