Ông nhận được lời mời về VinFast từ ai và vì sao ông lại nhận lời mời đó?
Đó là mùa hè năm 2017. Lần đầu tiên tôi nhận được liên lạc từ bà Lê Thị Thu Thuỷ - chủ tịch công ty VinFast. Bà hỏi liệu tôi có hứng thú gia nhập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe hơi ở Việt Nam hay không. Câu trả lời khi đó của tôi là không.
Nhưng bà Thủy nói: "Ông hãy đến Việt Nam và xem những gì mà Vingoup đã và đang làm cho người dân ở đất nước này". Vậy nên tôi bảo: "Được thôi, tôi sẽ rời Detroit để tới Việt Nam và tìm hiểu về Vingroup". Thế là tôi bay tới đây, hoàn toàn bị ấn tượng bởi những gì tôi được chứng kiến và đồng ý gia nhập công ty này với kỳ vọng xây dựng được thương hiệu ô tô nội địa kể từ chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam được sản xuất từ năm 1958.
Ngoài lời mời tới VinFast khi đó, ông còn nhận được lời mời nào khác không?
Sau khi tới Việt Nam, tôi ký vào hợp đồng ban đầu có thời hạn 3 tháng để cân nhắc và thử nghiệm xem tôi và VinFast có "thích" nhau hay không. Quá trình đó đã diễn ra một cách vô cùng suôn sẻ và tốt đẹp.
Giữa khoảng thời gian này, tôi nhận được lời mời gia nhập vị trí lãnh đạo cao cấp từ Amazon. Hết 3 tháng, tôi phải đưa ra quyết định của mình. Nếu đến với Amazon, tôi sẽ làm việc ở Washington, Mỹ; còn đồng ý với VinFast tức là ở Hải Phòng, Việt Nam.Nhưng tôi đã đi theo tiếng gọi trái tim mình. Và cho đến thời điểm này, đó là quyết định hoàn toàn chính xác khi nói KHÔNG với Amazon, và nói CÓ với VinFast.
Ông từng kể là có lần nói chuyện với ông Phạm Nhật Vượng, ông chia sẻ việc phát triển một chiếc xe mới sẽ mất từ 36-60 tháng. Nhưng ông Vượng đã trả lời bằng yêu cầu chỉ được thực hiện trong vòng 9 tháng. Cảm xúc lúc đó của ông như thế nào?
Ngày đầu khi gia nhập công ty, ông Phạm Nhật Vượng đã có buổi nói chuyện với tôi về kế hoạch ra mắt cùng lúc 2 mẫu xe đầy tham vọng trong vòng 2 năm. Theo kinh nghiệm từng có trong ngành ô tô quốc tế, tôi giải thích với ông Vượng rằng chuyện đó là không thể bởi theo thông lệ, phải mất 36-60 tháng để có thể hoàn thiện thiết kế và sản xuất được một mẫu xe như vậy.
Ngài chủ tịch lắng nghe tôi nói một cách rất lịch sự, nhìn thẳng vào mắt tôi và sau một vài giây im lặng, ông nói: "James, chúng ta tạo ra sự sống chỉ trong vòng 9 tháng. Anh phải làm tốt hơn thế!" (Cười).
Có sự nghiệp 37 năm trong ngành ô tô, trong đó 16 năm gắn bó ở vị trí cao cấp tại GM, ông có lo lắng rủi ro thất bại với VinFast sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi đã gây dựng nhiều năm của mình?
Về cơ bản, những gì chúng tôi làm được trong vòng 21 tháng là tương đương với những gì các nhà sản xuất thiết bị gốc khác làm trong 36-60 tháng. Để làm được điều này, chúng tôi đã tìm đến những đối tác hàng đầu trong ngành ô tô thế giới như BMW, Pininfarina, Magna Steyr, AVL…
Có một số người trong ngành công nghiệp này nói rằng những điều chúng tôi sắp làm là chuyện không thể, nhưng chúng tôi sẽ biến điều không thể thành có thể, nhất là khi chúng tôi có những cộng sự và đối tác tuyệt vời như vậy. Cũng chính vì thế, tôi chẳng mảy may lo lắng gì cả.
Thêm vào đó, chúng tôi cũng đã tuyển dụng rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm ở khắp nơi trên thế giới về làm việc tại Việt Nam, cùng gia nhập đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở VinFast, bên cạnh việc thành lập trung tâm đào tạo ở ngay tại nhà máy.
Chúng tôi không chỉ làm điều này để chuẩn bị cho sự ra mắt các sản phẩm đầu tiên vào tuần tới mà còn chuẩn bị về mặt lâu dài, đảm bảo công ty này vận hành tốt ngay cả khi chúng tôi rời đi. Suy cho cùng, khả năng lãnh đạo của tôi chỉ được đánh giá dựa trên khả năng vận hành lâu dài của chính công ty này.
Từng là Phó chủ tịch phụ trách vận hành và sản xuất toàn cầu của GM, ông nghĩ, VinFast có thể học hỏi gì từ hãng xe hàng đầu thế giới này?
Sau 37 năm tại GM, tôi được đào tạo về cách thiết kế, chế tạo và bán những chiếc xe hơi. Trên cương vị CEO của VinFast, tôi có thể ứng dụng được những gì mình đã học từ hãng xe của Mỹ.
Một ví dụ là chúng tôi đã học hỏi được nguyên tắc sản xuất tinh gọn từ GM để áp dụng cho VinFast. Trên thực tế, nguyên tắc này được phát triển đầu tiên bởi Toyota và hiện tại, nhiều hãng xe hơi của thế giới cũng đã áp dụng nguyên tắc này. Nó không có nhiều sự khác biệt giữa các đơn vị sản xuất lớn trên thế giới.
Điều quan trọng nhất tôi học được từ GM là cách thức quản trị, lãnh đạo và truyền cảm hứng. Đây là điều rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh VinFast ra mắt nhiều mẫu xe chỉ trong vòng 22-24 tháng, và tổ chức này cần được truyền cảm hứng để biến điều không thể thành có thể, cũng như vượt qua giới hạn bản thân của mỗi người.
CEO VinFast: "Công khai mọi quá trình làm nên chiếc xe của VinFast hoàn toàn là chủ ý của chủ tịch Phạm Nhật Vượng"
Vì sao VinFast lại mạnh tay đầu tư xây dựng một nhà máy có quy mô lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á ngay từ đầu?
Có hai lý do khiến chúng tôi quyết định xây dựng một nhà máy với quy mô lớn ở Việt Nam. Nhìn từ góc độ nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực; Việt Nam có tỷ lệ sở hữu xe hơi rất thấp chỉ 23 xe/1.000 dân, trong khi đó tỷ lệ ở Thái Lan là 200 xe, châu Âu là 500 xe, còn ở Mỹ là 800 xe. Cộng thêm sức mạnh của thương hiệu Vingroup thì chúng tôi gọi đó là cơ hội ở ngay trước mắt và chúng tôi đã sẵn sàng để tận dụng thời cơ đó.
Chúng tôi có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường xe hơi nội địa và chúng tôi không thể làm được điều đó với một nhà máy có quy mô nhỏ.
Có người nói VinFast là "một chiếc xe hợp chủng quốc", vì nó tập hợp rất nhiều bộ phận của các quốc gia khác nhau, như động cơ của Đức, thiết kế Ý, một số bộ phận khác lại đến từ Hàn Quốc. Quan điểm của ông như thế nào?
Tôi cũng đã nghe nhiều người nói về chuyện đó, nhưng chắc hẳn là vì họ chưa từng dành thời gian trải nghiệm chiếc xe của chúng tôi. Tôi rất mong họ sẽ đến đại lý phân phối để ngồi thử lên chiếc sedan hoặc chiếc SUV, cảm nhận việc khởi động xe và nhìn thấy hình ảnh Vịnh Hạ Long hiện lên ở màn hình cảm ứng trung tâm, cũng như những sắc màu đầy tinh thần dân tộc.
Chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tinh thần Việt Nam trong chiếc xe này. Đó là điều mà chúng tôi luôn hướng tới. Chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu xe hơi nội địa đầu tiên của Việt Nam mang tinh thần của Việt Nam.
Và đúng thế, khi mọi người nói công nghệ đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới tụ hội về đây thì đó thực ra là một phần của công thức thành công của chúng tôi, và không nghi ngờ gì khi cho rằng đây vẫn là một chiếc xe của Việt Nam.
Bình thường, một công ty xe hơi sẽ giấu kín tất cả mọi thứ cho đến khi ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh. VinFast dường như làm ngược lại quy trình nay, khi công khai tất cả các bước ngay từ khâu thiết kế. Ông có thể giải thích lý do cho quy trình ngược này?
Tôi không thể giải thích được lý do bởi đó là ý tưởng và là quyết định của ngài chủ tịch tập đoàn. Nó hoàn toàn ngược lại với chính kinh nghiệm nhiều năm của tôi. Thông thường, các nhà sản xuất thiết bị gốc sẽ giấu kín bản thiết kế của mình cho đến khi họ ra mắt chiếc xe. Chúng tôi cũng rất sốc, rất ngạc nhiên khi tất cả bản vẽ sơ khởi chiếc xe VinFast đều được công bố rất rộng rãi, và đó hoàn toàn là quyết định của chủ tịch Vượng.
Đến thời điểm này, tôi cho rằng đó là một bước đi hoàn toàn chính xác, bởi nó đã tạo ra sự hứng khởi trong lòng của người dân Việt Nam khi họ trở thành một phần trong quá trình định hình và thiết kế chiếc xe VinFast. Chúng tôi cũng đã tạo ra sự quan tâm trên phương tiện truyền thông và tôi tin chắc đó là những quyết định vô cùng chính xác của ngài chủ tịch. Tôi không hề nhận công về phía mình cho quyết định này.
Trước khi VinFast xuất hiện, Việt Nam chưa có tên tuổi gì trên bản đồ công nghiệp xe hơi thế giới. Trong khu vực, Việt Nam còn thua cả Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Vậy, VinFast sẽ làm gì để thay đổi thực tế ấy?
Về ngắn hạn, mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất thiết bị gốc lớn nhất ở Việt Nam. Về dài hạn, chúng tôi muốn trở thành một đơn vị sản xuất hàng đầu thế giới. Chúng tôi đang nghiên cứu con đường phát triển của các tập đoàn lớn khác như Toyota, Hyundai, Kia…, tìm hiểu xem cách thức đưa họ đến thành công để học hỏi và cải thiện, nhằm trở thành công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Có rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao 2 mẫu xe đầu tiên lại thuộc phân khúc cao cấp, tôi xin trả lời rằng sẽ dễ dàng hơn khi VinFast bắt đầu từ cao cấp rồi đi xuống các phân khúc thấp hơn. Rõ ràng, xây dựng thương hiệu ở phân khúc cao cấp sẽ dễ dàng định hình được vị thế của công ty hơn là việc khởi sự từ mẫu xe giá rẻ. Điều này cũng tương tự như cách làm của Vinhomes, xây dựng các tổ hợp bất động sản cao cấp, sau đó mới triển khai ở các mức giá rẻ hơn.
VinFast có đặt mục tiêu sau bao nhiêu năm thì trở thành hãng xe lớn nhất Việt Nam hay không?
Tôi không thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác, nhưng nếu thị trường xe hơi trong nước đang có mức tiêu thụ là 300.000 xe một năm thì công suất nhà máy tại Hải Phòng đã lớn hơn như vậy rất nhiều. Chúng tôi đang làm việc ngày đêm để đạt được điều đó (trở thành hãng xe lớn nhất Việt Nam).
Ông đang đi xe gì và nếu đánh giá một cách chủ quan, ông nghĩ sao về chiếc xe của mình khi so với những mẫu xe VinFast đang sản xuất?
Ở Việt Nam thì tôi đang lái một chiếc Mercedes. Đây cũng là một hãng xe được biết đến với chất lượng, độ tin cậy và độ bền. Tôi nghĩ là nó có khá nhiều điểm tương đồng với chiếc Lux chuẩn bị ra mắt. Tuy nhiên đôi khi chiếc Mercedes cũng khiến tôi bực mình vì việc vận hành khá phức tạp.
Khi làm việc ở VinFast, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về giao diện người dùng. Chúng tôi muốn thiết kế một giao diện người dùng tinh giản, thân thiện và đầy cảm tính, giống như cách mọi người vẫn sử dụng smartphone. Chúng tôi tin rằng VinFast sẽ làm được điều này, còn Mercedes thì tôi không chắc (cười).
Và tôi chắc chắn, hai mẫu xe SUV và sedan khi ra mắt sẽ thay thế được Mercedes.
Điều gì khiến ông thích nhất và không thích nhất trong thời gian sống và làm việc ở Việt Nam?
Tôi thích văn hóa, con người Việt Nam. Khi còn làm việc ở GM, tôi từng có khoảng thời gian công tác khá dài tại các quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Khi lãnh đạo VinFast tiếp cận để mời gia nhập công ty, họ có nói rằng tôi sẽ cần sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam thì với tôi và gia đình, đây là một quyết định dễ dàng. Dù sao, chúng tôi cũng đã có tới 6 năm làm việc ở khu vực châu Á rồi.
Với nhiều người Việt Nam, tắc đường là một trong những nguyên nhân khiến họ không muốn sở hữu ô tô riêng. Ông đã từng chịu cảnh tắc đường ở Việt Nam chưa?
Tôi đã từng trải nghiệm tình trạng tắc đường ở Việt Nam, đặc biệt là trong năm đầu tiên khi tôi sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn về một chặng dài hơn phía trước.
Xu hướng hiện tại ở Việt Nam là người dân di chuyển nhiều hơn ở các khu vực lân cận thành phố lớn, và trong năm nay, việc sẽ có khoảng 21 đường cao tốc được xây dựng sẽ dẫn tới sự phát triển vượt bậc trong ngành sản xuất xe hơi ở Việt Nam và chúng tôi đã sẵn sàng để chớp lấy thời cơ đó.
Ông có dành nhiều thời gian cho việc đọc sách không và nếu có thì cuốn sách ông yêu thích nhất là cuốn nào?
Cứ thử tưởng tượng là phải ra mắt 3 mẫu xe trong một khoảng thời gian rất ngắn… Tôi phải nói thật là tôi thậm chí chẳng thể có thời gian rảnh. Đến Việt Nam được 18 tháng, nhưng tôi mới chỉ đọc xong 2 cuốn sách.
Việc tìm sách thì cũng đơn giản, tôi lên mạng, xem trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất (best seller) và chọn những cuốn tiểu tuyết giả tưởng. Mấy thứ đó chẳng liên quan gì đến công nghiệp xe hơi, ô tô hay chuyện kinh doanh, mà đơn giản nó chỉ là cuốn tiểu thuyết. Tôi coi đó như một cách để thoát khỏi thực tại. Có lẽ sau khi ra mắt 3 dòng xe ô tô này, tôi sẽ có thêm thời gian để đọc sách./.
Bài: Hạ Minh
Ảnh: Phạm Tuấn
Thiết Kế: 7pm
Bookmarks