Chiến trường K: Sống rồi, sắp được về với mẹ rồi... nhưng địch đang chờ ở những cánh rừng phía Tây!
Nguyễn Vũ Điền - Nguyên lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Giảng viên Trường SQ TTG | 28/04/2019 07:46 AM
Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Ảnh tư liệu.
Suốt chiều và tối 03/01/1979, pháo binh Quân Khu và Sư đoàn dồn dập bắn sang bờ tây Mê Công. Tiếng đạn nổ rền, những viên 130mm nổ oàm oàm, khoét thành những hố sâu ngay mép nước.
Vượt sôngSư đoàn tiếp tục tiến công theo bờ đông lên phía thượng nguồn Sông Mê Công, bắt tay với Sư đoàn 2 của Quân Khu 5.
Cũng xin nói thêm, tỉnh Kratie' là tỉnh đầu tiên của Campuchia hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary trong Chiến Dịch tổng tiến công tháng Giêng năm 1979. Sư đoàn 5 chúng tôi tự hào là đơn vị chủ công, cùng với các đơn vị của Quân Khu 7 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này.
Là người miền núi, vốn chỉ nhìn thấy những dòng suối nhỏ với những thác ghềnh, về Hà Nội học, nhìn thấy Sông Hồng đã cảm thấy rất lớn.Giờ đây nhìn thấy dòng Mê Công mênh mang sóng nước, tôi thấy ngợp thật sự. Bên kia bờ sông, những hàng thốt nốt trở nên nhỏ xíu, những mái nhà nhấp nhô mờ ảo bên mép nước mờ xa...Nghe mọi người nói đoạn sông này có rất nhiều cá heo và cá sấu, tôi chẳng tin và nghĩ ai đó bịa ra để hù lính thôi. Nhưng sau này, xem tài liệu mới biết là họ nói đúng.Đó là giống cá heo Mê Công (còn gọi là cá heo Irawaddy), cá sấu hoa cà và cá sấu Xiêm. Các loài này có kích thước rất lớn và chúng rất thích sống ở đoạn sông chảy qua thị trấn Sambour, phía bắc tỉnh lỵ Kratie. Chẳng thế mà người ta vẫn coi sông Mê Công là dòng sông của các loài quái thú.Bộ đội hành quân bộ ngược theo bờ đông sông Mê Công, đánh chiếm nhiều phum sóc dọc đường hành tiến. Bọn địch bị đánh bất ngờ nên chỉ có một vài nhóm nhỏ chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng rút chạy. Thị trấn Sambour, thị trấn Sandan và Chùa 118 cột được hoàn toàn giải phóng.
Chiều muộn hôm ấy, khi ta đang truy đuổi địch dọc sông, nhìn sang bên kia sông, thấy hai chiếc thuyền chở khoảng chục tên lính Pốt mặc áo màu đen đang cố cập bờ để chạy trốn, ông Trạch lệnh cho khẩu đội DKZ.75 giá súng ngay bờ sông bắn sang, không cho chúng thoát.
Pháo binh ta nhả đạn đánh quân Pôn-pốt năm 1979.
Tác giả Nguyễn Vũ Điền - Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ d6, e174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.
Khẩu DKZ lấy thước tầm 4000, vậy mà đạn vẫn nổ tòm tõm phía đuôi thuyền. Sau khi nâng tầm lên 4200m, với 3 quả đạn liên tiếp, khẩu đội DKZ 75 đã bắn chìm cả hai chiếc thuyền, hầu hết bọn lính trên thuyền bị tiêu diệt, một vài tên sống sót cố bò ngược lên bờ và chạy sâu vào khoảng rừng phía sau.Áp đảo bằng hỏa lực mạnhNhững ngày này, trên hướng chính diện của chiến dịch, các đơn vị chủ lực của ta tiến công như vũ bão.
Quân đoàn 4 đang tập trung lực lượng, đập tan phòng tuyến Đan So, làm bàn đạp đánh chiếm bến phà Neak Luong, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Phnôm Pênh.Phối hợp với hướng chính, chiều 02/01/1979, Sư đoàn nhận lệnh vượt sang bờ tây sông Mê Công với nhiệm vụ là mũi vu hồi chiến dịch, cùng các đơn vị bạn tiến công, giải phóng tỉnh Kampong Thom, phát triển theo Quốc lộ số 6, đánh chiếm Battamboong và các tỉnh phía tây Cam Pu Chia.
Để đảm bảo cho cả Sư đoàn vượt sông an toàn, Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn được lệnh phối thuộc với Trinh sát Sư đoàn nắm địch và tổ chức vượt sông, đánh chiếm mục tiêu đầu cầu, tạo điều kiện cho lực lượng cơ bản của Sư đoàn sang sông.Suốt chiều và tối 03/01/1979, pháo binh Quân Khu và pháo binh Sư đoàn dồn dập bắn sang bờ tây Mê Công. Tiếng đạn nổ rền như trống trận, khói bụi mù mịt dọc cả triền sông, những viên đạn 130 nổ oàm oàm và khoét thành những hố sâu ngay mép nước.Có những viên nổ ngay trên mặt sông, khiến nước bắn lên trắng xóa. Tôi nghĩ, nếu thằng địch nào còn ở quanh khu vực pháo bắn thì chỉ nghe tiếng đạn thôi cũng đã đủ kinh hoàng, không còn hồn vía đâu mà chống cự.
Trong khi pháo bắn chuẩn bị, lực lượng Trinh sát đã vận động lên thượng nguồn hơn 2km, kết bè chuối, thả trôi theo dòng nước, dạt vào hai cù lao giữa sông. Khi pháo chuyển làn, anh em tiếp tục cơ động, làm chủ bến sông phía đối diện, rồi nhanh chóng đốt hai đống lửa rất lớn làm hoa tiêu cho đội hình lớn của Sư đoàn vượt sông.
Tù binh Khơme Đỏ bị bắt trong một trận đánh trên chiến trường biên giới Tây - Nam. Ảnh: Báo Long An.
Do phương tiện vượt sông phải ưu tiên cho hướng bến phà Neak Luong nên trên hướng Sambour, công binh Quân Khu phải đảm bảo vượt sông bằng những con thuyền cao tốc loại nhỏ và mấy chiếc phà cũ kỹ.Suốt mấy ngày đêm liên tục, 12 chiếc thuyền lắp máy cole như những chiếc lá tre, cứ lộn đi lộn lại trên mặt sông hàng trăm chuyến mới hoàn thành nhiệm vụ đưa bộ đội qua sông.
Một số thiết bị lớn như xe tăng, xe thiết giáp và pháo binh được vận chuyển bằng hai chiếc phà nhỏ ở phía hạ lưu.Khoảng 11h đêm, Trung đội tôi nhận lệnh xuống thuyền. Dòng sông mênh mang, con thuyền thì nhỏ mà trời đêm đen kịt, chỉ có một điểm mốc là hai đống lửa lớn được đốt lên bên bờ đối diện.
Gần hai chục anh em trèo lên thuyền mà lòng đầy lo âu, sông lớn thế này mà chẳng ai biết bơi, lỡ lật thuyền thì chỉ làm mồi cho cá.Mà giả dụ có biết bơi đi nữa thì giữa dòng sông mênh mông này, đêm tối thế này chẳng cách nào thoát chết, không biết xác sẽ trôi tận đâu...Con thuyền chòng chành rồi lướt nhẹ trên mặt nước, tiếng máy nổ đều đều, sóng nước bắn tung hai bên mạn thuyền, hắt vào mặt mát rượi. Trời tối om, chỉ có những vì sao nhấp nháy, phản chiếu thứ ánh sáng yếu ớt xuống mặt nước, không đủ để chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Đành mặc cho số phận.Rồi cuối cùng thuyền cũng cặp bờ.
Chúng tôi rời thuyền, hành quân chiếm lĩnh vị trí được phân công.Sống rồi, không phải đánh đấm gì nữa, sắp được trở về với mẹ rồi!
Sang sông được mấy ngày mà chẳng thấy đánh đấm gì, địch đâu không thấy, chỉ thấy ruồi vàng với muỗi. Mà chúng ở đâu ra lắm thế, cứ vo ve bay lượn như trực thăng thám thính, rồi đúng lúc ta không để ý, chúng lao xuống chí vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể, khiến mặt mũi, chân tay ai cũng sưng vù.Giữa cái nóng như đổ lửa ở cánh rừng khô cháy này, lính ta bắt đầu thấy ngán ngẩm vì chờ đợi.Chiều 07/01/1979, qua Đài Tiếng Nói Việt Nam, biết Phnom Penh đã được giải phóng, lính tráng sướng quá, ôm lấy nhau reo mừng, ai cũng nghĩ thế là xong rồi, sống rồi, không phải đánh đấm gì nữa, sắp được trở về với mẹ rồi.
Có thằng phởn chí còn kéo nấc liên thanh lia lên trời cả loạt AK theo kiểu ăn mừng chiến thắng, làm cả khu rừng đang yên lành bỗng rộn lên tiếng súng, những chú chim hoảng hốt bay vút lên không trung.... Nhưng khi ấy vui quá, cán bộ Tiểu đoàn cũng không nỡ mắng anh em.Tôi thoáng nghĩ, Chiến tranh chỉ có thế thôi à? Tưởng sang giải phóng Campuchia mình sẽ có mặt trong đoàn quân tiến vào Phnom Pênh chứ. Chỉ thế này thì quá đơn giản. Sau này về nhà rồi chẳng có gì để nói.
Cờ cách mạng 5 ngọn tháp tung bay trên thành phố CămPốt – Campuchia năm 1979.
Nếu có ai hỏi: anh có được vào giải phóng Phnôm Pênh không? Chẳng lẽ lại nói phét là có. Rồi lỡ người ta hỏi: Phnôm Pênh có đẹp không thì biết trả lời thế nào…Có ai biết rằng, do không thể chống đỡ nổi với sức tiến công như vũ bão của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Mặt trận cứu nước Campuchia, Pôn Pốt đã thực hiện âm mưu nhử địch vào sâu mới đánh và chiến lược "vườn không nhà trống".
Chúng bỏ ngỏ thủ đô và các đô thị, tránh giao tranh đến mức thấp nhất với bộ đội ta để hạn chế thương vong; phân tán lực lượng, dựa vào rừng núi và khu vực biên giới để thực hiện chiến tranh lâu dài.Chính vì vậy, những trận vừa qua của đơn vị tôi hầu như chưa có trận nào giao chiến lớn, ta tiến đến đâu, địch kháng cự yếu ớt rồi bỏ chạy đến đó. Chúng đang đón đợi chúng tôi ở những cánh rừng phía Tây.
theo Trí Thức Trẻ
Bookmarks