Sử gia Hàn Quốc: Việt Nam và Hàn Quốc là 'anh em máu mủ'
29/03/2019 23:26 GMT+7
TTO - Một sử gia Hàn Quốc nhận định Việt Nam và Hàn Quốc là ‘anh em máu mủ’ vì có nhiều điểm tương đồng về mặt nguồn gốc từ cách đây hàng ngàn năm.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo Korea Times của Hàn Quốc ngày 28-3, nhà sử học Shim Baek Kang - chủ tịch Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc gia Hàn Quốc ở Seoul - nhận định Việt Nam và Hàn Quốc là anh em máu mủ vì có cùng nguồn gốc từ một bộ lạc xa xưa.
Nhà sử học Shim Baek Kang - chủ tịch Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc gia Hàn Quốc - Ảnh: KOREA TIMES
Nhà sử học Shim Baek Kang đưa ra kết luận này dựa trên những điểm tương đồng trong các tài liệu lịch sử và Hán tự cổ.
Ông cho rằng trong Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Việt Nam Ngô Sĩ Liên, Văn Lang được chép là nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử, được cai trị bởi các vua Hùng, có tất cả 18 đời vua đều gọi là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là cha của Hùng Vương đời thứ nhất - người thống nhất thành công 15 bộ lạc để lập ra nhà nước Văn Lang.
Điều đó cho thấy Việt Nam có nguồn gốc từ bộ lạc Lạc hay Maek (Hán tự cổ của "Lạc" có nghĩa là "Maek" trong tiếng Hàn). Trong khi đó, các tài liệu cũng từng chép Hàn Quốc có nguồn gốc từ bộ lạc Maek.
Theo ông Shim Baek Kang, một phát hiện khác là có nhiều điểm tương đồng giữa hai nhà nước đầu tiên ở hai quốc gia - nhà nước Văn Lang của Việt Nam (2879 - 258 TCN) và Gojoseon (Cổ Triều Tiên, từ năm 2333 - 100 TCN) trên bán đảo Triều Tiên.
Cả hai nhà nước đều có tất cả 18 đời vua và kéo dài trong 2.000 năm.
Hơn nữa, có sự giống nhau về mặt Hán tự. Theo đó, cha của vị vua đầu tiên của vương quốc cổ Gojoseon - HwanUng (桓雄, Hoàn Hùng) - có sự giống nhau ở chữ "Hùng" với các vua Hùng của nhà nước Văn Lang.
Bộ lạc Maek có từ khoảng năm 5.000 trước CN ở vùng Hồng Sơn, Xích Phong tọa lạc ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc ngày nay.
Vào năm 1908, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật tàn tích của một nền văn minh cổ, trong đó có một ngôi mộ hoàng tộc, tế đàn và từ đường, cho thấy một nền văn minh ra đời sớm hơn cả bộ lạc Hán của Trung Hoa khoảng 2.000 năm.
Phát hiện này đặt nền tảng cho tiền đề rằng bộ lạc Maek là bộ lạc đầu tiên và cổ nhất, đồng thời là nguồn gốc của các bộ lạc sau đó.
Một số tài liệu đã đề cập người Hàn Quốc có nguồn gốc từ bộ lạc Maek. Vương quốc cổ Gojoseon (Cổ Triều Tiên) cũng được gọi là Bal Joseon, trong đó "Bal" được dùng để thay thế cho "Maek".
Theo Sơn Hải Kinh (tên tiếng Anh: Classic of Mountains and Rivers) - tập sách địa lý lâu đời nhất ở Đông Á, Buyeo hay Phù Dư (vương quốc cổ xuất hiện 1 thế kỷ trước khi Gojoseon sụp đổ) cũng có sự xuất hiện của một bộ lạc Maek.
Bộ lạc Maek được biết tới với văn hóa thờ mặt trời, với các vật tổ và biểu tượng chim. Tại một số di tích lịch sử của Việt Nam, hình ảnh con chim Lạc vẫn được tìm thấy.
Theo báo Korea Times, nhiều quốc gia vẫn xem truyền thuyết Hwanung (Hoàn Hùng) và Lạc Long Quân là những câu chuyện mang tính tưởng tượng. Tuy nhiên, những phân tích của sử gia Shim Baek Kang phần nào cho thấy những điểm tương đồng về mặt lịch sử giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phân tích của nhà sử học Shim nhận được sự chú ý trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng thắt chặt ở nhiều mặt từ ngoại giao cho tới thương mại và văn hóa. Theo Korea Times, Việt Nam hiện là một người bạn và là đối tác quan trọng của Hàn Quốc.
BÌNH AN
Bookmarks