Như đã nói lúc trước, Hồ Tây là nơi sản sinh ra tâm thức của người Thăng Long nói riêng, người Việt cổ nói chung. Và tâm thức đó thể hiện rõ nhất ở các giá trị tinh thần, tôn giáo. Cho nên, không quá ngạc nhiên khi xung quanh Hồ Tây người xưa đã xây dựng một quần thể đình chùa rộng lớn và vô cùng phong phú.
Trong đó, trước nhất hãy nói về chùa Trấn Quốc. Chùa Trần Quốc ngày xưa là chùa Khai Nguyên, nằm ở ngoài đê sông Hồng. Sau đên thời Lê, do bị nước ngập, dân làng mới xin chuyển nó vào trong đê. Ở đó ngày xưa cũng là một ngôi chùa rất đẹp mà người dân làng Yên Phụ thường cho đó là của làng mình. Bằng chứng là cho đến ngày hôm nay, vào dịp giỗ chạp hội làng Yên Phụ, người dân vẫn ra chùa rước nước từ chùa về đình, rồi từ đình ra chùa. Nhưng ngày xưa có một con đường đê đắp nối từ làng ra chùa thì lễ rước sẽ dễ dàng hơn.
Còn về chùa Trấn Quốc, từng có một thời gian bị bỏ hoang, cũng có một thời gian đó là nơi thường đưa các cung nữ ra đó, gọi là hành cung của nhà Lê, của các Chúa, đêm đêm có nghe tiếng đàn rất ai oán. Chùa đó ngày xưa trấn giữ một phía của Thăng Long, nhưng không nằm trong Thăng Long Tứ Trấn. Đầu thế kỷ 20 kéo dài đến năm 1954, có vô cùng nhiều người chết đuối ở Hồ Tây. Vì thế nên chùa Trấn Quốc là nơi người ta đưa vong, đưa xương cốt của người đã mất đến. Đó là đặc điểm gắn liền với Hồ Tây lớn nhất của chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc. Nguồn: Vietravel.
Thời đó, xung quanh những câu chuyện thương tâm trên là các lời đồn đại đáng sợ mang tính mê tín dị đoan. Quanh Hồ Tây đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người bịa đặt ra những chuyện như vậy. Ngay như năm ngoái năm kia, một tờ báo nào đó đưa là dưới đáy Hồ Tây là lăng mộ xương. Ngày xưa cũng có một nghĩa trang, một vài nghĩa địa làng. Nghĩa địa của làng Yên Phụ, nghĩa địa của làng Quảng Bá dưới Hồ Tây khi nước hồ dâng lên đã nhấn chìm nghĩa trang, nhưng các gia đình đã kịp bốc hài cốt lên, không phải ngập ngay trong một thời gian ngắn. Có nhiều người bịa đặt ra những điều rất buồn cười, ví dụ như thuỷ quái rồi hồn ma đủ thứ.
Sau chùa Trấn Quốc, còn có vô số các sự tích huyền bí liên quan đến những đình, chùa khác như đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Hoàng Ân, chùa Vạn Niên… Nhưng đặc sắc nhất có lẽ sẽ là câu chuyện về chùa Bà Đanh – một trong những sự tích mọi người thường nhầm lẫn nhiều nhất.
Chùa bà Đanh ngày xưa hình thành vào khoảng thế kỷ 15 khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau chiến thắng ông đã bắt ra nhiều tù binh người Chăm đưa ra họ ra Thăng Long và lập ra một khu riêng cho họ cho họ sinh sống đặt tên là Viện Châu Lâm. Còn người Chăm vừa có Hồi giáo, vừa có đạo Phật nên mới cho xây một ngôi chùa để cho họ cúng bái. Nhưng rồi ngôi chùa đó cứ vắng dần, là vì sao?
Đó là bởi theo thời gian, từ thế kỷ 15, nhiều người Chăm hợp huyết với người Việt, lấy vợ lấy chồng người Việt, nên Viện Châu Lâm thưa dần. Rồi nhiều người muốn trở về quê nên các triều vua cũng ưng thuận nên càng ngày chùa càng vắng dần. Người Việt thì không vào đó, chùa chỉ có người Chăm thành ra ngôi chùa trở nên vắng vẻ. Mặt khác, tên của bà vãi trong chùa ấy gọi là bà Đanh nên người ta mới có câu "Vắng như chùa bà Đanh".
Chùa bà Đanh của người chăm trước kia ở khu vực trường Chu Văn An bây giờ (bên trái). Chà bà Đanh ở Hà Nam (bên phải). Nguồn: Anninhthudo-baodulich
Ở Kim Bảng, Hà Nam cũng có một ngôi chùa tên là Bà Đanh nhưng không phải là nơi xuất xứ của câu thành ngữ kia. Thực tế, ngôi chùa này nằm ở chân núi thì bao giờ cũng vắng. Hơn nưa, ngay cả từ chân núi đi ra làng gần nhất cũng khá xa. Chùa này vắng người qua lại chứ không phải vắng người đi lễ. Tương truyền, có một người đàn bà họ Đinh đã bỏ tiền ra xây chùa nhưng ngày xưa thì chẳng có ai giàu đến mức đó, xây chùa thì chỉ có vua, quan lại, chỉ có tiền của nhà nước thôi, nhất là thời Lý. Mà Đinh người ta gọi là Đanh nên mới gọi là chùa bà. Ngọn nguồn câu chuyện có lý do như thế nên chùa bà Đanh là ở chỗ trường Chu Văn An bây giờ mới là nơi xuất xứ của câu thành ngữ.
Dù là ở thời kỳ nào, Hồ Tây với lượng nước khổng lồ của mình cũng đem lại sinh cơ cho cư dân xung quanh và thậm chí cả những khu vực lân cận. Thuở xưa, người ta có thể dễ dàng kiếm sống nhờ vào nghề cá, nhờ vào thủy sinh của hồ hay nhờ vào chính hệ sinh thái phong phú nơi đây. Còn đối với những ngôi làng gần đó, như làng giấy Yên Thái, làng dệt Bái Ân, làng rượu Thụy Chương, làng chuỗi tơ Nghi Tàm… nguồn nước từ Hồ Tây là thứ không thể thiếu.
Trong giai đoạn sông Thiên Phù và sông Tô lịch còn chưa bị lấp, vào mùa mưa nước sông Hồng vào Hồ Tây đã mang theo rất nhiều tôm cá. Vào hồ gặp điều kiện thuận lợi, chúng sinh sôi nảy nở, phát triển mạnh mẽ và hoàn toàn là nguồn gốc tự nhiên. Vì thế các làng quanh hồ như Yên Phụ, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Võng Thị sinh ra nghề đánh cá. Xa xưa như bài Tụng phú Tây Hồ của Nguyễn Hữu Lượng cũng đã có ghi chép về việc này:
"Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co".
Lúc đó, tôm cá, thủy sinh rất phong phú vì các nguồn cá từ phía thượng lưu sông Hồng đổ về có đủ các loại, có cá chép mình đỏ, các chép mình trắng rồi cá trắm đen… nhưng để nói về đặc sản rất nổi tiếng của Hồ Tây, đó phải là cá chép đen, chúng đen bóng như nhung và bắt lên thì da óng ánh như the vậy. Rồi cũng không thể không nhắc tới tôm hồng hay cà cuống, sâm cầm, những đặc sản nổi tiếng ở Hồ Tây trong nhiều thế kỷ. Cho đến những năm 60 70 của thế kỷ XX, ở Hồ Tây còn rất nhiều cà cuống, nhưng bây giờ tuyệt nhiên không thấy đâu nữa.
Liên tục nhiều thế kỷ, các triều đại quân chủ cho dân chúng quanh hồ được tự do đánh cá coi như hoa lợi của làng nhưng sau này thì mọi chuyện lại khác. Sông Thiên Phù biến mất rồi sông Tô Lịch cũng bị lấp dần, nguồn nước đem theo phù sa và thủy sinh màu mỡ từ sông Hồng vào không còn, Hồ Tây chỉ còn có thể trông chờ vào yếu tố "nhân tạo".
Tranh vẽ một làng cổ xung quanh Hồ Tây. Nguồn: Sungroup.
Sau khi Pháp xâm chiếm Hà Nội thì mọi chuyện có nhiều thay đổi. Năm 1889, chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu việc khai thác Hồ Tây chứ không còn được tự do kiếm lợi từ nơi đây nữa. Ai trả cao hơn sẽ là người có quyền vừa được đánh cá, vừa được khai thác sen… Nói tóm lại là được làm mọi thứ trong thời gian trúng thầu của mình và thủy sinh của Hồ Tây bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào những người trúng thầu. Đương nhiên, cơ chế này không làm hài lòng những cư dân sinh sống ven hồ. Nguồn hoa lợi từ hàng trăm năm nay không còn mà buộc phải "mua vé" để có thể tiếp tục công việc của mình nên rất nhiều người đã bỏ làng, bỏ nghề.
Ngoài ra, cũng về chuyện thủy sinh, còn một thứ "đặc sản" được tạo ra bởi sự hiểu nhầm. Đó là ốc Hồ Tây. Nhiều người truyền tai nhau cho rằng, đã lên đến Hồ Tây là phải ăn bánh tôm rồi bún ốc, thế mới là cách thưởng thức đúng điệu song tất cả đều đã nhầm. Nói về bún ốc, ở Hà Nội chỉ có hai làng nổi tiếng với truyền thống của mình. Một là làng Pháp Vân với bún ốc nóng, còn lại là làng Khương Thượng với món bún ốc nguội. Còn về lý do mọi người hay nhầm lẫn, phải hiểu được rằng: "Nói bún ốc Hồ Tây là người ta nói bừa, nói ẩu vì con ốc Hồ Tây thì mãi đến năm 1960 của thế kỷ trước, công ty cá Hồ Tây mới xuống Ninh Bình, Hà Nam mang về thả cho cá trắm ăn thì mới sinh ra con ốc Hồ Tây, chứ trước đây cũng có nhưng rất ít chứ không thể thành đặc sản như cá chép đen hay cà cuống".
Bên cạnh sen, Hồ Tây còn được biết đến với một loài hoa khác cũng được xem như một biểu tượng của Hà Nội, đó là những cây đào đỏ thắm sắc xuân. Theo truyền thuyết, ngày 5 tháng Giêng, sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung từng sai lính chạy ngựa từ Thăng Long mang một cành đào Nhật Tân về Phú Xuân tặng vợ yêu là công chúa Ngọc Hân.
Đối với gốc gác xưa của làng đào Nhật Tân phải nói là đã rất lâu đời rồi. Khi ấy, có An Nam độ hộ phủ đóng ở vùng nay và lính nhà Đường sang đây không biết bao giờ mới trở về bởi họ phải đi theo niên hạn, không có cái gì tính thời gian nên mới trồng hoa đào. Hoa đào cũng không phải mang từ Trung Quốc sang mà là họ lên dãy Hoàng Liên Sơn lấy hoa đào rừng mang về trồng. Cứ mỗi mùa hoa đào nở thì họ biết đấy là một năm. Và qua mấy mùa đào thì họ biết mình đã ở bao lâu, từ đó mới sinh ra làng đào Nhật Tân. Nhưng thời đó cũng chỉ là trồng chơi chứ chưa thành làng chuyên trồng đào. Mãi đến cuối thế kỷ 19, Nhật Tân mới chính thức trở thành ngôi làng chuyên trồng đào.
Từ lâu, hoa đào đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Nguồn: Caoanhtuan - Maikhanh.
Bookmarks