Một số rau quả giúp tăng cường thị lực
1.Các cụ ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đôi mắt còn được ví như "cửa sổ tâm hồn". Chính vì thế, việc giữ gìn đôi mắt vô cùng quan trọng. Chúng tôi xin bật mí một số loại rau quả giúp tăng cường thị lực.
1. Quả Kiwi
Những nghiên cứu khoa học trên thế giới tiếp tục chứng minh ảnh hưởng to lớn về mặt dinh dưỡng của quả kiwi đối với sức khỏe con người. Một quả kiwi bé nhỏ có thể chứa lượng dinh dưỡng rất dồi dào có tác dụng to lớn đến nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, phổi, mắt…
Một trái kiwi vàng với trọng lượng 100g có thể đem lại 2.2mg vitamin E cho cơ thể, kiwi xanh là 1.45mg, trong khi đó táo chỉ đem lại 0.2mg và nho chỉ nhỉnh hơn táo một chút với tỉ lệ 0.25mg.
Đối với những người có bệnh về đường ruột, đại tràng, bao tử thì kiwi là một liều thuốc thiên nhiên góp sức vào chức năng tiêu hoá của cơ thể, tăng cường chức năng của dạ dày và giúp làm giảm táo bón.
Điều đặc biệt nhất là trái kiwi có thể đem lại cho người dùng một làn da mềm mại, một mái tóc mượt mà óng ả nhờ có tỉ lệ chất chống õxy hóa (Lutein) rất cao: (kiwi vàng: 310mg/100g, kiwi xanh: 120mg/100g) trong khi đó, táo: 25mg/100g và nho: 70mg/100g.
Trái kiwu còn làm giảm đáng kể sự tích tụ các tiểu huyết cầu - phản ứng lại việc phóng thích ra collagen trong máu, giúp giảm tỉ lệ máu bị đóng cục, làm cho khí huyết lưu thông, tránh được bệnh tai biến mạch máu não và các bệnh về tim mạch.
2. Cà rốt
Cà rốt là một trong những loại rau trồng rộng rãi nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Người Lã Mã gọi Cà rốt là nữ hoàng của các loại rau. Cà rốt cũng được trồng nhiều ở nước ta. Hiện nay, các vùng rau của ta đang trồng phổ biến hai loại Cà rốt: một loại có củ màu đỏ tươi, một loại có củ màu đỏ ngả sang màu da cam.
Cà rốt là một trong những loại rau quý nhất được các các thầy thuốc trên thế giới đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh đối với con người. Cà rốt giàu về lượng đường và các loại vitamin cũng như năng lượng. Các dạng đường tập trung ở lớp vỏ và thịt nạc của củ; phần lõi rất ít. Vì vậy củ cà rốt có lớp vỏ dày, lõi nhỏ mới là củ tốt. Trong 100g ăn được của Cà rốt, theo tỷ lệ % có: nước 88,5; protid 1,5; glucid 8,8; cellulose 1,2; chất tro 0,8. Muối khoáng có trong Cà rốt như kalium, calcium, sắt, phosphor, đồng, bor, brom, mangan, magnesium, molipden... Đường trong Cà rốt chủ yếu là đường đơn (như fructose, glucose) chiếm tới 50% tổng lượng đường có trong củ, là loại đường dễ bị oxy hoá dưới tác dụng của các enzym trong cơ thể; các loại đường như levulose và dextrose được hấp thụ trực tiếp.
Trong Cà rốt có rất nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B; ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất caroten (cao hơn ở Cà chua); sau khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hoá dần thành vitamin A, vitamin của sự sinh trưởng và tuổi trẻ.
3. Cải bó xôi (Rau chân vịt)
Rau chân vịt chứa nhiều vitamin thiết yếu đối với cơ thể như: A, K, D, E và một loạt các khoáng chất. Ngoài ra, loại rau này là một nguồn axit béo thực vật omega 3 dồi dào. Các carotenoid được tìm thấy trong rau chân vịt bảo vệ mắt khỏi các bệnh như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Bạn nên mua rau chân vịt còn tươi xanh. Rau tươi xanh chứa rất nhiều vitamin C. Rau chân vịt chứa nhiều axit oxalic. Do đó, nếu bạn mắc các bệnh về thận thì không nên ăn quá nhiều rau chân vịt.
4. Cà chua
Quả cà chua có nhiều vitamin, chất khoáng và vi khoáng dễ hấp thu, giúp cho cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, phòng chống nhiễm trùng. Cà chua có chứa nhiều beta-caroten. Sau khi được hấp thu vào cơ thể, beta-caroten chuyển hóa thành vitamin A và đóng vai trò như một chất chống oxy hóa bảo vệ các bộ phận trong cơ thể cơ thể, đặc biệt là mắt. Vitamin A sẽ tạo sắc tố võng mạc giúp mắt điều tiết và nhìn tốt hơn.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tác dụng đặc biệt của cà chua đối với sức khỏe. Quả cà chua có nhiều vitamin, chất khoáng và vi khoáng dễ hấp thu, giúp cho cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, phòng chống nhiễm trùng. Lycopen và beta-caroten có tác dụng chống oxy hóa mạnh, chế độ ăn tăng cường cà chua đã góp phần làm chậm quá trình lão hoá và làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng….
Cà chua ăn tươi, làm nước ép thì không bị mất vitamin C nhưng khi nấu chín như làm sốt cà chua, nấu canh với sườn, với thịt nạc hay riêu cua, riêu cá… lại làm tăng khả năng hấp thu Lycopen và beta-caroten. Cà chua có lợi cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Đối với chị em phụ nữ, ăn nhiều cà chua sẽ có làn da khỏe đẹp, giảm nguy cơ béo phì và giảm nguy cơ ung thư vú.
5. Cây hẹ
Hẹ là một cây gia vị và cây thuốc quen thuộc của nhân dân ta. Ở nông thôn, hẹ được trồng khắp nơi để làm gia vị, thức ăn và làm thuốc chữa ho, chữa đầy hơi, ợ hơi, ăn không ngon, tăng cường tiêu hóa,..
Theo y học dân tộc, hẹ có vị cay, hơi chua, mùi hăng, tính ấm, có tác dụng tán ứ, hoạt huyết, tiêu độc, tiêu đờm, cầm máu, làm sáng mắt.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, trong lá và củ hẹ có chất sunfua, saponin, chất đắng và một hoạt chất đặt tên là odorin có tác dụng kháng sinh mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Salmonella, Shigella, Subtilis... Tính chất kháng sinh này khá bền vững, nhưng nếu đun sôi sẽ hết tác dụng.
6. Ớt ngọt (Ớt xanh Đà Lạt)
Nhờ chứa một lượng vitamin C có thể nói là cao kỷ lục: cứ 100g ớt có chứa hơn 120mg vitamin C, ớt ngọt luôn có vai trò quan trọng trong cung cấp vitamin cho món ăn, dù là khi để sống trộn với salát hay khi đã nấu chín (nấu chín có thể làm mất đi tới 60% lượng vitamin C). Thực tế, cứ 50 g ớt ngọt có khoảng 60mg vitamin C, tương đương với 75% lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày. Nếu ăn 200g ớt ngọt nấu chín có nghĩa là bạn đã hấp thu được một lượng hơn 200mg vitamin C, đảm bảo đủ vitamin cần thiết hàng ngày cho cơ thể.
Với cùng một lượng ớt, lượng vitamin A do loại rau này mang lại có thể từ 15 đến 50% tổng lượng nên dùng hàng ngày tùy theo ớt được ăn sống hay nấu chín (caroten trong ớt có thể đạt tới mức 3,5 mg/100g).
Vitamin C và vitamin A là những loại vitamin thuộc nhóm vitamin có lợi để chống lại quá trình ôxy hóa, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu công dụng của các loại vitamin này trong chế độ dinh dưỡng về vai trò bảo vệ và phòng bệnh cho cơ thể (chống lại quá trình lão hóa sớm của tế bào, nguy cơ ung thư hoặc mắc các bệnh tim mạch).
Theo: bacsi
Bookmarks