MẠN ĐÀM VỚI NHÀ BÁO HUNGARY VỀ CUỘC CHIẾN 1979

Thứ hai - 25/02/2019 04:32


(NCTG) Hơn 60 thành viên của cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã có mặt trong buổi gặp gỡ, mạn đàm và giao lưu cùng nhà báo Hungary, ông Dunai Péter, do báo NCTG cùng một số bạn hữu tổ chức tại Nhà hàng Vin.Vin (Quận 13, Budapest).



(Từ trái sang) Ông Márton Váraljai, ông Trần Đình Kiêm và ký giả Dunai Péter trong buổi giao lưu


Buổi gặp mặt diễn ra trong bối cảnh Việt Nam hồi tưởng 40 năm cuộc chiến biên giới Việt - Trung (1979-2019). Là một nhà báo Hungary nổi tiếng, ký giả Dunai Péter thời kỳ 1981-1984 là một trong số hiếm hoi các ký giả ngoại quốc có dịp nhiều lần lên biên giới phía Bắc tác nghiệp, và được tận mắt chứng kiến những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến.


Trên cương vị phóng viên thường trú của “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), tờ nhật báo lớn nhất của Hungary một thời, và của Hãng Thông tấn Hungary MTI, Dunai Péter là nhà báo Hungary đầu tiên có điều kiện làm việc tại Việt Nam với nhiệm kỳ công tác quá 1 năm, và tới giờ ông vẫn giữ nguyên những ấn tượng và tình cảm sâu đậm với mảnh đất này.



TS. Phạm Khuê (giữa) giới thiệu ông Bakos Ferenc, chứng nhân Hungary cuối cùng của Hòa đàm Paris 1973, người vừa hoàn tất bản dịch tiếng Hung của tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh



Trong buổi gặp mặt, đã có sự hiện diện của nhiều vị khách quý Hungary, trong đó có ông Márton Váraljai, một nhà ngoại giao với kinh nghiệm 13 năm công tác tại Việt Nam và do đó, có tầm hiểu biết sâu rộng về đất nước hình chữ S, hoặc ông Bakos Ferenc, “người Mohican cuối cùng” trong số những nhân chứng Hungary của cuộc Hòa đàm Paris năm 1973.


Cũng trong dịp này, Dunai Péter đã gặp lại người bạn cũ, cựu cán bộ ngoại giao, nhà báo Trần Đình Kiêm, người đã hỗ trợ hữu hiệu công việc của nhiều phóng viên Hungary thường trú tại Việt Nam trên tư cách một phiên dịch. Từng có mặt tại vùng biên giới vào đêm trước của cuộc chiến 1979, các hồi tưởng của ông Kiêm đã thu hút sự chú ý của cử tọa.



Hai người bạn cũ có dịp trùng phùng



Nội dung chính của buổi gặp mặt là phần thuyết trình của nhà báo Dunai Péter - trên cương vị một nhà nghiên cứu chính trị, quân sự và an ninh - với nội dung “Cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc trước đây 40 năm: Một phóng viên, nhân chứng ngoại quốc so sánh tình hình thời đó với hiện tại, và chia sẻ những suy nghĩ về thế giới khi đó và bây giờ”.

Trong vòng gần 45 phút, với những dữ liệu cụ thể và nhận định có cơ sở, Dunai Péter đã phác họa nguyên nhân cuộc chiến biên giới Việt - Trung đặt trong khung cảnh sự giành giật của các siêu cường quốc tế, và đưa ra sự so sánh về vị thế và mối tương quan của các bên có liên quan - Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ, Châu Âu... trong hoàn cảnh hiện tại.



Vị ký giả Hungary vui mừng vì nhiều gương mặt trẻ cũng có mặt trong buổi tọa đàm



Sau phần thuyết trình của nhà báo, cử tọa đã đặt một số câu hỏi thú vị - một phóng viên nước ngoài cách đây 40 năm có thể tác nghiệp khách quan đến mức nào trong hoàn cảnh thời bấy giờ, cuộc chiến biên giới có thể tránh khỏi thông qua những biện pháp ngoại giao hay không, có thểtránh khỏi một cuộc thế chiến mới trong tình hình an ninh hiện tại, v.v...

Những phát biểu bổ sung của ông Márton Váraljai - nhà ngoại giao làm việc tại Việt Nam từ năm 1984, và do đó có nhiều dịp cùng Dunai Péter rong ruổi trên các nẻo đường nước Việt - về cuộc chiến biên giới 1979, cũng như những chia sẻ về ký ức Việt Nam đã mang lại nhiều thông tin và góc nhìn thú vị cho cử tọa, trong đó có không ít thành viên thuộc thế hệ trẻ.


Nhà báo Dunai Péter và các bạn trẻ - Ảnh: Dũng Tạ



Bầu không khí của 4 thập niên trước đây còn được tái hiện tại cuộc gặp mặt qua những hình ảnh trong “Thị xã trong tầm tay” (1981), bộ phim kinh điển về thời chiến tranh biên giới đã một phần làm nên tên tuổi NSND Đặng Nhật Minh, với phần giới thiệu của BS. Đặng Phương Lan, ái nữ của đạo diễn. Nhiều bà con đã ngỏ ý muốn xem lại phim trong một dịp gần nhất.

Cũng trong buổi gặp mặt, NCTG đã giới thiệu và ra mắt số báo đặc biệt “Ký ức Việt Nam trong mắt nhà báo Dunai Péter”, vừa là sự tri ân một “tấm lòng vàng” Hungary, vừa là phần mở đầu cho loạt ấn phẩm mà NCTG muốn nhắm tới trong tương lai, đó là tìm hiểu và khai thác những tư liệu, hồi tưởng của giới ký giả, học giả, chính khách... Hungary về đề tài Việt Nam.


Chụp ảnh kỷ niệm với nhà báo Hungary - Ảnh: Dương Vũ


Cuộc tọa đàm kéo dài tới gần 11h đêm mà cử tọa còn chưa muốn ra về. Không chỉ là dịp nhìn lại quá khứ và liên hệ tới hiện tại một cách đa chiều, sự kiện này còn quan trọng ở chỗ, như nhà báo Hung chia sẻ trong thư cám ơn, để “những gương mặt trẻ” - mà ông đặc biệt vui mừng vì sự hiện diện của họ - “hiểu về lịch sử của Tổ quốc họ, về tình hình thế giới”!

(*) NCTG chân thành cám ơn:

- Nhà báo Dunai Péter đã có phần thuyết trình rất công phu, và có thiện cảm rất quý báu đối với cộng đồng.

- Nhà hàng Vin.Vin và anh Nguyễn Tiến Sỹ​ đã tạo điều kiện tốt nhất cho buổi giao lưu.

- Anh Nguyễn Tiến Chi đã hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ NCTG rất nhiều trong khâu chuẩn bị.

- Tất cả các anh chị, các bạn đã tới tham dự, ủng hộ tài chính và tinh thần để khích lệ NCTG!