Loạt mộ cổ kỳ bí gắn với lời đồn trấn yểm ở Việt Nam
04/08/2018 1049 GMT+7
Mộ thương gia người Hoa bí ẩn ở Sài Gòn, mộ Tướng Quân ở Cam Ranh hay mộ người đúc Cửu vị thần công ở Huế... là những ngôi mộ cổ gắn với lời đồn trấn yểm nổi tiếng ở Việt Nam.
Giữa khuôn viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM có một ngôi mộ cổ gắn với nhiều câu chuyện bí ẩn được đồn đại qua nhiều thế hệ. Ngôi mộ này này nằm đối diện tòa nhà B6 của trường,
Mộ không còn hình dáng nguyên bản mà đã được xây đắp thêm cho giống một bồn hoa hình khối vuông, mỗi cạnh dài khoảng 2,5m, cao khoảng 50cm. Bốn góc mộ là bốn hố vuông, chính giữa là một hố tròn được đổ đất để có thể trồng cây.
Xung quanh sự tồn tại khó hiểu của ngôi mộ này là những lời đồn đại rùng rợn về những lần giải tỏa mộ bất thành nhiều thập niên trước. Do không thể di dời, cũng không thể để nguyên ngôi mộ như thế giữa sân trường nên người ta đã dùng gạch đắp lên mộ, ngụy trang thành một bồn hoa.
Về nguồn gốc ngôi mộ, có giai thoại kể rằng đây là nơi an nghỉ của một thương gia người Hoa. Sau khi người này mất, các con cháu đã chôn theo một thiếu nữ theo thuật trấn yểm cổ truyền để có người theo hầu và bảo vệ mộ phần không bị xâm phạm.
Bên vệ đường quốc lộ 1A thuộc phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có một ngôi mộ cổ rất đặc biệt. Người dân địa phương không biết mộ này là của ai, được xây từ khi nào, chỉ biết rằng từ nhiều thập niên qua khu mộ đã được gọi là mộ Tướng Quân hay mộ Ông Tướng.
Đây là một ngôi mộ cổ có quy mô khá bề thế, trong những năm gần đây ngôi mộ đã được ốp đá xung quanh và xây thêm nhiều công trình như cổng, tường bao, bình phong. Trên ngôi mộ là một cây bồ đề cổ thụ có rễ cây bao trùm cả ngôi mộ.
Xung quanh ngôi mộ tồn tại nhiều giai thoại đầy màu sắc kỳ bí. Theo lời người địa phương, trước năm 1975 ngôi mộ là nơi chứng giám cho những lời thề độc, giao ước hoặc kết nghĩa tình huynh đệ của những kẻ sĩ, các tay giang hồ… Nhiều trường hợp thề thốt không giữ lời đã phải trả giá đắt.
Một giai thoại còn cho biết, vào năm 1967 – 1968, nhân chuyện mở rộng đường, chính quyền địa phương lúc bấy giờ quyết định xóa sổ mộ Tướng Quân. Khi chiếc xe ủi tiến tới ngôi mộ chĩa càng về phía trước thì không hiểu sao xích xe bị đứt.
Trưa cùng ngày, đại tá thị trưởng chế độ cũ là Nguyễn Đình Tản nằm ngủ thì thấy một ông già đến báo mộng: “Sao nhà tao mà mày đem quân đến phá”. Tỉnh dậy, Tản sợ quá ra lệnh dẹp máy ủi và cho lính xây tường bao quanh lại. Từ đó, tiếng đồn của ngôi mộ ngày càng lan xa.
Bên đường Nguyễn Văn Linh ở phường An Hòa, TP Huế có một khu lăng mộ cổ nằm giữa khu dân cư đông đúc. Đó là lăng mộ Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn - vị quan đại thần có công đúc Cửu vị thần công của nhà Nguyễn - cùng phu nhân.
Lăng mộ có quy mô khá lớn với bình đồ hình chữ nhật, rộng 10,5 mét, dài 20 mét, xây dựng bằng hợp chất kết hợp với gạch, đá. Xung quanh công trình này bấy lâu nay vẫn tồn tại một câu chuyện nhuốm màu huyền bí.
Theo lời kể của hậu duệ cụ Phan Tiến Cẩn, từ cuối những năm 1980, các nhóm trộm cổ vật đã hai lần đào trộm lăng mộ nhưng đều bất thành. Mỗi khi mộ bị đào trộm, cụ đều linh ứng báo điềm cho con cháu biết. Khi nhận thấy điềm báo, con cháu ra thắp hương cho cụ và phát hiện vết đào phá.
Theo ghi nhận, dưới lớp hợp chất kiên cố bị phá là kết cấu đá tảng xanh dạng phiến dài khiến cho kẻ trộm không thể làm gì được. Nhưng cũng có người cho rằng, Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn là người am hiểu về việc trấn trạch nên đã yểm ngôi mộ mình khiến kẻ trộm không thể phá.Theo Quốc Lê (Kienthuc.net.vn)
Bookmarks