Một câu chuyện khác về học Đạo với Đức Cao Đài.

Qua có quen một người bạn tính tình cũng dị hợm lắm nhưng người có căn lành nên được Đức Chí Tôn đến mở khiếu tâm linh và nhờ đó người bạn nầy đã học hỏi trực tiếp lý Đạo với quyền năng Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn và chư Thần Thánh Tiên Phật.



Một ngày kia trong buổi học Đạo bằng huyền linh mặc khải người có đạo đạt lên Đức Chí Tôn những ý kiến để được giảng giải cho rõ ràng về bí pháp.

Người nói với Đức Chí Tôn như vầy:
_ Dạ thưa Thầy.

Khi xưa Thầy giáng cơ dạy Đạo cho mấy anh con Thầy có kêu mấy người học giỏi và quở rầy:


  • " Nào kẻ học cao thế gọi lanh.
    Đổi thử máy Trời coi có được
    Thì Ta đổi tội dữ ra lành."

Người nói tiếp rằng:

-Thưa Thầy.

Con không phải là người học giỏi, con dốt lắm, con biết thân phận của con là người dốt nên lời quở trách ấy con hiểu không phải Thầy rầy con nhưng xin Thầy cho phép con biện minh cho mấy anh con. Thầy đã sinh ra con người và ban cho con người một tánh linh, con người dùng tánh linh nầy để sáng tạo ra thêm những điều mới mẽ cần thiết cho sự sanh tồn và phát triển của mình thì việc thay đổi máy Trời con thấy là con người làm được. Chẳng hạn như Thầy sinh ra thân thể con người đây có hai chân đứng trên mặt đất và đi trên mặt đất, hít thở khí Trời mà sống, vậy mà con người đã làm khác đi hôm nay bay lên không trung được . Họ chế ra được máy bay, bay lên trên bầu không khí kia chân đâu có đứng trên mặt đất, chưa hết họ còn chế ra cả tàu lặn, lặn sâu dưới biển sống hàng năm bảy tháng cũng được. Cái hòn núi kia đá cứng như thế mà con người cũng sáng tạo ra được những phương pháp đục khoét ngọn núi làm thành những đường hầm đi qua để đi tắt cho nhanh thì như vậy con nghĩ rằng tánh linh Thầy đã ban cho, con người đã dùng nó để làm thay đổi môi trường sống tức nhiên là thay đổi máy Trời cớ sao Thầy lại nói rằng đổi không được. Thí dụ ngày nay cần có một đám mưa nhân tạo thì người ta vẫn làm được để đóng phim.

Thầy nói rằng đổi máy Trời được thì Thầy sẽ đổi tội dữ ra lành? Con nghĩ rằng điều đó do Thầy đã ban cho chúng con, khả năng để làm biến đổi sự sống này.

Trước những lý lẽ mà người bạn ấy đã chất vấn Đức Chí Tôn để học hỏi.

Ngài cũng từ bi cười và bảo rằng:

" Con người còn có khả năng làm thêm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa đó con. không phải bao nhiêu đó thôi, nhân loại còn tiến bộ hơn và phát minh sáng tạo ra thêm những điều mà trí tưởng tượng của con hôm nay chưa nghĩ ra tới nhưng làm gì thì làm tài hay giỏi thế mấy đi chăng nữa, có một chỗ mà Thầy định cho con người không thể đổi được đó là Ký ức Thiêng Liêng của chơn thần gọi là chỗ nhớ mầu nhiệm.

" Cái Pháp của Thầy khi định ra hình thể vạn linh Thầy đã định trong Chơn thần của con người có chỗ nhớ mầu nhiệm đó nghĩa là con đã làm gì thì con sẽ nhớ lại điều đó không thể nhớ một điều khác được.

Bây giờ Thầy hỏi con :

" Giả sử con cầm con dao cắt cổ một con gà lất thịt, rồi con ăn thịt nó xong con ngủ một giấc đi bây giờ con nhớ lại coi khi nãy con đã làm việc gì ?

" Ký ức trong chơn thần gọi là sự hồi tưởng đó sẽ làm cho con sống lại hình ảnh là mình cầm con dao cắt cổ con gà lấy thịt ăn chớ không thể có một hình ảnh là cầm con gà lên rồi con hôn nó, con vuốt ve rồi tự nhiên nó ngã lăn ra chết. Không có chuyện đó bao giờ.

" Con làm gì thì ký ức trong chơn thần con nhớ lại việc đó đúng y như vậy không sai sót một mãi lông đó là chuyện gần. Bây giờ nếu con nhớ lại cả kiếp sanh của mình chẳng hạn con làm thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân thì cái mạng sống của bệnh nhân trong giờ phút nguy hiểm do nơi tài năng của vị thầy này có thể cứu sống họ được hay không.

" Nếu con là người có lương tâm tận tụy với chức vụ của mình đem hết tài trí ra để cứu chữa thì con sẽ giúp cho nhiều người thoát chết. khi con hồi tưởng lại trong kiếp sanh của mình, mình đã làm gì thì con nhớ những việc làm phước đức đó con thấy lòng mình đã vui nhẹ nhàng tinh tấn còn nếu như con là một kẻ bất lương, một thầy thuốc bất lương con chỉ sống vì tiền kẻ nào lo lót tiền bạc cho con nhiều thì con tận tình cứu chữa, kẻ nào nghèo không có điều kiện ấy thì con làm việc tắc trách, cơn bịnh đến chỗ ngặt nghèo con lại ngó lơ vì không có tiền thỏa mãn dục vọng tham lam của con thì đương nhiên bệnh nhân ấy chết. Trước mặt luật của đời con có đủ quyền năng để mà chối tội đặng vì bệnh nặng nó chết, nhưng mà trong chơn thần của con khi nhớ lại bệnh nhân tên Mít, tên Xoài ngày giờ đó đã chết vì lý do gì? Rõ ràng vì lý do con không cứu chữa tận tình để cho bệnh nhân chết, con biết điều đó nhưng vì không có tiền đút lót cho con, con để cho nó chết. Khi hồi tưởng lại ký ức chơn thần con sẽ sống lại đầy đủ chứ không che giấu được bởi vì con nhớ lại được việc của con làm. Con có thể nói dối với thế hệ mai sau con cháu rằng : con là một người đạo đức đầy đủ nghĩa nhân ở đời và thời gian trôi qua có thể gạt lường được tâm lý của nhơn sanh trên một bình diện rộng lớn nhưng mà đối với chơn thần của con mỗi khi hồi tưởng lại những gì mình đã làm đã thi thố nơi mặt thế này thì chuyện chết của một bệnh nhân do con không cứu chữa tận tình đó sẽ hiện ra. Nếu con xóa được ký ức này thì con chối tội được nhưng mà trong cái ngươn pháp của Thầy tạo dựng nên hình thể của con người Thầy đã định trong chơn thần cái linh, linh ấy là Thầy đặt trong cái sống nơi tâm hồn của con. Thầy buộc nó nhớ lại tất cả những gì nó đã làm, chỗ này là chỗ con không đổi được.

"Máy Trời vi diệu mà chơn linh của Thầy đã chiết ra đặt trong hình thể của con đây, nó sẽ ghi nhớ tất cả mọi việc con đã làm đã nghĩ thì chỗ này không thể thay đổi được.

" Loài người có thể tự lừa dối mình bằng cách cho rằng khi thân xác này chết đi thì không còn nhớ gì nữa hết, không có gì là tội đâu mà sợ nhưng chỗ ký ức này không có đổi được.

Lấy một việc nhỏ thí dụ.

" Một đứa bé khi mới lớn lên nó chưa có kinh nghiệm đối với thế giới bên ngoài nhiều. Lần đầu tiên nó thò tay vào ngọn lửa của cây đèn dầu và nó bị phỏng, tay rát rất đau đớn thì chơn thần của nó ghi nhận cảm giác rằng chạm vào lửa là bị đau cho nên ký ức của nó nhớ được, nhớ trung thực như vậy. Cho nên từ đó nó có kinh nghiệm sống là tránh không chạm vào lửa, nếu như ký ức này bị lệch đi nghĩa là thực tế một lần nó đã chạm vào lửa có cảm giác đau khi nhớ lại nó lại nhớ chạm vào lửa có cảm giác êm dịu thì nó sẽ tiếp tục lao vào lửa để rồi bị tai nạn mà chết. Cho nên Thầy buộc chỗ nhớ của chơn thần phải trung thực, cảm giác đau đớn đã ghi nhận được thì khi hồi tưởng lại phải diễn ra y như vậy để bảo tồn sự sống của nó. Nếu mà thay đổi ký ức nầy được thì con người không bảo tồn nổi sự sống của mình và cũng không có sự tiến bộ.

" Lẽ công bằng của Thầy đã định nếu làm được điều lành thì khi chơn thần hồi tưởng lại sẽ thấy niềm vui, còn đối nghịch lại khi con người làm một điều ác lúc chơn thần nhớ lại phải cảm thấy sự đau khổ. Không ai xử tội mấy con cả mà chính chơn linh mấy con, chính chơn thần của mấy con xét xử lấy mình. Thăng hay Đọa cũng là do chỗ nhớ mầu nhiệm này.

" Con người đã tự lừa dối mình cho rằng chết là hết nên mới dám làm nhiều điều tà vạy trước mặt Thầy.

" Con phải hiểu rằng nhơn loại đã đau khổ nhiều rồi duy chỉ có hành vi đạo đức mới có thể cứu chữa lại được mà thôi, phải gieo giống lành trong tinh thần của mấy con thì mấy con mới gặt hái được những kết quả lành chớ mấy con không thể nào xóa được ký ức tội lỗi của mình đã gây ra đâu. Các con có quyền năng sáng tạo làm thay đổi mặt đất này tạo cho con người những điều kiện sống phong phú nhưng mà trong Chơn Thần ký ức về điều lành, điều dữ. Tất cả những gì đã làm đã nghĩ các con không thể nào xóa được.

" Hai tiếng máy Trời mà Thầy đã nói là không đổi được do ở chỗ nhớ này. Mấy con phải biết sợ mà cẩn thận mình thì con đường tu mới có thể tinh tấn đặng."

Qua kể lại cho mấy em nghe câu chuyện học Đạo này để mấy em có thêm sự sáng suốt trong đời sống tâm linh của mình và ý thức trách nhiệm :