Diện kiến thầy bùa và bí ẩn những lá bùa yêu kỳ quái

  • Thứ Tư, 15/07/2015 | 11:25 GMT+7



Chàng trai yêu cô gái, yêu chán rồi “chạy”, cô gái buồn chán, tìm đến gặp thầy bùa, thầy sẽ “bắt” anh ta quay về với cô. Một cô gái khác kém may mắn nên quanh năm cứ lủi thủi một mình, thầy bùa sẽ giúp cô tìm “một nửa” còn lại… Sự thực những chuyện đó thế nào?

Diện kiến thầy mằn

Sau khoảng 2 tiếng vượt hơn 70 cây số trên những cung đường uốn lượn như dải lụa mềm, vắt vẻo trên những triền núi, treo leo bên vách vực sâu, chúng tôi cũng tìm được đến nhà ông Nguyễn Đại Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện K’rông Năng, tỉnh Đăk Lăk, qua giới thiệu của một người bạn.

Nghe chúng tôi nói muốn đến nhà thầy bùa, tìm hiểu về bùa yêu của người Tày, ông Hà ngần ngừ: “Tục thả bùa cua người Tày còn gọi là bùa riu, thầy bùa thường gọi là thầy mằn. Đây là bùa pháp, bí quyết gia truyền của người Tày, không dễ gì ổng kể đâu. Nhưng mấy chú đã lên đến đây thì tôi sẽ dẫn đến gặp, nhưng nếu ổng không nói thì tôi cũng... bó tay”.

Thầy mằn mà ông Hà đưa chúng tôi đến gặp tên là Tào Thắng, năm nay 50 tuổi. Theo lời ông Hà thì Tào Thắng là thầy mằn có uy tín nhất ở vùng này, được bà con trong buôn rất nể phục.

Thầy mằn Tào Thắng và cuốn bí kíp gia truyền 10 đời về "bùa yêu"

Đúng như lời ông Hà, thầy mằn lắc đầu lia lịa khi nghe ông Hà nói lý do đến gặp. Mãi đến khi ông Hà cam kết chỉ nghe để nghiên cứu văn hóa người Tày và không làm gì ảnh hưởng đến bùa riu của ông, thêm vài chén chén rượu nữa thì thầy mằn Tào Thắng mới mở lòng.

Thầy mằn Tào Thắng bảo: “Đây là bí quyết bao đời nay của cha ông để lại, không thể truyền ra ngoài. Nếu rơi vào tay kẻ xấu thì bùa sẽ tác hại vô khôn lường. Một thầy mằn không chỉ “mằn” yêu mà còn “mằn” ghét, thuốc cho say tình…

Trước khi thực hiện, thầy mằn phải biết tên tuổi, địa chỉ người bị mằn. Sau khi làm phép, cúng vái thần linh, cầu xin tổ tiên cho phép rồi mới đọc bài bùa mà chỉ mình thầy biết”.

Được sự động viên của ông Hà, thầy mằn Tào Thắng đọc bài bùa riu bằng tiếng Tày, sau đó ông Hà dịch lại như sau:

“Bùa ta thả trúng quả mơ, quả mơ nhớ ta mà rụng cuống
Bùa ta thả trúng trái mận, trái mận yêu ta mà lìa cành
Bùa ta thả lên trời, mặt trời phải trốn vào trong mây
Bùa ta thả xuống dòng sông, dòng sông phải sôi lên vì thương nhớ
Bùa ta thả trúng gái tơ, gái tơ yêu ta tha thiết
Không phải mai sau mới yêu mà yêu ngay tức thì
Hải thượng lão quân cấp cấp như lập lệnh…”.
Tào Thắng và bức vẽ gia truyền về những huyệt đạo trên cơ thể con người, một công cụ phục vụ việc thả "bùa yêu"

Theo thầy mằn Tào Thắng thì bài bùa riu này do tổ tiên lưu truyền gần chục đời rồi. Và cũng không phải ai “thả” cũng được. “Thả” phải đúng thời điểm, đúng “bài” và những “chiêu” áp dụng kèm theo nó. Nếu không, sẽ bị phản đòn rất nặng, khi đọc phải nín hơi, mím môi, đọc thầm trong cổ họng để không ai nghe được.

Tào Thắng khẳng định, bùa này có thể khiến trai gái mê mẩn, say đắm bên nhau mà quên cả đất trời. Cái câu “bùa mê thuốc lú” người Kinh hay nói chính là xuất phát từ loại bùa này.

“Sau khi đọc xong, thầy sẽ thổi vào những lá bùa. Người xin bùa sẽ cho các vật đó tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với đối tượng của mình bằng nhiều cách, có thể thổi bùa yêu vào tay, rải vô giường, đính một vài hạt cơm lên tóc đối tượng.

Sau vài ba ngày là bùa sẽ có tác dụng, còn hiệu quả dài ngắn về thời gian là tùy thầy mằn có cao tay ấn hay không? Đặc biệt, bùa yêu linh nghiệm nhất đối với người đàn ông chưa vợ và gái chưa chồng, chứ dùng đại trà thì thầy mằn cao tay mới làm được”, ông Hà nói thêm.

Những lá "bùa yêu" của Tào Thắng

Giá trị tâm linh


“Xã Ea Tam có khoảng 12 ngàn dân, gần 90% là dân tộc Tày, Nùng, từ miền Bắc di dân tự do vào đây từ sau năm 1975. Do sống quần cư nên họ vẫn lưu giữ được những nét văn hóa, phong tục và các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Tục thả bùa là một trong những nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lâu đời nhất của họ”, ông Nguyễn Đại Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Ea Tam.
Ông Hà bảo, bùa yêu là một trong những bí ẩn tâm linh của người Tày. “Nếu dùng bùa yêu với mục đích đen tối, lừa tình thì tác dụng ngược của nó là rất thảm khốc, không có thầy mằn nào có để đỡ được “chiêu” phản đòn này. Cú “hồi mã thương” có thể khiến thầy mằn chết bất đắc kỳ tử hoặc hóa điên”, ông Hà nói.


Còn thầy mằn Tào Thắng thì bảo, ông chỉ dùng bùa yêu cho người đàn ông chưa vợ và gái chưa chồng. Chứ nhất quyết không dùng nếu thấy việc thả bùa này ảnh hưởng đến đạo đức hay hại người khác.

Nói về sự linh ứng của bùa yêu, Tào Thắng kể: “Mấy năm trước, trong thôn có cô gái tên là Mây đang tuổi trăng tròn, rồi bỗng dưng cô chán ăn, chán uống, suốt ngày tìm đủ mọi cách để gặp một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi đã có vợ con trong buôn. Một ngày mà không trò chuyện, gặp mặt được người đàn ông này là Mây như phát điên”.

Từ đó, mọi người trong buôn đồn đoán Mây bị người đàn ông này thả bùa, nhưng không có chứng cứ. Rồi khoảng vài tháng sau, bỗng nhiên Mây căm ghét người đàn ông ấy, tìm mọi cách lánh mặt”.

Tào Thắng đúc kết: “Có thể bùa còn non, thầy yếu tay nên bùa chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ tự nhiên hết công lực nên cô Mây mới thoát được anh ta”.

Thầy mằn Tào Thắng và ông Hà

Tiếp tục mạch chuyện thầy mằn, ông Hà kể, gần 10 trước ở Ea Tam có một anh người Kinh quê Lâm Đồng vào buôn thu mua dược liệu. Chẳng biết anh thu mua thế nào mà cô gái người Tày mới 20 tuổi, trắng trẻo, xinh đẹp phải lòng với anh này.

Hẹn hò vài lần, cô gái này có thai với anh ta. Do phía nhà cô gái đòi anh này phải mang mâm trầu ngũ quả tới cưới xin thì anh này mới thú nhận mình đã có vợ con ở quê nhà. Thấy người đàn ông này định tính bài chuồn, gia đình cô gái âm thầm qua nhà thầy mằn Tào Thắng tỏ rõ hoàn cảnh và nhờ thầy giúp.

Theo Tào Thắng, lễ hội lồng tồng tháng giêng là dịp để bỏ bùa yêu linh ứng nhất

Chỉ một tháng sau, anh chàng kia đã tìm đến rồi dắt cô gái này đi lập nghiệp ở nơi nào không biết. Chỉ biết, cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng giêng, bà con ở buôn lại thấy cô gái âm thầm về thăm ba mẹ và không quên qua nhà thầy mằn.

Thầy mằn Tào Thắng cười nói: “Cứ mỗi lần qua đây là cô gái này lại xin tôi truyền thêm một chút công pháp bùa riu để giữ chân người chồng. Và bùa riu thả linh ứng nhất là vào dịp lễ lồng tồng ngày rằm tháng giêng hằng năm”.

Qua câu chuyện, ông Hà đúc kết: Bùa yêu có thực sự linh ứng như lời đồn đại hay không thì chưa biết, nhưng nó là văn hóa tâm linh của người Tày từ bao đời nay. Giờ khoa học phát triển, ý thức, suy nghĩ của con người cũng phát triển, kể cả người dân tộc thiểu số; chính vì thế, bùa riu đang ngày một mất đi sự huyền bí của nó. Nhưng nói thế không có nghĩa là nó không còn giá trị trong đời sống tâm linh của họ, nhất là những người vẫn gắn bó....

Nguồn: Phúc Lập - Đình Du (Nông nghiệp VN)