Thu Sơn, Xuất Sát trong Phong thủy Huyền Không
Như chúng ta đã biết, khí sinh, vượng của Sơn tinh phải đóng tại những nơi cao ráo, còn khí sinh, vượng của Hướng tinh phải đóng tại những nơi thấp, trũng hay gặp thủy. Nhưng nhìn vào trạch vận của 1 căn nhà, ta thấy tại bất cứ khu vực nào cũng đều có 3 sao là Vận-Sơn-Hướng tinh.
Trong 3 sao đó thì ngoại trừ Vận tinh có tác dụng rất yếu, không đáng kể, chỉ dùng để phối hợp với Sơn tinh (hoặc Hướng tinh) để làm tăng thêm sự tốt, xấu mà thôi. Nhưng sự tương tác giữa Sơn tinh với Hướng tinh và hoàn cảnh Loan đầu chung quanh là 1 điều quan trọng có liên quan tới mọi vấn đề cát, hung, họa, phúc của 1 căn nhà, và do đó cần phải được đặc biệt quan tâm đến.
Khi xét đến sự tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh tại mỗi khu vực thì ta thấy có 4 trường hợp sau:
1) Sơn tinh là sinh, vượng khí; Hướng tinh là suy, tử khí.
2) Hướng tinh là sinh, vượng khí; Sơn tinh là suy, tử khí.
3) Sơn tinh và Hướng tinh đều là sinh, vượng khí.
4) Sơn tinh và Hướng tinh đều là suy, tử khí.
Nếu phối hợp 4 trường hợp trên với địa hình Loan đầu bên ngoài thì chúng ta sẽ thấy như sau:
1) Nếu trong một khu vực có Sơn tinh là sinh, vượng khí, còn Hướng tinh là suy, tử khí, mà khu vực đó lại có núi hay nhà cao, cây cao... tức là khí sinh, vượng của Sơn tinh đã “đắc cách”, vì đóng tại chỗ có cao sơn, thực địa. Trong trường hợp này, khí sinh, vượng của Sơn tinh đã làm chủ khu vực đó, còn Hướng tinh tại đây vừa là khí suy, tử, vừa bị “thất cách” (vì còn gặp núi chứ không gặp nước) nên mất hết hiệu lực. Do đó hoàn toàn bị Sơn tinh nơi này chi phối. Vì Sơn tinh “đắc cách” của những nơi này làm mất hết tác
dụng xấu của Hướng tinh tại đây, nên những trường hợp này còn được gọi là “ Sơn chế ngự Thủy”. Đây chính là trường hợp Sơn tinh “hóa sát” (hay “xuất sát”, tức là làm mất hết sát khí) của Hướng tinh, và thường được gọi tắt là “XUẤT SÁT”.
Thí dụ: nhà hướng Mùi 210 độ, nhập trạch trong vận 8.
Nếu nhìn vào trạch vận thì sẽ thấy ở khu vực phía TÂY NAM (tức phía trước nhà) có Hướng tinh 8 (vượng khí) và Sơn tinh 5 (tử khí). Nếu khu vực phía trước của căn nhà này có sông, hồ, ao, biển, hay đường rộng, cửa ra vào... thì vượng khí của Hướng tinh đã “đắc cách”, nên chẳng những là làm cho tài lộc của nhà này được sung túc, mà còn hóa được sát (tức “Thu sơn”) của Sơn tinh Ngũ Hoàng, khiến cho sao này mất tác dụng mà không còn gây ra cảnh tỗn hại nhân đinh (sao Ngũ Hoàng chủ sự chết chóc hoặc nhân đinh ly tán). Cũng tương tự, ở khu vực phía BẮC của nhà này có Hướng tinh 9 (sinh khí), Sơn tinh 6 (tử khí). Còn khu vực phía NAM có Hướng tinh 1 (sinh khí), Sơn tinh 7 (suy khí). Nếu ở 2 phía này cũng có Thủy hay đường đi, cửa ra vào... thì cũng tạo thành cuộc “Thu sơn”, vừa vượng tài, vừa có thể làm vượng cả đinh nữa.
Tuy nhiên, nếu khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí, còn Sơn tinh là suy, tử khí, mà nơi đó không có Thủy nhưng lại có núi cao hay nhà cao... thì sẽ là cuộc Hướng tinh “Thượng sơn”. Còn Sơn tinh suy, tử mà còn gặp núi cao, là cách cuộc “hung tinh đắc cách”, chủ phá tài và gây ra nhiều tai họa cho người.
3) Nếu trong một khu vực mà Sơn tinh hay Hướng tinh đều là sinh, vượng khí, thì cách tốt nhất cho trường hợp này là khu vực đó cần có cả sông hồ lẫn núi hay nhà cao, với điều kiện là sông hồ ở gần kề, còn núi hay nhà cao ở ngoài xa. Nếu được như thế thì Sơn tinh và Hướng tinh đều đắc cách, nên đinh tài đều vượng. Nếu khu vực này chỉ có núi mà không có sông, hồ thì hình dáng của núi phải đẹp và ở xa thì mới chủ vượng cả tài đinh. Còn nếu chỉ có núi hình dáng tầm thường và lại nằm gần nhà, hay chỉ có nhà cao thôi thì chỉ vượng đinh nhưng thoái tài. Nếu khu vực này có sông nước đẹp, thủy lớn và phản quang thì dù không có núi cũng là cách cuộc vượng cả tài lẩn đinh. Nếu không có thủy mà chỉ có đường đi, sân rộng hay cửa nẻo ra vào thôi thì chỉ là cách cuộc vượng tài nhưng không vượng đinh.
4) Nếu trong một khu vực mà Sơn tinh hay Hướng tinh đều là suy, tử khí, mà nếu khu vực đó có núi hay nhà cao, thì nhà đó sẽ bị những tai họa do những đối tượng của Sơn tinh đó gây ra. Trong trường hợp này Hướng tinh vô hại. Nếu khu vực đó có sông, hồ hay cửa ra vào, thì nhà đó sẽ bị những tai họa, bệnh tật do hướng tinh đó mang tới, cộng với vấn đề hao tài. Trong trường hợp này Sơn tinh vô hại. Nếu khu vực này bằng phẳng, yên tĩnh, thì cả Sơn tinh lẫn Hướng tinh đều được hóa giải và trở nên vô hiệu lực.
Thí dụ: Cũng nhà hướng MÙI 210 độ, nhập trạch trong vận 8.
Nếu nhìn vào trạch vận thì sẽ thấy 3 phía TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC có sinh vượng khí của Sơn tinh, suy, tử khí của Hướng tinh, nên 3 phía này cần có núi hay nhà cao để tạo thành cuộc “Xuất sát”. Còn 3 phía BẮC, NAM và TÂY NAM thì có sinh, vượng khí của Hướng tinh, nên 3 phía này cần có sông, hồ, ao, biển, đường đi, cửa ra vào... để tạo thành cuộc “Thu sơn”. Còn khu vực phía ĐÔNG có Sơn tinh 4, Hướng tinh 7 tức đều là khí suy, tử, nên nếu nơi đó có núi cao thì Sơn tinh 4 đắc thế, nên nhà dễ bị đàn bà làm hại (như vì tửu sắc hoặc trai gái...), con gái trưởng trong nhà bướng bỉnh, hư đốn. Còn Hướng tinh 7 thì vô hại. Nhưng giả sử nếu nơi này có sông, hồ, chứ không có núi cao, thì Hướng tinh Thất xích lại đắc thế, nên nhà thường bị bệnh về miệng, cổ, phổi, đại trường, lại hay bị người khác lừa gạt, mất tiền mất bạc, cũng như dễ bị hỏa hoạn. Còn Sơn tinh 4 ở đây vô hại. Nếu khu vực này lại bằng phẳng, yên tĩnh thì cả Hướng tinh lẫn Sơn tinh đều vô hại. Tương tự như thế với khu vực phía ĐÔNG NAM, có Sơn tinh 3, Hướng tinh 6 tức đều là khí suy, tử. Nếu khu vực này có núi cao thì sơn tinh 3 đắc thế, nên con trai trưởng trong nhà hung hăng, vô lễ, ra ngoài thì bị bạn đồng liêu ghen ghét, hãm hại. Còn Hướng tinh 6 ở đây vô hại. Nhưng nếu khu vực này không có núi mà lại có sông, biển, cửa ra vào... thì Hướng tinh 6 lại đắc thế, cho nên dễ bị những bệnh về đầu, tai nạn về binh đao, trộm cướp và trong nhà dễ có người đàn ông góa vợ. Còn Sơn tinh 3 ở đây vô hại. Nếu khu vực này lại bằng phẳng, yên tĩnh thì cả Hướng tinh lẫn Sơn tinh đều vô hại.
Như vậy, căn nhà này có 3 phía BẮC, NAM, và TÂY NAM nếu có thủy sẽ thành cuộc “Thu sơn”. Còn 3 phía TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC nếu có núi sẽ thành cuộc “Xuất sát”. Riêng 2 phía ĐÔNG và ĐÔNG NAM thì nên bằng phẳng, yên tĩnh là tốt nhất.
Tóm lại, “Thu sơn, xuất sát” chỉ là phương pháp nhằm phát huy tới mức tối đa những khí sinh, vượng của cả Hướng tinh và Sơn tinh, hỗ trợ, bổ khuyết thêm cho cách cục “Đáo Sơn, Đáo Hướng”, cũng như loại bỏ được cách cục “Thượng Sơn, Hạ Thủy” mà làm cho 1 căn nhà đã tốt lại càng tốt thêm, gồm thâu được cả “PHÚC” (nhân đinh đông đúc, con cháu hiền tài), “LỘC” (giàu sang, phú quý), “THỌ” (sức khỏe tràn trề, sống lâu trăm tuổi) tức là tất cả hạnh phúc trên thế gian rồi vậy.
Bookmarks