Chạnh lòng với Bùi Chu!
hia sẻ


  • 30/04/2019 13:27






Bức ảnh nhà thờ Bùi Chu với lời ghi chú 'Sẽ bị phá hủy vào ngày 13 tháng 5' trên Facebook Martin Rama

Chỉ còn khoảng hai tuần nữa, vào ngày 13.5.2019, theo thông tin của Giáo phận Bùi Chu, nhà thờ chính toà Bùi Chu sẽ bị “hạ giải”. Dù chưa phải nghe thấy những nhát búa đầu tiên đập phá vào tác phẩm kiến trúc tâm linh thuộc hàng cổ kính, độc đáo nhất của hệ thống nhà thờ Nam Định, đã thấy chạnh lòng...


Mà sao không thể chạnh lòng cho được khi một ngôi giáo đường rêu phong cổ kính, có nét đẹp hiền hoà, nơi ghi dấu những bước thâm nhập đầu tiên của văn minh Thiên Chúa giáo phương Tây vào nước ta? Giáo phận Bùi Chu chính là nơi đầu tiên ở nước ta “đón nhận Tin Mừng đầu tiên” từ tận năm 1533 và Nhà thờ Lớn Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885, ngang ngửa tuổi với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Nhà thờ Lớn Hà Nội, hai di tích đã được công nhận bảo tồn.



Xét về mặt ý nghĩa lịch sử và giá trị kiến trúc, Nhà thờ chính toà Bùi Chu đâu có thua kém gì hai ngôi giáo đường nổi tiếng ấy, thế nhưng vì không được công nhận là di tích nên không được bảo tồn theo luật di sản. Dẫu ai cũng có thể thông cảm với Giáo phận Bùi Chu về việc nhà thờ đã xuống cấp, có thể sẽ khó khăn trong việc trùng tu, và nhu cầu khuếch trương mối đạo cũng là một lý do chính đáng nữa cho việc xây nhà thờ mới, thế nhưng việc “hạ giải” ngôi nhà thờ này dường như cũng đã hạ thấp đi ít nhiều những giá trị vật chất tinh thần của ngôi nhà thờ.

Quả thật, dù có xây xựng mô phỏng theo kiến trúc cũ, thế nhưng làm sao nhà thờ mới có được những giá trị độc đáo của toà nhà cũ, với kiểu kiến trúc baroque kết hợp với kiến trúc bản địa? Làm sao có thể mô phỏng, tái hiện được những nét trang trí, chạm trổ tinh vi, bằng tất cả nhiệt huyết của những người thợ thủ công Nam Định? Làm sao ngôi nhà thờ mới có được nét rêu phong cổ kính như biểu hiện những giá trị trường cửu, vĩnh hằng? Làm sao ngôi nhà thờ mới có được giá trị “độc bản”, như các tác phẩm của các danh hoạ, trong thời đại “sinh sản vô tính” các vật thể văn hoá như thời nay?

Nhìn chung, trào lưu thế giới bây giờ là tôn vinh, trân trọng những giá trị văn hoá, nghệ thuật xưa cổ. Chẳng nói đâu xa, các bức tranh của các danh hoạ mà sinh thời, như Van Gogh, bán không ai mua, giờ thì vô giá. UNESCO hay các quốc gia đang rất “phóng tay” công nhận các di tích, di sản văn hoá để nhân loại, nhân dân cùng nhau bảo tồn. Thế nhưng ở nước ta, đây dường như là việc chưa phải cấp bách, cấp thiết.

Những khó khăn của Giáo hội Bùi Chu trong việc bảo tồn Nhà thờ chính toà hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cộng đồng trong nước và thế giới. Chỉ bằng một lời kêu gọi từ Giáo phận thôi, sẽ có nhiều người, nhiều chuyên gia, nhiều kiến trúc sư hay thợ thủ công lành nghề sẽ góp công trùng tu, sửa chữa. Nhà thờ Đức Bà Paris, phải bắt buộc trùng tu, sửa chữa vì thảm hoạ cháy, đang được lên kế hoạch tái thiết theo hướng cộng đồng trách nhiệm này.

Sống trong thời đại văn minh này, nhiều người có xu hướng yêu thích việc du hành ngược thời gian, những chuyến “đi tìm thời gian đã mất” qua các “trạm dừng” là các di tích, di sản. Họ có khuynh hướng đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu những di tích, di sản, những dấu tích của các giá trị văn hoá xưa cổ, truyền thống, hơn là đi đến với những toà nhà chọc trời, những công trình tân tiến, những phố thị sầm uất náo nhiệt phổ biến và vô bản sắc. Một nhà mới như nhà thờ Bùi Chu sắp được xây dựng, có thể phải mất cả trăm năm nữa mới mong có được một chút sức thu hút nào đối với các du khách, các tín đồ ngoài giáo phận.

Tất nhiên, việc tác động để dừng những nhát búa đầu tiên “hạ giải” nhà thờ chính toà Bùi Chu chắc là điều không tưởng, bởi việc xây mới nhà thờ đã được Giáo xứ lên kế hoạch hàng năm nay rồi. Chỉ có thể qua chuyện đập bỏ ngôi thánh đường cổ kính này mà nghĩ đến việc sớm bảo tồn các di tích, di sản giá trị còn lại mà thôi...
Đoàn Đạt