Vào mùa mưa, nước Hồ Tây dâng lên rất cao, do nước sông Tô Lịch đổ vào, nhưng đến mùa khô thì ngược lại, Hồ Tây trở thành nơi cung cấp nước cho sông. Cho đến cuối thế kỷ 19, năm 1889, khi mà xây chợ Đồng Xuân, người Pháp mới lấp đoạn đầu của sông Tô đi để xây dựng, nay tương ứng với đoạn chợ Đồng Xuân, khu vực Hàng Chiếu, ăn ra Hàng Lược, thì người ta lấp đoạn đấy để làm chợ. Sau đó mới làm cống bê tông ra tận Phan Đình Phùng, chỗ gần trường Chu Văn An bây giờ. Tính cho đến lúc này, Hồ Tây chỉ còn lại nguồn nuớc chính là lượng mưa hàng năm
Nhưng mặt khác, Hồ Tây cũng xuất hiện thêm một nguồn cung mới dù không đáng kể, đó là một phần nước thải của phía Bắc thành phố chảy ra. Nghĩa là khi người ta cống hóa đoạn đầu sông Tô Lịch, thì đồng thời cũng làm hệ thống thoát nước ở phía Bắc chảy ra đoạn cống đấy và nó chạy theo đoạn sông Tô Lịch còn lại chảy về Hồ Khẩu rồi đổ vào Hồ Tây. Nhưng lượng nước sinh hoạt thải ra hồ về cơ bản không nhiều và quan trọng là lúc đó, nó cũng không gây ô nhiễm cho hồ. Cuối cùng, khi người Pháp phá thành vào năm 1897 thì họ cũng lấp đoạn sông Tô Lịch còn lại và đoạn ở làng Hồ Khẩu ngày nay. Tức là tính từ cuối thế kỷ 19, nguồn nước duy nhất cung cấp cho Hồ Tây là nước mưa.
Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi vào mùa sen, thiếu nữ khắp nơi lại lên Hồ Tây, diện áo yếm, áo dài chụp ảnh với hoa sen. Không còn là trào lưu nhất thời, điều đó đã trở thành một hoạt động văn hóa đẹp, lãng mạn, thấm sâu trong đời sống hiện đại ngày nay. Cũng không biết nét văn hóa này bắt đầu từ bao giờ, nhưng trước đây vài chục năm thì không hề có. Câu chuyện về sen Hồ Tây ngày xưa khác.
Có thể nói, khắp cả nước đâu đâu cũng có sen, riêng Hà Nội đầu thế kỷ 20 còn rất nhiều đầm sen mênh mông như: Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì (ao sen), Lĩnh Nam, Định Công... Nhưng nói đến sen thì ít nơi đâu hơn được sen Tây Hồ. Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen Tây Hồ quý vì bông lớn khi nở to như hai bàn tay mở, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp) xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo, giữ cho sen mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.
Cho đến nay chưa tìm thấy sách nào ghi sen ở hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở Hồ Tây. Sở dĩ ly cung, biệt điện xây dựng bên vạt sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật Giáo và hoa sen là biểu tượng nhiều mặt trong Đạo Phật.
Đến nhà Trần, Hồ Tây cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan. Tuy nhiên đến nhà Lê thì nhiều ly cung biệt điện đã đổ nát. Vua Lê Tương Dực (1509-1516), một ông vua nổi tiếng ăn chơi trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã cho sửa sang hành cung ở Dâm Đàm làm chỗ nghỉ ngơi.
Đại Việt sử ký chép, ông "vua lợn" này bày ra trò chơi "tiên nữ hái hoa sen". Đó là bắt cung nữ trút bỏ váy áo ở trần giả làm tiên nữ chèo thuyền hái sen nở trong hồ để vua xem.
Sen đi vào ca dao Việt Nam như một biểu tượng đẹp đẽ, tinh khiết, thanh tao:
Rủ nhau ra tắm hồ sen,
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình.
Hay:
Hoa sen mọc bãi cát lầm,
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.
Còn với sen Tây Hồ, người đầu tiên làm thơ được ghi chép lại chính là vua Lê Thánh Tông, ông có bài Hoa sen bằng chữ Hán và Hoa sen non bằng chữ Nôm. Hoa sen non không chỉ đẹp mà thấy tâm hồn lãng mạn bay bổng của một ông vua có tài và tâm:
Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,
Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.
Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc,
Chàm nhuộm nên màu, tán chửa giương.
Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu,
Thắm hồng còn kín má Vương Tường.
Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,
Mười trượng hoa thì mười trượng hương.
Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án cùng viết về thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong trung thu năm 1774: "Ngày hôm đó chúa ngự trên ly cung Thụy Liên (sen ngủ). Dưới là sen trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc".
Ở Nghi Tàm có ngôi miếu ở ven đường liên quan đến sen hồ Tây là miếu Bà Cô. Tương truyền cô gái họ Đoàn này đi thuyền hái sen dâng lên phủ hành cung Thụy Liên của chúa Trịnh nhưng chẳng may thuyền bị đắm cô bị chết, dân Nghi Tàm cho là cô chết trẻ nên thiêng đã lập miếu thờ.
Sen trong bài Thăm chùa Trấn Quốc của Phạm Quý Thích (1760-1825) là "Mười dặm hương sen theo gió thoảng" và "Giữa đám sen dày thuyền lướt mau". Thượng kinh ký sự của đại danh y Lê Hữu Trác kể chuyện ông chữa bệnh cho chúa Trịnh ở biệt điện bên hồ Tây và sen đã cho ông cảm xúc đến mức bật ra thơ.
Ở nhiều địa phương, người ta chỉ dùng hạt, củ và tâm sen nhưng ở Hà Nội cây sen gần như không bỏ đi thứ gì. Dân quanh Hồ Tây hái lá già bán cho các bà, các cô làng Vòng. Cốm đầu nia gói trong lá sen già thì không gì bằng vì hai mùi quyện vào nhau tỏa mùi thơm thanh dịu trong tiết thu nhạt nắng. Dân làng Tương Mai thường dùng lá sen non gói xôi lúa vì xôi không dính lá và mùi thơm lá sen kích thích vị giác của người ăn; nhụy dùng để ướp chè, nấu rượu và hoa để thưởng thức rất tao nhã.
Chuyện cũ bên dòng sông Tô của Viên mai Nguyễn Công Chí chính là gia phả dòng họ Nguyễn Đình (làng Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) lập nghiệp ở phố Hàng Ngang từ thế kỷ XVII. Dòng họ này không chỉ giầu có, nổi tiếng về sự hiếu học ở đất Thăng Long mà còn nổi tiếng về khéo léo trong nghệ thuật ướp chè sen Tây Hồ. Đầu thế kỷ XX, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen của các chủ thầu gánh vào chợ Đồng Xuân và phố xung quanh bán từng gánh lớn cho các gia đình lấy nhụy ướp chè sen và cho người chơi hoa.
Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, về sen hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: "Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng". Tuy nhiên sen mọc nhiều nhất là ven bờ giáp các làng Nghi Tàm, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá nhất là làng Tây Hồ vì đáy hồ không sâu, thoải thoải và ở đây còn có nhiều đầm và ao.
Để có được mỗi gói trà sen, người ta thường phải thu hoạch sen từ rất sớm để có được hương vị thơm ngon nhất. Nguồn: Petrotimes -VNE
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ
Ngoài sen mọc tự nhiên, dân các làng này còn trồng thêm để làm vành đai ngăn sóng hạn chế lở đất. Khi người Pháp chiếm Hà Nội và khu vực hồ Tây trở thành ngoại ô năm 1889 thì chính quyền đấu thầu quyền khai thác sản vật ở hồ gồm: cá, sen. Trúng thầu là người Pháp, họ cho người Việt thầu lại.
Sau năm 1954, nhà nước bãi bỏ thầu khai thác cá và sen hồ Tây. Năm 1958, Hà Nội thành lập Xí nghiệp nuôi và khai thác thủy sản hồ Tây. Để có nhiều cá cung cấp cho cán bộ công nhân viên, xí nghiệp đã nhập giống cá mè hoa của Trung Quốc nuôi đại trà, sợ loại cá có vảy li ti bị chết do vướng gai ở thân sen nên đơn vị này đã cho phá bỏ nhiều vạt sen quanh hồ. Từ đó diện tích sen ở hồ bị thu hẹp. Xưa nay, có nhiều cặp luôn đi với nhau, bổ xung cho nhau để hoàn thiện cái đẹp. Ca dao có câu:
Sen xa hồ, sen khô hồ cạn
Liễu xa đào liễu ngả đào nghiêng
Như Thúy kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi
Vì mất sen nên thời bao cấp vào mùa hè, sóng hồ đánh quá mạnh khiến các nhà ở mép nước các làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ... bị lở. Khu vườn chùa Thiên Niên bị sạt lớn còn trơ ngọn tháp. Những ngôi mộ ký táng xây gạch cũng trơ ra. Trong bài Sen Tây Hồ, nhà thơ Bằng Việt viết năm 1995 có câu:
Ví thử hồ sen cạn nốt
Làm gì cho thấy ngày xưa?...
Dự án qui hoạch và xây bờ kè quanh hồ thực hiện từ cuối những năm 1990 đã đặt dấu chấm cho sen trong hồ. Hiện sen chỉ còn ở vài đầm như Đầm Trị hay gần Công viên nước Hồ Tây. Dù vậy, có thể thấy sức sống của sen Tây Hồ vẫn vô cùng mãnh liệt, sen đang trở lại với đời sống hiện đại như chúng ta thấy ngày nay.
Bookmarks