Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chúng tôi có một Tổ quốc"
(Tin tức thời sự) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành lại trọn vẹn độc lập quốc gia và thống nhất Tổ quốc. Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn.
Sự kháng cự của cả một dân tộc
Nhà báo: Trước khi đi vào thời kỳ mà cuộc đời ông gắn chặt với những thời điểm quyết định của lịch sử đất nước ông - và lịch sử thế giới - tôi muốn ông nhớ lại thời còn trẻ, ông đã lên lớp giảng dạy môn Lịch sử, như tôi được biết, đó là tại Trường Thăng Long?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đúng là như vậy, Ngôi trường này không có mùi vị thánh thiện gì với nhà cầm quyền thuộc địa! Nhưng phải nói rằng vị Hiệu trưởng là ông Hoàng Minh Giám, một nhà yêu nước chân chính, đảng viên Đảng Xã hội, và các thầy giáo đứng lóp được xem như - thường là đúng - những người cộng sản, và như thế họ được Sở Mật thám giám sát chặt chẽ, trong đó có cụ Đặng Thai Mai, sau này là ông nhạc tôi...
Nhà báo: Có thể đi đến thành lập một nhà nước?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đúng thế. Từ thời Văn Lang. Ăngghen đã nói nhiều lần rằng việc thành lập nhà nước đánh dấu một giai đoạn quan trọng của sự phát triển xã hội loài người. Và cho tới nay người ta có thể khẳng định nền văn minh của chúng tôi ra đời cách đấy rất lâu, có sức sống phi thường.
Ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn trẻ. Ảnh VOV
Nhà báo: Tôi muốn chia sẻ một nhận xét của tôi những khi đến làm việc ở đây, tôi rất chú ý đến vai trò của Lịch sử luôn luôn hiện hữu trong mỗi phản ứng của dân chúng, trong mỗi văn kiện của Chính phủ, trong mỗi cuộc trò chuyện với những người Việt Nam ở mọi giới, ở bất kỳ trình độ học vấn nào, có thể nói Lịch sử dân tộc đã nhập tâm mỗi con người. Hiện tượng đó nổi bật hơn phần lớn những nước khác mà tôi biết, nhất là ở Châu Âu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi hình dung là ông đã nghiên cứu lịch sử Châu Âu thời Trung cổ. Ông đã thấy ở đó nhiều cuộc giao tranh giữa các tập đoàn phong kiến, những vụ chém giết, tranh giành lẫn nhau giữa các phe phái. Tính chất dân tộc được khẳng định muộn với những giai đoạn nổi bật như cuộc chiến tranh của Jeanne d' Are ở nước ông.
Nước Việt Nam ra đời từ những cuộc chiến tranh liên miên để bảo vệ sự tồn tại của dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa dân tộc, những cuộc chiến tranh dân tộc. Cuộc xâm lược đầu tiên được nói đến trong thư tịch xưa là của Tần Thủy Hoàng ở thế kỷ III trước Công nguyên.
Cái nôi của nền văn minh Trung Hoa là thung lũng sông Hoàng cách biên giới phía nam ngày nay của Trung Quốc hàng nghìn cấy số. Tần Thủy Hoàng đã lần lượt thu phục hàng trăm tiểu vương quốc ở miền Nam Trung Hoa và thống nhất lại thành một đế quốc rộng lớn.
Nhưng khi tiếp xúc với nền văn minh Văn Lang, Tần Thủy Hoàng đã vấp phải sự kháng cự của cả một dân tộc. Thư tịch cố Trung Hoa cũng đã nói đến điều này.
"Dân chúng chống lại. Họ cử ra những người can đảm nhất, thông minh nhất chỉ huy cuộc kháng chiến. Ban ngày họ ẩn nấp nơi kín đáo, ban đêm họ xông ra để đánh lại quân Tần". Thư tịch xưa cũng nêu rõ con số người chết trong hàng ngũ quân đội nhà Tần là rất lớn.
Cuối cùng quân Tần lần đầu tiên bị thua. Rồi sau đó còn nhiều cuộc chinh phục nữa. Thế kỷ I trước Công nguyên, đất nước tôi bị phong kiến phương Bắc đô hộ kéo dài hơn một nghìn năm. Thời gian đô hộ quả là rất dài và có lẽ quá đủ để đồng hóa cả một thực thế chính trị không được bám sâu trong dân tộc. Vậy mà người ta nhận thấy việc đồng hóa đã không thực hiện được.
Trong hơn một nghìn năm đó, dân tộc chúng tôi từ trước cuộc chinh phục đã được khẳng định thay vì bị hòa tan. Đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên do hai chị em họ Trưng vào đầu thế kỷ I sau Công nguyên.
Đặc điểm của cuộc khởi nghĩa này là mang tính chất nhân dân. Thư tịch Trung Quốc cũng miêu tả cho chúng ta biết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lan rộng khắp 65 huyện, thành, tức là hầu hết vùng châu thổ khắp cả nước.
Cuối cùng, vào thế kỷ X đã có cuộc tiến công có tính quyết định chống lại kẻ chiếm đóng. Năm 905, toàn thể dân chúng một lần nữa nối lên và Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng, một nhà hiền triết được toàn dân kính trọng tôn làm người đứng đầu chính quyền tự chủ. Mấy năm sau một tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đánh đuổi người Trung Quốc ra khỏi đất nước.
Nhưng ông bị nội phản ám hại, con rể là Ngô Quyền kéo quân về kinh đô một lần nữa đánh đuổi quân nhà Hán định lấy lại vùng châu thổ. Có lẽ ông đã biết chuyện chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 939, Ngô Quyền đã cho cắm xuống cửa sông những dãy cọc to vót nhọn.
Khi chiến thuyền quân Nam Hán tiến gần vào lúc thủy triều lên, Ngô Quyền giả thua rút chạy. Quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo. Khi thủy triều xuống, Ngô Quyền đã quay lại và phản công mãnh liệt. Quân Nam Hán cố chạy trốn nhưng thuyền chiến của họ đâm vào cọc đều bị đắm cả.
Nhà báo: Tôi có ấn tượng rất rõ là một nghìn năm sau, khi người Việt Nam nói về những sự kiện đó đều giữ trong trái tim một niềm tự hào. Đó là chủ nghĩa dân tộc hay là chủ nghĩa yêu nước?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi gọi đó là chủ nghĩa yêu nước và chỉ là chủ nghĩa yêu nước. Bởi lẽ ông đừng quên rằng tôi chỉ nêu lên những giai đoạn chiến tranh bảo vệ dân tộc, Tổ quốc chúng tôi bị chà đạp. Tổ tiên của chúng tôi đã biết đánh đuổi kẻ áp bức. Thế rồi bắt đầu thời kỳ thứ hai, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Một bên là nước Đại Việt - một vương quốc Việt Nam độc lập. Một bên là nước Trung Hoa đã thống nhất.
Trong thiên niên kỷ thứ hai này không có một triều đại nào của phong kiến Trung Hoa không muốn sáp nhập nước chúng tôi vào đế quốc của họ. Tất cả đều thất bại, ngay cả cuộc xâm lược thế kỷ XIII của đế quốc Nguyên - Mông của Thành Cát Tư Hãn - người đã chinh phục phần lớn lục địa Trung Hoa.
Tại Việt Nam, quân Nguyên - Mông đã ba lần kéo sang xâm lược. Cả ba lần họ đã tới được kinh đô, lúc đó gọi là Thăng Long. Ba lần họ đều bị đánh đuổi và thất bại nhục nhã. Chắc ông biết rõ thiên tài quân sự vĩ đại của tướng quân Trần Hưng Đạo, một trong những vị anh hùng dân tộc của chúng tôi, đã đánh bại quân xâm lược Mông Cổ.
Tôi xin kể lại một giai đoạn. Cách đây vài năm, tôi đến thăm bảo tàng Ulambato của các đồng chí Mông Cổ, ở đó có trưng bày một tấm bản đồ về châu Á thời Trung cổ thể hiện nước Mông Cổ thời cực thịnh, bao gồm cả Việt Nam. Tôi nói với đồng chí giám đốc bảo tàng, Việt Nam là một trong số ít nước người Mông Cổ không chiếm được lâu. Tôi nói một trong số ít nước vì còn có Nhật Bản được biển bảo vệ.
Việt Nam có cầu viện lịch sử không?
Nhà báo: Một thử thách lớn khác: cuộc xâm lược và đô hộ của nhà Minh đầu thế kỷ XV?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nền đô hộ đó "chỉ" kéo dài hơn mười năm nhưng rất ghê gớm đối với người dân và cả dân tộc chúng tôi. Nước Trung Hoa lúc đó đã trở thành một quốc gia hoàn chỉnh với một nền văn minh tỏa sáng. Nói thế có nghĩa là ý đồ đồng hóa còn lớn hơn nữa so với thời kỳ đô hộ ở thiên niên kỷ thứ nhất. Người Minh đã có một kế hoạch được bàn bạc kỹ lưỡng, có hệ thống nhằm xóa bỏ hoàn toàn dân tộc Việt Nam, biến Việt Nam thành một tỉnh của mình.
Do đó có chiếu chỉ của hoàng đế nhà Minh là: đốt hết sách vở, phá hủy bia ký, không để lại một chứng tích nào về nền văn minh Đại Việt, ép buộc người Việt phải theo phong tục của phong kiến Trung Quốc. Người ta bắt thợ thủ công, tất cả những ai có kiến thức công nghệ đem về Trung Hoa. Chính lúc đó, Lê Lợi có Nguyễn Trãi phò tá, đứng lên lãnh đạo cuộc đấu tranh dân tộc. Đó là một cuộc chiến tranh thật sự của toàn dân. Mỗi người Việt Nam đều tham gia chiến đấu.
Nhà báo: Không thể không có nhận xét sáng suốt này: các ông có cầu viện Lịch sử điều gì không? Tinh thần yêu nước của các ông là hiển nhiên. Tuy nhiên nhiệt tình của các ông có đưa các ông đi quá xa không? Ví như các ông sử dụng thường xuyên cụm từ "Dân tộc" theo nghĩa từ những thời kỳ xa xưa, có xem đó là vật bảo chứng không? Như thế có phải là lỗi thời không?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hãy đọc lại Nguyễn Trãi, ông sẽ thấy trong đó có hai khái niệm được cách tân một cách đáng ngạc nhiên. Khái niệm "nhân". Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này, nếu ông muốn. Không phải hôm nay tôi nói đến "dân tộc", đến "quốc gia" Việt Nam. Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đã để lại một tác phẩm khêu gợi lòng yêu nước, theo tôi biết, đó là một tác phẩm xưa nhất của tư tưởng phổ biến toàn nhân loại:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Có bài thơ nào thấm đẫm lòng tự hào dân tộc như thế không? Theo con mắt của Nguyễn Trãi, điều không thể chối cãi, nước Đại Việt là một quốc gia, một dân tộc vì Đại Việt là một quốc gia riêng biệt có phong tục tập quán riêng, trong đó cộng đồng dân cư người Việt có nền văn hóa - văn minh và quá trình phát triển lịch sử chung trong một lãnh thổ được xác định bền vững...
Trên hết là một tinh thần độc lập, vượt qua mọi thử thách. Ngày nay, nhiều bình luận có một nhược điểm ngay từ gốc là đánh giá thấp nhu cầu cấp thiết có từ sớm của chúng tôi phải đối phó với nguy cơ từ bên ngoài. Nhu cầu đó đã làm nảy sinh sự thống nhất dân tộc dưới nhiều dạng khác nhau. Ví như, người ta tìm thấy tại Việt Nam một số hình thái dân chủ ở cơ sở mà phong kiến châu Âu không hề biết. Phần lớn bản thân các tầng lớp phong kiến đều muốn độc lập cho đất nước. Họ hiểu rằng chỉ có chiến tranh toàn dân mới đánh đuổi được bọn xâm lược. Trần Hưng Đạo cho rằng phải "sâu rễ, bền gốc", nghĩa là nhân dân là những rễ giữ cho cây đứng được vững bền.
Nhà báo: Vậy, người ta có thể khẳng định Việt Nam đã có một nền văn minh riêng của mình?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đến lượt tôi xin hỏi lại ông: trên thế giới này có nước nào lại không có một nền văn minh riêng?!
Nhà báo: Chắc chắn là không.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trong toàn bộ lịch sử, có những sự giao thoa thường xuyên giữa các nền văn minh. Vậy tuyệt nhiên không có vấn đề nhận định rằng Việt Nam có một nền văn minh hoàn toàn tách biệt khỏi mọi nền văn minh khác, đặc biệt là nền văn minh Trung Hoa. Nhưng tôi tin rằng, người ta có thể nói đến một cá tính riêng với các khía cạnh khác hẳn nền văn minh Trung Hoa. Chúng ta hãy lấy Đạo Khổng làm ví dụ. Ngay từ thời Bắc thuộc, các thầy học thời đó đã muốn áp đặt cách tư duy Khổng học cho người dân Việt.
Đạo Khổng, đó là ý thức hệ phản ánh trước hết quan điểm của các chủ nô, địa chủ. Khổng phu tử và đồ đệ trực tiếp của ông sống trong một nhà nước nô lệ đang suy tàn và đã biết chế độ phong kiến đang hình thành ở nước Trung Hoa cổ đại. Họ bày tỏ sự miệt thị với lao động, những người lao động chân tay, họ hết sức tách biệt những người "tử tế", những "quân tử" khỏi người dân. Vận mệnh người dân chỉ là hầu hạ.
Ở Việt Nam, nguy cơ trực tiếp đặt ra sự cần thiết phải tôn trọng - ít nhất là một phần - nhân dân, gắn người dân với cuộc chiến cho dân tộc. Ông hãy đọc lại Nguyễn Trãi một lần nữa, hãy nghiên cứu hành động của Lê Lợi, không có dấu tích gì tỏ ra khinh miệt nhân dân. Trái lại.
Một vấn đề khác: Khổng tử không biết đến khái niệm "Tổ quốc". Ông đi chu du hết nước này đến nước khác. Còn chúng tôi, chúng tôi có một Tổ quốc.
Nhà báo Alain Ruscio (Theo sách "Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời" xuất bản năm 2011 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng)
Bookmarks