5.Các Truyền Thống Luận Giải

Các truyền thống luận giải ý nghĩa Bí Mật Tập Hội

Không có tác phẩm nào được viết ra bởi Indrabhuti vĩ đại, Nagayogini, và vua Visukalpa. Mahasukhanatha viết Guhyasiddhi xác định ý nghĩa của Bí Mật Tập Hội. Trên văn bản thực sự của Bí Mật Tập Hội, Guhyasiddhi chủ yếu xác định ý nghĩa của phần mở đầu. Đối với các giai đoạn trên con đường Bí Mật Tập Hội, đầu tiên nó mô tả giai đoạn phát sinh xoay quanh việc an bày các chủng tử tự. Thứ hai, nó dạy cách khám phá về thực tại của bản thân bạn là như thực, bằng cách dựa vào một phối ngẫu thật. Thứ ba, nó dạy cách thiền để làm vững chắc sự hiểu biết đó bằng cách dựa vào một phối ngẫu trí tuệ. Thứ tư, nó giải thích cách thiền về cái thấy hoàn hảo của phối ngẫu đại ấn, cùng với một mục về các hoạt động mật tông. Tác phẩm này đưa ra số hóa thần trong mandala là 17, trong đó có đoạn: “Mandala trở nên hoàn thiện nhờ sự bố trí của 17 bồ tát.” Điều này dường như chỉ nói về 17 bồ tát. Phần mở đầu Ngọn Đèn Soi Sáng của Candrakirti có đoạn: “Bởi vì con số mà nhờ đó tập hội hóa thần đã đầy đủ trọn vẹn trong tác phẩm, nên con số cụ thể đã được chỉ dạy,” đoạn này nằm trong phần mở đầu, cho nên không cần tới một mandala 32 hóa thần. Tuy nhiên ý nghĩa trong đoạn trích của Guhyasiddhi là ngoại trừ năm bộ gia đình Phật, tập hội hóa thần thực sự được đưa ra trong phần mở đầu chỉ là “các vị bồ tát”, và con số này hoàn thành tập hội của các vị bồ tát đã được nói tới.

Tác phẩm Guhyasiddhi này được biết đến như là hình mẫu cho sáu cuốn Tuyển Tập Tinh Yếu của Các Thành Tựu Giả. Nó còn là văn bản mẫu mực cho tác phẩm của Sahara Kho Tàng các Bài Ca. Đây là một tác phẩm hết sức quan trọng để hiểu được trí tuệ bản nhiên trong sự hợp nhất giữa lạc và không, tinh hoa của mọi tantra vô thượng.

Không có bình luận cụ thể nào về Bí Mật Tập Hội của Acharya Sahara. Sau ông, Nagarjuna vĩ đại đã viết các bình luận về ý nghĩa của Bí Mật Tập Hội, và cách mà truyền thống này luận giải Bí Mật Tập Hội sẽ được mô tả trong phần sau. Acarya Lalitavajra chỉ giải thích phần đầu của mật điển, và do vậy không có bất cứ truyền thống phân chia nào trên các con đường của hai giai đoạn.

Đệ tử của Lalitavajra là acarya vĩ đại Jnanapada, người được Văn Thù tôn quý giảng dạy về ý nghĩa của Bí Mật Tập Hội, về các giai đoạn được biết đến như là truyền thống của Jnanapada. Trên con đường này, giai đoạn phát sinh của hai giai đoạn, Manjuvajra là bản tôn chính với 19 hóa thần trong mandala, như được giải thích trong Nghi quỹ Samantabhadra của Buddhasrijnana, và trong Bốn Trăm Năm Mươi Vần Thơ. Các giáo huấn về giai đoạn thành tựu đến từ Khẩu Truyền từ đức Văn Thù được tuyên thuyết bởi Văn Thù và từ Giọt Giải Thoát được viết bởi chính acharya.

Khẩu truyền từ đức Văn Thù giải thích ngắn gọn thực hành đầu tiên của giai đoạn thành tựu là thiền định về giọt bất hoại ở luân xa tim, tiếp theo là thiền về giọt bí mật ở bộ phận sinh dục. Phép này được biết đến là nhánh của thiền ngưng thở và được quy vào nhánh kiểm soát năng lượng pranayama. Bằng cách thiền như vậy nhánh thấu hiểu được phát sinh. Tiếp theo là thiền về 16 hồi tưởng, thuộc về nhánh hồi tưởng. Tiếp theo là thiền về giọt khởi nguồn, được quy vào phép niệm kim cương. Sau đó lại thiền quán về giọt bất hoại ở luân xa tim, lần này chỉ trên nền tảng trí tuệ cực lạc trực giác.

Có thể thấy tác phẩm này giải thích bốn phần cuối của yoga sáu nhánh như được dạy trong Mật Điển Hậu Kỳ, bỏ qua hai nhánh của việc kéo rút cá thể và thiền quán hấp thu. Giải thích này cho thấy ông có ý muốn bao gồm hai nhánh của kéo rút cá thể và thiền quán hấp thu và giai đoạn phát sinh, và các tác phẩm của truyền thống Jnanapada về yoga sáu nhánh dạy kéo rút cá thể và thiền quán hấp thu ở trong các thực hành giai đoạn phát sinh. Đối với truyền thống này, tuyên bố trong Mật Điển Hậu Kỳ rằng thực hành với cách tiếp cận thông thường là bốn kim cương, còn thực hành với cách tiếp cận tối thượng là yoga sáu nhánh, không có nghĩa là thực hành với cách tiếp cận tối thượng và giai đoạn phát sinh là loại trừ nhau. Trong phần nói về giai đoạn thành tựu, tác phẩm này coi Mật Điển Hậu Kỳ như nền tảng và còn rút tỉa từ Mật Điển Được Thỉnh Cầu bởi Bốn Nữ Thần cùng với Sự Trang Hoàng của Bản Tính Kim Cương. Những hậu sinh của truyền thống này, khi giải thích Mật Điển Gốc chẳng mấy ai lại không giải thích Mật Điển Hậu Kỳ. Tuy nhiên chẳng có nhiều giải thích về Mật Điển Gốc bằng phương pháp của các mật điển khác. Cụ thể, nội dung cốt lõi xuất phát từ Giáo Huấn Truyền Khẩu và Giọt Giải Thoát cho thấy bao nhiêu đoạn trong Mật Điển Gốc dạy về giai đoạn thành tựu, nhưng điều này không được giải thích bởi các hậu sinh của truyền thống này. Ngoài ra, bốn nhánh cuối trong yoga sáu nhánh của Mật Điển Hậu Kỳ có thể được giải thích hợp lý cho phù hợp với Giáo Huấn Khẩu Truyền và Giọt Giải Thoát, nhưng việc này cũng không được làm.

Ý kiến cho rằng vị thầy Anandagarbha biên soạn cuốn Đại Bình Luận về Tập Hội, làm thay đổi cách giải thích tiêu chuẩn cả trên phương diện thô thiển lẫn tinh tế, là được nói ra mà không có sự khảo sát ngay trên chính bộ luận, và do đó không đúng. Bộ Bình Luận được dịch bởi đại dịch giả Rinchen Zangpo nói rằng nó được viết bởi Anandagarbha, nhưng phần giải thích của nó trong chương 5 đã được tìm thấy trong bình luận của Vimalagupta và nó là một nguồn tham khảo có giá trị. Trong tác phẩm này, có quan điểm rằng việc sử dụng phối ngẫu thật là chỉ để hấp dẫn những môn đồ của Vishnu Tantra, những người không thể từ bỏ ham muốn các đối tượng của giác quan. Tuyên bố về việc giữ lời nguyện sẽ ăn phân, uống nước tiểu là chỉ dành cho những người chìm đắm trong các Tantra ma quỷ và trụy lạc. Chúng không được dành cho các môn đệ ưu tú. Tác giả không đề cập đến khoa học của giai đoạn thành tựu giống như các bộ luận khác xoay quanh các yoga về khí, mạch, giọt. Nghĩ về điều này, các học giả Tây Tạng nhận định rằng “Anandagarbha bình luận Bí Mật Tập Hội chỉ ở cấp độ du già mật tông (yoga tantra),” và cách giải thích tantra vô thượng này là không phù hợp với cách giải thích của các bậc thầy vĩ đại Ấn Độ khác.

Acarya Santipa giải thích rằng chương đầu của Tantra Gốc dạy tantra của “quả phát sinh từ phương tiện,” và rằng có bốn tantra của “phương tiện để đạt đến kết quả,” vốn được giải thích thông qua 16 chương còn lại. Bốn chương treat dạy về nhánh tiếp cận. Bốn chương dvapara dạy về nhánh cận thành tựu. Bốn chương lạc dạy về đại thành tựu. Những điều này được làm minh bạch trong chương thứ 18. Về giai đoạn phát sinh, ông mô tả 19 hóa thần, với Akshobhya là bản tôn chính. Giải thích của ông trong cách thiền về sáu nhánh của giai đoạn thành tựu sau khi đạt được mức độ vững chắc trên giai đoạn phát sinh là rất khác biệt so với Jnanapada, Arya và những truyền thống Kalachakra. Dựa trên các kiến giải ở chương 18, ông nói rằng những giai đoạn này là mục đích của chương 7.

Các giải thích khác của ông dường như theo sau Jnanapada. Có một hoặc hai tác phẩm không rõ ràng là theo sau Jnanapada, nhưng vì các cuốn sách đó không có ý nghĩa đặc biệt nên không được thảo luận ở đây. Do đó, những người tiên phong cho truyền thống bình giảng Mật Điển Bí Mật Tập Hội là truyền thống Arya và truyền thống Jnanapada.