Đây là bài của Thầy tôi về Gương trong Phong Thủy xin tặng hội viên.
Những Chiếc Gương Soi Trong Khoa Phong Thủy
Tác giả: Quảng Đức
Hoàng Công Sư Tổ dạy phép Dương Trạch trong Thiên Tinh Tâm Pháp có nhắc:
"Một Âm, một Dương gọi là Đạo.
Một Động, một Tĩnh gọi là Khí.
Một Đến, một Đi gọi là Vận".
Rõ ràng người chỉ mới nói về Khí chứ chưa nói về Hình. Mà Hình và Khí thì hoàn toàn khác biệt như Âm khác với Dương, như Tĩnh khác với Động. Lưu Đơn Tố trong Kim Hàm Thư giải thích: Âm là Cường, Dương là Nhược. Nhược gần Cường mà sinh thành vạn vật. Dương tính nhu nhuyễn, Âm tính cường kình. Cường Kình mà gần Tế Nhược thì sẽ hóa thành sinh khí.
Lưu Giang Đông trong Thiên Bảo Kinh ghi rõ: Mạch Cường thì thế đến hoàn toàn Âm, trông như mũi kiếm, sống kiếm, hình dáng và khí thế cực kỳ cương mãnh, hiễn lộ rõ ràng không chút ẩn giấu, thế đến không hề có ý tiếp thụ, như vậy tức ngụ ý kẻ tiểu nhân, cũng gọi là cường. Mạch Nhược thì thế đến hoàn toàn Dương, mềm mỏng, tựa hồ không kham nổi, tính thế ẩn dấu chứ không lộ liễu, khí thế có ý tiếp thụ chứ không cương mãnh, như vậy là ngụ ý bậc quân tử, cũng gọi là nhược.
Tạ Giác Trai trong Đảo Trượng Thi viết: Hai chữ Âm Dương rất khó làm rõ. Mấy ai hay biết cái Tinh của tạo hóa. Âm nhũ giống như Dương vật của Nam. Dương oa giống như sản môn của người Nữ. Nếu hỏi ta trong địa huyệt, cái gì Cường hơn thì Cường chính là Âm, mạch tượng cương mãnh. Cường và Âm vốn sẳn một lý, sai một phân sẽ dẫn đến nguy hiểm.
Khoa Phong thủy chính là thuật xem tướng đất để chọn lành tránh dữ. Mà xem tướng thì buộc phải coi trọng về Hình Dáng bên ngoài. Cứ như lời dạy của các Tổ Sư Phong Thủy nêu trên, thì hể thấy Hình dạng mà đồ sộ, cương cường, sắc nhọn, lồi, cao thì y rằng là Âm Khí, ngụ ý tiểu nhân. Hể thấy Hình dạng mà lõm, thấp, bằng phẳng, nhu mì thì chắc chắn phải là Khí Dương, ngụ ý là bậc quân tử. Mới thoạt nhìn thì có vẽ như ngược ngạo, nhưng cứ quan sát thực tế thì rõ. Càng về phương Bắc càng lạnh, Âm khí càng nhiều thì núi non càng cao, càng cương cường bạo liệt. Càng về phương Nam, càng ấm nóng, Dương khí cùng khắp thì đất đai bằng phẳng nhu mì. Hay cứ thử quan sát hình dạng của nước thì thấy: Nước lạnh dưới Âm độ thì sẽ vón đông cục, đặc cứng. Tại Dương độ nóng ấm, Nước sẽ ở dạng lỏng chảy, nhu nhuyễn. Vậy thì, cho dù Phong Thủy là một hiện tượng văn hóa, quan niệm của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có thể mỗi nơi một khác. Thế nhưng, Âm Dương Hình Khí nhất định phải đồng nhất: Dương là ánh sáng, Âm là bóng tối. Hình của Dương thì lõm thấp, nhu mì, ngụ ý bậc quân tử. Những hình thể cao, nhọn, trông như mũi kiếm, khí thế cực kỳ cương mãnh ấy chính là Âm Khí, ngụ ý tiểu nhân.
Những gì nhọn, lồi, thoạt trông như mũi hoặc sống kiếm, khí thế cương mãnh mà đâm vào, thì chắc trăm phần là đã gặp phải đồ tiểu nhân. Vì vậy, những đòn dông của nhà hàng xóm nhọn hoắc đang chĩa thẳng, hoặc những Con Đường đâm vào nhà nào, thì y như rằng ngôi nhà ấy đang bị Khí Âm xung phạm. Xung phạm mà không hóa giải, lâu ngày người trong nhà sẽ gặp nhiều tai họa, hay hoặc bệnh tật triền miên. Hầu hết các sách Phong Thủy xuất bản gần đây, cho dù vẫn còn lẫn lộn giữa Hình và Khí, nhưng các tác giả lại đều có cùng một cách xử lý gọi là để hóa giải, là đề nghị treo một tấm gương ở gốc độ nào có khả năng phản chiếu lại đòn dông, hay con đường đâm thẳng, nhằm để xung tán và phản đẩy khí Âm trở lại. Gương này được gọi là Gương Phong Thủy.
Theo Lý Thời Trân, nhà Y Dược học đời nhà Minh thì Gương ngày xưa gọi là Giám, là vật để soi. Xưa, Gương làm bằng Đồng, nhờ kỹ thuật đúc Đồng của người xưa đã đạt đến mức tuyệt kỷ. Kỹ thuật tráng Bạc trên mặt phẳng thủy tinh, bằng cách xử dụng Nitrate bạc tác dụng với Muối kép trong môi trường xúc tác của Amoniac thì phải chờ đến cuối Minh đầu Thanh mới rộ. Thời Kỳ đầu, theo sách vở để lại, các thầy Lang dùng Gương đồng là để trị bệnh tà ma, nhiễm khí. Những tấm Gương bằng đồng cổ xưa còn lưu lại, đều có khắc chạm những đường cong Phù chú ngoằn nghèo, có tác dụng để chữa bệnh hơn là dùng cho Thuật Phong Thủy. May ra những tấm gương đằng trước ngực áo giáp của các Tướng Sĩ đời xưa thì có thể gọi là Gương Phong Thủy. Gương này được gọi là Gương Hộ tâm - Tâm đây là Tim - Không rõ những áo giáp có gương Hộ Tâm, khả năng làm cho địch quân khiếp vía vỡ Tim, hay là làm cho người mặc vững Tim mà chiến đấu không thì chưa rõ, nhưng chắc chắn chung quanh các chiếc gương Hộ Tâm cũng có những đường ngoằn nghèo của các loại Hoa Văn Phù Chú. Những Hoa Văn Phù Chú này, hệt như đường vẽ thực tế của núi sông, chắc chắn phải có một công năng khí cảm nào đó.
Hạt nhân của Khoa Phong Thủy là Khí. Căn bản của Khoa Phong Thủy là lấy sự hài hòa làm trọng. Âm đến thì dùng Dương mà hóa khí. Dương đến thì tìm Âm mà thành hình. Âm thì phải có Dương. Dương thì phải có Âm. Đủ Âm, đủ Dương thì vạn vật mới sinh thành, cho nên các nhà Phong Thủy rất coi trọng luật tham sinh kỵ khắc của tạo hóa. Đất đai, nhà cửa cũng như con người chỉ thích đi sinh chứ không thích đi khắc. Danh Y Hải Thượng Lản Ông để lại cho đời tập Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh cũng dạy nên Bổ chứ không nên Tả. Bổ Tim, Bổ Phổi, Bổ Thận...... kẹt lắm mới thấy thầy dạy Tả. Hình thức Tả nhanh gọn trong y khoa, là đưa ngay vào phòng mỗ mà cắt xén cái cụp, thì cũng y như khoa Phong Thủy dùng Gương để mà tán, là vì gương có tính phản quang, khả năng phân tán được những Khí xấu. Nhưng nếu Gương mà tán được Khí Xấu, thì xem chừng Gương cũng lại có khả năng phân tán được những Khí Tốt. Mặt khác, Gương chỉ có thể để tán, chứ Gương không đủ khả năng để hóa giải. Căn bản của hóa giải là dựa vào vòng tương sinh của Ngũ hành là Thủy sinh Mộc - Mộc sinh Hỏa - Hỏa sinh Thổ - Thổ sinh Kim - Kim sinh Thủy. Mức độ hóa giải lại tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm tay nghề, nghĩa là phải cần Tinh lẫn Chuyên. Tán thì dễ mà Hóa Giãi thì khó. Cần phải cẩn trọng, phải phân tích được thua trước khi chọn giải pháp dụng Gương. Là vì, dùng Gương thì cũng y hệt như dùng dao hai lưỡi vậy.
Từ lâu, các chuyên gia trang trí nội thất đã biết là cần phải phối hợp với thuật Phong Thủy để sao cho kỹ thuật trang trí vừa đẹp mắt, vừa đem lại tốt lành cho gia chủ. Những năm gần đây, khoa Phong Thủy bỗng rộ lên tại các nước phương Tây. Một số nhà viết sách bén nhạy với thị trường, kịp thời tung sách dạy người trang trí nội thất theo quan niệm phong thủy. Lại cũng có một số tác giả viết sách dạy Phong Thủy theo quan niệm của kỹ thuật trang trí nội thất. Tác giả nào cũng có cố gắng hướng dẫn và giải thích rõ cho độc giả, cho nên sách nào cũng thừa hấp dẫn và có tính thuyết phục rất cao. Người đọc, chắc hẳn, rồi một ngày nào đó, sẽ dần dần đi vào mê cung, không còn phân biệt được sách nào là sách dạy Phong Thủy, sách nào là sách dạy người trang trí? Để giải thích tại sao người đời thường hay dùng Gương phản chiếu lại những cái đòn Dông, hay con đường đâm thẳng vào nhà, tất cả các tác giả đều cùng quan điểm là vì Gương có tính phản quang, khả năng đẩy ngược lại những Âm Khí đang hướng vào nhà, lâu ngày sẽ gây nên tai họa. Nhưng, cũng cùng tác giả lại lật ngược cho rằng nên dùng Gương để nhằm thu hút các hình ảnh bên ngoài tạo cảm giác chiều sâu, hoặc treo gương để tạo ảo giác về khoảng không gian mở rộng.
Có tác giả lại giải thích nên treo gương chung quanh phòng khách để vừa làm cho phòng rộng thêm ra, và làm tăng gấp đôi bàn ghế bày biện trong phòng. Lại cũng có tác giả đề nghị dùng gương treo trên vách bên cạnh hay đằng sau quầy tính tiền để quầy tiền được tăng gấp đôi tại các cơ sở thương mãi. Khi bị Âm Khí đang chĩa thẳng vào thì dùng Gương mà tán ra, nhưng khi kề cạnh quầy tiền thì dùng gương để thu hút hình ảnh, làm tăng gấp đôi lợi nhuận. Loại Gương có thể tự điều chỉnh gặp Tiền thì Thu vào, gặp hiểm họa thì Tán ra thì đích thị phải là: Gương Thần. Hèn chi người đời xưa đã sớm biết dùng Gương để chữa bệnh tà ma quỷ yếm? May mà khoa học càng ngày càng phát triển, có thể giải thích được tại sao những mũi nhọn của đòn Dông lâu ngày gây ra hiểm họa, nhờ vào các khảo sát Làn Sóng Ánh Sáng hay hiện tượng Sóng Vi Ba trong Vũ Trụ. Vả lại, tính phản quang của Gương là tính Thật trăm phần trăm, những hình ảnh xuất hiện sau Gương chỉ là ảnh Ảo hay chỉ là ảnh Giả mà thôi.
Tính phản quang của Gương là Thật. Ảnh xuất hiện trong gương là Giả. Bên thiệt, bên giả, đen trắng rõ ràng, phân biệt được đúng sai, để khi dùng Gương mục đích trang trí nội thất, để soi mặt hay dùng Gương cho Phong Thủy thì phải cẩn thận. Là vì, ngoài mặt giả của ảnh ảo, Gương còn mặt thật là phản chiếu và khả năng đưa rọi ánh Sáng. Dương là ánh sáng, Âm là bóng tối thì Gương phải đặt tại nơi Dương mới có thể đưa rọi ánh sáng sang được những chổ tối. Ngược lại nếu Gương được đặt ngay tại những nơi Âm hoặc những nơi tối tăm thì hoàn toàn vô ích. Trước khi đặt để Gương, cho dù để trang trí hay để soi rọi, thì trước tiên gia chủ phải biết trong nhà, chổ nào Dương, chổ nào thì Âm, chổ nào Tốt và chổ nào thì Xấu. Gương nhất định phải được đặt tại các chổ TỐT trong nhà, là vì Gương có khả năng phân tán cái Tốt rộng ra. Như vậy, treo gương ở phòng khách để làm rộng phòng khách thêm ra, là theo quan niệm của Trang Trí Nội Thất, chứ không phải của khoa Phong Thủy. Khoa Phong thủy chỉ đề nghị treo gương tại Phòng Khách nếu phòng khách đang tại vị trí Tốt trong nhà, nghĩa là đang tại Kiết Du Niên. Hay hoặc khoa Phong Thủy sẽ đề nghị đặt Gương sau quầy tính tiền, không phải để nhân đôi quầy tính tiền, mà vì chổ đặt quầy tính tiền thường đã được các nhà Phong Thủy cho đặt tại những Kiết Du Niên hay gọi là những chổ Tốt.
Cách đơn giản nhất là dùng la bàn đặt tại tâm của căn phòng hay căn nhà đang ở để định hướng của Cửa phòng hay Cửa nhà. Nếu Cửa của phòng hay Cửa của nhà nằm trong 4 hướng: Chính Đông, Đông Nam, Chính Bắc và Chính Nam thì 4 khu vực này là 4 khu vực Tốt. Khoa Phong Thủy gọi là 4 kiết du niên tại Đông, Đông Nam, Bắc và Nam. Trái lại, nếu Cửa của phòng hay của nhà nằm trong 4 hướng: Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc thì 4 khu vực này mới là 4 khu vực Tốt của căn phòng, hay của nhà. Khoa Phong Thủy gọi 4 Kiết du niên là tại Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc. Các nhà Phong Thủy đã căn cứ vào Hà Đồ và Lạc Thư của Dịch Lý, phối hợp với Ngũ Hành sinh khắc để giải thích: Phương Bắc hành Thủy. Phương Đông và Đông Nam hành Mộc, Phương Nam hành Hỏa. 4 phương này tương sinh là vì Thủy sinh Mộc và Mộc sinh Hỏa cho nên cùng là Kiết Du niên, nghĩa là 4 Khu vực này là 4 khu vực Tốt. Ngược lại, Phương Tây, Tây Bắc hành Kim và hai Phương Đông Bắc, Tây Nam hành Thổ. Ngũ hành thì Thổ sinh Kim, cho nên 4 phương Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc cùng Kiết Du niên hay gọi là 4 khu vực Tốt là vì vậy.
Bây giờ mời quý vị đọc lại đoạn đầu để nhớ lại những lời của các tổ sư Phong Thủy dạy về Hình và Khí, về Dương và Âm, về Tiểu nhân và Quân Tử. Nhớ cách đơn giản nhất là dùng La Bàn để đo phương hướng. Trước hết, phải căn cứ từ hướng của Cửa phòng hay Cửa nhà mà định vị các kiết du niên, phân biệt Âm Dương, Hình Khí rồi mới dùng Gương phối hợp với mỹ quang của Khoa Trang Trí Nội Thất mà Tán hay để Soi, để Rọi. Nhưng, cách ngắn gọn và chính xác nhất là mời Quý vị tự phân tích, nhận xét lại hoàn cảnh và tình trạng kinh tế gia đình hiện nay:
- Gia đình, vợ chồng đang hạnh phúc, tiền bạc đang vào, con cái học hành càng ngày càng tấn tới, sức khỏe cả nhà đều được Tốt, thì quý vị hãy an tâm: Các tấm Gương treo trong nhà đã đặt đúng tại các Kiết Du niên, nghĩa là đã đúng tại các nơi đầy tràn khí Dương hay là đang tại những vị trí tốt lành.
- Ngược lại, gia đình mà vợ chồng xào xáo, con cái thích chơi hơn học, tiền bạc thâm thủng thiếu thốn, bệnh tật triền miên...... thì xem chừng quý vị đã đặt Gương ở những chổ trật lất, sai bét!
Những tấm Gương biết là đã đặt tại những chổ Sai bét, trật lất, thì xin Quý vị hảy tìm chổ khác mà dời ngay tức thời. Các ngài trang trí nội thất có khả năng thuyết phục mấy cũng không nên vội nghe. Là vì, những tấm Gương mà cứ tiếp tục treo hay đặt tại những chổ Sai bét thì chắc chắn trong tương lai, sẽ còn làm cho quý vị te tua nhiều hơn nữa!
Quảng Đức.
* Đọc xong bài của Thầy tôi thì cũng xin được nhắc lại " Linh tại ngã bất linh tại ngã"
Bookmarks