Phạm Tuyên và ca khúc bất hủ ngày 17/2/1979

TP - Đó chính là ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do, một tác phẩm ra đời trong những ngày đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên chiều 15-2-2019 cùng tác giả bài viết tại nhà riêng
...Nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ngồi kia. Ơn giời, sắp cửu tuần mà vẫn nhúc nhắc đi lại được. Và cái lưng vẫn thẳng, tiêu chí không dễ mà sụm đột ngột của những bậc cao lão.

Nhạc sĩ đang bị… “hành”! “Hành” là cách nói thân ái chỉ thể trạng cánh báo chí quấy quả chăm sóc người của công chúng nào đó. “Bốn giờ chiều ngày thứ sáu 15/2/2019, tôi đang đợi tốp phóng viên truyền hình thực thi phận sự phỏng vấn ghi hình”. Như nhạc sĩ cười, như vậy là từ sáng đến giờ có 6 cơ quan báo chí đến làm việc với ông. Mà đâu đã hết. Còn phóng viên 3 tờ báo nữa đã đăng ký từ hôm trước.
Mà tất thảy, họ đều hỏi về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do. Bây giờ cánh ký giả mới à ồ vì tưởng bài hát ấy có tên Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Và chất giọng trầm khàn của bậc cao lão lại rành rẽ xướng lên phần lời của ca khúc với khách thăm.


Như một thứ lửa. Như một lời hịch.
...
Đất nước của ngàn chiến công,
Vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa...
Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương.
Người vẫn hiên ngang ra chiến trường.
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc lập - Tự do!


Nhạc sĩ Phạm Tuyên hoàn tất ca khúc ấy vào lúc 8 giờ 15 phút sáng 18/2/1979. Ông đã sáng tác ngay trong đêm, sau buổi phát thanh thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam tối 17/2/1979 loan đi tin dữ quân Trung Quốc nổ súng tiến vào sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Khi đó nhà nhạc sĩ đang ở khu tập thể Khương Thượng chứ chưa phải khu Vạn Bảo như bây giờ. Và bên nhạc sĩ còn người vợ thân yêu và con cái quây quần ấm áp. Nhưng ông đã có một đêm khó ngủ vì nóng lòng mang bản thảo ca khúc đến Đài Tiếng nói Việt Nam nơi nhạc sĩ làm việc.
Sáng sớm 20/2/1979, ca khúc được tung lên sóng Đài TNVN với tần xuất dày. Những lá thư của bạn đọc khắp miền vùng đất nước gửi về Đài ngay sau đó với những lời khen tặng cùng bộc bạch cảm xúc này khác khiến nhạc sĩ nhớ lại chiều muộn ngày 30/4/1975, ông đã viết một mạch bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng chỉ trong vòng hơn tiếng đồng hồ.


Bao lần gặp nhạc sĩ mà lần nào cũng có cảm giác là lạ? Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ của những thời điểm sốt sột thời sự nhưng sản phẩm không bao giờ yểu mệnh. Bằng cớ là tần xuất của ca khúc Như có Bác… xuất hiện hơi bị dầy đặc trong ngôn ngữ mỗi khi hoan ca của các thế hệ lương dân Việt. Và rồi cả nước đã cất lên giai điệu như hịch như lửa ấy ngay sau Chiến đấu vì độc lập tự do ra đời. Rồi thời điểm này lại đặc biệt trầm hùng trong tâm trí bao người dịp 41 năm kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc!


Cũng nói thêm về cái tên bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do. Cứ nghĩ dẫu rơi vào tay một biên tập viên nào chả phải mát tính nhưng cũng khó mà sửa thành một cái tên khác? Tên ca khúc dung dị nhưng đĩnh đạc. Như kiểu gọi sự vật bằng cái tên của nó. Phạm Tuyên như một tay địa chất lành nghề đã biết hướng mũi khoan điêu luyện của mình vào đúng tầng vỉa, vào trúng trữ lượng tự hào tự tôn dân tộc và chủ quyền quốc gia lúc nào cũng ăm ắp tiềm tàng ngùn ngụt trong lương dân Việt. Chiến đấu vì độc lập tự do như một thứ thệ hải minh sơn (chỉ non thề biển) của người Việt mình khi nước nhà có biến.


Nhưng tất tật các lần giới truyền thông như hôm nay những tỷ tê, vân vi là thế mà tịnh chưa khi nào nhạc sĩ Phạm Tuyên hé ra thời điểm thân phận trục trặc trắc trở của ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do đã từng phải thế này thế nọ!


Mà cũng chưa bao giờ nhạc sĩ Phạm Tuyên bật mí với giới âm nhạc hay báo đài nào cả?
Mà người dám thẳng tuột ra việc ấy là người vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, bà Ánh Tuyết một nhà sư phạm danh tiếng!


Lần ấy, thời điểm nhà sư phạm TS ngành giáo dục Nguyễn Thị Ánh Tuyết biệt dương thế đã 6 năm. Nhạc sĩ nhắn tôi qua nói là có quà. Tôi khẽ khàng đỡ lấy cuốn sách bìa trắng mà NXB Tri thức vừa mới in. Cuốn Chúng tôi đã sống như thế tác giả là Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Thoáng thêm chút rờn rợn lẫn bâng khuâng, vóc dáng, hình hài thanh thoát cùng chất giọng hơi thoảng chút miền Trung phu nhân của nhạc sĩ ngày nào bây giờ chỉ còn lại cuốn di cảo này?


Nhạc sĩ Phạm Tuyên chất giọng như trầm khàn hơn nhiều người khuyên mình viết hồi ký. Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải viết. Điều gì cần nói thì mình cũng đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhiều bài viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép lại rất tỷ mỷ…Mình đọc cảm động quá.
Một cuốn sách. Một hồi ký vợ viết về chồng. Nhưng cuốn sách đã choán của tôi quá nửa phần đêm.
Cái thực trần trụi lẫn cái tình như ảo như mơ bện quện. Một tuổi thơ không mấy phẳng lặng. Những năm học tập ở khu học xá Nam Ninh cô sinh viên Ánh Tuyết và anh giáo sinh âm nhạc Phạm Tuyên đã đến với nhau… Rồi cả hai cùng vượt thoát sức nặng cùng nỗi ám ảnh lý lịch để giữ bền tình yêu và gây dựng sự nghiệp…
Nhưng không chỉ bình bình có vậy. Không có gì cũ hơn và mới hơn gia đình? Cũng tương tự, còn gì cũ hơn…vợ? Thế nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên bộc bạch rằng có vẻ như bà đã đọc được ông đã nhìn thấy ông ở nhiều chiều kích?


Không phải người chuyên nghiên cứu âm nhạc, nhưng nhà sư phạm Nguyễn Ánh Tuyết, có lẽ bằng cảm quan của một người mẹ, người vợ, hơn thế một phụ nữ đã rất tinh tường khi giải mã một NS Phạm Tuyên tài năng, tinh tế…
Nhờ có bà Ánh Tuyết mà chúng ta biết được NS Phạm Tuyên với vẻ ngoài lặng lẽ và dịu dàng, nho nhã là thế nhưng cương cường tiết tháo.
Trong hồi ký của bà Ánh Tuyết, tôi tìm thấy một đoạn. Ấy là dạo cả nước sôi lên vì phong trào thi quốc ca mới. Bao nhiêu là vận động khuyến khích này khác, trực tiếp có, gián tiếp có. Nhưng NS Phạm Tuyên vẫn lặng lẽ… Nhiều người muốn ông giúp đỡ để viết quốc ca. Người thì gửi thơ đến nhờ ông phổ nhạc, người thì mang bản quốc ca mới viết để ông góp ý. Nhưng ông khéo léo chối từ rằng đây là việc làm quá sức mình. Một trưa bà Tuyết về nhà thấy chồng đương có khách. Khách là một lão nông rinh theo bó mía và bịch sắn nói là để bồi dưỡng cho NS để NS hướng dẫn ông viết quốc ca dự thi. Ông chồng bà đã ôn tồn mà rằng thưa cụ viết quốc ca là việc quá sức với tôi và việc ấy cũng quá sức với cụ. Mãi rồi cụ già kia cũng nghe ra.


Một chuyện nữa. Trung tâm tiểu sử Quốc tế IBC (Internationnal Biographical Centre) của Anh và Viện nghiên cứu Tiểu sử của Mỹ ABI (Americal Biographical Institus) đã gửi đến NS Phạm Tuyên hơn 100 (xin nhắc lại là hơn một trăm) lá thư cái thì phong tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế, thứ thì phong tặng Giải thưởng vì sự nghiệp suốt đời hoặc phong là một trong 500 người nổi tiếng nhất thế giới! Hoặc mời NS giữ chức vụ lãnh đạo của những tổ chức quốc tế hoặc khu vực. Lời mời mới nhất của IBC sẽ trao tặng NS mề đay Bắc đẩu bội tinh và mời đi dự hội thảo quốc tế vv…
Đọc những sự ấy, tôi nghĩ chả phải là bà vợ chiều chồng muốn… khoe. Nhưng trên cả sự chiều là yêu, bà trân trọng và yêu sự thẳng thắn tiết tháo lẫn khiêm nhường của chồng. Trước những thịnh tình săn đón ấy, NS đã lặng lẽ chối từ. Và ông chỉ bộc bạch với vợ mình cái trò phù phiếm ấy mà em…
Nhưng NS Phạm Tuyên lại có lúc dễ tính đến không ngờ. Ấy là năm 1974, gia đình NS Phạm Tuyên chuyển về khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa. Cô con gái NS đã lên lớp mẫu giáo lớn. Bà Tuyết tìm được Trường Mẫu giáo Mầm non Đống Đa gần nhà rất tiện để gửi con. Cô giáo Hiệu trưởng tên là Bắc cười, sẽ nhận cháu vào học với điều kiện: Bố cháu là NS Phạm Tuyên phải không ạ. Thế thì bố cháu phải viết cho Trường một bài hát!


NS Phạm Tuyên chấp thuận. Và rồi ca từ Trường của cháu đây là trường mầm non như chất giọng reo vui của con trẻ làm câu kết cho ca khúc nổi tiếng Cô và mẹ không chỉ tặng cho trường mầm non Đống Đa thuở ấy mà hàng triệu, hàng triệu cô cùng trò cả nước ngân trên môi câu ấy mãi tới hôm nay! Cũng như triệu lương dân Việt 40 năm nay, dẫu có lúc có thời điểm tưởng như đứt đoạn, vẫn vang mãi khúc quân hành tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới!n
XUÂN BA