Trung Quốc mở bảo tàng chủ đề Chiến tranh 1979 sát biên giới Việt Nam
ia sẻ
- 18/02/2019 07:51
Trung Quốc tự dọn mìn do quân Trung Quốc gài ở Ma Lật Pha
Vào gần cuối ngày hôm qua, 17.2.2019, báo Hoàn cầu đăng bài "Thị trấn biên giới Trung Quốc-Việt Nam hưng thịnh" với lời dẫn "Khu vực xung đột cũ biến thành địa điểm du lịch yêu nước". Đồng thời, bài báo khoe luôn việc mở viện bảo tàng với chủ đề chiến tranh 1979 vào cuối tháng 4 tới.
Bài viết của Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) mở đầu với việc giới thiệu khu du lịch ở Ma Lật Pha, một huyện phía nam châu tự trị dân tộc Choang, Miêu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nơi giáp biên giới Việt Nam. Sẽ không có gì đáng nói nếu đó là khu du lịch theo mô hình sinh thái hay nghỉ dưỡng nhưng Hoàn cầu cho biết nó là khu du lịch theo chủ đề quân sự gắn liền với lịch sử địa phương thời điểm những năm 1980. Hoàn cầu giới thiệu khu vực này nằm ở tuyến đầu cuộc chiến ngắn ngủi của Trung Quốc với Việt Nam vào năm 1979 và các cuộc đụng độ quân sự trong những năm 1980.
Lu Zhengbin, Trưởng phòng Du lịch và Văn hóa huyện Ma Lật Pha, nói với Thời báo Hoàn cầu vào Chủ nhật (17.2) rằng khu du lịch được đầu tư 130 triệu nhân dân tệ (19 triệu USD). Dự kiến khu du lịch cấp AAAA sẽ khai trương vào cuối tháng 4 và ước tính sẽ thu hút 100.000 khách du lịch mỗi năm. Nó không chỉ là khu du lịch đơn thuần mà còn là nơi giáo dục "lòng yêu nước" và kiến thức quốc phòng. Lu lưu ý rằng địa điểm du lịch không chỉ đóng vai trò như một lời nhắc nhở để trân trọng hòa bình, mà còn là một công cụ đầy hứa hẹn để thúc đẩy du lịch địa phương và xóa đói giảm nghèo.
Khu du lịch sẽ gồm một bảo tàng mìn, một khu trưng bày vũ khí thời chiến và cả khu vực đánh trận giả được thiết kế để tái hiện cuộc chiến 40 năm trước bằng cách sử dụng công nghệ cao giúp người chơi trải nghiệm như vào game nhập vai 5D.
Hoàn cầu khoe đối với cư dân địa phương, dự án sẽ giúp thuận lợi kinh doanh, đặc biệt là trong dịch vụ ăn uống, nhà ở và đặc sản địa phương. Ngành công nghiệp dựa trên du lịch dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với nông nghiệp, vốn chỉ đem về khoảng 1.000 nhân dân tệ mỗi năm/người.
Vị trí Ma Lật Pha trên bản đồ
Hoàn cầu cũng không quên nói về hộ nông dân điển hình đổi đời nhờ dự án du lịch. Như gia đình cụ ông Hou Xingping trước khi dự án triển khai, phải sống trong một ngôi nhà rộng 80 mét vuông làm từ bùn và gạch. Còn giờ, gia đình ông không chỉ có một biệt thự rộng 400 mét vuông, mà còn có một khu nhà gần đó mà ông dự định biến thành một homestay 8 phòng...
Phần sau bài viết ca ngợi sự phồn vinh của khu vực biên giới với giao lưu kinh tế và văn hóa của người dân hai nước. Phần cuối bài viết, chủ đề "Mìn" tiếp tục được nhắc lại. Hoàn cầu cho biết: Không ai chắc chắn có bao nhiêu vũ khí thời chiến, như địa lôi, bị bỏ lại ở các làng biên giới thuộc Ma Lật Pha hay ở đâu đó. Các quả mìn được chôn xung quanh và cả trong trang trại của dân làng, làm cụt tay, cụt chân, thậm chí làm mất mạng người dân trong thời bình.
Theo Tân Hoa Xã, vào ngày 16.11.2018, các bãi mìn cuối cùng dọc biên giới Trung Quốc-Việt Nam đã được gỡ bỏ, đất sạch đã được bàn giao cho người dân địa phương, đánh dấu việc chính thức hoàn tất hoạt động rà phá bom mìn quy mô lớn thứ 3 tại khu vực Vân Nam.
Theo Hoàn cầu, ba mươi năm trước, đây vẫn còn là tiền tuyến của Chiến tranh Trung Quốc - Việt Nam. Các binh sĩ (Trung Quốc) dành thời gian đặt mìn trong những khoảng thời gian ngắn khi cả hai bên không nổ súng vì phía Trung Quốc cho rằng mìn là vũ khí hữu hiệu nhất để chống xâm nhập. Không xa khu vực này là nghĩa trang với 900 mộ tử sĩ thường được du khách ghé thăm.
Anh Tú
Bookmarks