NHÂN QUẢ BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI
Tác giả: Đường Tương Thanh biên soạn, Đạo Quang dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Bạn có thể download 1 trong các link bên dưới:
Bản PDF:
http://goo.gl/yImmYs
https://goo.gl/KkjozB
Bản epub - dành cho thiết bị di động
https://goo.gl/zeTPmZ
https://goo.gl/kV862Z
Bản mobi - dành cho thiết bị di động
https://goo.gl/cc0Flx
Xem online
https://rongmotamhon.net/xem-sach_Nh...td_online.html
http://www.hoavouu.com/a10666/nhan-qua-bao-ung-hien-doi
LỜI NGƯỜI DỊCH
Mỗi tôn giáo đều có cách riêng để giải thích mối quan hệ của những sự việc diễn ra trong cuộc sống, tuy cũng đều khuyên người làm lành lánh dữ nhưng sự lập luận thật không hoàn toàn giống nhau. Chỉ riêng Phật giáo đưa ra thuyết nhân quả báo ứng, phủ nhận mọi yếu tố thưởng phạt siêu hình, mà chỉ dựa vào tính chất thiện ác trong hành vi của tự thân mỗi người. Thuyết nhân quả này từ khi được đức Phật Thích-ca thuyết giảng đến nay đã trải qua hơn 25 thế kỷ, ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực hơn trong thực tế đời sống và cũng ngày càng tỏ ra gần gũi, phù hợp hơn với những hiểu biết, khám phá mới của khoa học hiện đại. Chính vì thế mà số người hoài nghi về những việc thiện ác báo ứng đã ngày càng giảm hẳn, trong khi số người tin chắc vào nhân quả ngày càng tăng thêm, đặc biệt là còn có không ít người thuộc hàng ngũ các nhà khoa học hiện đại nữa.
Sở dĩ như thế là vì thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo đưa ra một quan điểm thấu triệt và hợp lý hơn hết. Theo quan điểm này thì mỗi một sự việc xảy đến cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống đều có một nguyên nhân sâu xa, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ những hành vi mà chính ta đã từng thực hiện. Chúng ta không thể mong rằng sẽ gặt hái được những quả báo tốt đẹp nếu như ta chỉ gieo trồng toàn những hạt giống xấu bằng các hành vi xấu ác, trái đạo lý. Ngược lại, nếu ta biết làm lành lánh dữ, thường giúp đỡ người khác thì những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên tìm đến với ta, cho dù ta chẳng hề để tâm mong cầu.
Tuy vậy, đối với những sự việc nhân quả báo ứng trải dài trong dòng thời gian vô thủy vô chung thì mỗi chúng ta đều không có khả năng nhận biết hết. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra trước mắt mà không thể biết được những gì đã từng xảy ra trong một quá khứ mờ mịt xa xôi. Chính vì vậy mà đã có không ít kẻ lớn tiếng phủ nhận nhân quả để rồi tự mình lao vào những việc làm sai trái, bất chấp đạo lý, rốt cuộc phải chuốc lấy những nghiệp quả nặng nề, đau khổ.
Tập truyện này sẽ mang đến cho các bạn những bằng chứng hiển nhiên về nhân quả đã từng xảy ra và được người xưa ghi chép lại. Với những chi tiết cụ thể và xác thực được ghi nhận trong từng trường hợp, đây chắc chắn sẽ là những chứng cứ thuyết phục để chúng ta thấy rõ rằng lời dạy của ông cha ta từ nhiều đời nay quả thật không hề sai trái. Đó chính là đạo lý căn bản trong sự hành xử ở đời: “Gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành.”
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian, hay nói một cách khác là có sự liên hệ chặt chẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, có những hành vi gieo nhân mang đến kết quả tức thời trước mắt, hoặc ngay trong đời sống này, gọi là hiện báo; nhưng cũng có những hành vi được thực hiện trong đời sống này mà qua đời sống kế tiếp mới nhận lãnh quả báo, gọi là sanh báo; lại cũng có những hành vi được thực hiện trong đời sống này nhưng phải qua 2, 3 hoặc nhiều đời sống sau đó mới nhận lãnh quả báo, gọi là hậu báo.
Mặc dù có sự khác nhau về sự nhận lãnh quả báo như thế, nhưng qua tất cả các trường hợp nhân quả báo ứng chúng ta có thể thấy được một nguyên lý nhất quán là một khi đã tạo nghiệp thì không thể tránh đâu cho khỏi sự báo ứng. Đây chính là lời Phật dạy trong kinh Pháp cú:
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.”
(Kệ số 127, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Và cũng chính do ý nghĩa này mà đức Phật dạy rằng:
Giả sử bách thiên kiếp,
Sở tác nghiệp bất vong,
Nhân duyên hội ngộ thời,
Quả báo hoàn tự thọ.
Tạm dịch:
Dù trải trăm ngàn kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất.
Khi nhân duyên đầy đủ,
Phải tự chịu quả báo.
Do có sự khác nhau về nhân duyên nên không phải mọi hành vi đều có quả báo như nhau, cho dù dưới mắt người đời chúng có vẻ như không khác gì nhau. Hơn thế nữa, sự khởi tâm của người tạo nghiệp cũng đóng một vai trò quyết định. Chẳng hạn, một hành vi cố ý làm hại người khác sẽ mang đến một quả báo nặng nề hơn so với một hành vi vô tình gây hại cho người khác.
Khi biên soạn tập truyện này, tiên sinh Đường Tương Thanh hẳn đã có ý muốn giúp cho những ai còn hoài nghi về vấn đề nhân quả báo ứng sẽ không còn hoài nghi, bởi những câu chuyện được ghi chép lại nơi đây là những bằng chứng rất rõ ràng khiến cho mọi người không sao ngờ vực được nữa.
Nhận thấy sự lợi ích và tính chất giáo dục luân lý đạo đức rất cao của tập truyện này nên chúng tôi không ngại sở học kém cỏi đã cố gắng hết sức để chuyển dịch sang Việt ngữ, ngõ hầu có thể mang lại đôi chút kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao và phát huy tính hướng thiện cho tất cả mọi người. Hơn thế nữa, với rất nhiều tình tiết thú vị trong những câu chuyện kể, chắc chắn quý độc giả sẽ có được những giây phút thư giãn đầy hứng khởi khi đọc qua tập sách này.
Mong sao những tấm gương của người xưa vẫn có thể giúp nhiều người đời nay sớm thức tỉnh và quay về con đường hướng thiện. Nếu được vậy thì đây chính là niềm vui lớn lao nhất dành cho người dịch.
Nam mô A-di-đà Phật!
Đạo Quang
cẩn chí
Theo hoavouu.
Source: rongmotamhon
Ebook converted to Epub by mynhan
Bookmarks