Hoa ưu đàm theo báo Đại Kỷ Nguyên dưới giác độ khoa học thực chứng
Thứ bảy, 25/05/2019 | 08:30
Đây là công trình của các tác giả Đinh Nhật Lâm & Trần Giỏi đăng trên Cổng thông tin điện tử Sở KHCN tỉnh Khánh Hòa về quá trình phát hiện,theo dõi loại côn trùng đã sinh ra "hoa ưu đàm" giống Đại Kỷ Nguyên nêu nhiều năm qua.
Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam xin đăng toàn văn nghiên cứu của hai nhà khoa học nói trên để Phật tử tiện theo dõi.
GHI NHẬN LOÀI CÔN TRÙNG ĐẺ TRỨNG GIỐNG VỚI HOA ƯU ĐÀM
Gần đây, hoa Ưu đàm hay Ưu đàm Bà la hoa - một loài hoa truyền thuyết trong Kinh Phật đã liên tục xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các ghi nhận này xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau. Đến nay chưa có tài liệu xác thực nào về sự tồn tại của “hoa ưu đàm”, trong khi đó đã lan truyền nhiều vấn đề mang tính thổi phồng.Đã có một vài giả thuyết để lý giải về sinh vật khá thú vị này. Có ý kiến cho rằng đây là 1 loài nấm, lại có ý kiến cho rằng đây là một sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô…Trong quá trình điều tra xây dựng Cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng Khánh Hòa, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học Miền Nam (TP.HCM) phối hợp cùng Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa, đã phát hiện và thu mẫu một số sinh vật có dạng như “hoa Ưu đàm” tại 2 địa điểm: Hòn Vọng Phu (Khánh Hòa) và Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng). Kết quả theo dõi và phân tích đã cho thấy đây là 1 loài côn trùng. Toàn bộ các mẫu liên quan đang được lưu trữ tại Viện Sinh Thái học Miền Nam, TP HCM.
Phát hiện và theo dõi
Dưới đây là một số ghi nhận về một loài côn trùng đẻ trứng, có hình dáng rất giống với “hoa Ưu đàm” như dư luận từng bình phẩm.
Ảnh 1: Sinh vật này được thu mẫu ở hòn Vọng Phu, tỉnh Khánh Hòa, ngày 10/04/2013 (ảnh Đinh Nhật Lâm)
Ảnh 2: Cận cảnh “hoa” của loài sinh vật kỳ lạ. (ảnh Đinh Nhật Lâm)
Mỗi “hoa” có màu sáng bóng, bề rộng cở 1mm, được gắn trên một sợi tơ mỏng dài khoảng 1cm và khá trong suốt. Sau 10 ngày theo dõi, có thể thấy rõ các vệt đen lớn dần ở bên trong, khi tiến hành giải phẫu sinh vật này đã hình thành 1 ấu trùng.
Ảnh 3: Một ấu trùng xuất hiện sau lớp vỏ trứng mỏng (ảnh Đinh Nhật Lâm)
Ảnh 4: Cá thể trưởng thành được ghi nhận tại VQG Bidoup- Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng ngày 15/5/2013 (ảnh Đinh Nhật Lâm)
Phân tích
Qua đối chiếu ấu trùng này rất giống với ấu trùng của loài côn trùng có tên khoa học là Chrysopa sp. thuộc họ Chrysopidae và thường được gọi là Lacewing
“Theo một số nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên California về Lacewing thì đây là loài côn trùng khá phàm ăn, thức ăn của chúng là các loài trứng và ấu trùng của các loài côn trùng thân mềm khác; là loài biến thái hoàn toàn với 4 giai đoạn sống khác nhau. Tập tính đẻ trứng của loài này khá độc đáo, chúng đẻ trứng trên các sợi tơ mỏng trong suốt đã tạo ra trước đó, chân của sợi tơ gắn với giá đỡ là lá cây, cọng cỏ, hay bất kể vật gì rắn chắc, nhằm bảo vệ trứng và ấu trùng khỏi các loài gây hại khác và một lý do quan trọng khác là tránh việc ấu trùng đầu tiên nở ăn những quả trứng bên cạnh. Trứng của Lacewing sẽ nở sau 4- 5 ngày, các ấu trùng sau khi nở có thể săn mồi (đó là các ấu trùng, trứng của loài côn trùng khác) và chúng sử dụng chính vỏ của các con mồi này để tạo thành một cái kén cho mình. Sau 1- 2 tuần sẽ xuất hiện lacewing trưởng thành”Có thể nói việc theo dõi và ghi hình qua từng giai đoạn phát triển, từ trứng đến ấu trùng và cá thể trưởng thành của loài lacewing đã giúp lý giải phần nào về hiện tượng “hoa Ưu đàm”.
> Theo dõi thêm: Hình ảnh thật sự của Hoa ưu đàm!
Bookmarks