Tựa


Pháp môn Tịnh Độ cao cả không cùng, rộng lớn như trời che đất chở. Đây là pháp môn tổng trì của chư Phật ba đời, là đạo mầu đặc biệt trong một đời giáo hóa của đức Thích Ca. Trên như bậc Ðẳng Giác Bồ Tát, không thể vượt ra ngoài phạm vi của môn này: Dưới dù kẻ phạm tội nghịch ác cũng được dự phần tế độ.

Tuy nhiên, bởi pháp môn cao siêu như thế mà phần nhiếp cơ lại quá phổ cập, dùng sức ít mà thu thập kết quả rất mau lẹ lớn lao, nên những vị thông hiểu đôi chút về Tông, Giáo đều xem thường, cho là môn tu trì của kẻ ngu phu, ngu phụ. Truy nguyên, cũng do các vị ấy chưa hiểu rõ các chỗ lớn - nhỏ, khó - dễ của Phật lực và tự lực. Hai phương diện này, sự hơn kém thật không thể dùng lời nói, văn từ hình dung cho hết được. Vì sao?

Bởi tất cả pháp môn khác đều nương theo sức Giới, Ðịnh, Huệ, tu cho đến nghiệp sạch tình không, mới có thể thoát luân hồi sanh tử. Nhưng địa vị nghiệp sạch tình không đâu phải là dễ được? Trong hai phần hoặc nghiệp, dứt được kiến hoặc khó cũng như ngăn chận dòng nước đổ bốn mươi dặm, huống nữa là tư hoặc ư? Dù cho bậc tỏ ngộ cao siêu, nếu chưa dứt sạch phiền não, vẫn còn bị luân hồi. Và một khi đã thọ sanh thì kẻ thối thất trong một muôn có đến mười ngàn, kẻ tiến bộ trong ức người khó được ba bốn. Thế thì tự lực không đủ ỷ lại, không chi vững vàng. Những kẻ khoe mình là trí, không chịu thuận theo lòng từ thệ nhiếp thọ của Như Lai, thử nghĩ có nên tụ phụ chăng?

Riêng về môn Tịnh Độ, nếu người có đủ tín nguyện chơn thiết, dùng lòng chí thành niệm Phật như con thơ nhớ mẹ và hằng ngày sự hành vi không trái với đạo đức, thì đến khi lâm chung, sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn sanh về Tây Phương. Dù người ấy nghiệp hoặc hãy còn, nhưng khi đã vãng sanh thì chỗ sở đắc cũng cao hơn bậc A La Hán tình không nghiệp sạch, vì lẽ chủng tánh không đồng. Kẻ chưa dứt nghiệp hoặc còn như thế, người đã hết nghiệp không đợi phải luận nhiều! Ấy bởi do Phật lực, pháp lực và tâm lực của chúng sanh, đều không thể nghĩ bàn: mà tâm lực lại nhờ năng lực của Phật và Pháp, được hiển hiện một cách vẹn toàn. Cho nên chỉ ỷ lại vào tự lực, sánh với nương nhờ Phật Lực, thật kém xa nhau hằng hà sa số sự cách biệt của đất trời! Lại nên biết, đạo lý của môn Tịnh Độ này không thể đem luận chung với các pháp môn phổ thông khác, vì đây là pháp môn đặc biệt! Tôi thường có đôi liễn:

Pháp môn cao cả, lợi khắp ba căn, nhân đây chín cõi đồng về, mười phương khen ngợi.

Phật nguyện rộng sâu, không từ một vật, nên được ngàn kinh đều chỉ, muôn luận tuyên bày.

Trong kinh Hoa Nghiêm về phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, tất cả bậc Pháp Thân Đại Sĩ ở 41 vị (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, Ðẳng Giác) nơi Hoa Tạng thế giới hải, đều y theo lời khuyên của đức Phổ Hiền Bồ Tát, dùng công đức mười đại nguyện vương cầu sanh Tây Phương, để được viên mãn quả Phật. Các bậc đại sĩ mà còn như thế, kẻ phàm phu đầy nghiệp lực, tự ỷ chút tài chí mọn, xem thường môn Tịnh Ðộ, thử xét mình có hơn các bậc Bồ Tát kia chăng? Hay là bởi mê loạn cầu cao, để rồi muốn siêu trở thành đọa lạc, muốn khéo hóa ra vụng về?

Những kinh sách hoằng dương Tịnh Độ xưa nay rất nhiều. Trong ấy, Ðại Sư Như Sầm tuyển ra những lời hay ý đẹp của Phật, Bồ Tát, Tổ Sư và ngôn luận của các bậc chí thức cận đại, chép thành quyển Hương Quê Cực Lạc (nhan đề dịch thoát của hai chữ Tư Quy) này. Đại Sư nhờ tôi làm lời tựa, tôi tự xét lúc trẻ tuổi không gắng sức, đến nay già kém, tài năng chỉ đem nghĩa lý mình đã tin hiểu trong 59 năm viết ra để lấp cho rồi trách nhiệm. Nhân tiện, dâng tỏ chút ngu thành, nguyện khắp đồng nhơn đều được sanh về Cực Lạc. Chỗ thật tâm của thôi là thế, ngoài ra những bậc tài chí có bình luận chê cười, tôi chưa từng nghĩ đến. Theo đây, xin có mấy lời ca rằng:

"Khắp khuyên đồng phát nguyện lành, nguyện cầu vãng sanh. Đất khách suối non hiểm nhiều, mặc ai luyến tình! Tự mình không muốn về thôi, quyết về tất được. Đường quê có ai tranh giành, gió mát trăng thanh!"

Những khách nhớ quê, xin cùng chú ý!
Đời Dân Quốc thứ 28, năm Kỷ Mão, tiết Đông Chí.

Thích Ấn Quang cẩn soạn