MỘT SỐ BẢN THAM LUẬN VỀ BÃI ĐÁ CỔ SAPA .

Bãi đá cổ Sapa và nghệ thuật nguyên thuỷ thế giới
Trang Thanh Hiền

Nghệ thuật trên vách đá thời tiền sử được xem là một nguồn thông tin quan trọng nhất mà chúng ta có thể biết được về tổ tiên xa xưa, cũng như về buổi đầu của trí tuệ, văn hoá và nghệ thuật của con người. Nó dường như có mặt hầu khắp trên mọi miền của trái đất, từ những hang động sâu thẳm cho đến các đỉnh núi cao hay những vùng hoang mạc. Gần như cùng một lúc, khi nghệ thuật hang động được dựng lên ở Pháp, Tây Ban Nha, thì vùng Nam Phi, ấn Độ, Cận Đông, Đông Âu và Australia đã có tồn tại một truyền thống nghệ thuật lâu đời. Chúng là bằng chứng sống động nhất về các hoạt động sống của con người, con đường phát triển để trở thành con người hoàn thiện hay con người tinh khôn (Homo sapien). Do đó câu hỏi đâu là nguồn gốc của nghệ thuật(?) được đặt ra. Tại sao có sự cách xa nhau về không gian địa lý như vậy mà các nền nghệ thuật lại cùng phát sinh(?). Và dường như ngay từ điểm khởi đầu này các hình vẽ, khắc trên hang động vách đá đã định vị cho mình một giá trị trường tồn trong suốt các nền nghệ thuật sau đó. Như sự miêu tả có hình khối, sáng tối của những con bò rừng được vẽ trên vách hang Lascaux, Dordogne Pháp hay với đủ các dáng hình khác nhau ở hang Antamira – Tây Ban Nha đã điển hình cho cách mô tả sự vật theo con mắt nhìn thấy một cách trung thực. Còn các hình khắc trên các hang động ở Ấn Độ hay Trung Quốc, kể cả các hình khắc trên hang Đồng Nội - Việt Nam lại được xem là một điển hình cho lối sử dụng nét rất thuần thục của người phương Đông. Các hình khắc trên hơn 100 phiến đá cổ Sapa được phát hiện ở Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài hệ thức này. Tuy nhiên để làm sáng tỏ niên đại của chúng trên khía cạnh nghệ thuật, cũng cần có những sự tham khảo về các phong cách, chủ đề mà nền nghệ thuật nguyên thuỷ thế giới đã ghi nhận. Đó cũng là mục đích của bài viết này.
Tác phẩm nghệ thuật trên vách đá cổ xưa nhất hiện nay được các nhà khoa, khảo cổ và nghệ thuật học phát hiện có niên đại khong 200000 - 300000 năm tuổi. Đó là một dãy các lỗ hình tròn và một đường kẻ hình chữ chi được khắc vào vách đá tại một hang động ở Ấn Độ. ở đây người ta cũng tìm thấy vô số các hình khắc vạch trên các xương động vật được tìm thấy. Sau thời đại đồ đá cũ người ta bắt đầu tìm thấy nhiều hơn các di tích khảo cổ học về các chạm khắc trên vách đá. Các bức khắc nổi trên đá đầu tiên có niên đại khong 250000 - 300000 năm ở Ixraen. Con người thời kỳ này bắt đầu biết khai thác các vỉa đất son và đá lửa tại nhiều vùng trên thế giới. Do đó có thể vào các giai đoạn này đã có những bức vẽ bằng màu, nhưng các bức vẽ màu cổ xưa nhất mà hiện nay người ta phát hiện, chỉ cách chúng ta chừng 20.000 năm. Các tuyệt tác phi thường của nghệ thuật hang động ở Lascaux (Pháp) và Altamira (Tây Ban Nha) còn muộn hơn nữa khong 15000 năm. Các bức tranh này là sự kết hợp một cách khéo léo tuyệt vời giữa việc vẽ, khắc và sử dụng màu. Chúng cho thấy hình ảnh đã được ghi lại một cách vô cùng tinh tế mà chỉ có con mắt của những bậc thầy về nghệ thuật mới có thể làm được. Như vậy ngôn ngữ đầu tiên của các bức hoạ thời tiền sử chính là ngôn ngữ khắc hoạ nét sau đó mới đến các ngôn ngữ khác là miêu tả bằng màu.
Với các địa danh khác nhau được liệt kê ra ở trên, thì các chủ đề mà người nguyên thuỷ đề cập đến là vô cùng phong phú. Chúng gắn liền với tri thức của một cuộc sống săn bắn, hái lượm nên chủ đề động vật được xuất hiện đa dạng nhất như bò, ngựa, hươu, nai. Các hình ảnh này thường được mô tả thấy. Do đó trước tiên nghệ thuật được sinh ra từ sự tri thức về cuộc sống xung quanh. Người nguyên thuỷ muốn truyền đạt lại kinh nghiệm săn bắn của mình bằng việc minh hoạ một cách chính xác nhất dáng vẻ của chúng. Họ cũng cho rằng những con vật này là những con thú hộ mạng của mình, nhờ nó mà họ có thể duy trì được cuộc sống. Do đó hình nh của chúng với họ không chỉ đn giản là một thứ đẹp đẽ để nhìn ngắm mà là một cái gì đó đầy uy lực để sử dụng. Họ tin rằng chỉ cần vẽ hình con mồi và tấn công chúng bằng giáo mác hay rìu đá, những con thú vật này sẽ khuất phục sức mạnh của họ. Hay nghệ thuật giúp lưu giữ hình ảnh của chúng trên vách đá sẽ tạo ra một thứ ma thuật và quyền lực để nắm giữ linh hồn chúng. Điều đó sẽ giúp cho người nguyên thuỷ có thể săn bắn hay thuần phục chúng một cách dễ dàng. Đối với những bức vẽ có niên đại muộn hơn khoảng 15000 đến 1000 năm trước CN, người ta bắt đầu thấy xuất hiện hình ảnh của các đạo sĩ. Trước đó cũng đã có những cảnh người đội lốt thú nhẩy múa, nhưng chưa thấy xuất hiện vai trò của con người làm chủ tế. Nên nghệ thuật hang động thủa ban đầu còn được sinh ra từ nhu cầu liên quan đến loại hình tôn giáo sơ khai, khi con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Chúng xuất hiện nên không chỉ do trí tưởng tượng của một cá nhân nào đó, ở riêng một vùng đất nào đó mà được hình thành từ một tập thể những con người và gần như có tính thống nhất ở khắp các vùng đất, cho dù không gian về địa lý và sự truyền thông không thể có những mối liên hệ với nhau. Điều này cũng cho thấy sự giống nhau tương đối của những lối sống và các nền kinh tế tiền sử.
Trên các hình khắc vẽ này còn cho thấy có rất nhiều các thủ pháp nghệ thuật khác nhau được ra đời. Các thủ pháp này thích ứng với từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật và sự tiến hoá để trở thành con người tinh khôn Homo Sapien. Đơn giản nhất là mô tả một cách sơ lược hình thể các nhân vật, thường thấy ở các bức hoạ thời Đồ đá cũ. Sau đó thời Đồ đá giữa bắt đầu tìm thấy các bức hoạ mang tính chất tổ hợp của các nét và có thể kể chúng thành một câu chuyện tuy còn rời rạc. Phức tạp hẳn là sự dùng màu sắc để thêm vào cho các nét khắc đồ hoạ ban đầu đó sự phong phú và một không gian nhất định. Thể loại này được định hình vào thời Đồ đá mới. Phức tạp hơn nữa là dùng các thủ pháp mô tả xuyên thấu mà các nhà khoa học thường gọi là thủ pháp “kính hiển vi”. Các hình ảnh này ngày nay vẫn tồn tại trong cách vẽ của các thổ dân châu Úc, khi họ muốn diễn Ủa cảnh mang thai hay cảnh các con vật này là thức ăn của các con vật khác. Chúng tạo ra các bức hoạ có hình ảnh được lồng trong hình ảnh. Những bức tranh này tạo cho ta cảm giác rất gần gũi với các tác phẩm của nghệ thuật hiện đại.
Đối với nghệ thuật khắc trên đá, với một niên đại cổ xưa hơn là các bức vẽ, người ta cũng phân thành các hình thức biểu hiện khác nhau. Ban đầu là những nét khắc vạch đơn sơ để tạo nên các ký hiệu có tính chất đánh dấu, thường xuất hiện trên các viên đá cuội. Sau này chúng mới hình thành nên các thể loại tranh khắc được ghi lại trên vách đá. Do đó các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cho rằng chúng còn là nguồn gốc ra đời của chữ viết. Trước khi có chữ viết ra đời thì các hình khắc này chính là một phương tiện để truyền thông, không chỉ giữa các bộ tộc bộ lạc với nhau, mà còn là sự chuyển giao kinh nghiệm giữa các thế hệ tộc người với nhau. Theo sự tổng kết của các nhà khoa học trên thế giới, nghệ thuật khắc trên đá thế giới được phân là ba dạng loại:
Pictogramme (hay Mythogramme- ký hiệu hình tượng) đó là những hình qua đó người ta có thể nhận ra những đồ vật có thật hay tưởng tượng, những súc vật, con người và các vật.
Ideogramme (ký hiệu ghi ý) đó là những ký hiệu lặp đi lặp lại và tổng hợp, được trình bày dưới dạng các đĩa tròn, mũi tên, cành cây, que, các ký hiệu hình cây cối hay chữ thập, nấm, ngôi sao hay rắn rết, cặp môi, các hoạ tiết hình chữ chi, những ký hiệu hình dưng vật hay âm hộ… Tính chất lặp lại của chúng và sự kết hợp giữa chúng với nhau chứng tỏ có sự chuyển ti những khái niệm thông thường, ước lệ.
Psychogramme (ký hiệu ghi tâm trạng) là những ký hiệu dường như không thể hiện những đồ vật hoặc những biểu tượng nào cả. Người ta cho rằng chúng được tạo ra dưới ảnh hưởng của những tuôn trào năng lượng rất mãnh liệt để diễn tả những tình cảm như sự sống và cái chết, tình yêu, lòng căm thù. Nhưng người ta cũng có thể hiểu rằng chúng thể hiện những điềm báo trước hoặc những lời tiên tri rất tinh tế khác. Những ký hiệu này thường xuất hiện trong các nghệ thuật các hang động và trên các đồ vật có thể di chuyển. Do đó xuất hiện ít hơn trong nghệ thuật trên đá ngoài trời. Và nếu như có thì việc lựa chọn các mỏm đá và bản thân hình dạng của chúng đã hoàn thành chức năng của Psychogramme ( 1) rồi .
Từ tất cả các dữ liệu trên, chúng ta có được một cơ sở để đối sánh với những phát hiện tìm thấy ở Sapa. Theo cách phân loại này, thì các hình khắc ở Sapa có thể xếp vào dạng loại Ideogramme tức dạng ghi ý. Các hình thức, mô típ thường gặp ở đây có thể phân ra các dạng sau: chủ yếu là hình tròn có nhiều vòng đồng tâm, hay hình xoáy vào trung tâm, hình vuông: đặc- rỗng, các hình có dạng nét cong vạch song song nhau, hay các đường lượn sóng đều đặn. Đôi chỗ người ta cũng thấy xuất hiện hình ảnh của con người có cả các ký hiệu đực cái đi kèm theo như hình “âm hộ” hay “dương vật” một vài bức có cả cảnh giao phối nam nữ. Các hình khắc này được xem là những hình cổ nhất. Một vài viên nằm gần đường mòn thì đã bị mờ do sự đi lại, còn những viên nằm sâu rải rác trên đỉnh ít mờ hơn, nhưng nhìn vết khắc đã khá mòn do sự xâm thực của thiên nhiên. Các chủ đề hình khắc này cho thấy cộng đồng dân cư ở đây quan tâm đến 2 nội dung chính là: tôn giáo và bản đồ phân chia khu vực. Điều này khác hẳn với mối quan tâm của các nền nghệ thuật nguyên thuỷ thế giới. Dường như không tìm thấy các cảnh săn bắn hay hình ảnh của các con thú. Thậm chí các bức chạm khắc có hình người, hay có những hoạt cảnh liên quan đến tập quán hái lượm hay nền kinh tế nông nghiệp cũng ít hơn các bức chạm dạng bản đồ. Điều này cho thấy các cộng đồng dân cư cổ ở thung lũng Mường Hoa trước đây có thể đã dùng nghê thuật khắc trên đá với một mục đích khác. Phải chăng họ muốn truyền tải các tri thức liên quan đến việc ghi dấu các vị trí địa lý để có thể chỉ dẫn cho các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa các bức chạm trên đá này lại có vị trí tương đối gần với khu vực rừng thiêng và khu thờ cũng của người Thái, nên các yếu tố liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng là hoàn toàn có cơ sở. Với cách tư duy như vậy, thì các bức khắc này sẽ có một niên đại không quá xa.
Trên một quang cảnh rộng lớn thì những bức khắc trên đá có tính cổ xưa nhất này cho ta cảm giác như chúng là một sự hoạ đồ lại khung cảnh thiên nhiên xung quanh với các ruộng bậc thang và các con đường dẫn đến những ngôi nhà được ký hiệu là những hình vuông. Tính chất tập trung của các mỏm đá có hình khắc nằm sang hẳn một bên của thung lũng, còn phía bên kia tuyệt nhiên không có một hình khắc nào cho thấy vị trí khác biệt của bãi đá. Nó đưa đến một gỉa thuyết khác, phải chăng đây là một khu đất có tính trung tâm, hoặc là trước đây vị trí này gắn liền với các hoạt động sinh hoạt có tính chất bộ tộc, bộ lạc mang tính tập trung. Các viên đá này là các viên có tính chất hoàn toàn tự nhiên nhưng được chọn lọc vị trí và đặt lên đó các hình khắc. Ở vị trí một số viên ta cũng có thể có những quan sát toàn cảnh của thung lũng này. Do đó chúng có thể biểu thị cho một vị trí quan trọng của một bản làng hoặc cách tri thức về đất đai của người xưa. Các hình khắc này có thể cho biết vị trí các ruộng nương hay sông suối của các bộ tộc này, hay bộ tộc kia. Nó có tính chất dẫn dắt con người, hoặc xác định chủ quyền của một lãnh thổ đã được công nhận.
Tuy nhiên cuộc sống thì vẫn tiếp tục diễn ra. Người ta cũng có thể thấy rằng trên các hình khắc này, có nhiều lớp chồng đè lên nhau, chứng tỏ chúng đã được khắc liên tục trong một thời gian dài và vào những thời điểm khác nhau. Do đó có những hình cũ và những hình mới. Mỏm đá có khắc các hình ảnh mô tả cảnh người xay ngô, bên cạnh một khu ruộng khá lớn là một ví dụ. Cảnh này vẫn còn thấy trong đời sống sinh hoạt thường nhật ở các tộc người tại Sapa. Bức tranh này cho thấy một lối tư duy mang thuần tính hiện thực, như các đường khắc về ruộng nương, người xay ngô, cái cối với các đường vạch hướng tâm (một số người cho rằng đó là hình mặt trời) nhưng thực tế chúng giống hệt với các đường vạch khắc trên cối xay ngô của người H’Mông. Do đó, chúng tôi cho rằng đây là một bức vẽ mới hơn so với các bức vẽ có tính chất bản đồ, cho dù hình ảnh người xay ngô đã khá mờ; những khắc vạch tạo thành hình tròn của cối xay ngô cũng ít gặp hơn so với các mô típ khác. Không kể đến các dòng chữ Hán, và các hình khắc mới sau này như dạng hình ôtô, là loại hình khắc gần đây do dân bản địa thấy có hình khắc thì vẽ thêm vào.
Đứng về phương diện nghệ thuật mà nói, thì các hình khắc trên đá ở Sapa cho thấy một năng lực tri thức hiện thực của những người sinh ra chúng là khá cao. Chúng cũng không kém bao xa với các hình thức khắc trên đá khác thời nguyên thuỷ ở Ninh Hạ Trung Quốc. Tuy nhiên chúng lại được tổ hợp dưới một ý thức cao chứ không chỉ là năng lực trừu tượng hoá các hình thể đơn thuần như nhận thức của người nguyên thuỷ. Các hình khắc ở đây được bố cục khá chặt chẽ, theo kiểu đánh dấu các vị trí cần ghi nhớ của người xưa. Một số học giả cho rằng cách họ họa đồ lại mặt bằng đồi núi bằng các vạch khắc song song là một trong những cách thức vẽ bản đồ khu vực với đường bình độ sớm nhất. Đây là một cách lý giải hay, nhưng đồng thời cũng cho thấy năng lực tư duy của chủ nhân bãi đá cổ là rất cao. Riêng đối với các mô típ người que và lối thể hiện bộ phận sinh dục như vậy lại có đôi nét tương đồng với các hình người được chạm khắc trên Vách Đá tại Hoa Sơn - Qung Tây - Trung Quốc. Khu di tích này có niên đại khoảng thời kỳ đồ đá mới tức tương đương với giai đoạn Hoa Lộc – Hạ Long. Tuy nhiên trong nền văn hoá cổ đại này ở Việt Nam lại không thấy xuất hiện các hình người. Các hình người chỉ thực sự được biết đến một cách phong phú trong nền văn minh Đông Sơn. Và nếu đem so sánh các dạng hình kỷ hà trong các bức khắc dạng bản đồ với các dạng hoa văn của nền văn hoá Hoa Lộc, thì cũng khá xa nhau, cho dù ý thức về các bố cục có phần chặt chẽ, không ngây ngô rời rạc như hình khắc trong các nền văn hoá tối cổ. Nếu so với nền văn hoá Đông Sơn, thì các bức chạm khắc này lại không có những nghiêm luật chặt chẽ, để tạo nên những hình ảnh mang tính chất tín ngưỡng cao. Vài hình ảnh về các dạng mặt trời khác nhau, được một số nhà khoa học cho rằng chúng là tiền thân cho các dạng mặt trời phát triển rất đa dạng trên trống đồng. Người ta cũng tìm thấy hình ảnh của nhà sàn có dạng mái cong và các chân cột, nhưng so với các hình khắc thì chúng kém xa. Chúng lại giống hơn với các hình thức nhà sàn của người Thái, theo kiểu sơ đồ hoá một cách đơn giản nhất. Do đó chỉ có thể phỏng đoán rằng, các hình khắc này là minh chứng cho kiểu dạng tư duy ghi chép truyền tải các thông tin trước khi có chữ viết ra đời. Chúng không thể đồng đại với nền văn hoá Đông Sơn. Thêm vào đó có một đôi bức có khắc các nét dạng như dạng văn tự cổ, mà thời Đông Sơn chưa hề biết đến. Do đó có thể đoán định một niên đại gỉa thuyết sớm nhất khoảng thế kỷ II trước CN, sau khi nền văn hoá Đông Sơn đã tan rã. Các cư dân chủ nhân của các bức khắc này cũng có ít hơn mối quan hệ với các người Việt cổ chủ nhân của nền văn hoá Đông Sơn. Có thể nó nối sang giai đoạn Bắc Thuộc - giai đoạn mà văn hoá Việt Nam có nhiều sự chuyển biến giao lưu. Trong nghệ thuật tạo hình cũng du nhập nhiều các yếu tố không thuần nhất. Đồng thời giai đoạn này hệ thống văn tự bắt đầu xuất hiện.
Niên đại phỏng đoán trên có thể ít nhiều có tính chủ quan. Nhưng các giá trị nghệ thuật mà các hình khắc này mang lại là không thể phủ nhận. So với tương quan các nền mỹ thuật nguyên thuỷ thế giới, thì chúng đã tạo nên các nét riêng. Như dạng vẽ bản đồ là lối khắc vừa mang tính chất hiện thực lại vừa mang tính chất ghi ý dạng Ideogramme. Như vậy trên một khía cạnh nào đó nó đã góp một tiếng nói khác trong nền nghệ thuật biểu hình nguyên thuỷ thế giới mà chúng ta cần bảo tồn và gìn giữ.
T.T.H

1 Tạp chí UNESCO số tháng 4 năm 1998