Bal-E tạo lưới lửa phòng thủ biển 4 tầng cho Việt Nam

(Quốc phòng Việt Nam) - Việc mua thêm tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E giúp Việt Nam sẽ có khả năng bảo vệ bờ biển mạnh hơn bao giờ hết.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E.


Báo Kommersant ngày 26/5 trích dẫn nguồn tin thân cận từ Tổng Công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga cho biết, Việt Nam chính là quốc gia thứ hai sau Nga đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E. Nếu như thông tin được Kommersant đưa ra là chính xác thì đây sự là một thông tin đáng mừng, bởi nó không những tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ bờ biển cho Hải quân Việt Nam mà còn tận dụng được kết quả của chương trình hợp tác phát triển loại tên lửa chống hạm Kh-35UV mà Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2011.


Theo các thông tin được công bố, Lực lượng tên lửa bờ của Hải quân Việt Nam hiện nay đang được trang bị 3 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển nòng cốt là 4K51 Rubezh, 4K44 Redut và K-300P Bastion-P.
Các hệ thống tên lửa bờ này đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là kiểm soát các vùng biển và các khu vực eo biển; bảo vệ căn cứ hải quân, bảo vệ các mục tiêu và hạ tầng trên bờ của ta, cũng như bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ các tàu chiến.


Mặc dù lạc hậu, nhưng tên lửa P-15 của hệ thống Rubezh vẫn có sức mạnh ghê gớm, đủ sức đánh chìm chiến hạm hàng nghìn tấn của đối phương.
Tuy nhiên, ngoài hệ thống tên lửa bờ Bastion-P trang bị đạn tên lửa hành trình Yakhont mới được Việt Nam đưa vào trang bị trong những năm gần đây, hai hệ thống tên lửa còn lại là 4K51 Rubezh và 4K44 Redut. Đây là hai hệ thống tên lửa bờ được Liên Xô nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng từ thập niên 1980, do vậy đã cũ, lạc hậu và khả năng chiến đấu không cao


Hệ thống tên lửa Rubezh sử dụng loại đạn tên lửa P-15 Termit đạt tầm bắn 80km và tốc độ bay hành trình dưới âm (Mach 0,9). Đạn tên lửa có kích thước lớn, tốc độ bay không cao, khả năng cơ động vòng tránh kém làm cho P-15 trở nên yếu thế trong môi trường tác chiến hiện đại ngày nay.


Hệ thống Redut trang bị tên lửa đối hạm P-35 có tầm bắn vươn tới tận Trường Sa.


Đối với hệ thống tên lửa Redut, sử dụng đạn tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35 (SS-N-3 Shaddock) đạt tầm bắn rất xa, lên đến 460km, tốc độ bay siêu âm Mach 1,4. Tuy nhiên, đạn tên lửa P-35 lại có nhược điểm kích thước lớn, tốc độ bay không quá nhanh cũng như sai số tấn công mục tiêu lớn.


Để hiện đại hóa lực lượng tên lửa bờ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đặt mua của Nga 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tối tân K-300P Bastion-P, mỗi tổ hợp trang bị 36 đạn tên lửa hành trình siêu âm có cánh Yakhont, đạt tầm bắn xa 300km và tốc độ bay siêu nhanh, gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem là một trong những hệ thống tên lửa bờ hiện đại nhất và tiên tiến nhất thế giới do Nga phát triển và Việt Nam - khách hàng thân thiết của vũ khí Nga đã nhanh chóng trở thành nước thứ hai trên thế giới sở hữu loại vũ khí tiên tiến này.

Bastion-P - hệ thống tên lửa bờ mạnh nhất và hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay.


Sau khi đưa vào trang bị, K-300P Bastion-P đã giúp Hải quân Việt Nam trở thành lực lượng sở hữu các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển mạnh và hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Rubezh và Redut đã lỗi thời nhưng vẫn có khả năng tác chiến nhất định, cùng với Bastion-P đã tạo ra cho Hải quân Việt Nam một mạng lưới tên lửa phòng thủ bờ biển tích hợp 3 tầng. Tầm gần trong phạm vi dưới 80km cho Rubezh, tầm trung/xa dưới 300km cho Bastion-P và tầm xa dưới 500km do Rubezh đảm nhiệm.
Đặc biệt tầm bắn xa gần 500km của tên lửa Shaddock trên hệ thống Rubezh đã tạo ra sức uy hiếp nhất định cho Hải quân Việt Nam trong nhiệm vụ phòng thủ xa bờ như các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.


Cùng với lực lượng tên lửa bờ, Hải quân Việt Nam cũng đang đẩy nhanh hiện đại hóa các hạm đội tàu chiến mặt nước, điển hình là việc mua thêm lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và tàu tên lửa Molniya, được trang bị hệ thống vũ khí tiến công chủ lực là các ống phóng tên lửa chống hạm 3M24 Uran-E của Nga.


Hướng tới việc sản xuất vũ khí để có khả năng tự bảo đảm nguồn cấp trong tương lai, cũng như trong trường hợp xảy ra xung đột, Việt Nam đã hợp tác với Tập đoàn Tên lửa chiến thuật KTRV của Nga để phát triển một phiên bản tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UV mà theo dự kiến sẽ có tầm bắn xa tới 260km. Kh-35UV cũng chính là phiên bản tên lửa chống hạm Kh-35 Uran dành riêng cho Việt Nam, sau khi hoàn tất việc phát triển sẽ được chúng ta tự chế tạo trong nước thay cho việc nhập khẩu. Qua đó vừa có được công nghệ chế tạo, tự trang bị và xua tan nỗi lo về nguồn cấp vũ khí trong viễn cảnh xảy ra xung đột tương lai.


Trở lại với hệ thống tên lửa bờ Bal-E, sử dụng loại đạn tên lửa 3M24 Uran (Kh-35 Uran-E) đạt tầm bắn xa 120km, đây cũng là loại đạn tên lửa đang có trong trang bị trên các tàu tên lửa Molniya, Gepard 3.9 của Việt Nam.
Có lẽ đây chính là đặc điểm quan trọng nhất để chúng ta lựa chọn mua và trang bị thêm các tổ hợp tên lửa bờ này để vừa tăng cường khả năng chiến đấu, vừa thay thay thế và bổ sung sức mạnh phòng thủ tầm gần cho hệ thống Rubezh đã lỗi thời, cũng như tận dụng được khả năng tự trang bị đạn tên lửa ở trong nước để giảm thiểu tối đa chi phí và bảo dưỡng vũ khí trang bị.


Như vậy, Rubezh, Bal-E, Bastion-P và Redut sẽ tạo ra một mạng lưới phòng thủ bờ biển tích hợp mới cho Hải quân Việt Nam, đó là một mạng lưới 4 tầng dày đặc, đảm nhận vai trò tấn công để phòng thủ khác nhau, sẵn sàng nhấn chìm bất cứ tàu chiến nào của đối phương nếu như xảy ra xung đột trên Biển Đông.