Cuộc chiến 2/1979: Trung Quốc ngán sức mạnh quân sự Liên Xô
(Quan hệ quốc tế) - Chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, Trung Quốc khiếp sợ sức mạnh khủng khiếp của Quân đội Liên Xô thể hiện trong cuộc tập trận lớn nhất lịch sử.
Trong 2 kỳ trước với tiêu đề: “Cuộc chiến tháng 2/1979: Vì sao vùng trời Việt Nam bình yên?”và “Tháng 2/1979: Hải quân Liên Xô giúp Việt Nam trấn Biển Đông”,
chúng ta đã phần nào tìm hiểu được sự giúp đỡ trực tiếp quý báu của Liên Xô đối với Việt Nam; tuy nhiên, nước bạn cũng còn có những sự giúp đỡ quý báu khác, tuy “vô hình” nhưng lại “rất hữu hình và hữu hiệu” đối với chúng ta; đặc biệt là sự ủng hộ tuyệt đối về mặt chính trị, ngoại giao; sự răn đe về quân sự đối với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc nước này và cả quyết tâm sẵn sàng tham chiến bất cứ lúc nào để hỗ trợ Việt Nam.
Sự ủng hộ tuyệt đối về chính trị và ngoại giao
Sáng sớm ngày 17/2/1979, các cuộc tấn công xâm lược của quân đội Trung Quốc đã đồng loạt diễn ra tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài 1460 km của ta. Ngày 18/2, giới lãnh đạo Liên Xô công bố bản "Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô" (được gọi là “Bản tuyên bố thứ nhất”) ủng hộ nhân dân Việt Nam.“Bản tuyên bố thứ nhất” lên án hành động xâm lược của Trung Quốc, khẳng định sự ủng hộ và thực thi những cam kết của mình đối với Việt Nam, thông qua những điều khoản trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam.
Trong bản phát hành trên báo Sự thật (Pravda) hôm 19/2, có đoạn: “Sự xâm lược của quân đội Trung Quốc vào Việt Nam khiến không người trung thực nào, không quốc gia có chủ quyền nào trên thế giới có thể thờ ơ.
Hành động xâm lược này đi ngược lại các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đã cho toàn thế giới thấy được bản chất thực sự của chính sách bá quyền của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Nhân dân Việt Nam anh hùng lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng quân và dân Việt Nam có đủ sức mạnh và ý chí để đánh bại kẻ thù xâm lược, hơn nữa, nhân dân Việt Nam có những người bạn thủy chung và là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Những ai đang hoạch định chính sách ở Bắc Kinh hãy dừng lại khi chưa muộn. Nhân dân Trung Quốc cũng như các dân tộc khác cần hòa bình, chứ không phải là chiến tranh. Lãnh đạo Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tiếp tục xâm lược nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.Liên Xô kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay cuộc xâm lược và khẩn trương rút quân Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.Không được đụng đến nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
“Bản tuyên bố thứ nhất” đăng trên báo “Sự thật” (Pravda) ngày 19/2/1979.
Như vậy, trong “Bản tuyên bố thứ nhất”, Liên Xô đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản được ghi trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam (ký ngày 3/11/1978 tại Moscow).
Liên Xô cũng đã trục xuất các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc. Họ phải trở về Bắc Kinh bằng đường xe lửa liên vận và trên cung đường này, các nhân viên sứ quán Trung Quốc đã chứng kiến được cảnh những đoàn xe tăng Liên Xô đang rầm rập tiến về hướng Đông, từ vùng núi Ural cho đến vùng biên giới Mông Cổ-Trung Quốc.
Tiếp theo, vào ngày 23 tháng 2, Liên Xô cùng Tiệp Khắc đưa dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong đó lên án hành động xâm lược và đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải rút quân, bồi thường chiến tranh cho Việt Nam đồng thời kêu gọi quốc tế cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Với lời hiệu triệu của Liên Xô, các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em như Cuba, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Albania, Mông Cổ…, cũng đã đã đồng loạt lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam.
Những lời kêu gọi ủng hộ về cả tinh thần lẫn vật chất cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút thêm nhiều nhiều quốc gia châu Á, châu Phi khác như Lào, Ấn Độ, Afghanistan, Ethiopia, Angola, Mozambique…. vào mặt trận ủng hộ Việt Nam, chống Trung Quốc xâm lược.
Đến ngày 2/3/1979, Chính phủ Liên Xô ra tiếp tuyên bố thứ hai, có tính chất như một tối hậu thư, trong đó có đoạn: “Cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục leo thang... Liên Xô tuyên bố một cách chắc chắn rằng: Các hành động của Trung Quốc khiến cho những ai thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an ninh của các dân tộc, trong việc giữ gìn hòa bình không thể thờ ơ. Quân đội Trung Quốc phải rút ngay lập tức khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
Cũng trong ngày 2/3/1979, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại cuộc tiếp xúc với cử tri khu vực bầu cử quận Bauman, thủ đô Moscow đã khẳng định rằng, cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc vào quốc gia láng giềng nhỏ bé Việt Nam đã bộc lộ cho cả thế giới thấy dã tâm và bản chất hung hăng trong chính sách bá quyền của Bắc Kinh.
Ông tái khẳng định, Việt Nam đang tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đứng về phía Việt Nam là những người trung thực và yêu chuộng hòa bình của toàn thế giới. Vì vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam tất thắng, các âm mưu của quân xâm lược sẽ phải chịu thất bại.Về phía mình, Liên Xô cam kết sẽ kiên định tình đoàn kết trọn vẹn trước sau như một với người dân Việt Nam trong giờ phút khó khăn này.
Và không ai có thể nghi ngờ việc Liên Xô sẽ trung thành với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ràng buộc giữa 2 nước.Thậm chí, trước ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân, đất nước Cuba anh em của Chủ tịch Fidel Castro đã cảnh báo rằng, nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không chấm dứt hành động xâm lược, Cuba và Liên Xô có thể sẽ đưa quân đội đến giúp đỡ Việt Nam.
Những sự ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần quý báu của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa là sự động viên lớn lao đối với Việt Nam, là đồng lực để quân và dân ta giành chiến thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Sự hỗ trợ quý báu về cố vấn quân sự và vũ khí trang bị
Trước cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tàn khốc của những kẻ trước đây từng được coi là “đồng chí”, Liên Xô đã ngay lập tức cử đoàn cố vấn quân sự cao cấp sang Việt Nam.Ngày 19/2/1979, một đội cố vấn và chuyên gia kỹ, chiến thuật gồm 20 sĩ quan cao cấp của tất cả các quân, binh chủng Liên Xô, đứng đầu là Đại tướng Ghenady Obaturov đã đến Việt Nam với nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ và cố vấn cho các cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình huống phức tạp của chiến trường.
Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam một khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ
Vừa tới Việt Nam, các cố vấn quân sự lập tức tham gia vào những hoạt động quân sự cùng với những chuyên gia trước đây đã ở Việt Nam.Nhóm chuyên gia của Trung tướng M.Vorobevy có trách nhiệm cố vấn cho bộ tư lệnh lực lượng Phòng không - Không quân, còn Đại tướng Obaturov làm cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hoạt động đặc biệt hiệu quả là lực lượng chuyên gia thông tin liên lạc của đoàn cố vấn (biên chế có 120 người từ năm 1978 và 68 người được đưa sang ngay khi cuộc xung đột nổ ra), một bộ phận thông tin liên lạc đi cùng với các cố vấn chiến trường, thực hiện nhiệm vụ ngay trong vùng chiến sự.
Tháng 3/1979, đoàn cố vấn quân sự Liên Xô chịu một tổn thất không nhỏ khi chiếc máy bay của hàng không Việt Nam An-24 đã gặp phải sự cố khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, khiến 6 phi công, chuyên gia huấn luyện và Thiếu tướng không quân Malyh hy sinh.
Không quân Xô Viết đã cử máy bay trinh sát của mình sang công tác tại Việt Nam để giải quyết vấn đề trinh sát đường không và cung cấp cho chúng ta toàn bộ các thông tin thu được từ vệ tinh do thám, về các động thái quân sự của cả Trung Quốc và Mỹ.Liên Xô cũng xác định rằng, viện trợ quân sự cho Việt Nam là một nhiệm vụ trọng đại, nhằm mục tiêu gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự cho bạn bè nên đã sử dụng các phương tiện vận tải, chuyên chở cung cấp cho quân đội ta một khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ.
Những vũ khí này được thẩm định về chất lượng sẵn sàng chiến đấu bởi một ủy ban gồm các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm cao nhất của quân đội Xô Viết, nên được chuyển thẳng từ các phương tiện vận tải vào chiến trường, sau khi đã cơ động trên hàng chục ngàn km đường biển, mà không cần bất cứ sự kiểm tra hay chuẩn bị bổ sung nào!
Các đơn vị thuộc không quân vận tải Liên Xô (với máy bay An-12, An-26, Mi-8…) làm nhiệm vụ vận chuyển đường không trong lãnh thổ Việt Nam. Các phi công của phi đoàn máy bay vận tải An-12 đã phối hợp với lực lượng không quân vận tải của ta, tiến hành không vận toàn bộ binh lính và vũ khí, trang bị của quân đoàn 2 chủ lực từ mặt trận biên giới Tây Nam về Lạng Sơn.
Không quân chiến thuật Liên Xô đã vận hành rất hiệu quả cầu hàng không. Lực lượng này đã thực hiện nhiệm vụ chuyên chở tổng cộng 20 ngàn quân, hơn 1.000 đơn vị trang bị xe, 20 máy bay và trực thăng, 3 ngàn tấn quân dụng, đạn dược.
Từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cho đến cuối tháng 3/1979, Liên Xô cũng đã dùng đường thủy đưa sang Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân, 400 pháo và súng phóng lựu, 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng 122 mm “Grad”, hơn 100 khẩu pháo cao xạ, 400 tổ hợp pháo PK cơ động, 800 súng chống tăng của bộ binh, 20 máy bay tiêm kích.
Sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô không chỉ giúp Việt Nam có thêm nhiều vũ khí hiện đại sử dụng trong cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979, mà còn cả trong giai đoạn tiếp tục chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc, từ năm 1980 – 1988.Ngoài các tuyên bố đanh thép, Liên Xô còn biểu thị sự ủng hộ đối với Việt Nam và răn đe những cái đầu hiếu chiến ngôn cuồng ở Bắc Kinh bằng những hành động thực tế, cứng rắn.
Ngay sau khi Bắc Kinh nổ súng xâm lược nước ta, Liên Xô đã ngay lập tức huy động lực lượng tại chỗ dàn trận trên toàn tuyến biên giới phía Nam, đồng thời điều chuyển binh lực từ 6 quân khu đến áp sát toàn dải biên giới phía bắc của Trung Quốc, đặc biệt là tăng cường hiện diện ở Mông Cổ.Liên Xô hiểu rằng, để thiết lập lại sự công bằng và hòa bình trên bán đảo Đông Dương, những giải pháp nửa vời và không quyết liệt sẽ không có tác dụng với những cái đầu ngông cuồng và hiếu chiến, thậm chí còn thúc đẩy quốc gia mang tư tưởng bành trướng nước lớn này tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt hơn đối với Việt Nam.
Một trong những yếu tố nhanh chóng làm tỉnh lại những cái đầu nóng bởi tham vọng chính trị, tự tin thái quá về khả năng quân sự của mình, là phô diễn họ thấy được viễn cảnh kinh hoàng khi phải đối đầu trực diện sự sức mạnh quân sự còn khủng khiếp hơn nhiều lần, nếu vẫn tiếp tục xâm lược Việt Nam.Do đó, Moscow đã quyết định hành động rất cứng rắn và quyết liệt ngay từ ban đầu, bằng phương pháp biểu dương sức mạnh quân sự.
Cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Liên Xô để răn đe Trung Quốc
Cuộc động binh lớn nhất từ sau Thế chiến 2
Vào đầu tháng 3/1979, Quân đội Liên Xô đã có một cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ, được tổ chức dưới dạng một cuộc tập trận Hiệp đồng quân binh chủng lớn nhất trong lịch sử, triển khai trên toàn tuyến biên giới phía nam Liên Xô (tức phía bắc Trung Quốc), dài hơn 4000km.Trong giai đoạn từ ngày 12 đến 26/3, với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, quân đội nước này đã tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật.
Cuộc diễn tập này là cuộc biểu dương lực lượng mạnh mẽ nhất trong lịch sử hơn hai trăm năm, với lực lượng được huy động lên đến 600.000 người, thuộc 6 quân khu của Liên Xô.
Cuộc tập trận được triển khai trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương, huy động lực lượng của 29 sư đoàn bộ binh cơ giới, với số quân lên đến 250.000 quân nhân, 2.600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm.
Cuộc diễn tập bắt đầu bằng lệnh động viên và chuyển các đơn vị vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Quân đội Liên Xô đã động viên 52.000 quân nhân dự bị, huy động hơn 5.000 xe máy nông nghiệp sang phục vụ yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.Các trung đoàn máy bay chiến đấu từ lãnh thổ của Ukraine và Belarus cũng được điều chuyển đến miền đông Liên Xô, trong đó có một sư đoàn được triển khai ở Mông Cổ, trên một sân bay trọng yếu, chỉ cách Bắc Kinh 1,5 giờ bay.
Các cuộc chuyển quân trên của Không quân Xô Viết bao gồm toàn bộ đội hình máy bay chiến đấu, với các phi công được huấn luyện tốt nhất, cùng với tất cả các đơn vị và phân đội bảo dưỡng kỹ thuật trên không và mặt đất.Trong tiến trình diễn tập, có những khoảng thời gian trong không trung có tới 10 trung đoàn không quân tuyến 1 (đội hình chiến đấu) hoạt động.
Các kíp bay đã bay tổng cộng 5.000 giờ, đã sử dụng tới 1.000 quả bom và tên lửa trong diễn tập bắn đạn thật.Những đợt diễn tập lớn nhất được thực hiện tại Mông Cổ. Đầu tiên là lực lượng lục quân với sự tham gia của 6 sư đoàn Bộ binh cơ giới và tăng-thiết giáp, 3 trong số các đơn vị này được điều động từ Siberia và Zabaikalia.
Ngoài ra, trên lãnh thổ Mông Cổ còn có sự hiện diện của 3 sư đoàn không quân chiến trường, 2 lữ đoàn không quân độc lập, các đơn vị và phân đội đặc chủng tăng cường.
Cũng trong giai đoạn đó, Liên Xô cũng đồng thời tiến hành các hoạt động diễn tập thực binh của các lực lượng trên vùng Viễn Đông và Đông Kazakhstan (giáp biên giới phía tây và tây bắc của Trung Quốc), với các đơn vị binh chủng hợp thành cấp sư đoàn trở lên và các đơn vị không quân, phối hợp với lực lượng Biên phòng.
Tại các vùng có đường biên giới với Trung Quốc, lực lượng Xô Viết đã diễn tập các phương án tổ chức phòng ngự, đánh trả đội hình tiến công của đối phương, phản kích và chuyển sang phản công.
Các đơn vị tên lửa chiến thuật cũng được đặt trong trạng thái báo động chiến đấu.Ngoài ra, tại biển Đông và biển Hoa Đông, gần 50 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, trong số đó có 6 tàu ngầm đã trực chiến sẵn sàng chiến đấu và tiến hành tập trận tiêu diệt hải quân đối phương.
Tại vùng Primorie (ven biển Viễn Đông) đã diễn ra các cuộc đổ bộ của hải quân đánh bộ Liên Xô, gồm cả khoa mục đổ bộ lên đất liền từ hướng biển, có sử dụng đạn thật.Để phục vụ cuộc tập trận này, Liên Xô đã huy động một khối lượng bảo đảm khổng lồ.
Chỉ tính lượng dầu tiêu hao trong thời gian thực hiện các hoạt động diễn tập và cung cấp cho Việt Nam, Liên Xô sau đó đã phải mất tới hai năm mới phục hồi lại được lượng nhiên liệu dự trữ.Tuy nhiên, cuộc tập trận khổng lồ này đã đạt được mục đích đề ra. Liên bang Xô viết vào năm 1979 đã triển khai sức mạnh quân sự của mình một cách quyết liệt và hiệu quả, khiến cho cả thế giới “nín thở” về viễn cảnh khủng khiếp của đại chiến thế giới, còn một cường quốc trên thế giới như Trung Quốc buộc phải sống trong sợ hãi.
Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận tổng lực của quân đội Xô viết, Bắc Kinh căng thẳng theo dõi mọi diễn biến và đánh giá được rằng mình đang ở trong một tình thế vô cùng nguy ngập.Sức mạnh quân sự của Liên bang Xô viết phô diễn trong cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn là một yếu tố quan trọng khiến Bắc Kinh phải rút hết quân khỏi lãnh thổ nước ta, đồng thời Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn không dám điều chuyển bất cứ đơn vị nào từ nội địa lên biên giới Xô-Trung vì sợ Liên Xô “hiểu nhầm là hành động khiêu khích”.
Tuy nhiên, có một câu hỏi rất lớn được giới học giả quốc tế đặt ra là Liên Xô thực sự có ý định tấn công Trung Quốc để “cứu” Việt Nam hay không? Nếu không thì vì sao không? Và nếu có thì đâu là mức “ngưỡng” cuối cùng, mà Liên Xô sẽ quyết định can thiệp quân sự?Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.
Bookmarks