Hoá giải trùng tang, nỗi khiếp sợ của các gia đình, dòng họ
Có gia đình không thể lý giải tại sao, trong một thời gian ngắn mà gia đình có tới 3 – 5 người qua đời.
Dòng họ “trùng tang” 6 năm chết 5 người?
Năm 2008, khi ông Nguyễn V.T. (thôn Đồng Ro, xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) mất vào giờ “kỵ”, nhiều người đã liên tưởng đến “thần trùng”. Anh Nguyễn V.Q. (27 tuổi, con của ông T.) cho biết: “Nhiều người đồn thổi rằng, bố tôi chết đúng vào “giờ độc” nên bị “ma xui, quỷ khiến” về bắt người trong dòng họ”.
|
Bảng tính trùng tang trong dân gian. |
Theo lời anh Q., năm 2007, bố anh đi khám bệnh thì được các bác sỹ phát hiện ông mắc căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Thế rồi, hơn một năm sau, ông T. qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, dòng họ. Nhiều người thương ông bởi cả đời phải chịu kham khổ, khi kinh tế gia đình đã khá giả cũng là lúc về với tổ tiên. “Ngày đó, tôi cũng có nghe loáng thoáng có ông cụ trong làng khẳng định bố tôi chết đúng giờ “trùng”, ngày “trùng”.
Nhưng nghĩ là chuyện mê tín dị đoan nên chẳng ai tin. Thế rồi, những cái chết trẻ trong dòng họ cứ xảy ra một cách đầy bí hiểm khiến “lời nguyền rủa” của ông ta như biến thành “chân lý”. Các gia đình trong dòng họ mặc dù bên ngoài đều tỏ ra không tin nhưng trong lòng thì tìm đủ cách để tránh cái “tai họa” ấy”, anh Q. cho biết.
Được biết, sau khi ông T. chết đúng một năm thì chị Nguyễn T.H. (SN 1979, con dâu của một người trong dòng họ Nguyễn, cùng nội tộc với ông T.-PV) ra đi ở tuổi 30. Khi đó, chị H. cũng bị bệnh viện trả về vì ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi, đúng một năm sau, năm 2010, dòng họ Nguyễn lại chứng kiến cái chết bất đắc kỳ tử của một người con dâu trong dòng họ.
Cô N.T.Th. (49 tuổi) tử vong trong vụ tai nạn giao thông hi hữu. Anh Q. cho biết, vợ chồng cô Th. đi chợ đúng vào hôm trời mưa bão lớn. Lúc xảy ra tai nạn vào khoảng 4h sáng. Cô Th. ngồi sau xe, không nhìn thấy chiếc điện bị gió thổi sà xuống đường nên bị mắc lại và ngã về phía sau. Mặc dù đã đội mũ bảo hiểm nhưng cô Th. đã trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện.
Anh Q. kể lại, sự kinh hoàng đã lấn át hết lý trí của con cháu trong dòng họ sau ba cái chết liên tiếp trong vòng ba năm. Ngạc nhiên ở chỗ, trong họ, các cụ già dưới trăm tuổi có đến cả chục nhưng người già không chết lại chết toàn người trẻ. Hơn nữa, những người chết vì lời đồn “trùng tang liên táng” càng về sau càng trẻ dần.
Năm 2012, dòng họ Nguyễn ở làng Đồng Ro lại phải bàng hoàng nhận thêm cái chết tức tưởi của một đứa trẻ. Đó là vào giữa năm 2012, Nguyễn V.C., mới 16 tuổi trong một lần đi tắm sông với đám bạn cùng lớp đã bị chết đuối. Sau này, nói chuyện với PV, một người bạn của C. cho hay, các cậu không thể ngờ C. lại chết đuối ở đoạn sông nông như vậy.
Hơn nữa, chỗ C. đứng chỉ cách chỗ bạn bè khoảng 3-4m. Tưởng cậu bé giả vờ nên chúng bạn mặc kệ. Thế rồi mấy phút sau, nhìn đi ngoảnh lại không thấy C. đâu, mấy đứa mới tá hỏa lội ra mò rồi chạy vào làng gọi người lớn ra giúp đỡ. Sự ra đi của cậu học trò khi đó mới 16 tuổi lại tăng thêm sự ám ảnh về “thần trùng” với dòng họ Nguyễn.
Đến lúc ấy, những người “bảo thủ” nhất, luôn miệng khẳng định ba cái chết trước đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên cũng phải nghĩ lại và lo sợ. Họ còn run sợ hơn nữa khi đúng một năm sau ngày C. mất, bà Nguyễn T.Ph. (77 tuổi), vẫn còn khỏe mạnh bỗng nhiên qua đời.
Khi chúng tôi hỏi về việc những gia đình trong dòng họ đi trấn yểm “trùng tang”, anh Nguyễn V.Q. cho biết: “Như người có “bệnh vái tứ phương”, tôi đi hỏi khắp nơi và được rất nhiều người bày cách để “yểm trùng”. Có người nói rằng, phải thuê thầy cao tay về dùng bùa bắt “trùng”. Người khác thì nói rằng mỗi gia đình trong dòng họ phải chôn một con chó đen ở ngoài cổng để “trùng” không vào được nhà bắt người…”.
Tuy nhiên sau này, anh Q. gặp được một bà sư và được bà mách nước phải đưa “vong” lên chùa thì mới “cắt” được họa này. Hai năm sau ngày bố mất, gia đình anh Q. nhờ người đưa bố lên chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng) để “nhốt trùng” bởi việc đưa “vong” lên chùa phải kiêng người cùng trực hệ.
Trước đây, dư luận từng xôn xao về trường hợp “trùng tang” ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Đó là trường hợp một gia đình trong một ngày xảy ra hai cái chết của bố chồng và nàng dâu cách nhau chưa đến 5 tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là người con dâu đang khỏe mạnh bình thường, vẫn còn đang tất bật chuẩn bị hậu sự cho bố chồng thì bỗng nhiên đột tử vì cảm.
Một gia đình ở ngay phố Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng xảy ra những cái chết tương tự. Chỉ khác là gia đình này, trong vòng ba năm, hai người con trai duy nhất trong gia đình đều “đi” theo bố và “đi” một cách “bất đắc kỳ tử”.
Hoá giải trùng tang
Đại đức Thích Bản Quyền, Trụ trì chùa Phúc Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, theo quan niệm dân gian, những người có tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm Tý – Ngọ - Mão – Dậu; những người tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm Dần - Thân – Tỵ - Hợi; những ai sinh vào năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm Thìn – Tuất – Sửu - Mùi thì sẽ bị trùng tang. Bởi họ đã chết vào các năm "xung” (tứ hành xung).
Theo vị trụ trì chùa Phúc Long, “trùng tang liên táng” là quan niệm xuất phát từ Đạo giáo. Trong sách của Đạo giáo có ghi chép rất nhiều về trùng tang và những câu chuyện về hiện tượng này. Trong dân gian cũng vậy. “Từ xa xưa ở miền Bắc đã lưu truyền về các môn phái pháp sư, phù thủy có khả năng hóa giải trùng tang liên táng.
Còn đối với nhà Phật, các nhà sư rất ít khi “trấn yểm” trùng giống như các pháp sư. Hiện nay ở miền Bắc có hai ngôi chùa được xem là nơi “nhốt” và “cầu siêu” cho trùng lớn nhất là chùa Hàm Long và Liên Phái. Hai ngôi chùa này còn lưu giữ được những bộ ván in phù giải trùng tang từ hàng trăm năm. Chính vì vậy, khi có người chết vào giờ xấu, người dân thường lên đây để xin bùa về hóa giải”, Đại đức Thích Bản Quyền chia sẻ.
Theo đại Đức Thích Bản Quyền, có lẽ phương pháp “cắt trùng” tốt nhất là theo cách của Phật giáo Mật tông. Các sư sẽ lập đàn cầu siêu cho trùng được siêu thoát và hồi hướng công đức cho vong. Phương pháp này dùng những năng lực siêu độ của Phật khiến cho trùng sớm siêu thăng tịnh độ, không còn làm ác được nữa.
Chỉ là căn bệnh từ hoá
TS. Vũ Bằng, Phó Viện trưởng viện Công nghệ và Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lại đưa ra một cái nhìn khác về cái gọi là “trùng tang”. Ông nói: “Đến nay, nhiều người vẫn coi “trùng tang” là có thật và thường mời thầy cúng, pháp sư... đến trấn yểm, bắt ma.
Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong đời sống xã hội, bất cứ việc gì cũng có thể giải thích bằng khoa học được. Sau thời gian nghiên cứu, xâu chuỗi các sự kiện ở các gia đình cụ thể, tôi đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, không hề có “trùng”, ma quỷ như họ thường nghĩ”.
Theo các công trình nghiên cứu mà TS. Bằng được cấp bằng sở hữu trí tuệ thì “trùng tang” thực ra là căn bệnh từ hóa. Căn bệnh này chưa từng có trong danh mục y học hiện đại cũng như cổ truyền. Khoa học chứng minh rằng, mỗi dòng họ đều có một cấu trúc cơ thể, gene khác biệt so với các dòng họ khác. Những người cùng huyết thống thì có cấu trúc cơ thể gần tương tự nhau.
Thực tế cho thấy, nhiều dòng họ có cấu trúc hoàn chỉnh, tuy nhiên không ít dòng họ mang khiếm khuyết về cấu trúc. Khi mang khiếm khuyết lại bị tác động bởi môi trường xấu thì sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, hệ thần kinh và tuần hoàn thường dễ bị tổn thương và phá hủy nhất.
Khi một dòng họ mang khiếm khuyết về mặt cấu trúc, sinh sống trong môi trường có từ trường dị biệt thì sẽ dễ bị mắc các loại bệnh tật và ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe. Thế nên mới có chuyện trong cùng một dòng họ, có những người chết cách nhau mấy ngày, một tháng, một năm...
Bên cạnh đó, việc mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức khỏe, sức đề kháng của mỗi người. Còn việc trấn yểm, “nhốt vong” đơn thuần là biện pháp trấn an tư tưởng mà thôi
Theo Thanh Long - Hồng Thanh (Nguoiduatin.vn)
Bookmarks