Tiết lộ bí ẩn khuynh gia bại sản vì 'phải vía đồ cổ'?
14.07.2015 | 20:07 PM
Một trong những câu chuyện khiến nhiều người vẫn không khỏi bán tín, bán nghi và có sự tranh cãi kịch liệt là có “âm hồn” trong đồ cổ hay không.
Đó vẫn là một câu chuyện dài, với những người tin có “âm hồn” trong cổ vật họ cho rằng, để sở hữu được cổ vật đó, người sở hữu phải có năng lượng thâm hậu và cơ duyên kỳ bí. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, nếu ai chỉ có năng lượng thì có thể thăng tiến nhờ đồ cổ còn nếu không, cố sở hữu “báu vật ngàn năm” có thể điêu đứng và khuynh gia bại sản, thậm chí mất mạng? Nhưng thực ra những câu chuyện đó cũng chỉ là do con người tạo dựng lên, huyền bí hay không cũng do con người “vẽ” lên mà thành.
Chỉ số năng lượng huyền bí
Trong giới đồ cổ thường chia ra làm nhiều trường phái khác nhau. Theo nhà cổ vật Phạm Ngọc Trường, hội viên CLB UNESCO, trung tâm Nghiên cứu sưu tầm bảo tồn cổ vật Việt Nam, ngoài những kẻ buôn bán đồ cổ không được gọi là nhà sưu tầm, thì để thành một nhà sưu tầm đồ cổ, người sưu tầm thường chọn một loại phù hợp với bản thân để họ thỏa mãn đam mê với cổ vật. Để chọn được thể loại cổ vật để sưu tầm, người sưu tầm phải có “duyên” với thể loại đồ đó. Có người chỉ có duyên với đồ sứ, có người chỉ có duyên với đồ kim khí, đồ đào...
Ảnh minh họa.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số người cho rằng dính đến đồ cổ là dính đến tai họa, người thường nếu không đủ nguồn năng lượng thâm hậu huyền bí, ví dụ năng lượng BOVIS, thì không thể chơi được đồ cổ. Với những người đủ năng lượng huyền bí thâm hậu này, việc chơi đồ cổ sẽ có tác dụng tăng cường sức khỏe, đổi mới tâm hồn... Có ý kiến cho rằng đa số người thường chúng ta, do "vía" chúng ta không át được năng lượng của đồ cổ nên chơi đồ cổ sẽ mang họa cho chính mình?! Điều này đặc biệt nguy hiểm, đối với những món đồ cổ mang “vong âm” sẽ có rất nhiều nguy hiểm cho người sưu tầm và con cháu trong nhà.
Hầu hết các nhà sưu tầm đồ cổ mà chúng tôi có dịp trò chuyện qua đều nhất trí rằng thường cổ vật “xịn” đều trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ và được sử dụng với những mục đích khác nhau qua từng thời kỳ khác nhau. Trong quá trình đó, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì trải qua thời gian, những món đồ cổ đó sẽ tích lại những từ trường huyền bí, từ trường này do con người mang lại, tâm trí họ sẽ được tích tụ lại và trở thành những âm hồn?! Theo ông, một người giàu có, một người có thế lực, như một đại thần ngày trước chẳng hạn, khi người ấy nắm giữ trong tay những bộ ấm trà quý, hay một bình hoa hiếm thấy, thậm chí một cái đĩa có viền vàng trên miệng, một cái chén ngọc chế tác thời các hoàng đế Trung Quốc, hoặc các vua chúa Việt Nam còn ngự trị, thì hẳn nhiên người ấy sẽ nâng niu cất giữ. Thậm chí giữ như bảo vật, ai mua cũng không bán.
Nhưng gặp lúc không may, thời thế đổi thay, vị trí xã hội hoặc chức tước của họ trong triều đình bị xóa bỏ, gia đình lâm cảnh ly tán, túng thiếu, đành phải đem những đồ cổ mình cưng quý lâu nay ra bán đổ bán tháo để đắp đổi qua ngày. Lâm vào tình cảnh như thế, lòng tiếc thương đồ cổ quý giá của mình khi bị mất đi sẽ tạo ra một luồng "nhân điện” tác động đến vật đã vuột khỏi tầm tay. Khi người ấy chết đi, tâm tưởng luyến nhớ vật kia vẫn không tan mất, nên cứ tìm đến vật ấy theo một lực tương tác vô hình đem đến cho người chủ mới.
Một trong những người chơi cổ vật hiểu rõ nhất và cũng là người nổi tiếng nhất đất Cảng là ông Hải “Đồ cổ”, đã nhiều lần chia sẻ chuyện duyên nợ với đồ cổ của cuộc đời ông. Có những lúc ông khuynh gia bại sản vì đồ cổ, thậm chí phải vướng vào vòng lao lý, nhưng cũng vì đồ cổ mà cuộc đời ông có danh vọng và tiền tài. Mọi thứ đều được phán xét rất từ từ trong cuộc đời ông.
Chữ “duyên” của mỗi người chơi cổ vật
Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ cho biết, họ đến với đồ cổ cũng bởi một chữ “duyên”, chữ “duyên” của họ đủ lớn để họ có thể sở hữu một món đồ cổ mà chủ cũ của nó hết sức yêu quý, lưu giữ qua nhiều thế hệ và thậm chí có những thứ là biểu tượng của gia tộc. Tâm trí của gia chủ nhiều khi đặt hết vào những ưu vật này của mình. Chủ nhân của những thứ đồ cổ, đồ trang trí trên thường là người già, hay tưởng nhớ về thời xa xưa, quá khứ, lại đã về hưu hoặc gần đến tuổi về hưu nên nhàn rỗi, hàng ngày đều dành thời gian chăm chút, lau chùi... Khi họ chết đi, con cái chẳng biết dùng những đồ này làm gì, cũng chẳng có kỷ niệm, cảm tình với chúng, rồi cần dọn dẹp lấy chỗ đặt những đồ yêu thích của chúng. Khi đó, những thứ đồ cổ, đồ trang trí của thế hệ trước sẽ được thế hệ sau mang ra chợ trời bán với giá nào cũng chấp nhận.
Việc phân biệt đúng hay sai trong xác định có hay không chuyện âm hồn trong cổ vật vẫn chưa ngã ngũ trong chính giới đồ cổ. Tuy nhiên, nhiều nhà sưu tầm đều cho rằng con người sau khi chết vẫn còn nhiều thứ ở trần gian. Theo ông Trần Văn T. (SN 1941, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), một tay buôn đồ cổ nhiều năm cho biết, việc cúng tế 49 hay 100 ngày cũng đều là việc làm cho những âm hồn này có thể siêu thoát đến một thế giới khác. Trong rất nhiều điều quyến luyến của con người mất đi thì việc quyến luyến đồ đạc là một trong những sự quyến luyến lưu giữ nhiều nhất. Vì thế dù họ chết đi, nhưng linh hồn họ vẫn thường xuyên theo dõi, theo bám món đồ thân yêu của mình, ghen tị, căm ghét người chủ mới đang sử dụng và nếu có cơ hội thì gây tai họa cho người chủ mới!?
Nếu đặt đồ cổ lên bàn thờ thì rủi ro thường xảy ra liên tiếp với nhiều người trong dòng họ, anh chị em ruột thịt, đặc biệt càng nguy hiểm khi người đó là trưởng họ hay con trưởng. Nếu đặt đồ cổ trong phòng ngủ thì sức khỏe suy sụp, tâm trí bất an, dần dần trở nên bệnh tật, hoảng loạn. Nếu là phòng ngủ của con cái thì không chỉ sức khỏe mà cả đường học tập, làm ăn của chúng cũng sẽ sa sút. Vô cớ đưa vào nhà, đưa lên bàn thờ càng nhiều đồ vật cổ thì càng thêm nhiều khả năng mang họa vào thân. Nếu phòng nào cũng đầy đồ cổ thì sống trong đó cảm tưởng như đang sống trong một bảo tàng hay ngôi mộ. Âm khí tràn ngập, có mở toang hết cửa sổ cũng không lại được? Tất nhiên những câu chuyện trên vẫn chỉ là lời kể chưa có ai kiểm chứng đâu là sự thật? Hay cũng chỉ là nghe kể...
Cần có cái nhìn khoa học về cổ vật
Bàn về thế giới siêu nhiên của cổ vật, nhà nghiên cứu Thông Thanh Khánh cho rằng: “Dường như sau mỗi món đồ cổ đều có linh hồn của những người đã chết theo đuổi vì say mê. Chúng ta cần có cái nhìn thực tế và đúng đắn hơn về vấn đề này. Bởi ngay việc tìm hiểu cặn kẽ gốc gác, niên đại của cổ vật cũng góp phần bổ sung tiểu sử cổ vật và soi sáng thêm dấu vết giao lưu văn hóa, mỹ thuật, thương mại qua các thời”.
Ông Thông Thanh Khánh.
Những lý giải không căn cứ...
Cũng theo ông T., việc sở hữu đồ cổ của ông chỉ trong giới hạn nhất định, nếu gặp
được khách, được giá ông nhanh chóng bán ngay bởi lúc đầu, những món đồ cổ mang tính linh thiêng sẽ có thể chưa làm gì ông vì lúc đó những âm hồn bám theo đồ vật cũ của mình còn chưa tích lũy đủ lực âm để tác yêu tác quái nếu để lâu thì âm hồn đó sẽ tích tụ mạnh hơn và có thể làm hại chủ nhân(!?). Mặt khác, sức khỏe gia chủ lúc đó còn tốt, thậm chí đang giai đoạn sung mãn. Tuy nhiên dần dần theo thời gian, tình thế sẽ thay đổi, sự ghen tị, căm giận của người âm sẽ tăng lên, trong khi sức khỏe của gia chủ sẽ giảm dần theo tuổi tác? Còn nếu “vía” của người sưu tầm đồ cổ có thế “hợp” hoặc “át” được vía của những âm hồn theo cổ vật thì người đó hoàn toàn yên tâm về cổ vật mà mình sở hữu còn nếu không “hợp” những tai họa khó lý giải có thể ập đến với họ bất kỳ lúc nào. Đúng là câu chuyện với những lý giải nếu không nói là quá mơ hồ, thật và giả khó lường.
Kỳ sau : Kỳ duyên sở hữu bảo vật và thực hư những tai ương từ trên trời rơi xuống?
Trần Phương
Bookmarks