TẠI SAO GỌI LÀ KHÁCH ĐÌNH?
Danh từ nầy bao hàm ý nghĩa: cõi trần giả tạm, con người chỉ là lữ khách qua đường... Lúc qui mãn kiếp nhân sinh, thân người và linh hồn được đến nơi đây dừng chơn lại nghe người thế tục cùng thân nhơn tỏ nỗi đau buồn vĩnh biệt qua câu kinh, tiếng kệ nhiệm mầu... rồi nương sự cầu nguyện mà giác mê hồn tiêu diêu về cõi vô hình...
... Những đêm về trong cảnh mông lung, huyền ảo vang tiếng người nhộn nhịp hòa giọng đờn, tiếng nhạc câu kinh trầm bỗng du lăng... Lắng nghe hờ giọng buồn thế tục, du khách sẽ chạnh lòng bao nỗi vu vơ...
Đối diện Khách Đình nầy là cơ quan Nhà Thuyền, nghĩa là nơi để cho những người hiến thân trọn đời cho Hội Thánh ở làm việc. Bước vào du khách sẽ thấy ngay một chiếc thuyền “Bát Nhã”.
Hình tượng chiếc nầy là một con rồng, giữa thân có một khuôn hình chữ nhật trên nóc, hai bên là vách.
Thuyền Bát Nhã
Hai tấm vách nầy tạc họa những hình ảnh Thiên Nhãn và lư hương, hình rồng hoặc các bông cây... Mới trông vào như một bức tranh điêu khắc, màu sắc linh động...
Đây, cũng là một sự lạ nhất, cổ kim hy hữu...
Lập Tam Kỳ Phổ Độ, những sự siêu hình cõi Thượng Giới đều được khái quát tại trần gian. Chiếc thuyền Bát Nhã xưa nay kinh Phật thường gọi, nhưng ít ai được thấy. Hiện nay khai Đại Đạo, được cơ bút thiêng liêng chỉ dạy nên mới thiết kế đúng thể thức.
Trước thuyền Bát Nhã có những câu đối:
“Vạn sự viết vô nhục thể thổ sanh hườn tại thổ;
“Thiên niên tự hữu linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
“Sanh tiền bổn vọng, phú quí công danh kim hà tại;
“Chơn linh thê sở công hầu cực phẩm bất đương nhiên.
“Hữu thế sanh nhi tùng tứ khổ,
“Vô hình tử giã hóa tam đồ...”
Những câu đối nầy biểu hiện kiếp nhân sinh con người rồi muôn sự để lại cho đời...
Xem xong thuyền Bát Nhã, du khách sẽ lần lượt vào cơ quan Nhà Thuyền xem. Nơi đây là những người hiến thân trọn đời cho Hội Thánh phục vụ nhơn sanh...
Mỗi khi, nơi nào có người qui vị, họ sẵn sàng hy sinh sự nhọc nhằn mà đẩy thuyền chở quan tài về Khách Đình rồi đưa đến tận huyệt và chôn cất... Gặp những khi trời mua đường lầy lội, những lúc nắng cháy da, thế mà họ vẫn vui làm việc...
Dù vất vả như thế, song họ cảm thấy cần phải tranh đấu mà thực hiện sự lập công bồi đức trên đường giải thoát kiếp người... Nhiều khách lạ đến đây, thấy sự hy sinh thế ấy, nếu hiểu lầm cũng mỉa mai: “-Vì tiền!”. Nhưng sự thật họ chỉ hy sinh làm công quả, thế thôi...
Qua dáng người hiền từ trong bộ đồ đạo tỳ màu đen viền trắng tượng trưng sự để tang mọi người, du khách sẽ cảm động nếp sống âm thầm của kiếp người chỉ lo vun công bồi đức...
Rời khỏi cơ quan Nhà Thuyền, du khách sẽ hướng về phía Trung Tông Đạo.
Đây là một cơ quan, có những gian nhà rộng rãi, bên trong chia rất nhiều phòng, đặc biệt để cho những người miền Trung (Việt Nam) ở tu hành.
Bước vào của tam quan, du khách sẽ thấy những Cổ Pháp: Cuốn Xuân Thu, Cây Phất Chủ, Bình Bát Du mà chúng tôi đã lược giải qua rồi.
Cơ quan nầy, hiện nay có nhiều vị chức sắc cao cấp, người miền Trung điều khiển... Vào đây, du khách sẽ được tiếp đãi một cách nồng nhiệt... thể hiện một tình cảm đạo đức hoàn toàn.
Bookmarks