Trải nghiệm của tướng độc nhãn Israel tại chiến trường Việt Nam
Moshe Dayan, vị tướng và chính khách lừng danh của Israel, đã dự báo về thất bại của Mỹ khi làm phóng viên ở chiến trường Việt Nam năm 1966.
Những tháng ngày tướng Moshe Dayan làm phóng viên ở chiến trường Việt NamTHƯ VIỆN QUỐC GIA ISRAEL
Truyền thông Israel vừa công bố những ghi chép và hình ảnh hiếm thấy từ thư viện quốc gia nước này về thời gian Moshe Dayan lăn lộn tại Việt Nam (tháng 7 - 8.1966). Khi đó, vị tổng tham mưu trưởng huyền thoại của Israel đang tạm rời chính trường sau khi đảng Rarfi mà ông là thành viên thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử năm 1965.
Là người không bao giờ muốn ngồi yên một chỗ, Dayan gật đầu không cần suy nghĩ khi tờ Maariv đề nghị ông sang Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường. Theo tờ Haaretz, đa số quan chức Israel thời đó đều cực lực phản đối chuyến đi và cho rằng đây là một hành động khinh suất. Thậm chí một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra tại Quốc hội. Tuy nhiên, tất cả đều không thể ngăn cản con người được xem là biểu tượng cho sức mạnh chiến đấu của dân tộc Do Thái thời hiện đại. Và ngay vào năm 1966, Dayan đã khẳng định Mỹ sẽ thất bại tại Việt Nam do các sai lầm chiến lược và sự kiêu ngạo.
Lăn lộn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Dayan đến Sài Gòn ngày 25.7.1966 và gặp gỡ nhiều nhân vật cấp cao của Mỹ lẫn chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Ông “cố chịu đựng” những buổi chiêu đãi và hội đàm để mau chóng được ra chiến trường. Sau đó, tướng độc nhãn được cấp 3 thẻ báo chí: một của Mỹ, một của Việt Nam Cộng hoà và một của Israel. Trải nghiệm đầu tiên không mấy vui vẻ khi viên trung sĩ Mỹ được giao nhiệm vụ thông báo tình hình thực địa cho Dayan luôn tỏ ra khó chịu và nhắc đi nhắc lại rằng sự có mặt của ông “chỉ để PR hình ảnh”.
Đầu tiên, Dayan theo một đơn vị tuần tra trên sông hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long và đã nói thẳng với các quân nhân Mỹ rằng hoạt động tuần tiễu của họ không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn tiếp tế vũ khí cho lực lượng giải phóng. Sau đó, ông tiếp tục theo chân một đại đội thủy quân lục chiến rồi một đơn vị mũ nồi xanh chuyên chống du kích của Mỹ.
Tuy đã 51 tuổi nhưng tướng Dayan vẫn chứng tỏ được sức mạnh và sự bền bỉ của một người từng kinh qua nhiều cuộc chiến khốc liệt. Ông không ngần ngại có mặt tại những điểm nóng giao tranh, vượt sông suối hay dầm mình trong bùn lầy, bụi bặm. “Ông ta di chuyển như một con sâu”, một sĩ quan Mỹ nhận xét. “Tôi đã từng lội trong bùn rồi nhưng chưa bao giờ thấy bùn ở đâu như nơi này”, Dayan viết trong nhật ký.
“Mối nguy” lớn nhất của Dayan tại Việt Nam khi đó không phải là bom rơi đạn lạc mà là… muỗi. Trong nhật ký viết ngày 22.8.1966, tướng độc nhãn viết ông phải thoa đến 2 lớp kem chống muỗi khi ngủ. “Có 2 vấn đề về giấc ngủ, một là muỗi và cái kia là các cuộc pháo kích. Mặt đất và tường rung chuyển theo mỗi lần khai hỏa của đại bác. Ngoài ra, bạn còn phải tỉnh táo để phân biệt giữa tiếng nổ của đạn Mỹ bắn đi và đạn pháo của Việt Cộng rót vào căn cứ”.
Tướng Moshe Dayan tại miền Nam Việt Nam năm 1966THƯ VIỆN QUỐC GIA ISRAEL
Cái giá của sự kiêu ngạo
Theo trang Ynet, ngay trong cuộc gặp đầu tiên tại Sài Gòn với tướng William Westmoreland, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam, Dayan đã không ngần ngại nói thẳng: “Các anh đã thua cuộc chiến này rồi. Chỉ là các anh chưa nhận ra thôi”. Ông giải thích thêm: “Những người Việt Cộng đã có thể ẩn xuống lòng đất, còn các anh bay ở độ cao hơn 10.000 m. Làm sao các anh có thể nhìn thấy địa đạo ẩn náu của họ?”.
Ngoài ra, Haaretz trích các nghi chép của Dayan cho biết ông nhận ra cuộc chiến ở Việt Nam là một “cuộc chiến PR” của Mỹ. “Ấn tượng của tôi là người Mỹ lúc đó không chiến đấu chống sự xâm nhập từ miền Bắc Việt Nam, không phải chống du kích, thậm chí không phải chống ông Hồ Chí Minh mà là chống cả thế giới. Họ đang muốn chứng tỏ cho tất cả (gồm cả Anh, Pháp và Liên Xô) thấy sức mạnh và quyết tâm của mình. Tất cả sẽ biết rằng khi người Mỹ tham gia một cuộc chiến tranh thì không có gì ngăn cản được họ”, tướng độc nhãn viết trong nhật ký ngày 29.7.1966.
Ông mô tả lại những điều mà ông coi là bằng chứng cho sự ngạo mạn và hùng hổ của người Mỹ: đáp trả những phát bắn tỉa bằng cả trận mưa pháo, tàu chiến quần thảo với ghe thuyền du kích trong khi xe tăng bắn phá những căn nhà gỗ.
Dayan cũng bác bỏ tuyên bố của tướng Westmoreland rằng mục tiêu can thiệp quân sự của Mỹ là “giúp người Việt Nam”. “Họ sẽ không dừng cuộc chiến này dù là vì lợi ích của Việt Nam”, ông viết. Càng về cuối thời gian ở Việt Nam, tướng Dayan càng bị thuyết phục rằng cuộc chiến của người Mỹ sẽ kết thúc trong thất bại. Ông khẳng định nếu xét về sức mạnh đơn thuần, quân đội Mỹ có thể đánh bại những người Cộng sản nhưng không bao giờ có thể xóa bỏ được sự ủng hộ và ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của miền Bắc Việt Nam.
Tướng độc nhãn rời Việt Nam tháng 8.1966 và chưa đầy một năm sau, ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng để dẫn dắt lực lượng Israel trong Chiến tranh 6 ngày và đã đưa ra quyết định táo bạo mang tính đột phá là xua quân tấn công Syria. Haaretz nhận định những trải nghiệm và suy nghĩ của ông tại Việt Nam càng củng cố một chân lý là quốc gia Israel (hay bất cứ dân tộc nào khác) phải đủ khả năng và quyết tâm để tự thân đương đầu với mọi thách thức.
Vị tướng tài ba
Tướng Moshe Dayan (1915 - 1981) là một trong những huyền thoại quân sự và chính trị của Israel. Ông đóng vai trò then chốt trong mọi cuộc chiến của nước này giai đoạn sau lập quốc và góp phần lớn vào Hiệp định hòa bình Israel - Ai Cập vào năm 1979, theo trang Jewish Virtual Library. Ông mất mắt trái trong Thế chiến 2 khi nhóm vũ trang Do Thái của ông cùng quân đội Anh tham gia chiến dịch chống quân đội của chính quyền Pháp thân phát xít (Vichy) tại Li Băng và Syria năm 1941. Vào ngày 7.6.1941, Dayan đang quan sát tình hình trên nóc một tòa nhà thì bị một tay súng bắn tỉa bắn trúng ống nhòm khiến các mảnh vỡ văng thẳng vào mắt. Phải mất 6 giờ Dayan mới được đưa đến nơi cứu thương và mắt ông không còn chữa được nữa. Các cơ hốc mắt cũng bị tổn hại đến mức không thể gắn mắt giả và thế là hình ảnh Dayan từ đó gắn liền với tấm bịt mắt màu đen đã thành “thương hiệu” cũng như biệt danh “tướng độc nhãn”.
Là một nhân vật cá tính và đầy tham vọng, Dayan còn tham gia chính trường và liên tục thay đổi đảng phái. Ngoài chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông từng ngồi ghế Bộ trưởng Nông nghiệp rồi Ngoại trưởng Israel trước khi rút lui vào năm 1979. Cũng trong năm đó, ông bị chẩn đoán ung thư ruột kết và qua đời vào ngày 16.10.1981 tại Tel Aviv.
Minh Phương
Bookmarks