HUYỀN CÔN ÐẠI PHÁP

Vào thời hoang sơ, con người phải thường xuyên đối kháng với thiên nhiên và dã thú để sinh tồn. Theo đà tiến hóa, những phương thế, chiêu thức thô thiển thuở ban đầu dùng để tự vệ đã được tiền nhân dần dần biến cải, tổng hợp, soạn thành bài bản phổ bién rộng rãi trong nhân gian, từ đó bộ môn võ thuật được thành hình. Nhưng nếu nghiên cứu lịch sử nhân loại, chúng ta nhận thấy ngoài những nỗ lực tranh đấu để tồn tại, phần lớn thời gian đã được loài người sử dụng để cổ võ cho chiến tranh, chinh phạt, đọa đầy và tranh dành quyền bính. Vì tham vọng thống trị và bành trướng lãnh thổ, binh khí đã được sáng chế và biến chế để mức độ hủy hoại mỗi ngày càng tàn khốc hơn. Những gậy cộc, gạch đá trước đây nay đã được thay thế bằng côn, đao, thương, ,kiếm, cung, tên, nỏ, giáo, mác, v.v...Chỉ riêng các bậc Tiên, Hiền nhận thấy binh khí là vật chẳng lành nên một khi chẳng đặng đừng phải dùng đến, đành chọn những loại không đưa đến sự sát hại mà chỉ dùng để cảnh tỉnh hầu mong giúp người giác ngộ.

Trong tinh thần đó, xưa kia trên núi La-Phù các môn đồ Tiên gia thường không sở đắc hoặc an trụ vào bất cứ điều gì. Cộc sống của họ rất mực giản dị: hạnh phúc là những điều đơn sơ và gần gũi nhất. Ngay cả trong các sinh hoạt hằng ngày, khi phải di chuyển từ địa hạt này sang khu vực khác đôi khi phải vượt qua những khu rừng rậm nổi tiếng nhiều thú dữ như hổ báo, vũ khí phòng thân thường được sử dụng là một loại cây dẻo dai như mây được tìm thấy quanh năm trong vùng gọi là cây võng còn được các bậc Tiên gia gọi là cây vô tâm. Võng mọc rất thẳng, cùng họ với loài trúc, tre, thanh, tầm vông, nhưng có đặc tính là ruột rỗng, mình dầy, bền bỉ, khó bị bầm dập như tre trúc khi bị va chạm mạnh.

Nhờ đặc điểm này đối với môn phái Huyền-công La-Phù Sơn, võng trở thành một thứ vũ khí hộ thân rất lợi hại, nhất là khi chống chọi với hổ dữ. Vì khi võng được vung lên cộng với kình lực của người sử dụng, không những thay thế được cho thương, giáo, côn, võng còn phát ra những âm thanh chói tai khiến hổ hãi sợ. Ngoài ra võng còn tượng trưng cho sự thanh tao (không một tấc sắt) rất phù hợp với đường lối của Tiên gia.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin trình bày những kiến thức thu thập được từ các vị tiền bối, những tài liệu về xuất xứ, lịch sử của côn pháp được những môn phái nổi tiếng bên Trung-Hoa như Thiếu-Lâm, Hồng-Gia-Quyền và Bạch -Mi luyện tập và sử dụng đến mức tuyệt luân để trở thành những đường côn trấn môn của họ, tương tự như kiếm pháp của Võ-Ðang và Thanh-Thành đã một thời danh chấn giang hồ. Ðặc biệt là tập "Huyền Côn Ðại Pháp" của giòng họ Lưu, được biên soạn vào đời nhà Hạ, đã được phiên dịch sang Việt ngữ và từng được lưu hành tại Việt-Nam vào những thập niên 50, 60.

Trong côn pháp, bất cứ môn phái nào luận và sử dụng côn pháp đến tuyệt mức đều phải am tường hai nguyên lý: Thuận và Nghịch. Khi hiểu được hai điều căn bản trên, những chiêu thức đặc thù của giòng phái phối hợp với côn pháp sẽ giúp người sử dụng đạt đến trình độ thượng thừa của món binh khí này. Khi đạt đến trình độ tinh diệu của côn pháp, người sử dụng có thể đang từ dạng trường côn chuyển sang Tề-mi côn bằng cách 10 phần bỏ 3 còn 7. Hoặc đang từ dạng Tề-mi côn bỏ 3 còn 7 để chuyển thành Ðoản côn. Thân côn nếu được chia làm ba phần thượng, trung, hạ được gọi là tam tài côn.

Môn phái Thiếu-Lâm tận dụng tuyệt mức Dương côn pháp vì hiểu và ứng dụng được tam tài. Riêng các phái theo Tiên-gia thưởng sở trường về Âm-thủ côn, rồi từ đó biến thành thuận nghịch côn pháp. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng côn pháp đến mức vi diệu Ðạo-gia cần phải đạt đến mức điêu luyện Thất-tinh côn pháp, bao gồm 7 điểm sau:

1) Ðơn-thủ côn: Khi sử dụng côn, tay phải và trái cầm côn nghịch nhau.
2) Âm-thủ côn: Khi sử dụng côn, hai tay cầm côn cùng chiều.
3) Ðiểm côn: Còn được gọi là "Lục tự điểm bán côn". Chính xác đến độ khi ra chiêu có thể điểm đúng nửa phần đầu côn của đối phương.
4) Liên-hoàn côn: Vai, eo, thân và tứ chi đều được dùng làm điểm tựa của côn.
5) Ngũ-hành côn: Khi sử dụng, tùy cơ ứng biến nhịp nhàng với năm đức: cương, nhu, dũng, trí, tịnh. Tương ứng với ngũ hành tương khắc, tương sinh trong trận đờ côn pháp.
6) Côn kình: Khi sử dụng phá ra được kình lực, còn gọi là "Kim-Cang" côn.
7) Lưu-hành bản côn: Thuật biến hóa cao đẳng nhất trong côn pháp. Khi sử dụng đường côn lưu chuyển khắp châu thân chứ không ở yên một vị trí nào. Từ đặc tính này về sau chúng ta có Lưỡng-thiết côn (nhị khúc hoặc Thiết-lĩnh).

Tại Việt-Nam, trước thời Pháp thuộc đã có những võ khí cổ truyền như thiết lĩnh, gươm đao, bút chì, bút thép, mã tấu, khiên, khăn lượt, v.v...rất lợi hại đối với người biết sử dụng.

Riêng về côn pháp, khi so sánh côn pháp Việt-Nam và Trung-Hoa chúng ta thấy có điểm sai biệt. Côn pháp Việt-Nam thuần túy hay dùng dương thủ côn. Nhưng dương thủ côn của người Việt-Nam khác biệt với dương thủ côn của người Trung-Hoa ở chỗ hay dùng trí thuật thay vì pháp thuật. Thí dụ: như dương đông để kích tây, đập tả về hữu, lấy thượng đánh hạ, lấy hạ biến thượng, trùng trùng điệp điệp như đan mây côn tương tự như hình thức lăn khiên. Ðây là những kỹ thuật điệu nghệ được quân binh triều đình áp dụng nơi chiến địa để chống lại làn tên mũi giáo của đối phương khi đất nước gặp cuộc binh đao, nhưng nếu muốn đạt đến sự cao diệu của côn pháp, song song với những đấu thuật, chúng tôi thiết nghĩ côn pháp Việt-Nam còn phải hội đủ những pháp thuật nêu trên.

Khổng-Trung-Linh

(Lấy ý từ các bài giảng về côn pháp của Hồng-Gia Việt-Nam)