Hồ Tây không chỉ là "lá phổi" khổng lồ cho toàn Thăng Long xưa và Hà Nội nay, không chỉ là một con hồ điều hòa, luôn cân đối lượng nước, tránh ngập lụt cho cả thành phố, mà đó còn là vùng đất thiêng, nơi sản sinh tâm thức của người Hà Nội xưa, hay nói rộng hơn đó cũng chính là tâm tức người Việt cổ. Về góc nhìn tâm linh, cùng với sông Tô Lịch, Hồ Tây được xem như một địa danh tụ thủy.
Vậy tụ thủy là gì?
Cũng như sông Tô Lịch, Hồ Tây vừa là long mạch, vừa là nơi tụ thủy. Tất cả những nơi có tụ thủy thì đều có năng lượng rất lớn từ vũ trụ truyền xuống, cho nên ở đó thì sẽ có rất nhiều người tài - người ta gọi là tụ nhân. Đã có tụ thủy thì sẽ có tụ nhân. Hay nói một cách dễ hiểu, Hồ Tây là nơi địa linh nhân kiệt, là nơi sản sinh ra lượng lớn những giá trị vật thể và phi vật thể.
Các giá trị vật thể hay phi vật thể của Hồ Tây đan xen, quất quýt, gắn chặt với nhau như hai mặt của một vấn đề. Nó được thể hiện qua các truyền thuyết sống động, các ghi chép trong sử sách về địa danh này.
Những truyền thuyết gắn liền với Hồ Tây hay tên gọi của Hồ Tây nhiều vô kể. Nổi tiếng nhất có lẽ là sự tích Lạc Long Quân diệt hồ ly tinh ở ngay tại nơi này, được ghi trong Lĩnh Nam chính quái.
Theo đó, khi xưa ở phía tây kinh thành có hòn núi đá lớn bên sông, dưới núi có hang động và cũng là nơi trú ngụ của một con cáo chín đuôi. Nó sống lâu đến nghìn năm rồi hóa thành tinh, chuyên đi làm điều độc ác, hãm hại dân lành ở khu vực xung quanh Hồ Tây. Sự ác ôn của con hồ ly tinh này không ai không biết, nó khiến vô số người phải bỏ nhà cửa, làng xóm, bỏ cả ruộng đồng tránh đi nơi khác.
Khi biết tin, Lạc Long Quân lập tức tìm đến để trừ hại cho dân. Cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt diễn ra nhiều ngày đêm, dù con cáo chín đuôi có tài phép thế nào cũng không địch lại Lạc Long Quân, buộc phải quay trở lại hang ổ của nó ở dưới núi đá. Đến cuối cùng, Lạc Long Quân cũng tiêu diệt được hồ ly, giải cứu cho dân lành bị bắt cóc trong hang sâu, cho họ miếng đất gần đó để làm ăn sinh sống, lập nên làng Hồ Khẩu. Còn nơi hồ ly tinh bị giết sau này có tên hồ Xác Cáo - là Hồ Tây bây giờ.
Một cái tên khác - Kim Ngưu (Trâu Vàng) cũng có lai lịch không hề tầm thường. Truyền thuyết kể rằng, đời nhà Lý, nước ta có Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Khi hoàng tử khỏi bệnh, vua Tống trả ơn bằng cách cho phép Minh Không vào kho báu chọn món đồ theo ý thích và lấy bao nhiêu tùy thích nhưng Minh Không chỉ lấy đồng đen (vì đồng đen được coi là "mẹ" của vàng) cho vào bao mang về dâng vua Lý. Vua sai đem chỗ đồng đen ấy đúc thành cái chuông.
Rất xa xưa trở về trước, Hồ Tây còn có tên gọi là hồ Xác Cáo. Nguồn: CiputraHanoi - Hotienphongthuy.
Chuông đúc xong mang ra đánh thử. Tiếng chuông vang vọng sang tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng lên chạy về nơi phát ra tiếng âm thanh. Đến khu rừng phía bắc thành Thăng Long thì tiếng chuông im bặt. Trâu vàng mất phương hướng đã lồng lên đi tìm và giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ. Những nơi trâu đi thành sông mà ngày nay còn lại di tích, đó là sông Kim Ngưu. Vua sai ném chuông xuống hồ để trâu khỏi lồng thì quả thật nó đã lặn theo. Từ đó, hồ có tên là Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng:
"Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi".
Cũng theo truyền thuyết này, nếu ai sinh đủ mười người con trai thì có thể đến hồ gọi trâu vàng về. Một lần có người đến gọi được trâu vàng lên khỏi mặt nước và dắt vào bờ. Bỗng nhiên, thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó, dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu (gần phủ Tây Hồ hiện nay). Về sau mới biết, người gọi trâu thì ra chỉ có chín con trai ruột, người còn lại là con trai nuôi.
Theo sách Hồn sử Việt, khi vua Lý Công Uẩn dời Hoa Lư lập kinh đô Thăng Long, thấy hồ Kim Ngưu đẹp nên ông thường xuyên tổ chức du ngoạn. Và không ít lần trong những chuyến du trên hồ, sương mù đã bao phủ thuyền của vua tạo ra cảnh tượng vô cùng huyền ảo vì vậy hồ được đổi tên là Dâm Đàm. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó".
Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Hàng Châu cũng có Tây Hồ nổi tiếng trên đất Trung Quốc. Tây Hồ là hồ ở phía tây nhưng theo tiếng Hán đọc là Tây Hồ. Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc, năm 1657 vì kiêng chữ Tây nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị đổi thành Đoài (Đoài nghĩa là phía Tây) bởi vậy Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng dân Thăng Long vẫn gọi là Tây Hồ.
Đến triều nhà Tây Sơn, quan niệm về húy kỵ có khác. Sách Đào Khê dã sử kể, sau khi tiêu diệt quân Thanh, thống nhất Đại Việt, vua Quang Trung đã lưu lại Thăng Long một thời gian ở để chiêu hiền đãi sỹ và ổn định Bắc Hà.
Một hôm, vua ngự thuyền chơi Tây Hồ, theo hầu có một văn thần họ Đỗ vốn là tiến sĩ nhà Lê, vì muốn lấy lòng vua ông này đã tâu xin vua đổi tên hồ. Quang Trung nghe lời tâu rất ngạc nhiên hỏi vì sao lại phải đổi thì văn thần này trả lời tên hồ trùng với quê vua (Tây Sơn, phủ Qui Nhơn, tỉnh Bình Định).
Quang Trung nghe xong cười to nói: "Tây Hồ là danh thắng của Thăng Long, người Thăng Long bao đời vẫn yêu quý Tây Hồ, lưu luyến Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm mà phải đổi tên hồ quen thuộc? Vả chăng trẫm từ Tây Sơn đến với nhân sĩ, hiền tài Bắc Hà chẳng tốt lắm ru? Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ đó là duyên tao ngộ, cùng nhau còn nhiều gắn bó, hẹn hò, cảnh chẳng phụ người, làm sao người lại phụ cảnh? Nhà ngươi muốn trẫm làm một việc vô nghĩa với dân Bắc Hà sao?".
Có một điều, dù là tên nào, gắn với truyền thuyết dân gian hay được ghi chép tại chính sử, thì điều đó cũng phản ánh được các thời kỳ lịch sử của Hồ Tây gắn liền với giá trị Thăng Long. Nó đi ra từ trong chính tâm thức của người Việt cổ. Vậy hiểu đúng thì tâm thức ở đây là gì?
Thực tế, người ta không thể xác minh chính xác được rằng truyền thuyết nào là thật, truyền thuyết nào dựa trên sự thật mà có phần biến tấu, hay truyền thuyết nào được dân gian hóa hoàn toàn. Bởi lẽ, trong truyền thuyết, người ta thường sử dụng những cách nói quá, khoa trương hơn, phóng đại hơn hoặc thần thánh hóa các sự vật, hiện tượng.
Tuy vậy, tựu chung lại, những truyền thuyết này là sản phẩm tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người Việt cổ nói chung. Bất cứ ai, dù ở thời nào cũng đều cần một chỗ dựa về mặt tinh thần thì mới có thể sống được. Đó chính là sự khai mở về mặt tâm thức. Không có truyền thuyết, không có chỗ dựa tinh thần, không có tâm thức, họ không sống nổi. Bởi trong chính những truyền thuyết đó, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt luôn đánh bại được những thế lực hắc ám.
Tức là ở đây, con người cần dựa vào một giá trị tư tưởng để tồn tại, đó chính là tâm thức.Có thể nói, những truyền thuyết về Hồ Tây, từ tên gọi cho đến những câu chuyện dân gian đều có giá trị rất lớn về mặt tâm thức, là sản phẩm về mặt tinh thần của người Việt cổ, là giá trị phi vật thể không thể cân đong đo đếm.
Ngược dòng quá khứ, không ai biết Hồ Tây hình thành từ bao giờ, chỉ biết đã rất xa xưa rồi, chắc chắn có từ trước công nguyên. Rồi người ta cũng đặt ra giả thiết là nó là một khúc sông hồng ngày xưa, khi lũ lụt lớn quá nước đổ vào đấy, sau đó hình thành một cái hồ, có thể coi là hồ thiên tạo.
Cũng có người cho rằng Hồ Tây xưa là khúc uốn của sông Hồng khi sông đổi dòng chảy lấn về bờ bên kia đã để lại một hồ nước, giống như việc sông Hồng đổi dòng đã tạo ra hồ Lục Thủy. Thực tế thì sông Hồng đã nhiều lần đổi dòng khiến cửa sông Cà Lồ (ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc) bị cát bồi lấp dẫn tới Cà Lồ trở thành con sông chết. Nếu chấp nhận giả thuyết đó thì Hồ Tây có từ bao giờ vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Rồi cũng từ nơi đây, có những ghi chép về việc Hai Bà Trưng từng đánh trận những năm đầu công nguyên hay Lý Nam Đế chống quân xâm lược nhà Lương thì khi đó Hồ Tây cũng đã có rồi. Từ đó để có thể thấy, con hồ hình bán nguyệt cứ lặng lẽ sánh bước cùng Hà Nội cũng đã có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.
Nếu như nói Hồ Tây được hình thành từ trước cả công nguyên, vậy trước đây hình hài của nó như thế nào? Nó đứng trơ trọi hay hòa mình vào mạng lưới sông nước của Thăng Long xưa? Nguồn nước của Hồ Tây đến từ đâu?
Để hiểu được ngọn nguồn, chúng ta lại một lần nữa phải ngược dòng lịch sử, truy nguyên về thời kỳ đầu tiên của địa danh này. Kể từ thời xa xưa cho đến thế kỷ 17, Hồ Tây vẫn cung cấp nước bởi 3 nguồn chính. Một là sông Thiên Phù, ở phía Tây Bắc Thăng Long. Cửa sông bắt nguồn từ làng Phú Thượng, Nhật Tân, chảy qua Xuân La, Xuân Đỉnh rồi đến ngã ba chợ Bưởi. Nguồn thứ hai nữa là nước do sông Tô Lịch cấp, ở hai cửa sông là Chợ Gạo và Giang Khẩu. Ngoài ra, một nguồn nước khác cũng có thể coi cung cấp nước cho Hồ Tây là nước mưa. Đây là nguồn rất lớn, bởi hàng năm đến mùa mưa thì nước mưa đổ xuống miền bắc rất nhiều mà Hồ Tây là hồ rộng nên nó tích được lượng lớn nước.
Bên cạnh đó, vì đáy sông Hồng ở cửa sông Thiên Phù cao hơn đáy sông Hồng ở đoạn Hà Khẩu nên vào tháng không mưa, nước sông Hồng chảy vào Thiên Phù, qua Tô Lịch vào Hồ Tây, tiếp tục đưa nước ra cửa Hà Khẩu nhập với dòng sông Hồng. Nhưng trong tháng mưa lũ, do nước từ đầu nguồn dồn về liên tục nên nước sông Hồng dâng cao đã đẩy nước chảy vào Tô Lịch và dĩ nhiên đổ một phần vào Hồ Tây. Vì thế trước đây ở sông Tô Lịch có hiện tượng nghịch thủy.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc này chỉ kéo dài đến thế kỷ 17 bởi sau đó sông Thiên Phù bị cát bồi lắng ngoài cửa sông dẫn đến dần dần biến mất và Hồ Tây mất đi một nguồn cấp nước không nhỏ. Thời điểm chính xác sông Thiên Phù biến mất thì khó mà nói ra tường tận, nhưng chắc chắn nó rơi vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đến lúc này, Hồ Tây chỉ còn hai nguồn cung chính đến từ sông Tô Lịch và lượng nước mưa hàng năm.
Khoảnh khắc thơ mộng của Hồ Tây mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Nguồn: Meogia - Vietravel.
Vào mùa mưa, nước Hồ Tây dâng lên rất cao, do nước sông Tô Lịch đổ vào, nhưng đến mùa khô thì ngược lại, Hồ Tây trở thành nơi cung cấp nước cho sông. Cho đến cuối thế kỷ 19, năm 1889, khi mà xây chợ Đồng Xuân, người Pháp mới lấp đoạn đầu của sông Tô đi để xây dựng, nay tương ứng với đoạn chợ Đồng Xuân, khu vực Hàng Chiếu, ăn ra Hàng Lược, thì người ta lấp đoạn đấy để làm chợ. Sau đó mới làm cống bê tông ra tận Phan Đình Phùng, chỗ gần trường Chu Văn An bây giờ. Tính cho đến lúc này, Hồ Tây chỉ còn lại nguồn nuớc chính là lượng mưa hàng năm
Nhưng mặt khác, Hồ Tây cũng xuất hiện thêm một nguồn cung mới dù không đáng kể, đó là một phần nước thải của phía Bắc thành phố chảy ra. Nghĩa là khi người ta cống hóa đoạn đầu sông Tô Lịch, thì đồng thời cũng làm hệ thống thoát nước ở phía Bắc chảy ra đoạn cống đấy và nó chạy theo đoạn sông Tô Lịch còn lại chảy về Hồ Khẩu rồi đổ vào Hồ Tây. Nhưng lượng nước sinh hoạt thải ra hồ về cơ bản không nhiều và quan trọng là lúc đó, nó cũng không gây ô nhiễm cho hồ. Cuối cùng, khi người Pháp phá thành vào năm 1897 thì họ cũng lấp đoạn sông Tô Lịch còn lại và đoạn ở làng Hồ Khẩu ngày nay. Tức là tính từ cuối thế kỷ 19, nguồn nước duy nhất cung cấp cho Hồ Tây là nước mưa.
Bookmarks