Đồ cổ có ma không?

11:14 | 01/07/2014

Xưa nay, lúc trà dư tửu hậu, những nhà sưu tập, mua bán và trao đổi các đồ gốm sứ cổ ở nước ta thỉnh thoảng có nhắc đến những mẫu chuyện mang màu sắc “siêu nhiên” hoặc những “chuyện ma” trong thế giới cổ vật. Nhân đó, chúng tôi đã có lần nêu đề tài “đồ cổ có ma không?” trên mặt báo. Lần này, chúng tôi gởi đến bạn đọc nội dung liên quan qua tiếp xúc với nhà nghiên cứu, đồng thời nhà sưu tập đồ cổ có uy tín tại Việt Nam hiện nay, là ông Trần Đình Sơn qua ghi nhận dưới đây.




Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và một số cổ vật trong bộ sưu tập của mình

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, sở dĩ xuất hiện những "câu chuyện ma” quanh các món đồ cổ cũng có những nguyên do nhất định, mà theo ông nguyên do chính ở sự tác động của luật nhân quả. Ông nói rằng, một người giàu có, hoặc một người có thế lực, như một đại thần ngày trước chẳng hạn, khi người ấy nắm giữ trong tay những bộ ấm trà quý, hay một bình hoa hiếm thấy, thậm chí một cái đĩa có viền vàng trên miệng, hoặc một cái chén ngọc chế tác thời các hoàng đế Trung Quốc, hoặc các vua chúa Việt Nam còn ngự trị, thì hẳn nhiên người ấy sẽ nâng niu cất giữ. Thậm chí cưng như cưng trứng, ai mua giá nào cũng không bán.


Nhưng gặp lúc không may, thời thế đổi thay, vị trí xã hội hoặc chức tước của họ trong triều đình bị xóa bỏ, gia đình lâm cảnh ly tán, túng thiếu, đành phải đem những đồ cổ mình cưng quý lâu nay ra bán đổ bán tháo để đắp đổi qua ngày. Lâm vào tình cảnh như thế, lòng tiếc thương đồ cổ quý giá của mình khi bị mất đi sẽ tạo ra một luồng "nhân điện” tác động đến vật đã vuột khỏi tầm tay. Khi người ấy chết đi, tâm tưởng luyến nhớ vật kia vẫn không tan mất, nên cứ tìm đến vật ấy theo một lực tương tác vô hình. Chúng tôi muốn đi sâu hơn vào đề tài, song nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn mỉm cười từ chối, nói rằng ông không rành lắm về "cách ứng xử” của những người khuất mặt ở thế giới bên kia đối với các món đồ cổ mà đến chết họ vẫn còn tiếc nuối. Nhưng ông nói ông có thể nêu lên hai câu chuyện dưới đây.

Chuyện thứ nhất về sự có mặt của hai con quỷ vô thường bên một chiếc chén cổ bằng ngọc của thiền sư Kim Bích Phong Chuyện này được nhắc đến khá nhiều trong sinh hoạt thiền môn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam xưa nay. Nguyên thiền sư Kim Bích Phong đã tu hành với công phu buông bỏ gần như sạch hết các ngoại duyên, cắt đứt những ràng buộc ngoài đời, chỉ còn một điều duy nhất là ngài rất quý chiếc chén cổ bằng ngọc nên thường để bên chỗ ngồi của mình. Ngày kia, Diêm vương sai hai con quỷ vô thường đến bắt ngài, nhưng không bắt được vì ngài đang vào sâu trong thiền định, không để lộ một chút tướng trạng nào nên quỷ vô thường không thấy để bắt. Cuối cùng, quỷ vô thường phải đến hỏi thổ địa. Thổ địa cho biết thiền sư Kim Bích Phong còn ôm giữ trong tâm mình chiếc chén cổ bằng ngọc, nay các ông hãy đánh động cái chén ấy thì thế nào ngài cũng phải xuất định. Biết vậy, quỷ vô thường bèn quay lại chỗ ngài đang thiền, tìm cách đến gần chiếc chén ngọc, cầm chén lên, khua động mấy tiếng. Kim Bích Phong liền đó xuất thiền, thế là quỷ vô thường cười to lên và nói: "Mời ngài đi, Diêm vương đang chờ ngài vì số ngài đã hết”.


Bấy giờ, ngài biết mình chỉ vì luyến chiếc chén cổ bằng ngọc nên mới sa vào tay quỷ vô thường, nên ngài liền nhanh tay cầm chiếc chén ngọc đập vỡ nát, rồi nói: "Này các quỷ vô thường, các ông hãy từ bi thư thả chờ tôi trong vòng 7 ngày tôi sẽ nộp mạng”. Quỷ vô thường đồng ý, liền đó ngài vào sâu trong thiền định, sau 7 ngày quỷ vô thường quay lại để bắt nhưng không tìm thấy ngài đâu nữa. Theo lời kể của thiền sư Lai Quả lúc ấy quỷ vô thường "tìm ngài Kim Bích Phong khắp nơi, chỗ nào cũng tìm, trên trời dưới đất, trong ngoài hư không đều tìm khắp mà vẫn tìm không ra. Ngài ở trên hư không nói vọng xuống: "Diêm vương muốn bắt ta Kim Bích Phong. Như lấy xích sắt xiềng hư không. Xích sắt xiềng hư không rồi, thì mới bắt được ta Kim Bích Phong!”. Nghĩa là ngài đã thoát khỏi tay Diêm vương, ra ngoài vòng sinh tử, và suýt nữa vì món đồ cổ bằng ngọc mà quỷ vô thường và chúng ma có thể bắt được ngài.

Chuyện thứ hai ông Trần Đình Sơn không trực tiếp kể mà chỉ chúng tôi hãy đến một số người am tường các chuyện mua bán đồ cổ trước kia để tìm hiểu về trường hợp liên quan đến cái chết của một nhân vật cự phách trong giới mua bán đồ cổ ở miền Nam vào nửa thế kỷ trước đây. Đó là ông Huỳnh Văn Ch. Theo chúng tôi tìm hiểu, gia đình ông Ch. mua bán đồ cổ rất lâu đời ở cố đô Huế, ít nhất đã trải qua 3 đời hành nghề. Đến đời ông Ch., vào thời ông Ngô Đình Diệm còn làm tổng thống ở miền Nam, ông Ch. "phất” lên, giàu có hơn các đời trước và đã quyết định dời nhà vào Sài Gòn.

Ở "hòn ngọc Viễn Đông”, qua môi giới của nhiều "đại gia”, ông nhanh chóng tiếp cận với một số chính trị gia có thế lực cũng như một số tướng tá chóp bu trong Bộ tư lệnh quân đội Sài Gòn và nhờ đó ông được họ giới thiệu để đứng ra tìm kiếm đồ cổ quý hiếm bổ sung vào bộ sưu tập của gia đình tổng thống Diệm (theo cụ Vương Hồng Sển, ông Diệm rất mê đồ cổ, có lần đã mời cụ Vương vào dinh Độc Lập để "tham vấn”). Tuy ở Sài Gòn, nhưng "kho báu” mà ông Ch. nhắm đến là các đồ cổ ở cố đô Huế đang nằm trong tay bà Từ Cung (thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại). Nhiều lần ông Ch. xin mua các món đồ quý nhưng bà Từ Cung từ chối. Ông vẫn nuôi ý định vươn tay tới cửa "kho báu” kia. Một dịp hiếm có đã đến trong chuyến du lịch qua Pháp của ông.

Trên đất Pháp ông may mắn tiếp xúc với "người nhà” của cựu hoàng Bảo Đại (đang sinh sống ở Pháp) và cuối cùng ông đã gặp cựu hoàng trong một bữa tiệc sang trọng do ông "đạo diễn”. Sau bữa tiệc, ông biết cựu hoàng đang rất cần tiền, nên đã gợi ý và trao cho cựu hoàng một số tiền rất lớn, chỉ xin cựu hoàng viết cho một tờ giấy xác nhận (thực chất là giấy nợ). Ông đem tờ giấy nợ ấy về ra mắt bà Từ Cung. Vì không muốn tai tiếng, bà Từ Cung quyết định trao cho ông một số đồ cổ được giữ gìn lâu nay trong kho tương đương với số tiền mà cựu hoàng đã mượn. Nhưng khi lấy được một số đồ cổ có giá trị, ông Ch. thay vì "xé” giấy nợ, hoặc đưa giấy ấy cho bà Từ Cung, thì ông lại… bỏ giấy vào túi mình trở lại. Rồi khôn khéo rút ra một số tiền lớn tương ứng với số đồ cổ trên để trân trọng trao cho đại diện của bà Từ Cung (coi như trả tiền mặt, chứ không phải trừ nợ). Đó là lần thứ nhất ông Ch. "phù phép” để "mua” đồ cổ của bà Từ Cung.


Lần thứ hai, ông Ch. cũng đến với tờ giấy nợ cũ, cũng được trao cho một số đồ cổ tương đương với món nợ và cũng trả tiền mặt, chứ không hủy giấy nợ. Qua hai lần, ông Ch. đã dựa vào tờ giấy nợ của cựu hoàng để "mua” một số đồ cổ quý hiếm và dĩ nhiên, ông thu được số tiền lời khổng lồ… Về sau, bà Từ Cung không chấp thuận "cách mua” khéo như thế nữa, ông lại nằn nì xin mua một món đồ đang trưng bày trong phòng, nhưng bà Từ Cung không ưng thuận, ông đã lộ vẻ bực bội ra mặt và ném cả điếu thuốc lá đang hút xuống sàn nhà, biểu lộ thái độ thiếu trân trọng và ra về.

Những năm sau, ông Ch. tạo cả một gia sản lớn, đến tháng 4.1975, trước khi quân cách mạng tiến vào Sài Gòn, ông Ch. bằng sự quen biết đặc biệt của mình, đã có riêng một chiếc tàu chở hầu hết những cổ vật quý hiếm của ông theo đường biển sang Pháp. Ở Pháp, ông thuê một người Pháp rành rỏi về cổ vật Việt Nam để giúp ông giới thiệu với những nhà sưu tập người Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ và nhiều nước khác. Người ta đồn chính chuyên viên người Pháp này và vợ của ông đã đi lại với nhau thân mật vượt khỏi giới hạn của quan hệ bình thường. Có người mách chuyện ấy với ông, một bữa ông đã gọi cộng sự người Pháp vào phòng riêng của mình để đối chất. Hai người cãi cọ một lúc, rồi không biết sao ông bị ngã từ tầng cao xuống đất chết. Tất cả gia sản nhiều đời gom góp đều bỏ lại nơi đất khách. Kết luận câu chuyện trên, một nhà sưu tập yêu cầu giấu tên, đã nói: "Nếu bảo đồ cổ có ma thì trường hợp của ông Ch. là trường hợp của "ma nhân quả”, vì ông đã ôm vào người quá nhiều món đồ mà chủ sở hữu phải bán đi trong luyến tiếc, hoặc mất mát vì trộm cướp, vì loạn lạc, vì thời thế đổi thay, chắc hẳn linh hồn của họ vẫn theo ông để được nhìn những gì mình yêu quý trôi dạt về trời Tây!”. Người khác bảo, ông Ch. phải hứng chịu luật nhân quả "vô hình” nhưng "hữu sự”, trong đó biết đâu có lực chi phối bởi linh hồn của các chủ nhân những món đồ cổ xưa kia, mà nhà Phật gọi là "ma sự”!.

Trở lại với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, qua trao đổi thêm, chúng tôi ghi nhận hai kỷ lục về đồ cổ của vua chúa Việt Nam, đó là :- Kỷ lục về đồ sứ ký kiểu sớm nhất của Thăng Long.- Kỷ lục về đồ gốm sứ cổ được đặt tại nhiều phủ nhất (dưới thời vua Lê - chúa Trịnh).

- Xin ông cho biết vài điều đáng chú ý nhất trên đồ sứ cổ thời vua Lê, chúa Trịnh ở Thăng Long…?

- Điều các bạn hỏi tôi đã có dịp trình bày một cách khá chi tiết trong tập "Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê Trịnh” xuất bản trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua. Theo đó tôi phân tích các đồ sứ ký kiểu (tức những đồ sứ do triều đình Việt Nam gửi kiểu mẫu và đề tài trang trí sang đặt làm tại các xưởng nổi tiếng ở Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây của Trung Quốc), Trung Quốc chỉ việc theo các kiểu mẫu ký gởi sang đó để chế tác đúng yêu cầu đặt hàng của vua Lê - chúa Trịnh. Dưới đáy các vật phẩm gốm sứ ký kiểu trên thường có ghi: Nội phủ thị trung, thị hữu, thị đông, thị đoài, thị nam, thị bắc và ghi Khánh Xuân thị tả…



Và tập sách Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê Trịnh do ông biên soạn


- Các bạn trẻ ngày nay khi nghe các tiếng: Nội phủ thị trung, thị hữu, thị đông, thị đoài… thì phần đông không hiểu là để chỉ các cơ quan nào, các vị trí nào trong cung vua, phủ chúa Thăng Long ngày trước?


- Tôi giải thích rõ, hai chữ Nội phủ theo Việt Nam tự điển do Hội Khai Trí Tiến Đức Sài Gòn, Hà Nội - Văn mới 1954, ghi nghĩa: "là kho tàng của nhà vua”. Kho tàng Nội phủ ấy có nhiều tên gọi kèm theo ứng với các vị trí trong "phủ” thường được ghi dưới đáy vật phẩm gốm sứ để cất giữ và sử dụng đúng nơi, gồm:


Thứ nhất là Nội phủ thị trung: với các đồ gốm sứ sử dụng tại chính điện, dành riêng cho vua, trang trí hình rồng 5 móng bay lượn giữa mây lành và sóng nước.
Thứ hai là Nội phủ thị hữu: dành cho cung điện bên phải, thường trang trí rồng và phượng trên các đồ ký kiểu.
Thứ ba là Nội phủ thị đông: dành cho cung điện phía đông, với biểu tượng trang trí là rồng, lân và chim hoa.
Thứ tư là Nội phủ thị đoài: dành cho cung điện phía tây, nhưng không gọi là nội phủ "thị tây” vì kiêng húy mỹ hiệu của Tây Vương Trịnh Tạc nên đổi chữ Tây thành chữ Đoài, với biểu tượng trang trí là người, phượng hoàng và phong cảnh.
Thứ năm là Nội phủ thị nam: dành cho cung điện phía nam với đề tài trang trí hoa sen, hai con cua hoặc cành lau.
Thứ sáu là Nội phủ thị bắc: dành cho cung điện phía bắc với đề tài trang trí thường thấy là hoa mẫu đơn và bươm bướm.


Chiếc đĩa cổ trong bộ sưu tập

Ngoài 6 hiệu đề "Nội phủ” trên các đồ gốm sứ cổ đã nêu, vua chúa Thăng Long thời Lê - Trịnh còn ghi thêm một hiệu đề khác là "Khánh Xuân” có nghĩa là "Chúc mừng xuân” trên các đồ ký kiểu ngày trước nữa. Có thể đó là một cung điện mang tên Khánh Xuân dành riêng cho vua chúa cử hành nghi lễ vào tết nguyên đán và những ngày đầu xuân hàng năm. Song cũng có thuyết cho rằng "thời trước, Tây vương Trịnh Tạc vào triều chầu vua Lê được khỏi lạy và được đặt một cái sập bên trái của ngai vua Lê để ngồi nên hiệu đề Khánh Xuân Thị Tả là để dành riêng Trịnh Vương sử dụng. "Đó cũng chỉ là giả thiết chứ chưa có cứ liệu chính xác”. Nay thời vàng son của vua Lê - chúa Trịnh đã theo dòng lịch sử trôi vào quá khứ, một số đồ gốm sứ thời ấy vẫn còn đó gợi chúng ta liên tưởng đến cảnh giới của những linh hồn đế vương nay chẳng rõ về đâu trong cõi vô thường.

Rất cám ơn ông. Hy vọng sẽ trở lại đề tài này một lần nữa…
Theo kyluc.vn