Bài học về TQ trong ký ức con trai cố TBT Lê Duẩn

Đăng Bởi Chuyên Gia - 17:10 08-07-2014



Bác Hồ và cố Tổng bí thư Lê Duẩn

TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng chia sẻ về cha mình: “Nhiều người nói, cha tôi là người chống Trung Quốc. Nhưng cha tôi từng nói, bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc với người Trung Quốc, với đất nước, với dân tộc Trung Quốc là hai khái niệm khác hẳn nhau". Một Thế Giới xin trích đăng suy nghĩ của ông:


Ngày bé, họa báo Trung Quốc tràn lan ở VN, in hình các lãnh đạo Trung Quốc, màu và giấy rất đẹp. Tôi thường lấy để bọc vở. Có lần cha tôi nhìn thấy những cuốn vở đó, hôm sau ông đã yêu cầu thư ký bóc hết những bìa có ảnh lãnh tụ Trung Quốc để bọc những tờ báo khác vào.


Ông không muốn người ngoài hiểu rằng con trai mình có gì không tôn trọng với Trung Quốc. Nghĩa là cha tôi lúc nào cũng nghĩ rất sâu xa, cẩn trọng, dù trong thâm tâm, ông luôn cảnh giác với người Trung Quốc.


Thực tế là năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, cha tôi rất buồn. Ở thời điểm đó, ngoài việc tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ với nước Mỹ, Trung Quốc bây giờ không còn là một Trung Quốc đứng cạnh Việt Nam nữa.Cha tôi và Đặng Tiểu Bình từng rất thân thiết với nhau. Năm 1961, ở hội nghị các Đảng Cộng sản, cha tôi và Đặng Tiểu Bình đã từng thức thâu đêm với nhau để chia sẻ quan điểm. Sự thân tình đó kéo dài mãi giữa hai người, kể cả khi Đặng Tiểu Bình bị yếu thế trong giới lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, cha tôi vẫn tìm gặp. Vì vậy cuộc chiến năm 1979, với cha tôi còn là sự phản bội về quan hệ cá nhân.


"Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, TBT Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế. Và nếu còn sống đến hôm nay và đối mặt với vấn đề biển Đông, ông cũng sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn đó!”.




Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã đánh ta, có lần xem những bài viết kích động phê phán những lãnh tụ Trung Quốc, cha tôi đã đề nghị: “Đừng viết về cá nhân như thế này. Chúng ta phê phán tư tưởng, hành động của họ, chứ không phê phán cá nhân”.Nhiều người nói, nếu không vì cha tôi, sẽ không có cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, khi chúng ta đã hết sức mềm mỏng, khi chúng ta đã lùi đến hết mức chúng ta có thể lùi, những tham vọng của Trung Quốc với lãnh thổ nước ta vẫn không hề dừng lại, thậm chí còn công khai và táo tợn hơn rất nhiều.

Tôi luôn tin rằng, lòng yêu nước không phải của riêng ai. Ai cũng sẽ yêu nước, dù ít hay nhiều. Và mỗi người đều có quyền yêu nước theo cách của mình. Nhưng ở vị trí người lãnh đạo đất nước, lòng yêu nước ấy phải là tuyệt đối. Bởi mỗi quyết định liên quan đến con người đó đều ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc.


Nên, chừng nào trong đầu một nhà lãnh đạo còn có những chuyện cá nhân chi phối, thì chừng đó họ sẽ không thể anh minh trong những quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc. Như cha tôi lúc còn sống luôn nói rằng, khi người ta đã yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, thì họ sẽ luôn tìm được con đường đúng nhất.


Một lần, khi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị, nơi được coi là biểu tượng hàn gắn của mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau giai đoạn chiến tranh, tôi đã thấy ở nơi trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ cha mình.


Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, TBT Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế. Và nếu còn sống đến hôm nay và đối mặt với vấn đề biển Đông, ông cũng sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn đó!”.


Thảo Nguyên (ghi)

http://motthegioi.vn/xa-hoi/bai-hoc-...uan-84904.html